Những giá trị vật chất và tinh thần của các dân tộc Tây Nguyên cần được bảo tồn

Một phần của tài liệu Văn hóa Tây Nguyên bản sắc văn hóa dân tộc (Trang 65)

CHƯƠNG 3 BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY NHỮNG GIÁ TRỊ TRUYỀN THỐNG CỦA VÙNG VĂN HOÁ TÂY NGUYÊN TRONG THỜI KỲ

3.2 Những giá trị vật chất và tinh thần của các dân tộc Tây Nguyên cần được bảo tồn

bảo tồn

Giá trị vật chất

Bao năm qua nhà rông của các dân tộc Tây Nguyên đã sừng sững tồn tại với thời gian, là niềm tự hào của các dân tộc nơi đây với nét độc đáo riêng biệt, dáng vươn cao vút, bề thế, thể hiện tính vươn lên mạnh mẽ, vượt qua bao gian lao, vất vả để tự khẳng định mình trong quá khứ và hiện tại. Sự ra đời của ngôi nhà chung (nhà rông) tự bản chất của nó gắn với những hình thái kinh tế xã hội và điều kiện tự nhiên.

Nhà rông Tây Nguyên được xây dựng chủ yếu bằng các vật liệu của núi rừng Tây Nguyên như tranh, tre, gỗ, lồ ô… và được xây cất trên một khoảng đất rộng.

Nằm ngay trong khu vực trung tâm của buôn làng. Chức năng của nhà rông truyền thống là nơi thực thi các luật tục, nơi tiếp khách, nơi diễn ra các sự kiện trọng đại của buôn làng, nơi già làng tập hợp dân làng để bàn “việc làng, việc

nước”, nơi thể hiện các lễ hội - tâm linh cộng đồng và là nơi các thế hệ nghệ nhân

già truyền đạt lại cho thế hệ trẻ những giá trị văn hóa truyền thống… Ngôi nhà chung ấy còn là nơi lưu giữ các hiện vật truyền thống: chiêng, trống, cồng, vũ khí, đầu các con vật hiến sinh trong các ngày lễ.

Nhà rông là một biểu tượng văn hóa rất đáng tự hào của đồng bào các tỉnh Tây Nguyên. Nhà rông là một di sản văn hóa đáng trân trọng, giữ gìn và phát huy giá trị của nó trong việc bảo tồn và giữ gìn văn hóa dân tộc.

Bên cạnh nhà rông là nhà dài của người Ê đê. Đó là kiểu nhà sàn làm bằng gỗ và tre nứa, thường là rất dài để đủ chỗ sinh hoạt cho cả một đại gia đình tới hàng

chục người. Họ rất ít khi làm nhà mới thay cho nhà cũ, nếu có thêm người thì nối phần sau nhà dài thêm. Cũng bởi lẽ đó nên trong dân gian còn có tên gọi là nhà dài. Nhà dài bao giờ cũng được chia làm ba phần: sân sàn, ngăn khách và ngăn ở. Nhà dài không chỉ là biểu tượng vật chất của thể chế đại gia đình mẫu hệ mà còn là nơi gìn giữ những giá trị văn hóa tinh thần của người Ê đê. Việc bảo tồn nhà dài tại các buôn của người Êđê là một nhu cầu thiết yếu như gìn giữ một nét văn hóa, một di sản quý trên vùng đất Tây Nguyên.

Không chỉ vậy, ở Tây Nguyên còn biết bao giá trị vật chất quý báu cần được bảo tồn, nó là một bộ phận cấu thành nên những giá trị của vùng văn hóa nơi đây. Đó chính là những di sản tự nhiên như: hồ Lắc, Biển Hồ, cao nguyên Lang biang, vườn quốc gia Kon Ka Kinh, tháp chàm Ea Súp… tất cả cùng hòa quyện cấu thành nên những giá trị vật chất lẫn tinh thần, góp phần làm nên những bản sắc văn hóa đặc trưng nơi đây, đồng thời cũng góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa của cả dân tộc. Chính vì thế những giá trị này cần được chiêm ngưỡng và bảo vệ trong suốt chặng đường phát triển văn hóa của dân tộc.

