Motif giấc mơ, điềm báo

Một phần của tài liệu Khảo sát truyền thuyết và lễ hội Đinh Lê ở Ninh Bình (Trang 49)

6. Kết cấu

2.2.2. Motif giấc mơ, điềm báo

Tính thiêng được thể hiện ở giấc mơ, điềm báo. Motif giấc mơ điềm báo đã mang chứa trong lòng mình lớp nghĩa của chiêm mộng với tư cách là một biểu tượng văn hoá của nhân loại. Theo sự phân chia của các nhà ngoại cảm, phân tâm học, dân tộc học thì dạng giấc mơ, điềm báo trong truyền thuyết được coi là “chiêm mộng” có tính chất tiên tri, có nguồn gốc là sức mạnh từ trên trời. Motif này được sử dụng để khẳng định sự xuất hiện của người anh hùng mà cả dân tộc đang đợi và kì vọng. vì thế, motif giấc mơ được sử dụng khá rộng rãi trong truyền thuyết, chẳng hạn nó hay xuất hiện trước một trận chiến đấu gay go chống giặc ngoại xâm, khi ốm đau, dịch bệnh, khi gặp hạn hán cầu mưa… thì đều được báo mộng sẽ có sự giúp đỡ của thần linh. Giấc mộng báo hiệu người tài lặp lại rất nhiều trong Truyền thuyết Đinh Lê, như báo cho Trần Minh Công biết sự xuất hiện của nhân vật tài năng là Đinh Bộ Lĩnh, báo cho Phạm Bạch Hổ biết nên quy thuận vua Đinh vì Đinh Bộ Lĩnh chính là tướng tài đã được trao thiên mệnh. Hoặc có khi đó lại là những giấc mộng báo các vị tướng tài sẽ trợ giúp cho Đinh Bộ Lĩnh lập nên nghiệp lớn như: Ba vị tướng tài ở Thạch Khê, ba vị tướng quân ở Lộng Đình – Kinh Bắc, ở trang Phúc Sai… Có khi lại là trường hợp thần nhân trong các giấc mộng báo cho các nhân vật trần tục biết trước sự xuất hiện của các vị tướng tài, những người có địa vị tôn quý để chuẩn bị đón rước từ trước như : báo cho bà chủ phạm Thị Già biết để đón tiếp tướng quân Kiều Công Hãn, báo cho nhân dân làng Mạn Trù chuẩn bị đón rước thái tử Long Việt.

Những đứa con tài giỏi khác thường ra đời gắn với các giấc mơ, điềm báo của các bà mẹ là dạng biểu hiện thứ hai của motif sinh nở thần kì. Đứa

trẻ ra đời có thể gắn với giấc mộng liên hoa (cha lỗ đó mẹ lá chùa), mơ thấy đức Phật sai các hài đồng làm con (Ba vị tướng quân ở Lộng Đình Kinh Bắc, Lưu Lang đại vương), mơ thấy một con kì lân từ trên trời giáng xuống bụng bà mẹ (Đông Thành đại vương), mơ thấy bà già trao cho một bông sen mà trong bông sen có một đứa trẻ (Vua bà Trâm Nhị), mơ thấy có con ba con rồng vàng từ trên trời chui vào miệng bà mẹ (Ba tướng quân mang lốt rồng), mơ thấy có con hổ trắng tự xưng là thiên tướng nhà trời, nhận làm con (Bạch Hổ tướng quân).

Ngoài những giấc chiêm bao báo hiệu cho các bà mẹ biết sự ra đời của những đứa con xuất chúng thì trong những giấc mơ đó còn có những điềm báo, báo trước một hiện thực gần, một tương lai sẽ xảy ra đối với những đứa con của họ như truyện Hai con rồng tranh nhau mặt trời. Chuyện Long Đĩnh giết chết Long Việt để cướp ngôi mãi sau này mới xảy ra nhưng nó đã được báo trước trong giấc mơ của bà Huyền Nữ, ngay cả khi bà chưa sinh hai vương tử này. Ý nghĩa của chiêm mộng – điềm báo trong truyền thuyết thể hiện trạng thái văn hoá thâm nhập vào tâm lí và tâm lí ăn sâu vào văn hoá. Nó là cánh cửa để mở vào thế giới của những giá trị truyền thống của kí ức cộng đồng lắm khi khuất lấp và ẩn tàng dưới vô vàn biểu tượng cần phải giải mã. Có thể tìm thấy trong các giấc mơ – điềm báo rất nhiều ảnh hưởng của phật giáo như biểu tượng hoa sen được lặp lại rất nhiều, hay hình ảnh đứa trẻ là con cầu tự, do đức Phật sai xuống đầu thai hoặc có khi là ảnh hưởng của lí số như kiểu xem tướng đoán vận mệnh, hay có khi là quan niệm chọn được đất quý táng mộ thì sẽ sinh được khanh tướng công hầu…

