Tín ngưỡng sùng nước và nghi lễ cầu mưa trong lễ hội

Một phần của tài liệu Khảo sát truyền thuyết và lễ hội Đinh Lê ở Ninh Bình (Trang 76)

6. Kết cấu

3.4.2.1. Tín ngưỡng sùng nước và nghi lễ cầu mưa trong lễ hội

Cũng giống như các lễ hội của cư dân nông nghiệp, lễ hội Đinh Lê không vượt ra ngoài hằng số của lịch sử văn hoá cổ truyền là nông nghiệp – nông thôn – nông dân. Đó là hình thức sinh hoạt văn hoá cộng đồng gắn liền với đời sống tinh thần của người làm nông nghiệp nên lễ hội Đinh Lê ngoài tôn vinh các anh hùng lịch sử, nó còn là lễ hội của nền văn minh nông nghiệp, của những lễ nghi và tín ngưỡng nông nghiệp. Khi đi sâu vào nghiên cứu tìm hiểu lễ hội Đinh Lê, ta thấy có rất nhiều lớp văn hoá chồng lên nhau, thể hiện qua các hình thức tín ngưỡng và nghi lễ nông nghiệp. Nổi bật nhất là phải kể đến nghi lễ sùng nước và cầu mưa. Lễ rước nước ở sông Hoàng Long và hội đua thuyền là minh chứng sinh động cho điều đó.

Từ xa xưa “nước” đã trở thành vật báu linh thiêng và cũng là vật đáng sợ trong tâm thức nhà nông. Cũng từ đó nghi lễ và tín ngưỡng cầu nước được nảy sinh làm cầu nối giữa con người với thần thánh lúc cần thiết. Chúng ta thường gặp lễ dìm cây bạch dương hay lễ phục sinh cầu nước của người Nga, lễ trói bồ tát cầu mưa thể hiện tính chất cương quyết mạnh mẽ của người Choang (Trung Quốc) khi muốn giành quyền chủ động điều tiết nguồn nước. Người Việt lại chọn một lối ứng xử khác, thân thiện và mềm dẻo hơn. Vì thế hầu như mọi lễ hội, kể cả tết cổ truyền với tư cách là lễ hội lớn nhất của một dân tộc, người ta luôn bắt gặp những nghi thức thờ nước hoặc những tục những trò liên quan đến tục thờ nước. Trong lễ hội Đinh Lê, tín ngưỡng sùng nước và nghi lễ cầu nước thể hiện đầu tiên ở nghi lễ rước nước. Trong lễ rước nước hình ảnh rồng vàng không chỉ gắn với huyền tích đã cứu Đinh Bộ Lĩnh thoát khỏi lửa hận của người chú mà rồng vàng còn biểu tượng cho môi trường sông nước, phổ biến hơn trong cuộc sống đương đại khi mà cuộc sống của con người càng ngày càng dần tiến về phía các dòng sông. Có thể nói con rồng là một biểu tượng có vị trí đặc biệt trong văn hoá, tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam và từng là biểu tượng linh thiêng liên quan đến truyền thuyết “Con rồng cháu tiên” của người Việt. Ở Phương Đông con rồng là biểu tượng của bản nguyên tính đực và sáng tạo, là sức mạnh của sự sống. Nguồn gốc sâu xa của biểu tượng này là do điều kiện tự nhiên (địa lý – khí hậu) và xã hội (lịch sử - tự nhiên) quy định. Môi trường sống của các cư dân Phương Đông là xứ nóng, mưa nhiều, tạo nên những vùng đồng bằng nằm trong lưu vực của các con sông lớn. Yếu tố nước là quan trọng với người Phương Đông. Vì vậy họ đã sáng tạo rồng với ý nghĩa đầu tiên là biểu tượng cho nước – sự phong đăng, mùa màng bội thu. Cả hai mặt hoạt động có lợi và phá hoại của nước đều được xem là do rồng thúc đẩy. Cũng chẳng có gì là lạ khi những vị thần đầu tiên trong tín ngưỡng xa xưa của phương Đông là những vị thần có liên quan đến nước. Mùa màng bội thu hay không là phụ thuộc vào nước. Do đó thần nước cũng chính là thần rồng. Đối với người Việt Nam, trong kí ức dân

gian thần mưa và thần nước mang hình hài một con rồng to thường xuyên ra biển Đông hút nước may vào đất liền tưới tắm cho đất đai. Rồng là nguồn nước tưới cho đồng ruộng tốt tươi và giúp nhà nông hình thành kinh nghiệm dân gian: Rồng đen lấy nước thì nắng. Rồng trắng lấy nước thì mưa.

