Quyền tự bảo vệ là quyền mà pháp luật cho phép chủ thể bị xâm phạm được sử dụng những biện pháp nhất định để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp
của mình. Hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý trước tiên sẽ làm phát sinh quan hệ giữa chủ thể quyền và người xâm phạm. Do đó người có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý có quyền tự bảo vệ bằng các biện pháp theo quy định của pháp luật bởi việc bảo vệ quyền này gắn liền với quyền lợi thiết thân của những người có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý. Bên cạnh đó những chủ thể bị thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý cũng có quyền tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 quy định rất cụ thể về quyền tự bảo vệ. Theo đó chủ thể có quyền áp dụng biện pháp tự bảo vệ bao gồm: Chủ thể quyền đối với chỉ dẫn địa lý (người sử dụng hợp pháp, tổ chức đại diện cho những người này để quản lý chỉ dẫn địa lý, cơ quan quản lý hành chính địa phương nơi có chỉ dẫn địa lý); tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý hoặc những người phát hiện ra hành vi xâm phạm gây thiệt hại cho người tiêu dùng và xã hội để bảo vệ lợi ích của chính mình và của xã hội; tổ chức, cá nhân bị thiệt hại hoặc có khả năng bị thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Chủ thể quyền sở hữu đối với chỉ dẫn địa lý có quyền áp dụng các biện pháp sau đây để bảo vệ quyền đối với chỉ dẫn địa lý của mình:
- Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Đây được coi là một biện pháp hữu hiệu nhất trong việc ngăn ngừa những hành vi xâm phạm. Những biện pháp công nghệ như: đưa các thông tin chỉ dẫn về căn cứ phát sinh, Văn bằng bảo hộ, chủ sở hữu, phạm vi, thời hạn bảo hộ và các thông tin khác về quyền sở hữu trí tuệ lên sản phẩm hoặc sử dụng phương tiện, biện pháp kỹ thuật để đánh dấu, nhận biết, phân biệt nhằm thông báo về việc sản phẩm này là đối tượng thuộc quyền sở hữu trí tuệ đang được bảo hộ, không được xâm phạm. Đồng thời việc áp dụng các biện pháp
công nghệ giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết được đâu là sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được pháp luật bảo hộ.
- Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại.
Chủ thể quyền đối với chỉ dẫn địa lý khi thấy có hành vi xâm phạm có quyền yêu cầu người thực hiện hành vi xâm phạm phải chấm dứt ngay hành vi xâm phạm, buộc phải xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại. Yêu cầu này được thực hiện bằng cách thông báo bằng văn bản cho người thực hiện hành vi xâm phạm. Trong văn bản thông báo phải có các thông tin chỉ dẫn về căn cứ phát sinh, văn bằng bảo hộ, phạm vi, thời hạn bảo hộ và phải ấn định một thời gian hợp lý để người thực hiện hành vi xâm phạm chấm dứt hành vi xâm phạm.
- Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Bên cạnh biện pháp Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại thì pháp luật còn cho phép chủ thể quyền đối với chỉ dẫn địa lý được yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên để việc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm được chấp thuận thì chủ thể quyền đối với chỉ dẫn địa lý phải thực hiện các quy định về đơn yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm, tài liệu, chứng cứ, hiện vật kèm theo đơn. Đây cũng là một quy trình hết sức phức tạp, đòi hỏi chủ thể quyền sở hữu phải thực hiện đầy đủ, chính xác.
Trình tự, thủ tục yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý được pháp luật quy định như sau:
Về đơn yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm: chủ thể quyền sở hữu đối với chỉ dẫn địa lý phải làm đơn yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm theo quy định tại điều 22 Nghị định số 105/2006/NĐ-CP. Đơn yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm phải có nội dung sau: Ngày, tháng, năm làm đơn yêu cầu; tên, địa chỉ của người yêu cầu xử lý xâm phạm; họ tên người đại diện, nếu yêu cầu được thực hiện thông qua người đại diện; tên cơ quan nhận đơn yêu cầu; tên, địa chỉ của người xâm phạm; tên, địa chỉ của người bị nghi ngờ là người xâm phạm trong trường hợp yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bị nghi ngờ xâm phạm; tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân có quyền, lợi ích liên quan (nếu có); tên, địa chỉ của người làm chứng (nếu có); thông tin tóm tắt về quyền sở hữu trí tuệ bị xâm phạm: loại quyền, căn cứ phát sinh quyền, tóm tắt về đối tượng quyền; thông tin tóm tắt về hành vi xâm phạm: ngày, tháng, năm và nơi xảy ra xâm phạm, mô tả vắn tắt về sản phẩm xâm phạm, hành vi xâm phạm và các thông tin khác (nếu có). Đối với đơn đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bị nghi ngờ xâm phạm thì cần có thêm thông tin về cách thức xuất khẩu, nhập khẩu, nước xuất khẩu, cách thức đóng gói, người xuất khẩu, nhập khẩu hợp pháp, đặc điểm phân biệt hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu hợp pháp với hàng hóa xâm phạm; nguy cơ xảy ra các tình huống cần áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt và các thông tin khác (nếu có); nội dung yêu cầu áp dụng biện pháp xử lý xâm phạm; danh mục các tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn; chữ ký của người làm đơn và đóng dấu (nếu có).
