• Môi trường kinh tế
Môi trường kinh tế có tác động rất lớn đến chất lượng cho vay của ngân hàng. Khi nền kinh tế tăng trưởng và ổn định thì hoạt động cho vay sẽ tăng trưởng và độ rủi ro không lớn. Ngược lại, khi nền kinh tế suy thoái và khủng hoảng thì hoạt động cho vay gặp khó khăn và rủi ro cao. Trong thời kỳ nền kinh tế phát triển với tốc độ thấp, biểu hiện tính suy thoái, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bị thu hẹp, không hiệu quả và gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp bị thua lỗ và bị phá sản. Nếu ngân hàng lúc này vẫn tiếp tục tăng trưởng dư nợ cho vay ở mức cao thì khả năng rủi ro các doanh nghiệp không trả được nợ sẽ tăng lên.
Chính sách kinh tế của Chính phủ thông qua những quy định như về thuế, về xuất nhập khẩu, … sẽ gián tiếp gây ảnh hưởng đến hoạt động cho vay bởi các chính sách này tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các khách hàng của ngân hàng. Nếu đất nước mà các chính sách kinh tế thường xuyên thay đổi, khó dự đoán sẽ gây tác động nhiều đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp và do đó ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng đối với ngân hàng.
Chính sách lãi suất cũng ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng khoản cho vay. Khi lãi suất cho vay trên thị trường điều chỉnh giảm thì các khách hàng có xu hướng trả nợ các khoản vay trước hạn. Ngược lại, khi lãi suất cho vay tăng thì khách hàng lại có xu hướng chưa muốn trả nợ ngân hàng, trì hoãn việc trả nợ ngân hàng.
Xu hướng toàn cầu hoá đang diễn ra sôi động trên toàn thế giới, vì thế sự biến động tình hình kinh tế, chính trị xã hội ở nước ngoài cũng ảnh hưởng tới đời sống kinh tế, chính trị xã hội trong nước, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng cho vay của NHTM. Việc thụ động với xu hướng phát triển toàn cầu sẽ
làm cho doanh nghiệp bị tụt hậu, không đạt được hiệu quả trong kinh doanh, không cạnh tranh được trên thị trường. Vì vậy, các doanh ngiệp cũng như ngân hàng đều phải nắm bắt xu hướng phát triển của nền kinh tế thế giới và khu vực, những ảnh hưởng của nó đến các ngành, các hoạt động kinh doanh doanh nghiệp trong nước để có những kế hoạch thay đổi thích ứng, phát triển cho phù hợp.
• Môi trường chính trị - xã hội và luật pháp
Môi trường chính trị có ảnh hưởng đến hoạt động cho vay của ngân hàng. Trong tình hình chính trị xã hội không ổn định thì không chỉ riêng các doanh nghiệp sản xuất mà cả các ngân hàng cũng khó có thể yên tâm tập trung vào đầu tư, mở rộng kinh doanh, đặc biệt là mở rộng cho vay và đảm bảo chất lượng cho vay. Hơn nữa, sự bất ổn về chính trị xã hội sẽ dẫn đến sự mất lòng tin của dân chúng cũng như các nhà đầu tư trong và ngoài nước, ảnh hưởng đến hoạt động cho vay của ngân hàng.
Môi trường pháp lý cũng có ảnh hưởng quan trọng đến chất lượng cho vay. Nhân tố pháp lý thể hiện qua các quy định của Nhà nước về hoạt động ngân hàng như các quy định về tỷ lệ dự trữ bắt buộc, quy định về giới hạn cho vay đối với một khách hàng, quy định về tỷ lệ cho vay một lĩnh vực… đều ảnh hưởng đến hoạt động cho vay của mỗi ngân hàng. Các quy định phù hợp sẽ tạo điều kiện phát triển hoạt động của các ngân hàng an toàn nhưng nếu các quy định không phù hợp sẽ dẫn đến sự kìm hảm sự phát triển, trong đó bao gồm cả việc ảnh hưởng đến mức độ an toàn trong hoạt động của các ngân hàng.
• Sự phát triển của khoa học công nghệ
Sự phát triển của khoa học công nghệ thực sự đã tạo ra một cuộc cách mạng trong hệ thống ngân hàng. Khách hàng giờ đây có thể sử dụng những dịch vụ của ngân hàng vượt qua ranh giới của không gian và thời gian. Vì vậy, việc áp dụng các tiến bộ của công nghệ ngân hàng sẽ góp phần nâng cao chất lượng hoạt động ngân hàng nói chung và tín dụng ngân hàng nói riêng.
• Những nhân tố khác
Đó là những nhân tố khách quan bất ngờ ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp và khả năng trả nợ của họ. Nhóm những nhân tố này bao gồm: thiên tai, tình hình chính trị bất ổn…Việc khắc phục hậu quả của những nhân tố này thường rất khó khăn. Và đây là những nhân tố rất khó có thể kiểm soát được.
Từ phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng cho vay ta nhận thấy: Tuỳ theo điều kiện, trình độ phát triển kinh tế - xã hội và sự hoàn thiện môi trường pháp lý, cũng như trình độ cán bộ ngân hàng, khả năng quản trị điều hành của cán bộ lãnh đạo và cơ sở vật chất kỹ thuật của từng NHTM mà các nhân tố này ảnh hưởng đến chất lượng cho vay ở các mức độ khác nhau. Ngân hàng cần hiểu rõ những nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng cho vay và biết vận dụng linh hoạt sự ảnh hưởng của các nhân tố trên trong điều kiện hoàn cảnh thực tế, điều đó sẽ có giúp cho sự thành công của hoạt động cho vay tại NHTM.
CHƯƠNG II