Giá trị tinh thần

Giá trị tinh thần của các dân tộc Tây Nguyên là là kho “tài sản” không gì có thể “đánh đổi” được, mà trước hết cần phải nói đến Sử thi và Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - một di sản văn hóa phi vật thể không chỉ của Việt Nam mà của cả thế giới.

Cũng như thần thoại Hy Lạp, sử thi Tây Nguyên gắn liền với tên tuổi những anh hùng thần thoại, những anh hùng của buôn làng Tây Nguyên từng được bao thế hệ ngưỡng vọng như Đăm San, Đăm Di, Dyông Dư…

Với những giá trị văn hoá tinh thần vô giá, sử thi Tây Nguyên đã góp phần làm nên bản sắc văn hoá dân tộc ở một vùng đất huyền thoại.

Cho nên việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá của các dân tộc Tây Nguyên, trước hết là tiếp tục sưu tầm, tổ chức biên soạn cũng như việc bảo tồn, lưu giữ, phát huy tác dụng và truyền lại cách kể khan hay kể sử thi nói chung là những việc làm cấp thiết và có ý nghĩa cực kỳ to lớn. Đây có thể là sự sống còn của một

cộng đồng, một dân tộc. Bởi lẽ văn hoá là nguồn gốc sự sống của mỗi dân tộc và sử thi Tây Nguyên là yếu tố văn hoá sâu đậm nhất. Trong đời sống của người Tây Nguyên xưa nay, văn hoá phi vật thể mà Sử thi là một yếu tố, một bộ phận quan trọng có ý nghĩa to lớn có những tác động trực tiếp và gián tiếp trong đời sống của đồng bào.

Không chỉ riêng Sử thi, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên có vị thế

đặc biệt trong nhạc khí cổ truyền ở Việt Nam bởi nó bắt nguồn từ sự tổng hoà các giá trị văn hóa đa dạng, được chỉ mặt gọi tên bằng mười giá trị như sau: giá trị biểu

thị đặc trưng và bản sắc văn hóa vùng, giá trị biểu thị đặc trưng văn hóa tộc người hoặc nhóm tộc người, thậm chí cả đặc trưng văn hóa của những nhóm địa phương trong cùng một tộc người, giá trị phản ánh đa chiều, giá trị nghệ thuật, giá trị sử dụng đa dạng, giá trị vật chất, giá trị biểu thị sự giàu sang và quyền uy, giá trị tinh thần, giá trị cố kết cộng đồng, giá trị lịch sử.

Nhìn từ góc độ nhân học: Không gian văn hóa cồng chiêng là biểu hiện đa diện

sức sống cộng đồng, chiêng, cồng biểu hiện sức mạnh vật chất. Chiêng, cồng biểu hiện thanh thế của gia đình - dòng tộc. Tiếng chiêng, tiếng cồng là những khúc nhạc theo suốt vòng đời người và chu kỳ sản xuất của cộng đồng. Chiêng cồng gắn kết với hoạt động nghệ thuật.

Ở nhiều tộc người như Churu, Xơđăng, Mnông và đặc biệt tộc người Giarai, Bana, phụ nữ thường kết hợp những điệu múa với các bản nhạc cồng chiêng. Điều đáng nói là các điệu múa này được coi là thành tố không thể thiếu của việc diễn tấu các bài cồng chiêng (không được dùng bên ngoài diễn tấu cồng chiêng hoặc trình diễn giải trí). Nói cách khác, sinh hoạt văn hoá cồng chiêng của các dân tộc ở Tây Nguyên là sinh hoạt cộng đồng, cuốn hút tất cả các thành viên tham gia. Đây là bằng chứng chứng tỏ lịch sử lâu đời của cồng chiêng và sinh hoạt văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên.

