DẪN ĐỊA LÝ BẰNG BIỆN PHÁP HÀNH CHÍNH
Xử lý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý bằng biện pháp hành chính là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền sử dụng các hình thức xử phạt hành chính và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật để áp dụng với người thực hiện hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý.
Khác với phương thức xử lý hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý bằng biện pháp dân sự là đề cao quyền và nghĩa vụ của hai bên đương sự. Cho phép bên có quyền đối với chỉ dẫn địa lý được yêu cầu áp dụng các biện pháp dân sự đối với bên có nghĩa vụ thực hiện. Phương thức xử lý hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý bằng biện pháp hành chính sẽ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp hành chính đối với người có nghĩa vụ phải thực hiện. Biện pháp hành chính mang tính chất mênh lệnh, quyền uy nên đây là biện pháp được sử dụng phổ biến và hiệu quả trong việc xử lý hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý.
* Những điều kiện cơ bản để áp dụng bằng biện pháp hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý, gồm:
- Có quy định pháp luật về hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý. Nói cách khác cần có căn cứ pháp lý để áp dụng biện pháp hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền.
- Có cơ quan hoặc người được trao thẩm quyền tiến hành biện pháp xử lý hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý. Đồng thời, người có thẩm quyền xử lý phải được trang bị kiến thức chuyên môn và/hoặc có sự hỗ trợ kịp thời và đầy đủ về mặt chuyên môn để có đủ khả năng xác định hành vi xâm phạm và áp dụng biện pháp xử lý phù hợp đối với hành vi xâm phạm.
- Có thủ tục cho phép chủ thể quyền yêu cầu cơ quan thực thi áp dụng biện pháp hành chính đối với hành vi xâm phạm; cho phép người có thẩm quyền chủ động phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về quyền đối với chỉ dẫn địa lý trong quá trình thực hiện chức năng quản lý của mình; cho phép công dân tố cáo và đề nghị xử lý hành vi xâm phạm quyền bằng biện pháp hành chính.
* Các hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý bị xử phạt hành chính
Khoản 27 Điều 1 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ quy định về những hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Theo dó những hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý bị xử phạt hành chính, gồm:
- Xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý gây thiệt hại cho chủ thể quyền đối với chỉ dẫn địa lý, người tiêu dùng hoặc cho xã hội: Những hành vi sử dụng chỉ dẫn địa lý trái phép không những gây thiệt hại cho chủ thể quyền đối với chỉ dẫn địa lý mà còn có thể làm cho người tiêu dùng nhầm lẫn về nguồn gốc, chất lượng hàng hoá. Từ đó sẽ gây thiệt hại cho người tiêu dùng khi mua phải sản phẩm không đúng xuất xứ, chất lượng như mong muốn. Việc thực hiện hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý còn tác động và ảnh hưởng lớn cho xã hội. Bởi các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý không được pháp luật bảo hộ khi lưu hành trên thị trường gây hỗn loạn thị trường, thật giả lẫn lộn ảnh hưởng đến quyền lợi của những người sản xuất, kinh doanh.
Quy định này đã sửa đổi bổ sung thêm đối tượng bị thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra đó là chủ thể quyền đối với chỉ dẫn địa lý. Đây là quy định hoàn toàn phù hợp và khắc phục được thiếu sót quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005. Bởi đây là một đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề, trực tiếp và nghiêm trọng nhất do hành vi xâm phạm gây ra.
- Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán hàng hóa giả mạo về chỉ dẫn địa lý hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này: Hàng hóa giả mạo
được quy định tại Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ. Đây là những hành vi buôn bán, sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển hàng giả mạo về chỉ dẫn địa lý chưa đến mức bị xử lý bằng biện pháp hình sự. Những hành vi này đã trực tiếp hoặc gián tiếp đưa hàng hóa giả mạo ra lưu hành trên thị trường, gây hỗn loạn thị trường hàng hóa không chỉ ảnh hưởng đến chủ thể quyền đối với chỉ dẫn địa lý, người tiêu dùng mà còn làm ảnh hưởng trật tự công cộng, xâm phạm các quy tắc quản lý của Nhà nước. Những hành vi này cần phải áp dụng các quy phạm pháp luật hành chính để xử lý nhằm thiết lập trật tự nghiêm minh trên thị trường.
- Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ tem, nhãn hoặc vật phẩm khác mang chỉ dẫn địa lý giả mạo hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này. Đây là những hành vi sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ liên quan đến tem, nhãn mang chỉ dẫn địa lý giả mạo nhằm mục đích gắn lên hàng hóa không mang chỉ dẫn địa lý được pháp luật bảo hộ để đánh lừa người tiêu dùng. Đây là hành vi xâm phạm rất phổ biến và bị áp dụng xử phạt hành chính rất nhiều trên thực tế.
So với quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 211 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 thì quy định tại Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ phù hợp, hoàn chỉnh hơn. Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ quy định hành vi sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ tem, nhãn hoặc vật phẩm khác mang chỉ dẫn địa lý giả mạo sẽ bị xử lý bằng biện pháp hành chính.
Trên đây là những hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý bị xử phạt bằng biện pháp hành chính.
* Các hình thức xử lý hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý bằng biện pháp hành chính
- Hình thức xử phạt chính: Theo quy định tại Khoản 28 Điều 1 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ quy định các hình thức xử phạt chính, gồm:
+ Cảnh cáo: Cảnh cáo được áp dụng là hình phạt chính đối với hành vi xâm quyền đối với chỉ dẫn địa lý.
Cảnh cáo được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ và theo quy định thì bị áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo hoặc đối với mọi hành vi vi phạm hành chính do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện. Cảnh cáo được quyết định bằng văn bản.
Cảnh cáo chỉ được áp dụng là hình phạt chính, không được áp dụng là hình phạt bổ sung. Đây là hình thức xử phạt hành chính áp dụng đối với hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý không nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ hoặc đối với mọi hành vi vi phạm hành chính do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện.
+ Phạt tiền: Phạt tiền cũng là hình phạt chính đối với người thực hiện hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý.
Phạt tiền là việc cơ quan nhà nước thẩm quyền dựa trên mức độ nghiêm trọng của hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý có thể đưa ra một số tiền nhất định buộc người thực hiện hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý phải thực hiện. Phạt tiền cũng chỉ được áp dụng là hình phạt chính, không được áp dụng là hình phạt bổ sung.
Mức phạt tiền theo quy định của pháp luật là: Mức tối đa không quá năm trăm triệu đồng.
Cách xác định giá trị hàng hóa:
Hàng hóa vi phạm: Hàng hóa vi phạm theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ là phần (bộ phận, chi tiết) của sản phẩm có chứa yếu tố xâm phạm có thể lưu hành như một sản phẩm độc lập (gọi là hàng hóa xâm phạm); trường hợp không thể tách rời yếu tố xâm phạm thành phần sản phẩm độc lập theo quy định thì hàng hóa xâm phạm là toàn bộ sản phẩm chứa yếu tố xâm phạm.
Giá trị hàng hóa xâm phạm: Giá trị hàng hóa xâm phạm theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ do cơ quan xử lý xâm phạm xác định tại thời điểm xảy ra hành vi xâm phạm, dựa trên các căn cứ theo thứ tự ưu tiên sau đây: Giá niêm yết của hàng hóa xâm phạm; giá thực bán của hàng hóa xâm phạm; giá thành của hàng hóa xâm phạm (nếu chưa được xuất bán); giá thị trường của hàng hóa tương đương có cùng chỉ tiêu kỹ thuật, chất lượng.
Trường hợp việc áp dụng các căn cứ xác định giá trị hàng hóa theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ không phù hợp hoặc giữa cơ quan xử lý xâm phạm và cơ quan tài chính cùng cấp không thống nhất về việc xác định giá trị hàng hóa xâm phạm thì việc định giá do hội đồng xác định giá trị hàng hóa xâm phạm quyết định.
