Ta đã biết khả năng biến đổi (70+ cách khác nhau) từ câu này sang câu khác của mỗi câu nhạc, vậy cách thức biến đổi thì như thế nào? Như nhạc sĩ Phạm Duy "bật mí", việc chuyển câu này cũng không khó hiểu cho lắm. Theo ông, trước hết ta bắt đầu bằng một nhạc đề với tiết tấu và quãng nhảy nhất định, rồi khi viết sang câu kế ta chỉ cần đổi sang một dạng thể khác trên hoặc dưới dạng thể đó, (hoặc giữ nguyên cũng được, nếu câu kế chứa đủ nốt phải tịnh
tiến) rồi chuyển dịch câu nhạc theo đúng thứ tự đó. Giữa các đoạn nhạc thì ta thay đổi tiết tấu, nhạc đề, ngũ cung, v.v. Vậy ít ra ta sẽ có một bản nhạc, hay dở chưa biết, nhưng theo đúng cách phát triển nhạc theo thang âm ngũ cung. (Xem [3] để hiểu nhạc sĩđã chọn ngũ cung nào.)
Trong nửa đầu đoạn A, 4 trong 5 nốt của thể #1 ngũ cung Re Mi Sol La Si (G/Em) được dùng rất nhiều, theo một cấu trúc phát triển rất logic: re sol sol sol, sol mi sol re; re la la la, la re la sol. Trước kia, tôi không hiểu tại sao nhạc sĩ lại bắt đầu từ re, và dùng sol và la như vậy. Hoặc tại sao ông bắt đầu câu 1 "còn đâu" với re sol rồi trong câu 2 chuyển lên một "còn đâu" khác re la thay vì bắt đầu với re si rồi lên re do? Nay, tôi đã có câu trả lời, là nhạc sĩ sáng tác nhạc theo âm giai ngũ cung.
Ở nửa sau đoạn A, nhạc sĩ dùng nét nhạc tương tự như nửa đoạn đầu, nhưng lần này ông dùng dạng đảo #3 Sol La Si Re Mi để viết câu nhạc. Cuối cùng ông cho vào nốt Mi giáng không có trong ngũ cung, làm cho bài nhạc mang âm hưởng buồn của nhạc tây phương. (Lưu ý thêm, nốt do gần cuối câu cũng không có trong ngũ cung, nhưng vì nó rơi vào nhịp yếu (nhịp thứ ba), nên ta có thể coi đây là một nốt tạm, được sử dụng để câu nhạc tiến tới nốt re cao.)
Kế tiếp, trong đoạn B ta thấy nhạc sĩ dùng thể đảo #3 của ngũ cung G/Em là Sol La Si Re Mi để viết câu si re re re, si re mi re si. Sau đó ông chuyển qua
thể #1: Re Mi Sol la Si và giữ nguyên cấu trúc câu "re mi re" chuyển thành "la si la." Câu cuối cũng sử dụng 4 nốt trong thể #1 như vậy và nâng giai điệu lên "sol mi re sol ti."