6. Kết cấu
2.2.3. Motif lập chiến công phi thường
Motif lập chiến công phi thường là một motif điển hình của truyền thuyết dân gian. Không có truyền thuyết nào không mô tả chiến công phi thường của những anh hùng và những mô típ khác nếu có thì cũng đóng vai trò là sự chuẩn bị (motif sinh đẻ thần kì) hoặc nhấn mạnh (hiển linh, âm phù) cho motif này. Như vậy chiến công phi thường là motif trung tâm của thể loại truyền thuyết anh hùng chống xâm lược, bởi miêu tả chiến công của người anh hùng là lí do tồn tại của truyền thuyết dân gian. Motif này trình bày ở hai dạng biểu hiện là sức mạnh tự thân của nhân vật và sự phù trợ của các vật thiêng, phép lạ. Ta nhận thấy ở nhiều truyền thuyết, nhiều khi nhấn mạnh việc nhân vật lập được chiến công là nhờ sự phù trợ rất lớn của các vật thiêng, phép lạ. Đó có thể là chiếc nỏ thần mà thần Kim Quy đã trao cho An Dương Vương, đó có thể là thanh gươm thần mà rùa vàng cho Lê Lợi mượn để dẹp giặc…Ở truyền thuyết Đinh Lê, Đinh Bộ Lĩnh và Lê Hoàn lập được nghiệp đế vương phần lớn là ở chính tài năng và nghị lực của bản thân. Tài năng của Đinh Bộ Lĩnh đã được khẳng định ngay từ nhỏ. Từ nhỏ, Đinh Bộ Lĩnh đã có biệt tài về bơi lội. Dòng sông chảy qua làng rất lớn, rất sâu và xiết, chỉ có
Đinh Bộ Lĩnh mới bơi ra được giữa dòng, lặn sâu xuống bắt cá được. Ai muốn ba ba to chừng nào chỉ cần lấy tay vẽ lên cát, đứng chờ một lát ông sẽ bắt lên đúng như hình vẽ này. Chính tài lạ này khiến cho dân làng càng tin ông đúng là con của rái thần, bởi vì người thường thì làm sao có thể bơi lặn giỏi như thế. Và điều đặc biệt, nếu theo lời kể như trong truyền thuyết này thì chính nhờ có khả năng giỏi bơi lặn, mò hụp giỏi mà Đinh Bộ Lĩnh mới có được ngôi vương. Vì không ai khác ngoài ông có thể táng mả bố mình vào huyệt vương ở dưới đáy sông Hoàng Long kia. Không chỉ có tài về bơi lặn, Đinh Bộ Lĩnh còn là một tài năng quân sự ngay từ thuở còn chăn trâu cắt cỏ. Dưới bóng cờ lau, ông và các bạn ở Sách Bông đã thao tập, luyện rèn, tập đánh trận giả.
Cũng như Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn lập được nghiệp vương cũng là nhờ vào tài năng thực sự của mình. Ông ghi danh vào lịch sử với những chiến công đánh bại giặc bên ngoài và dẹp giặc bên trong, tỏ rõ võ công anh hùng cái thế của mình. Trong truyền thuyết này, điều quyết định để nhân vật lập nên đế nghiệp không hẳn là ở chính các vật thiêng. Vật thiêng nhiều khi cũng chỉ mang tính chất điềm báo mà thôi. Viên ngọc thiên bảo, ngũ sắc kết hình chữ vương nhưng lại bị sứt một góc ngay ở đầu chữ vương mà Đinh Bộ Lĩnh kéo lưới lượm được cũng chỉ mang tính chất điềm báo trước Đinh Bộ Lĩnh sau sẽ làm vua và hậu phúc không được lâu bền. Nó không phải là bảo bối để trở thành sức mạnh để ông dẹp tan được loạn 12 sứ quân sau này. Có lẽ cũng nên nói rõ một điều rằng, trong truyền thuyết Đinh Lê không phải là không nhắc đến các vật thiêng và không phải nó không có sự trợ giúp nào, nhưng chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh hơn rằng tài năng mới chính là cái tiên quyết nhất quyết định nên thành công của người anh hùng. Trợ giúp cho người anh hùng, có thể gồm cả thiên thần và nhân thần. Ở nhiều trường hợp các lực lượng đó sé giúp cho nhân vật thoát nạn và lập chiến công. Có những lúc người anh hùng tưởng như đã bước vào con đường cùng, nhưng sau đó lại có sự trợ giúp cứu trợ kịp thời của các sức mạnh thần bí. Từ nhỏ cho đến mãi sau