Cồng chiêng là một nhạc cụ nghi lễ, các bài nhạc cồng chiêng trước hết là sự đáp ứng cho yêu cầu của mỗi lễ thức và được coi như một thành tố hữu cơ của lễ thức đó.

Các bài chiêng cũng đạt đến một trình độ biểu cảm âm nhạc phù hợp với trạng thái tình cảm của con người trong mỗi nghi lễ: Chiêng tang lễ hay bỏ mả thì chậm rãi, man mác buồn, chiêng mùa gặt thì thánh thót, vui tươi, chiêng đâm trâu thì nhịp điệu giục giã...

Có thể nói, văn hoá và âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên thể hiện tài năng sáng tạo mang tầm kiệt tác của nhân loại. Cồng chiêng và sinh hoạt văn hoá cồng chiêng của các dân tộc ở Tây Nguyên rất đa dạng, nhưng thống nhất. Đây chính là đặc điểm rất cơ bản của vùng văn hoá Tây Nguyên và cũng là đặc điểm của văn hoá Việt Nam chứa đựng những giá trị vô cùng to lớn.

Bản chất của cồng chiêng Tây Nguyên là sáng tạo của cộng đồng và cũng chính cộng đồng bảo tồn, lưu giữ, trao truyền nó. Vì vậy, phát huy vai trò của cộng đồng phải là yêu cầu có tính nguyên tắc trong hệ thống các công việc trên.

Xử lý thoả đáng, biện chứng quan hệ giữa hai phạm trù “bảo tồn và phát huy” đối với hàng loạt vấn đề đặt ra của đời sống hàng ngày trong Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên. Muốn bảo tồn cồng chiêng và văn hoá cồng chiêng, phải giữ gìn, khôi phục các sinh hoạt văn hoá - tín ngưỡng liên quan đến cồng chiêng, trong đó không nhất thiết phải kế thừa y nguyên (không nên đưa cồng chiêng thành đoàn văn công chuyên nghiệp, sân khấu hoá việc trình diễn cồng chiêng).

Là một sáng tạo mang tầm kiệt tác của nhân loại, Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên còn có giá trị văn hóa tinh thần hấp dẫn, thu nhiều du khách.

Cồng chiêng đã đi vào sử thi Tây Nguyên như để khẳng định tính trường tồn của loại nhạc cụ này: “Hãy đánh những chiêng âm thanh nhất, những chiêng kêu

trầm nhất. Đánh nhè nhẹ cho gió đưa xuống đất. Đánh cho tiếng chiêng vang xa khắp xứ. Đánh cho tiếng chiêng luồn qua sàn lan đi xa. Đánh cho tiếng chiêng vượt qua nhà vọng lên trời. Đánh cho khỉ trên cây cũng quên bám chặt vào cành đến phải ngã xuống đất. Đánh cho ma quỷ mê mải nghe đến quên làm hại con người. Đánh cho chuột sóc quên đào hang, cho rắn nằm ngay đơ, cho thỏ phải giật mình,

cho hươu nai đứng nghe quên ăn cỏ, cho tất cả chỉ còn lắng nghe tiếng chiêng của Đam San...”.

Trong lễ công bố Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên là kiệt tác văn hóa phi vật thể của nhân loại, ông Koi-chi-ro Mat-su-ra - Tổng Giám đốc UNESCO đã phát biểu: “Tôi đã được thưởng thức loại hình âm nhạc cồng chiêng rất riêng của Việt

Nam và cũng được thấy những nhạc cụ rất độc đáo trong dàn nhạc cồng chiêng của các dân tộc Tây Nguyên. Đây là nét văn hóa truyền thống rất riêng của Việt Nam, rất tuyệt vời và đặc sắc. Việc công nhận Danh hiệu Kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại đối với Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên là rất xứng đáng”.

Một phần của tài liệu Văn hóa Tây Nguyên bản sắc văn hóa dân tộc (Trang 65)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(83 trang)
w