Về tài liệu, chứng cứ, hiện vật kèm theo đơn yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm. Người yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm phải gửi theo đơn yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm những tài liệu, chứng cứ hiện vật theo quy định tại §iều 23 Nghị định số 105/2006/NĐ-CP: Chứng cứ chứng minh là chủ thể quyền, nếu người yêu cầu là chủ sở hữu hoặc người được chuyển giao, được thừa kế, kế thừa quyền sở hữu trí tuệ; chứng cứ chứng minh hành vi xâm
phạm đã xảy ra; chứng cứ nghi ngờ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bị nghi ngờ xâm phạm (đối với đơn đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bị nghi ngờ xâm phạm); bản sao Thông báo của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ gửi cho người xâm phạm, trong đó đã ấn định thời hạn hợp lý để người xâm phạm chấm dứt hành vi xâm phạm và chứng cứ chứng minh người xâm phạm không chấm dứt hành vi xâm phạm trong trường hợp nộp đơn yêu cầu xử lý xâm phạm theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 211 của Luật Sở hữu trí tuệ; chứng cứ về thiệt hại do sản phẩm xâm phạm gây ra cho người tiêu dùng hoặc cho xã hội, bao gồm lương thực, thực phẩm, thuốc phòng bệnh và chữa bệnh, thức ăn dùng cho chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi và môi trường trong trường hợp nộp đơn yêu cầu xử lý xâm phạm theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 211 của Luật Sở hữu trí tuệ; chứng cứ và hiện vật về hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ hoặc sản phẩm, bộ phận sản phẩm, đề can, nhãn, mác, bao bì hàng hóa, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ; tài liệu chứng minh hành vi giao việc, đặt hàng, sản xuất, kinh doanh sản phẩm, bộ phận sản phẩm, đề can, nhãn, mác, bao bì hàng hóa, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện để sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ trong trường hợp nộp đơn yêu cầu xử lý xâm phạm theo quy định tại điểm c, điểm d khoản 1 Điều 211 của Luật Sở hữu trí tuệ; chứng cứ chứng minh yêu cầu áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo đảm xử phạt (nếu đồng thời yêu cầu áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo đảm xử phạt).
Trong trường hợp yêu cầu xử lý xâm phạm được thực hiện thông qua người đại diện theo ủy quyền thì phải kèm theo giấy ủy quyền hoặc hợp đồng ủy quyền có công chứng hoặc có xác nhận của chính quyền địa phương; nếu thông qua người đại diện theo pháp luật thì phải kèm theo giấy tờ chứng minh tư cách của người đại diện theo pháp luật.
Khi đã có đơn và các tài liệu, chứng cứ, hiện vật kèm theo đơn yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm thì người yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm phải nộp cho cơ quan có thẩm quyền xử lý xâm phạm theo quy định của pháp luật.
Theo biện pháp này thì chủ thể quyền đối với chỉ dẫn địa lý có điều kiện chủ động, kịp thời tiến hành các biện pháp pháp lý cần thiết ngay khi phát hiện ra hành vi xâm phạm để bảo vệ lợi ích của mình. Hơn nữa do hầu như không phải tuân theo bất kỳ một trình tự, thủ tục pháp lý nào nên biện pháp này tạo điều kiện cho các bên chủ thể có thể thương lượng, hòa giải, thỏa thuận với nhau để giải quyết tranh chấp phù hợp với các quy định của pháp luật. Mặt khác biện pháp này còn giúp các bên tiết kiệm thời gian, chi phí cho việc giải quyết tranh chấp.
Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 đã ghi nhận về quyền tự bảo vệ là một điểm mới và rất quan trọng. Quy định này xuất phát từ nguyên tắc tôn trọng, bảo vệ quyền dân sự được ghi nhận trong Bộ luật dân sự năm 2005. Đây là nguyên tắc đề cao quyền quyết định của chủ thể quyền dân sự. Pháp luật trao quyền cho chủ thể quyền dân sự được tự mình dùng các biện pháp mà pháp luật cho phép để kịp thời ngăn chặn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước hành vi xâm phạm. Tuy nhiên quy định về quyền tự bảo vệ vẫn còn những tồn tại bất cập cần giải quyết. Luật Sở hữu trí tuệ quy định các biện pháp mà chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có thể sử dụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì còn có những biện pháp chưa thực sự phù hợp. Ví dụ như biện pháp "Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại". Trong quy định này pháp luật chưa đề ra chế tài để giúp yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ được người thực hiện hành vi xâm phạm thực hiện. Trên thực tế chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có áp dụng biện pháp này thì cũng chỉ chờ đợi vào sự thiện chí của người thực hiện hành vi xâm phạm xem họ có thực hiện yêu cầu của mình không chứ không có cách nào buộc họ phải thực hiện yêu cầu đó.
Ngoài ra, không phải tất cả biện pháp quy định tại Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ đều là biện pháp thuộc quyền tự bảo vệ. Quyền tự bảo vệ là quyền do chủ thể quyền đối với chỉ dẫn địa lý tự mình thực hiện các biện pháp theo quy định để ngăn chặn và chống lại hành vi xâm phạm mà không cần tuân theo một trình tự, thủ tục bắt buộc nào. Do đó chỉ có các biện pháp quy định tại Điểm a, b Điều 198 là biện pháp thể hiện đầy đủ tính chất của quyền tự bảo vệ. Còn biện pháp quy định tại Điểm c, b Khoản 1 Điều 198 không phải là biện pháp thuộc quyền tự bảo vệ. Đây là các biện pháp không phải do chủ thể quyền đối với chỉ dẫn địa lý tự mình thực hiện mà do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thông qua các trình tự, thủ tục bắt buộc theo quy định của pháp luật. Vậy pháp luật quy định các biện pháp này thuộc quyền tự bảo vệ là chưa đúng với bản chất của quyền tự bảo vệ.