Cả hai dạng biểu hiện của motif ra đời kì lạ này đều có điểm gặp gỡ đầu tiên là cha mẹ đều là những người cao tuổi, hiền lành nhân đức mà hiếm muộn đường con cái và do đó nhiều trường hợp là phải đi cầu tự. Ngoài ra còn có điểm chung nữa là các bà mẹ thường mang thai rất lâu, vượt quá mức thời gian mang thai thông thường (trong dân gian gọi hiện tượng này là “chửa trâu”). Khoảng thời gian đứa trẻ ở trong bụng mẹ thường là hơn một năm.

Chẳng hạn bà mẹ Đinh Bộ Lĩnh mang thai đã hơn một năm mà vẫn chưa sinh, bà mẹ Võ Trung thì có thai mười ba tháng, hoàng hậu Đặng thị mang thai công chúa Liên Hoa mười bốn tháng… Các nhân vật được sinh nở kì lạ như thế, nếu là con trai sẽ có tướng mạo khôi ngô tuấn tú, thông minh tài giỏi, nếu là con gái thì xinh đẹp hơn người “mắt phượng mày ngài”. Như vậy từ khi mới ra đời, những đấng, những bậc đó đã lộ rõ cái phong thái, cái tư chất hơn người. Ở một số truyện, hiện tượng bà mẹ mang thai quá lâu trong khi chồng đã mất khiến bà mẹ lâm vào cảnh bị người đời đàm tiếu xua đuổi (mẹ vua Đinh, mẹ vua Lê) vì cho rằng hoang thai. Hiện tượng này có thể giúp ta nhận ra được xã hội trong “thần thoại” và “truyền thuyết” đã có những nét dị biệt và thay đổi như thế nào. Ở các truyện truyền thuyết, xã hội vẫn đang ở chế độ mẫu hệ. Nhưng càng về sau, vai trò của người phụ nữ giảm đi, ý niệm “con hoang” xuất hiện. Xã hội không công nhận hiện tượng con đẻ ra không có bố nữa nên người mẹ mới bị dân làng xua đuổi, xa lánh. Như vậy truyền thuyết còn có thể cung cấp cho ta thấy phần nào đó bức tranh xã hội, lịch sử với các quan niệm, phong tục, tín ngưỡng, các thiết chế… thuở xưa.

Những đứa trẻ có sự sinh nở thần kì như thế thường có hiện tượng khi ra đời đất trời, cảnh vật xung quanh có những biến chuyển đổi thay, có các điềm báo cho người đời biết đó là một đứa trẻ kì lạ. Đinh Bộ Lĩnh sinh ra: “Hôm ấy trời đang nắng chang chang, bỗng sấm chớp nổi lên ầm ầm, mây đen vần vũ”, ngay sáng hôm bà Đàm thị sinh nở, những nguời vào động lễ sơn thần, thấy trên các cây sen núi, lá nào cũng có vệt sên bò thành chữ “Thiên tử”. Lê Hoàn khi sỉnh ra thì “Lúc đó tự nhiên trên trời có đám mây ngũ sắc bay đến che phủ, chim bay về đỗ kín cành đa, hươu trong rừng ra cho cậu bú”. Theo truyền thuyết kể lại thì Lê Hoàn ngay từ khi mới sinh ra đã có hai con hổ nằm phủ phục canh chừng. Có lẽ bởi ông có mệnh vương nên đã được bảo trợ từ bé, ngay cả khi còn ở trong bụng mẹ. Bà Đặng thị vì bị xóm làng dị nghị cười chê là hoang thai nên uất ức nhảy xuống sông tự tử. Nhưng lạ thay: “bà có biết bơi đâu mà người cứ nổi lên, nước suối lại rẽ ra, rồi như