này, bên họ dường như luôn có sức mạnh kì bí nào đó che chở. Đinh Bộ Lĩnh là nhân vật luôn được các lược nhiên thần và nhân thần trợ giúp trong suốt cuộc đời. Thuở còn chơi trò cờ lau tập trận, Đinh Bộ Lĩnh đã dám giết trâu của chú để khao quân. Bị chú cầm gươm lăm lăm đuổi, những tưởng là ông không thoát khỏi cái chết. Thế nhưng ngay sau lời gọi: “Rồng ơi rồng, chở ta qua sông, cứu ta với” thì ngạc nhiên làm sao, một con rồng vàng lớn hiện ra, hụp đầu ba lạy như vái, như chào mời rồi ghé sát lưng đón Bộ Lĩnh qua sông. Đến khi Bộ Lĩnh phải sống những tháng ngày đói khát, vất vả trong rừng thì khi tỉnh dậy luôn thấy có rất nhiều hoa trái rừng, gần đó có hai con voi đang quỳ chầu hai bên canh chừng. Tuy chưa phải là đã giúp nhân vật lập chiến công nhưng chính những lực lượng thuộc về thế giới tự nhiên đó đã giúp nhân vật thoát nạn để sau này tạo dựng được sự nghiệp phi thường. Khi nhắc đến cuộc đời của Đinh Bộ Lĩnh, người ta thường không thể không nhắc đến hình ảnh rồng vàng. Đối với người anh hùng này, rồng vàng đã có rất nhiều ân nghĩa. Rồng vàng không chỉ giúp Bộ Lĩnh thoát khỏi lửa hận của ông chú mà còn chỉ ra những bước đầu tiên để tạo dựng được cơ đồ đế vương: “Trời còn thử thách đại vương dăm ba năm nữa. Cuộc đời, sự nghiệp của đại vương phải trải qua một vòng tròn khép kín: từ rừng ra bể rồi lại về rừng” (Đinh Bộ Lĩnh cưỡi rồng về Cửa Bố). Lực lượng nhiên thần còn trợ giúp cho Đinh Điền, Nguyễn Bặc không phải tốn một mũi tên, hòn đạn nào mà phá tan được giặc. Đinh Điền, Nguyễn Bặc đã cầu Long Hải đại vương, sóng biển dữ dội mà các thần tạo ra đã nhấn chìm tất cả lũ giặc dữ. Chiến công của các nhân vật trong rất nhiều trường hợp không phải chỉ có từ sự giúp sức của các nhiên thần mà còn do sự âm phù của tổ tiên, của những người anh hùng từ triều đại trước. Sự hiển linh âm phù này chúng tôi sẽ tìm hiểu kĩ ở mô típ hoá thân kì lạ của các nhân vật.
Nếu như ở motif sinh nở thần kì, người anh hùng trong xác thân lịch sử phi phàm hàm chứa năng lượng tự nhiên thì ở môtíp này, trong hình hài cá nhân anh hùng lại chứa đựng sức mạnh của tập thể, của cộng đồng. Chiến
công mà Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn đạt được hiển nhiên là phi thường. Nó không chỉ có ý nghĩa lập nên cơ đồ bá nghiệp cho mỗi nhân vật mà nó còn có ý nghĩa đối với cả cộng đồng. Sức mạnh mà các vị anh hùng này mang trong mình còn hàm chứa sức mạnh, niềm mong mỏi của cả thời đại, của cả cộng đồng. Kể về chiến công của các vị anh hùng đó, dân gian luôn lồng vào đó những lí tưởng của thời đại mình.