Trường phái khoa học quản lý (hay cách tiếp cận định lượng)

Một phần của tài liệu Bài giảng môn khoa học quản lý: Sự phát triển của các tư duy quản lý (Trang 26)

b. Herbert Simon: Lý thuyết hành

2.4.1.Trường phái khoa học quản lý (hay cách tiếp cận định lượng)

Nói chung trường phái này quan tâm đến các yếu tố kinh tế và kĩ thuật trong quản lý hơn là các yếu tố tâm lý xã hội, và nhấn mạnh đến các phương pháp khoa

học trong việc giải quyết các vấn đề quản lý, lượng hóa các yếu tố liên quan bằng cách áp dụng phương pháp toán học và thống kê.

Cách tiếp cận này sử dụng mô hình toán học, mô hình thống kê để giải quyết các bài toán trong quản lý và nâng cao tính chính xác của các quyết định quản lý, như: lý thuyết trò chơi, áp dụng cho việc dự tính thời gian và giá cả; lý thuyết dự trữ, áp dụng vào lĩnh vực quản lý dự trữ và tính toán khối lượng dự trữ một cách kinh tế; lý thuyết xác suất, được áp dụng trong hầu hết các lĩnh vực; lý thuyết xếp hàng, áp dụng vào lĩnh vực quản lý dự trữ, quản lý giao thông, hệ thống trực điện thoại, lập biểu thời gian khám bệnh; lý thuyết chọn mẫu, áp dụng vào việc kiểm tra chất lượng, đơn giản hóa việc kiểm tra và thanh toán, quan sát người tiêu dùng và ưu tiên sản phẩm trong nghiên cứu, tiếp thị; lý thuyết mô phỏng, áp dụng vào việc đánh giá độ tin cậy của hệ thống, kế hoạch hóa lợi nhuận, quản lý dự trữ nhu cầu nhân lực; lý thuyết thống kê, áp dụng vào việc ước lượng các thông số trong những mô hình xác suất; tin học áp dụng trong quản lý các tổ chức nói chung...

Về sự đóng góp và hạn chế của trường phái khoa học quản lý, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, có thể được xem như là sự triển khai và phát triển các quan điểm của thuyết quản lý theo khoa học trước đây. Cũng giống như Taylor, các nhà khoa học quản lý đã nhấn mạnh đến các yếu tố khoa học khi phân tích các vấn đề quản lý và chủ trương sử dụng các công cụ toán học, điện tử và tin học để giải quyết vấn đề. Được áp dụng mạnh mẽ từ những năm 1950 trở đi, các kĩ thuật quản lý theo trường phái khoa học quản lý đã giúp giải quyết nhiều vấn đề quản lý trong các cơ quan chính quyền và cơ sở kinh doanh như xây dựng ngân sách tài chính, chương trình hóa sản xuất, phát triển chiến lược sản xuất, bố trí việc sử dụng tài nguyên, v.v...

Tuy chưa giải quyết được khía cạnh con người trong quản lý và còn nhiều hạn chế về quản lý nhân sự và lãnh đạo trong các tổ chức, nhưng trường phái khoa học quản lý đã đóng góp rất lớn vào việc nâng cao trình độ lập kế hoạch và kiểm tra trong hoạt động quản lý.

Hạn chế của trường phái khoa học quản lý là: Các khái niệm và kĩ thuật của nó tương đối khó hiểu đối với các nhà quản lý. Trong thực tế, chỉ có các chuyên gia được đào tạo trong lĩnh vực này mới có thể sử dụng để tham mưu cho nhà quản lý. Khi phải lựa chọn giữa nhiều ý kiến tham mưu khác nhau, nhà quản lý cũng không có đủ kiến thức chuyên môn để đánh giá. Chính vì thế nên sự phổ biến các lý thuyết này bị hạn chế.

Một phần của tài liệu Bài giảng môn khoa học quản lý: Sự phát triển của các tư duy quản lý (Trang 26)