XỬ LÝ XÂM PHẠM QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP ĐỐI VỚI CHỈ DẪN ĐỊA LÝ BẰNG BIỆN PHÁP KIỂM SOÁT HÀNG HÓA XUẤT, NHẬP KHẨU

Một phần của tài liệu Xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý theo pháp luật Việt Nam (Trang 63)

DẪN ĐỊA LÝ BẰNG BIỆN PHÁP KIỂM SOÁT HÀNG HÓA XUẤT, NHẬP KHẨU LIÊN QUAN ĐẾN SỞ HỮU TRÍ TUỆ

Nhằm tăng cường biện pháp bảo vệ quyền sở hữu của chủ sở hữu, pháp luật Việt Nam không chỉ đưa ra các biện pháp xử lý hành chính, dân sự, hình sự mà còn quy định biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất, nhập khẩu để xử lý, ngăn ngừa và hạn chế các hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý, tạo ra một cơ chế bảo vệ an toàn cho chủ sở hữu, người tiêu dùng trong xã hội. Đây là một biện pháp nhằm khống chế hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ nhập khẩu vào Việt Nam và xuất khẩu ra ngoài lãnh thổ Việt Nam.

* Quyền yêu cầu kiểm soát hàng hóa xuất, nhập khẩu liên quan đến quyền đối với chỉ dẫn địa lý

Chủ thể quyền đối với chỉ dẫn địa lý (người sử dụng hợp pháp, tổ chức đại diện cho những người này để quản lý chỉ dẫn địa lý, cơ quan quản lý hành chính địa phương nơi có chỉ dẫn địa lý) có quyền trực tiếp hoặc thông qua người đại diện nộp đơn yêu cầu kiểm tra, giám sát để phát hiện hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có dấu hiệu xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý hoặc đơn đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bị nghi ngờ xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý.

* Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận đơn

Các cơ quan sau có quyền nhận, xử lý đơn yêu cầu áp dụng biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất, nhập khẩu khi chủ thể quyền đối với chỉ dẫn địa lý làm đơn yêu cầu:

- Chi cục Hải quan có thẩm quyền tiếp nhận đơn yêu cầu áp dụng biện pháp kiểm tra, giám sát hoặc tạm dừng làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu thuộc thẩm quyền quản lý của Chi cục Hải quan đó.

- Cục Hải quan tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thẩm quyền tiếp nhận đơn yêu cầu áp dụng biện pháp kiểm tra, giám sát hoặc tạm dừng làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu thuộc thẩm quyền quản lý của Cục Hải quan đó.

- Tổng cục Hải quan có thẩm quyền tiếp nhận đơn yêu cầu áp dụng biện pháp kiểm tra, giám sát hoặc tạm dừng làm thủ tục hải quan tại các cửa khẩu thuộc thẩm quyền quản lý của từ hai Cục Hải quan tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.

- Chủ thể quyền đối với chỉ dẫn địa lý cũng có thể thực hiện việc nộp đơn cho từng Chi cục Hải quan hoặc Cục Hải quan.

* Các biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất, nhập khẩu được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý

Điều 216 Luật Sở hữu trí tuệ quy định về các biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ. Theo đó hàng hóa xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý sẽ bị áp dụng các biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất, nhập khẩu sau:

- Tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa bị nghi ngờ xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý: Cơ quan có thẩm quyền sẽ ra quyết định tạm dừng là thủ tục hải quan đối với hàng hóa bị nghi ngờ là xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý. Đồng thời cơ quan có thẩm quyền thông báo cho chủ thể quyền đối với chỉ dẫn địa lý và chủ lô hàng về việc tạm dừng làm thủ tục

hải quan đối với lô hàng; nêu lý do và thời hạn tạm dừng làm thủ tục hải quan. Đây là biện pháp nhằm thu thập thông tin, chứng cứ về lô hàng để chủ thể quyền đối với chỉ dẫn địa lý thực hiện quyền yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền và yêu cầu áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính.

Thủ tục áp dụng biện pháp tạm dừng làm thủ tục hải quan: Khi người yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ quy định của Luật Sở hữu trí tuệ thì cơ quan hải quan ra quyết định tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với lô hàng.

Thời hạn tạm dừng làm thủ tục hải quan là mười ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định. Trong trường hợp người yêu cầu tạm dừng có lý do chính đáng thì thời hạn này có thể kéo dài, nhưng không được quá hai mươi ngày làm việc với điều kiện người yêu cầu tạm dừng thủ tục hải quan phải nộp thêm khoản bảo đảm quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.

Khi kết thúc thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này mà người yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan không khởi kiện dân sự và cơ quan hải quan không quyết định thụ lý vụ việc theo thủ tục xử lý vi phạm hành chính đối với người xuất khẩu, nhập khẩu lô hàng thì cơ quan hải quan có trách nhiệm sau đây: Tiếp tục làm thủ tục hải quan cho lô hàng; buộc người yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan phải bồi thường cho chủ lô hàng toàn bộ thiệt hại do yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan không đúng gây ra và phải thanh toán các chi phí lưu kho bãi, bảo quản hàng hóa và các chi phí phát sinh khác cho cơ quan hải quan và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan theo quy định của pháp luật về hải quan; hoàn trả cho người yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan khoản tiền bảo đảm còn lại sau khi đã thực hiện xong nghĩa vụ bồi thường và thanh toán các chi phí theo quy định.

- Kiểm tra, giám sát để phát hiện hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý: Đây là biện pháp được tiến hành theo đề nghị

của chủ thể quyền đối với chỉ dẫn địa lý nhằm thu thập thông tin để thực hiện quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính.

