Trang phục

Một phần của tài liệu Văn hóa Tây Nguyên bản sắc văn hóa dân tộc (Trang 27)

Trang phục của các tộc người Tây Nguyên mang nhiều nét độc đáo qua việc trang trí thực dụng. Ở đây không kể dân tộc nào, đều ưa mặc y phục thuộc loại choàng quấn, một loại trang phục khá cổ sơ, rất đặc trưng cho trang phục các dân tộc bản địa, mà ngày nay không còn thấy ở các tộc người khác trên đất nước ta. Đó là loại khố, váy mảnh (váy không khâu thành ống), tấm choàng, các loại áo chui đầu (pônxô)… trang trí trên cơ thể vừa cho đẹp, vừa mang tính nghi lễ như xăm mình, cà răng, căng tai, đeo các loại vòng, kể cả vòng ống ở tay, chân, cổ. Cũng như nhiều tộc người thiểu số khác, các tộc người ở Tây Nguyên thích thêu và dệt hoa văn trên váy, khố, tấm choàng, áo… Tuy nhiên, phong cách trang trí hoa văn, bố cục và họa tiết trang trí có nhiều nét khác biệt so với các dân tộc khác.

Cũng như nhiều hiện tượng sinh hoạt kinh tế, xã hội và văn hóa khác, trang phục của các dân tộc Tây Nguyên có rất nhiều nét chung, tương đồng từ khâu chế biến nguyên liệu, phương thức làm ra vải mặc, các loại y phục, trang sức, màu sắc và đường nét hoa văn… Tuy nhiên, ở mỗi dân tộc vẫn có và bảo lưu những sắc thái riêng. Về nguyên liệu, trước khi có nghề trồng bông, đay, gai để xe sợi dệt vải thì các dân tộc ở Tây Nguyên đã có kinh nghiệm trong việc thu lượm những thứ cây có sợi mọc hoang dại trong rừng về chế biến thành sợi dệt vải. Tập quán thu lượm này hiện nay vẫn còn thấy ở một số dân tộc. Người Xơ-đăng thường thu lượm những loại gai dại (ktô, goa, ku kà…), đay hoang dại (hme, phe…), người Bana tìm kiếm

các loại vỏ cây hoang (kđôn, kpông…) để xe sợi dệt vải. Đấy là chưa kể từ lâu đồng bào ở đây còn tìm được các loại vỏ cây nhu sui, khung mang về ngâm nước rồi phơi cho khô và đạp mềm làm áo để mặc, làm chăn để đắp.

Cũng như nhiều dân tộc khác còn ở trình độ phát triển tiền công nghiệp, các màu sắc để nhuộm sợi đều tìm kiếm trong các sản vật tự nhiên. Màu nền của trang phục là màu đậm như: đen, chàm. Người Bana thường nhuộm đen bằng lá cây mo, nhuộm chàm bằng vỏ cây truôn nhây, vỏ cây kpai, hay lá cây tơ-rum, còn người Mạ thì lại nhuộm màu chàm bằng nđir… ngoài màu đen và chàm là nền vải trang phục, các dân tộc ở đây còn nhuộm sợi màu để thêu dệt hoa văn. Người Bana tạo ra màu đỏ từ cây loang nhâu, màu vàng từ củ nghệ (kmứt), người Mạ nhuộm đỏ bằng cây rial, nhuộm vàng bằng củ rmít…

Về loại hình trang phục, các dân tộc Tây Nguyên, nam cũng như nữ sử dụng phổ biến các y phục kiểu choàng quấn, áo chui đầu (pông - sô). Đây là loại hình y phục vừa đặc trưng cho các dân tộc Đông Nam Á, vừa là loại trang phục tiêu biểu cho một giai đoạn phát triển sớm của y phục. Trong loại hình trang phục này, chiếc khố là loại trang phục cổ nhất, còn thấy tương đối phổ biến ở các dân tộc Trường Sơn và Tây Nguyên. Ngày nay chiếc khố chỉ còn thấy nam giới mặc, nhưng nếu căn cứ vào các di vết của khố còn lưu lại trên chiếc váy hay một vài nơi phụ nữ Stiêng còn mặc, thì có thể cho rằng đã có thời kì cả nam lẫn nữ đều dùng loại y phục này. Ở Tây Nguyên, tùy theo từng vùng dân tộc và tùy theo từng trường hợp, đàn ông mặc các loại khố khác nhau, chất liệu vải và trang trí trên khố cũng khác nhau. Thường đi làm người ta mặc loại áo khố ngắn, vải mộc hay nhuộm chàm, dịp hội hè, tiếp đãi khách hay đi chơi xa thì mặc loại khố vạt dài, có tua chỉ màu, trên mặt khố trang trí hoa văn.