Rồng trong các truyền thuyết thường là ở tình trạng bất động, là biểu tượng của vương quyền (rồng trong truyền thuyết Thăng Long). Nhưng một đôi khi rồng lại hiện ra trong tư thế hoạt động. Chẳng hạn kể về chuyện Đinh Bộ Lĩnh đánh nhau với người chú, sách Đại Việt sử kí toàn thư chép rằng khi ấy vua còn ít tuổi, binh thế chưa mạnh, thua chạy, khi qua cầu Đàm Gia Loan, cầu gãy bị sa xuống bùn, người chú muốn lấy giáo đâm, thấy có hai con rồng vàng che chở, sợ lùi lại. Hành động che chở cho vua từ thuở còn chưa lên ngôi dù đã ít nhiều thể hiện tính cách của rồng, song thực ra nó cũng chỉ là hành động phụ trong câu chuyện, mang tính dấu hiêu hơn là tính bộc lộ. Hình ảnh hai con rồng che chở cho Đinh Bộ Lĩnh chính là điềm báo về sự ra đời của một vương triều mới dưới sự trị vì của một ông vua mới. Hai con rồng ấy cũng là tiền đề cho sự xuất hiện của rồng ở Thăng Long ở cùng một mẫu tính cách.

Cùng với lễ rước nước, lễ đua thuyền cũng thể hiện tín ngưỡng sùng nước và cầu mưa của người dân đất Việt. Ở lễ hội Đinh Lê, trong khi đua thuyền, các tay chèo đã ra sức bổ mạnh xuống nước tạo vận tốc tối đa cho thuyền đua để giành chiến thắng cho đội mình, đồng thời đó cũng là sự chấn hưng lớn khiến sông nước phẳng lặng bình yên, bỗng dưng nổi sóng. Trên bờ tiếng chiêng, tiếng trống khuấy động một vùng trời như tiếng sấm sét làm thần linh cũng phải thức giấc. Những lá cờ phất dọc, phất ngang như tạo ra những trận gió lớn. Những mái chèo khuấy động một vùng sông nước, cùng muôn tiếng trống khua hoà hợp với tiếng nước bắn lên, tung tóe như sấm sét. Từ đó tạo ra khung cảnh cơn mưa xuất hiện. Như vậy trong tâm thức của nhân dân trong vùng, hội bơi trải không chỉ tạo ra không khí hồ hởi, hào hứng xóa đi những lo toan hiện thực, con người thực sự thăng hoa để chỉ còn cảm giác

được say sưa cùng mây trời sông nước mà hội bơi trải còn là mong muốn của người dân cố sức tác động đến thần linh, khuấy động long cung, đánh thức thuỷ thần dậy, để nghe lời cầu khẩn của cư dân nơi đây, từ đó điều hoà lượng nước hàng năm để nhân dân cày cấy thuận lợi, mưa thuận gió hoà, sinh sôi nảy nở. Nguồn nước như một phúc thần mang lại phúc lộc cho cả năm.

Liên quan đến lễ đua thuyền, ở Trường Yên ngoài lễ hội đua thuyền trên sông nước ở sông hang Luồn còn có một hình thức “đua thuyền” khác nhưng là bằng cách diễn lại tích đua thuyền bằng hoạt cảnh sân khấu do 10 người đóng thuỷ quân, với lối diễn xướng hát hò chèo thuyền, rất sôi động, hấp dẫn. Nơi diễn ra hoạt cảnh sân khấu nghệ thuật đó chính là Phủ Thong (nay thuộc xóm Thong Bái, xã Trường Yên). Ở đó có một ngôi đền thờ, xưa kia là dinh Thuỷ sư Đại Vương, nơi chỉ huy thuỷ quân thời nhà Đinh đóng quân (gọi là Phủ vừa có ý nghĩa như phủ vừa có ý nghĩa là nơi thờ tự, lại vừa có ý nghĩa như Phủ Vật, Phủ Tùng Sẻo, Phủ Quần Ngựa…). Năm nào ở Phủ Thong cũng mở hội tế, rước vào ngày mồng 2 tháng Chạp, là ngày kị của đức Thủy sư.

Một phần của tài liệu Khảo sát truyền thuyết và lễ hội Đinh Lê ở Ninh Bình (Trang 76)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(111 trang)