Khi phát hiện lô hàng có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, cơ quan hải quan phải thông báo ngay cho người đó. Trong thời hạn ba ngày làm việc kể từ ngày được thông báo, nếu người đề nghị không yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với lô hàng bị phát hiện và cơ quan hải quan không quyết định xem xét việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính quy định của Luật Sở hữu trí tuệ thì cơ quan hải quan có trách nhiệm tiếp tục làm thủ tục hải quan cho lô hàng.

* Nghĩa vụ của người yêu cầu áp dụng biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất, nhập khẩu liên quan đến quyền đối với chỉ dẫn địa lý

Điều 217 Luật Sở hữu trí tuệ quy định về nghĩa vụ của người yêu cầu áp dụng biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất, nhập khẩu liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ. Theo đó nghĩa vụ của người yêu cầu áp dụng biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất, nhập khẩu liên quan đến quyền đối với chỉ dẫn địa lý sau:

- Chứng minh mình là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ bằng các tài liệu, chứng cứ theo quy định Luật Sở hữu trí tuệ;

- Cung cấp đầy đủ thông tin để xác định hàng hóa bị nghi ngờ xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý hoặc để phát hiện hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm quyền quyền đối với chỉ dẫn địa lý;

- Nộp đơn cho cơ quan hải quan và nộp phí, lệ phí theo quy định của pháp luật;

- Bồi thường thiệt hại và thanh toán các chi phí phát sinh cho người bị áp dụng biện pháp kiểm soát trong trường hợp hàng hóa bị kiểm soát không xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý.

Để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trên, người yêu cầu áp dụng biện pháp tạm dừng làm thủ tục hải quan phải nộp khoản bảo đảm bằng một trong các hình thức sau đây:

- Khoản tiền bằng 20% giá trị lô hàng cần áp dụng biện pháp tạm dừng làm thủ tục hải quan hoặc tối thiểu hai mươi triệu đồng nếu không thể xác định được giá trị lô hàng đó;

- Chứng từ bảo lãnh của ngân hàng hoặc của tổ chức tín dụng khác. Với những phương thức xử lý hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý trên, pháp luật đã tạo ra một khung pháp lý khá phù hợp để bảo vệ quyền của chủ thể đối với chỉ dẫn địa lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng và xã hội. Tuy nhiên thực tế đặt ra cho chủ thể quyền đối với chỉ dẫn địa lý khi lựa chọn phương thức xử lý hành vi xâm phạm nào để bảo vệ quyền lợi của mình cũng rất khó khăn, phức tạp. Vấn đề này xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: Các quy định của pháp luật còn nhiều điểm chưa phù hợp; Thủ tục yêu cầu áp dụng các biện pháp xử lý phức tạp; việc thi hành án chậm; tâm lý ngại kiện tụng của người có quyền và lợi ích hợp pháp…

Chương 3

THỰC TRẠNG XỬ LÝ HÀNH VI XÂM PHẠM

QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP ĐỐI VỚI CHỈ DẪN ĐỊA LÝ VÀ KIẾN NGHỊ NHẰM HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT

Quyền sở hữu đối với chỉ dẫn địa lý được pháp luật Việt Nam ghi nhận và bảo hộ từ năm 2000 (Nghị định số 54/NĐ-CP ngày 3/10/2000). Nghị định số 54/NĐ-CP cũng là văn bản pháp luật đầu tiên quy định về vấn đề bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Tính đến thời điểm trước năm 2005 các đối tượng thuộc quyền sở hữu công nghiệp công nghiệp được quy định trong các văn bản khác nhau. Sự ra đời của Luật Sở hữu trí tuệ đã thống nhất các quy định về quyền sở hữu các đối tượng thuộc quyền sở hữu công nghiệp. Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 đã quy định các vấn đề liên quan đến bảo hộ quyền sở hữu đối chỉ dẫn địa lý. Từ các quy định trong Nghị định số 54/NĐ-CP đến các quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009, vấn đề bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý đã được thực thi và đạt hiệu quả trên thực tế, tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh. Đồng thời bảo vệ quyền sở hữu của chủ sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý, bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng. Tuy nhiên thực tế hiện nay chỉ dẫn địa lý của Việt Nam vẫn chưa thể hiện được giá trị kinh tế nổi bật trên thị trường. Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ chưa thực sự mang lại lợi ích kinh tế cao cho người sản xuất, kinh doanh. So với các chỉ dẫn địa lý của các nước trên thế giới thì chỉ dẫn địa lý của Việt Nam chưa gây dựng được danh tiếng, uy tín rộng rãi. Không những thế có một số chỉ dẫn địa lý là của Việt Nam nhưng đã bị các nhà sản xuất kinh doanh của nước ngoài sử dụng một cách công khai, phổ biến như: nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Ma Thuật. Vậy hành vi sử dụng chỉ dẫn địa lý này có được phép không? Tại sao lại có tình trạng này? Đây là những

vấn đề bất cập nổi lên trong thời gian qua về vấn đề bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam. Trên thực tế số lượng hàng hóa mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ lưu hành trên thị trường với số lượng ít nhưng số lượng hàng hóa xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý được lưu hành trên thị trường rất nhiều. Thậm chí gấp nhiều lần so với hàng hóa mang chỉ dẫn địa lý được pháp luật bảo hộ. Vấn đề bất cập này xuất phát từ thực trạng sau đây.

Một phần của tài liệu Xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý theo pháp luật Việt Nam (Trang 63)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(91 trang)