Một bộ phận khác của trang phục đặc trưng cho loại hình choàng quấn là chiếc váy mảnh (có người gọi đó là váy hở, váy không khâu, váy tấm…). Đó hoàn toàn chỉ là một mảnh vải nhuộm chàm, nhuộm đen, có trang trí hoa văn hay chỉ để mộc, khi mặc quấn quanh thân từ eo bụng trở xuống, mép váy trong ở sườn phải,

còn mép váy ngoài vắt ngang sườn trái và giắt mối ở đó rồi dùng dây lưng buộc thêm cho chặt.

Ở mỗi dân tộc, tùy theo chất liệu vải, nhất là hoa văn trang trí trên váy, mà chia loại váy mảnh thành nhiều loại với tên gọi khác nhau. Đơn cử, phụ nữ Êđê có tới bốn loại váy mảnh đẹp, ngoài ra còn có loại váy mảnh thường ngày hay đi làm ngoài nương. Loại váy mảnh này hầu như tất cả phụ nữ ở Tây Nguyên hiện nay đều mặc, sự khác biệt chỉ là ở màu sắc, trang trí, thói quen mặc dài hay ngắn và một số chi tiết nhỏ khác.

Ở Tây Nguyên, nam giới thường đóng khố, nữ giới mặc váy ở trần. Đó là lúc trời nóng, khi lao động trong nhà, chứ vào lúc cần trịnh trọng, đón tiếp khách, hội hè vui chơi thì họ mặc váy đẹp. Có sự phân biệt khá rõ giữa áo nam và áo nữ, nhưng chúng đều cùng một kiểu cắt, đó là loại áo chui đầu.

Phụ nữ Tây Nguyên mặc loại áo cánh ngắn may kiểu chui đầu, không có ve cổ, tùy theo từng dân tộc, từng loại áo có những trang trí tua màu hay hoa văn. Cách cắt may loại áo này cũng khá đơn giản: miếng vải hình chữ nhật được gấp đôi, khoét cổ tròn ở giữa đường gấp, rìa vải hai bên sườn khâu bịt lại (xưa kia làm các nút dây vải để buộc), thế là thành chiếc áo chui đầu. Nếu là áo dài tay thì người ta nối phần vải làm tay áo. Kiểu dáng chung thì như vậy, nhưng đối với mỗi dân tộc lại có những nét riêng, thể hiện qua màu vải nền, nhất là qua cách trang trí hoa văn hài hòa giữa áo và váy.

Áo của đàn ông các dân tộc sinh sống ở Tây Nguyên cũng thuộc loại ngắn may kiểu chui đầu, không viền cổ, có tay hoặc không có tay. Tùy theo từng dân tộc, trên thân áo có trang trí hoa văn hay để màu chàm. Tiêu biểu cho loại áo chui đầu này là chiếc áo kteh trên ngực có trang trí “đại bàng giang cánh” của đàn ông Êđê. Tấm choàng cũng là bộ y phục đặc trưng cho hầu hết các dân tộc ở Tây Nguyên. Đó là một tấm vải màu chàm đậm, trang trí hoa văn, dùng cho cả nam lẫn nữ những lúc trời lạnh, trong một số nghi thức của dân tộc. Thông thường người ta choàng tấm choàng lên vai, thân phủ dài tới chân. Cũng có khi tấm choàng được buộc chéo từ nách bên vai này sang vai bên kia, có vẻ giống như cách choàng áo cà sa của các

nhà sư. Đối với những chiến binh mang trên người vũ khí, người ta gấp tấm choàng lại rồi buộc chéo hình chữ nhân trước ngực.

Nét đặc trưng của trang phục các dân tộc ở vùng này không chỉ thể hiện trên các loại hình trang phục chính mà còn thông qua các kiểu cách phục sức của nam và nữ. Ở Tây Nguyên, ta cũng bắt gặp những mô típ trang trí hoa văn trên mặt vải, không phải bằng kĩ thuật vẽ màu, ghép vải màu, mà chủ yếu là kĩ thuật dệt, hiếm thấy các sản phẩm thêu. Các mô típ trang trí quen thuộc là những hiện tượng thiên nhiên xung quanh, được liên tưởng: chim, nhện, bò cạp, ong, dây leo, trúc… Bên cạnh những mô típ trên còn thấy hình người, động vật khá sinh động. Ngay cả những vật dụng hiện đại ít có ở xung quanh, cũng được đồng bào đưa vào như hình ảnh, ô tô, máy bay, người lính.

Tây Nguyên còn nổi tiếng vì duy trì tới gần đây những kiểu trang sức như cà răng, căng tai, xăm mình là những hình thức phục sức hết sức cổ sơ. Cả nam và nữ, nhất là phụ nữ ưa đeo các loại vòng cổ, vòng tay, vòng chân. Nhiều thứ vòng cổ, vòng chân là một ống vòng đồng, dài trên dưới 20 cm. Giống như túi vải của các dân tộc miền Bắc, cái gùi với nhiều kiểu loại cũng là vật trang trí của người Tây Nguyên.

Một phần của tài liệu Văn hóa Tây Nguyên bản sắc văn hóa dân tộc (Trang 27)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(83 trang)
w