Việc thành lập, thành phần, nguyên tắc làm việc của hội đồng xác định giá trị hàng hóa xâm phạm thực hiện theo quy định của pháp luật.
Hình thức xử phạt bổ sung:
Hình thức xử phạt bổ sung đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được quy định tại Khoản 28 Điều 1 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Theo đó hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau:
+ Tịch thu hàng hóa giả mạo về quyền đối với chỉ dẫn địa lý, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo về quyền đối với chỉ dẫn địa lý;
+ Đình chỉ có thời hạn hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đã xảy ra vi phạm.
Pháp luật quy định các hình phạt bổ sung nhằm khống chế, ngăn ngừa một cách hiệu quả, triệt để hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý. Đồng thời răn đe, giáo dục nghiêm khắc để người thực hiện hành vi xâm phạm không còn cơ hội để tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm.
- Các biện pháp khắc phục hậu quả: Tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý có thể bị áp dụng một hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả sau:
+ Buộc tiêu hủy hoặc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa giả mạo về quyền đối với chỉ dẫn địa lý, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo về quyền đối với chỉ dẫn địa lý với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền đối với chỉ dẫn địa lý.
+ Buộc tiêu hủy: Biện pháp buộc tiêu hủy hàng hóa giả mạo về quyền đối với chỉ dẫn địa lý, hàng hóa xâm phạm, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa đó được áp dụng trong trường hợp không hội đủ các điều kiện để áp dụng biện pháp buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.
+ Buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại. Biện pháp khắc phục hậu quả này được áp dụng khi có các điều kiện sau: Hàng hóa có giá trị sử dụng; yếu tố xâm phạm đã được loại bỏ khỏi hàng hóa; việc phân phối, sử dụng không nhằm thu lợi nhuận và không ảnh hưởng một cách bất hợp lý tới việc khai thác bình thường quyền của chủ thể quyền đối với chỉ dẫn địa lý, trong đó ưu tiên mục đích nhân đạo, từ thiện hoặc phục vụ lợi ích xã hội; người được phân phối, tiếp nhận để sử dụng không phải là khách hàng tiềm năng của chủ thể quyền đối với chỉ dẫn địa lý.
+ Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam đối với hàng hóa quá cảnh xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý hoặc buộc tái xuất đối với hàng hóa giả mạo về quyền đối với chỉ dẫn địa lý, phương tiện, nguyên liệu, vật liệu nhập
khẩu được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo về quyền đối với chỉ dẫn địa lý sau khi đã loại bỏ các yếu tố vi phạm trên hàng hóa.
* Các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính
- Các trường hợp tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính:
Hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý có nguy cơ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho người tiêu dùng hoặc cho xã hội;
Tang vật vi phạm có nguy cơ bị tẩu tán hoặc cá nhân, tổ chức vi phạm có biểu hiện trốn tránh trách nhiệm;
Nhằm bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. - Biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính được áp dụng theo thủ tục hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý, gồm:
Tạm giữ người;
Tạm giữ hàng hóa, tang vật, phương tiện vi phạm; Khám người;
Khám phương tiện vận tải, đồ vật; khám nơi cất giấu hàng hóa, tang vật, phương tiện vi phạm về quyền đối với chỉ dẫn địa lý;
Các biện pháp ngăn chặn hành chính khác theo quy định của pháp luật về xử l ý vi phạm hành chính.
Xử lý hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý bằng biện pháp hành chính đã tạo ra một khung pháp lý phù hợp để giúp giữ gìn trật tự trong xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền đối với chỉ dẫn địa lý, bảo vệ người tiêu dùng tránh mua phải sản phẩm xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý. Đặc biệt là vấn đề bảo vệ uy tín, danh tiếng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được pháp luật bảo hộ.