có bàn tay vô hình nâng lên bờ, quần áo vẫn khô nguyên”. Như vậy vì đứa con trong bụng bà có mệnh thiên tử nên dẫu bà có muốn chết cũng chẳng thể chết được. Không chỉ vì Đinh Bộ Lĩnh và Lê Hoàn là những người đã được trao thiên mệnh, mới có hiện tượng khi sinh ra cảnh vật, đất trời thay đổi như thế mà điều đó còn xảy ra với nhiều nhân vật khác nữa. Hoa Nương (sau được mệnh danh là thánh nữ) ngày sinh ra có hương thơm ngào ngạt bay khắp nhà. Võ Trung – tham nghị triều chính, khi sinh ra có rất nhiều sự khác lạ. Bà mẹ Võ Trung ra một cái quán đầu làng thì bỗng trời mưa to gió lớn. Giữa ban ngày mà trời tối đen như ban đêm. Bà vào trong quán trú mưa thì quán bỗng sáng rực hào quang, mùi thơm hương hoa toả ra ngan ngát… bà sinh được mấy ngày rồi mà ai đến quán cũng nghe thấy tiếng ù ù như sấm… Hình ảnh đứa trẻ khi sinh ra có hương thơm ngào ngạt toả ra khắp nhà được lặp lại với một tần số khá cao. Ba anh em họ Nguyễn trong Ba tướng quân mang lốt rồng, ngày sinh ra trong buồng có hương thơm ngào ngạt (giống Hoa Nương, Võ Trung), rực rỡ hào quang. Mặc dù truyền thuyết Đinh – Lê như cái tên của nó, chủ yếu kể về những nhân vật thời Đinh Lê, tuy vậy hình ảnh vua Lý Thái Tổ đã xuất hiện ở cuối truyền thuyết. Sự ra đời của ông kì lạ vô cùng. Trong đêm khuya khi bà mẹ Lý Công Uẩn trở dạ thì đất trời bỗng mưa to gió lớn, có ba bà mụ hiện ra thuốc thang và đỡ đẻ cho bà. Lý Công Uẩn ngay từ khi mới sinh ra đã có điềm báo sau này ông sẽ làm vua: Sư chùa Lý Khánh Văn nuôi được con chó lạ, hễ có vua đến thì nó mừng quấn quýt. Con chó ấy đẻ được một con lông trắng, trên lưng có vằn đen thành chữ “tuất thiên tử” mà năm ấy lại là năm Giáp tuất. Ở cổng chùa Cổ Pháp cũng tự nhiên xuất hiện chữ “Vương quốc chi niên” (năm đổi niên hiệu vua). Mọi sự còn lạ lùng hơn khi nà Phạm thị ẵm con đến ăn xin thì con chó bỗng sủa lớn rồi mừng quấn quýt y như trước đây nó đã từng sủa mừng khi có vua sa giá về chùa.

Ngoài hai biểu hiện sinh nở thần kì trên, khảo sát các truyện trong Truyền thuyết Đinh – Lê, ta còn thấy có một biểu hiện kì lạ khác nữa khi kể về sự ra đời của một số nhân vật. Nhân vật được sinh ra rất ngẫu nhiên, do

một sự vô tình nào đó. Đứa trẻ được ra đời có khi chỉ do một sự cảm động, rung động bất chợt đến bất ngờ nào đó: “bà Hoàng thị ra ngồi hóng mát ở một cái gò hình kim quy, tự nhiên trong người bàng hoàng, bụng nhâm nhẩm đau rồi có thai” (Hoa Nương thánh nữ). Có khi đứa trẻ ra đời lại là do“ nhà sư bước qua, sơ ý, chạm phải chân bà, bà liền thụ thai” (Người con nuôi nhà chùa thành vua họ Lý). Sự có thai do sơ ý, do vô tình này làm gợi nhớ đến câu chuyện về nàng Man Nương xưa: vị sư Khâu Đà La vô tình bước qua người Man Nương, từ đó nàng có thai, hay chuyện về Tứ Vị Hồng Nương (Sư bước qua mấy người đàn bà đang ngủ để xuống bếp lấy cháo thì không ngờ Hồng Đại Nương có mang). Sự ra đời kì lạ của các nhân vật là sự cần thiết để miêu tả chiến công phi thường mà người anh hùng đã tạo ra trong cuộc đời đầy hiển hách của mình.

Một phần của tài liệu Khảo sát truyền thuyết và lễ hội Đinh Lê ở Ninh Bình (Trang 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(111 trang)