Nhà ở của các dân tộc Tây Nguyên

Một phần của tài liệu Văn hóa Tây Nguyên bản sắc văn hóa dân tộc (Trang 30)

Cũng như nhiều tộc người vùng núi và cao nguyên, người Tây Nguyên sinh sống thành từng buôn, bon, plây. Bon, buôn, plây lớn hay nhỏ phụ thuộc vào điều kiện sinh sống và đất rừng làm nương rẫy. Vì trong xã hội cổ truyền Tây Nguyên còn tàn dư hình thức gia đình lớn nên thường trong một nóc nhà dài, có nhiều cặp vợ chồng và con cái họ cùng chung sống.

Trừ vùng thung lũng hồ Lắc ruộng nước nhiều nên người Mnông sinh sống làm bằng ruộng nước là chính, còn lại chủ yếu là làm nương rẫy. Kinh tế nương rẫy là hình thức du canh du cư. Tuy vậy, khi con người làm ra dư thừa thì họ bắt đầu sinh sống định cư trong những ngôi nhà trệt hay nhà sàn, nhà dài.

Trong ngôi nhà dài của người Mnông có nhiều kho lúa tương ứng với số gia đình sống chung trong ngôi nhà dài đó. Dần dần có những cặp vợ chồng tách ra làm

riêng, ăn riêng, thì họ lại kéo dài ngôi nhà ra, trong đó kho lúa là trung tâm của ngôi nhà dài. Từ đây, họ kéo dài hai mái ra hai bên, hai bờ mái có hai hàng cột con chống đỡ và hàng cột đó cũng là hàng cột sườn để dựng vách bao quanh ngôi nhà. Ngôi nhà nhỏ nhất của một gia đình người Mnông cũng có hai gian, gian kho lúa và gian tiếp khách.

Nơi gần với bếp gầm kho lúa là nơi ngủ của chủ nhà và con cái của họ, còn phía ngoài gần với bếp tiếp khách là nơi ngủ của khách. Suốt dọc vách phía sạp nằm, người ta để các ché rượu. Đây là một trong những của cải tích lũy quan trọng của một gia đình người Mnông. Bởi thế, qua hàng ché rượu này người ngoài cũng một phần đánh giá được khả năng kinh tế của gia đình đó. Chái ngăn với nhà chính bằng tấm vách nứa, đó là nơi nằm ngủ của những đứa con đã có vợ, có chồng. Với những ngôi nhà dài có nhiều hộ cư trú, thì mỗi hộ có một kho lúa và sạp nằm của họ ở bên cạnh. Hai hộ cách nhau bằng gian khách, là nơi tiếp khách chung. Còn phía vách có trổ cửa ra vào là nơi để các vật dụng gia đình, nơi để nước uống và các đồ nấu nướng… Ngay trên mái gian khách, người Tây nguyên đặt nơi thờ cúng tổ tiên gia tộc.

Nếu như bên trong nhà, kho lúa là đặc trưng tiêu biểu của ngôi nhà Mnông truyền thống thì hình dáng mái nhà bên ngoài giúp chúng ta phân biệt dễ dàng nhà của người Mnông với các dân tộc khác, đặc biệt là với người Êđê. Mái nhà Mnông có dạng hình khum như mai rùa, mái hai đầu khum tròn, đường sóng mái không gấp góc, mái kéo dài xuống thấp, phủ gần kín hai bên phênh vách, gây cảm giác mái nhà nặng, úp trực tiếp trên nền đất.

Còn đối với người Êđê, sống trong buôn thường là những đại gia đình mẫu hệ, sinh sống trong những ngôi nhà dài. Ngày nay, quy mô của các đại gia đình đều thu nhỏ lại, thường bao gồm từ ba đến bốn gia đình nhỏ sống dưới một nóc nhà dài, nhưng đã làm ăn riêng, tách dần ra thành những gia đình hạt nhân chỉ gồm vợ chồng và con cái họ, cư trú trong một ngôi nhà ngắn, có thể là nhà sàn hay trệt. Đứng đầu đại gia đình là người đàn bà cao tuổi và có uy tín nhất, đứng ra trông nom tài sản, hướng dẫn sản xuất, điều hòa các quan hệ giữa những thành viên trong gia đình.

Mọi của cải trong gia đình là của chung và thừa kế theo dòng nữ. Khi vợ chết, người chồng được tái hôn, với một người nòi (nuê) theo truyền thống mẫu hệ. Trong trường hợp không tục huyền hoặc ly hôn thì sau đó người chồng phải trở về nhà người mẹ đẻ với hai bàn tay không, ngoại trừ những tư trang. Toàn bộ tài sản và con dù lớn hay nhỏ đều phải để lại gia đình vợ.

Một phần của tài liệu Văn hóa Tây Nguyên bản sắc văn hóa dân tộc (Trang 30)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(83 trang)
w