Cuối năm 2009, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng nhà nước về điều chỉnh cơ cấu tín dụng, các ngân hàng thương mại tập trung vốn vay cho sản xuất kinh doanh và điều chỉnh kế hoạch tăng trưởng tín dụng phù hợp với quy mô vốn huy động. Cho vay tiêu dùng là mảng tín dụng mà nhiều ngân hang thương mại trong nước “giảm phanh” trước tiên do chi phí quản lý của ngân hàng đối với một món
vay tiêu dùng khá cao tương đương với chi phí cho doanh nghiệp vay một món lớn để sản xuất kinh doanh, trong khi nguồn lợi nhuận đem về cho ngân hàng từ cho vay tiêu dùng không bằng cho vay sản xuất kinh doanh và rủi ro với cho vay tiêu dùng cũng cao hơn.
Điều này khiến cho hầu hết các ngân hàng trong nước siết lại tín dụng cho vay tiêu dùng thì ngược lại, các ngân hàng nước ngoài lại tin tưởng vào mảng kinh doanh này và tiếp tục đẩy mạnh cho vay tiêu dùng. Bước vào cuộc đua cho vay tiêu dùng cá nhân không chỉ có HSBC, Standard Chartered Bank. Ngân hàng Standard Chartered đẩy mạnh khoản cho vay tiêu dùng cá nhân cho phép khách hàng tiếp cận khoản vay trong vòng 24h, giảm thiểu tối đa mọi thủ tục giấy tờ với phương thức khấu trừ tiền lương thông qua công ty, hoặc khấu trừ vào tài khoản lương của ngân hàng.
Đến đầu năm 2010, mặc dù các ngân hàng vẫn triển khai cho vay tiêu dùng, nhưng do hệ quả của những rủi ro xuất phát từ cho vay tiêu dùng, các ngân hàng không chỉ nâng điều kiện cho vay, hạn chế đối tượng được vay mà còn đẩy lãi suất cho vay tiêu dùng lên khá cao, phổ biến ở mức 16% - 21%, thậm chí một số công ty tài chính có điều kiện cho vay thông thoáng hơn thì lãi suất lên tới 30% và không phải khách hàng nào cũng đủ điều kiện tiếp cận vốn.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn được đăng tải trên VNEconomy, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết: “cho vay tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2010 có dư nợ là 122 nghìn tỷ đồng, so với đầu năm thì không tăng”. Để giải thích cho điều này, có thể xét đến một số nguyên nhân chính sau:
Thứ nhất, những tháng đầu năm 2010, khó khăn thanh khoản là vấn đề nổi bật. Tăng trưởng tín dụng chung của hệ thống liên tục ở mức thấp, hoạt động cho vay tiêu dùng theo đó cũng cầm chừng. Khó khăn này chỉ bắt đầu giảm bớt từ sau Tết Nguyên đán.
Thứ hai, những tháng đầu năm, cơ chế trần lãi suất cho vay là một rào cản đối với cho vay tiêu dùng. Ở thời điểm này, lãi suất cho vay VND tối đa là
12% nhưng nhiều ngân hàng “lách” bằng hình thức thu phí, gián tiếp đẩy lãi suất lên tới 18% - 19%. Lãi suất cao là nguyên nhân nổi bật nhất hạn chế khả năng tiếp cận vốn ngân hàng của người tiêu dùng.
Thứ ba, theo giải thích của Thống đốc Nguyễn Văn Giàu thì một lý do cho vay tiêu dùng không tăng là tiền gửi dân cư đã tăng 17%, nhiều người hạn chế tiêu dùng.
Thứ tư, theo phản ánh của một số ngân hàng thương mại, việc gọi vốn trung và dài hạn thời gian này gặp nhiều khó khăn, trong khi chiếm một tỷ trọng lớn trong cho vay tiêu dùng là cho vay trung và dài hạn. Khảo sát tại một số ngân hàng cho thấy, chiếm tỷ trọng từ 40% - 50% là vay vốn mua nhà, xây nhà – những khoản thường có kỳ hạn trên 2 năm. Trong khi đó, từ 1/1/2010, các ngân hàng thương mại bắt đầu thực hiện chính sách mới, giảm mức tối đa nguồn vốn ngắn hạn dùng cho vay trung hạn và dài hạn từ 40% xuống còn 30%.
Tổng dư nợ tín dụng 6 tháng đầu năm 2010 tăng 10,52%, và để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm 2010 là tăng 60% so với năm trước thì nhiều ngân hàng đẩy mạnh việc cho vay tới các daonh nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên và cho vay tiêu dùng.
Chẳng hạn, nhiều ngân hàng như SeaBank, ACB, Techcombank,
ABBANK đã đẩy mạnh cho vay tiêu dùng với những chính sách ưu đãi như miễn lãi suất tháng đầu tiên, cho vay mua nhà tới 90% số tiền… Lãi suất cho vay tiêu dùng dao động ở mức 14% - 16,5%/năm và được điều chỉnh 3 tháng/lần. Các ngân hàng cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng dư nợ cả năm 25% là điều không dễ, đặc biệt khi tỷ lệ an toàn vốn phải nâng lên 9% kể từ này 1/10/2010.
Trước áp lực tăng trưởng dư nợ để hoàn thành mục tiêu tín dụng đề ra, các ngân hàng đã đưa ra nhiều chính sách mới trong hoạt động cho vay tiêu dùng, thậm chí còn đưa ra giải pháp giảm lãi suất để tăng tín dụng.
Chẳng hạn như Ngân hàng Phương Tây (Western Bank) từ ngày 26-10 đã tung chương trình ưu đãi lớn dành cho sản phẩm vay tiêu dùng. Theo đó, các
khách hàng có nhu cầu tiêu dùng trong đời sống: vay mua nhà/đất, vay sửa chữa, xây dựng nhà, tiêu dùng khác, kể cả vay tiêu dùng nông thôn có thế chấp bằng bất động sản sẽ nhận được các ưu đãi lớn và hấp dẫn với lãi suất cho vay chỉ với 1%/ tháng, tỉ lệ cho vay trên tài sản đảm bảo đến 75% giá trị tài sản, thủ tục đơn giản… Với mức lãi vay trên thì khách hàng vay tiêu dùng chỉ chịu lãi suất 12%/năm.
Ngân hàng Đông Nam Á đưa ra sản phẩm cho vay tiêu dùng với hạn mức tối đa lên đến 5 tỷ VND và thời hạn 10 năm. Thậm chí, khách hàng có thể vay một lần và sử dụng với nhiều mục đích khác nhau như: xây nhà, mua xe, mua sắm nên vay làm nhiều lần hoặc nhiều nơi.
Trong khi đó, ngân hàng ACB đưa ra chương trình cho vay tín chấp, hỗ trợ cho khách hàng cá nhân số tiền vay lên đến 300 triệu đồng và giải ngân nhanh chóng trong vòn 48 giờ. Sản phẩm này của ACB dành cho khách hàng là cán bộ nhân viên của các doanh nghiệp, tổ chức có thu nhập ổn định, với thời hạn cho vay kéo dài đến 60 tháng.
Còn HD Bank triển khai sản phẩm “ứng trước tài khoản cá nhân”, cho phép khách hàng có thu nhập từ 3 triệu đồng trở lên được sử dụng vượt số tiền có trong tài khoản lên đến 500 triệu đồng.
Ngân hàng DaiA Bank tăng cường liên kết với các đối tác để đẩy mạnh cho vay khách hàng cá nhân mua căn hộ trả góp. DaiA Bank cam kết cho vay 70% giá trị căn hộ, thời hạn lên đến 15 năm.
Ngân hàng ANZ còn khuyến mãi “vay mua nhà, trúng tivi LCD”. Tuy nhiên, dù triển khai rầm rộ và nhiều ưu đãi, nhưng theo chính các ngân hàng, tăng trưởng cho vay tiêu dùng là rất khó khăn do nhu cầu chi tiêu của khách hàng còn dè dặt trước bối cảnh thị trường khó khăn nên các cá nhân không mặn mà với việc vay tiền để mua sắm để rồi chịu sức ép lớn về trả nợ hàng tháng.