- Giáo trình TCCN, giáo trình dạy nghề dài hạn:
2.3. Đánh giá thực trạng
2.3.1. Mặt mạnh
Thanh tra dạy nghề được ra đời cùng với việc tái thành lập Tổng cục Dạy nghề, là đơn vị thuộc Tổng cục Dạy nghề có trách nhiệm giúp Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề thực hiện chức năng thanh tra Nhà nước và thanh tra chuyên ngành về lĩnh vực dạy nghề trong phạm vi cả nước; xem xét và giải quyết theo thẩm quyền các khiếu nại, tố cáo của tổ chức, công dân trong lĩnh vực dạy nghề.
Chức năng, nhiệm vụ của Thanh tra dạy nghề được quy định tại Quyết định số 588/1999/QĐ-BLĐTBXH ngày 12 tháng 5 năm 1999 của Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội. Theo Quyết định trên, Thanh tra dạy nghề có 3 nhóm nhiệm vụ chủ yếu là quản lý nhà nước về công tác thanh tra; trực tiếp tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về dạy nghề trên phạm vi cả nước và giúp Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác thanh tra, Thanh tra Tổng cục Dạy nghề đã chủ trì xây dựng hoặc tham gia xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra như:
+ Quyết định số 588/1999/QĐ-BLĐTBXH ngày 12tháng 5 năm 1999 của Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Thanh tra dạy nghề;
+ Nghị định số 31/2006/NĐ-CP ngày 29/3/2006 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Lao động- Thương binh và Xã hội, trong đó có Thanh tra Tổng cục Dạy nghề;
+ Nghị định số 73/2006/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2006 của Chính phủ quy định về việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực dạy nghề;
+ Hàng năm Tổng cục Dạy nghề đều có văn bản hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra dạy nghề cho các Sở Lao động- Thương binh và Xã hội.
- Thực hiện nhiệm vụ thanh tra, từ năm 2002 đến tháng 3 năm 2007, Thanh tra Tổng cục Dạy nghề đã trực tiếp thanh tra hoặc kiểm tra hoạt động dạy nghề tại 43/64 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương (trong đó có 4 tỉnh, thành phố thực hiện 2 lượt), với cơ sở dạy nghề được thanh tra, kiểm tra là gần 140 lượt cơ sở.
- Tại địa phương, các Sở Lao động- Thương binh và Xã hội đã bổ sung nhiệm vụ thanh tra hoạt động dạy nghề cho Thanh tra Sở, nhiều Sở đã cử thanh tra viên lao động theo dõi và tổ chức thực hiện thanh tra dạy nghề.Thanh tra Sở cũng đã tích cực, chủ động tổ chức thanh tra, phối hợp với Phòng quản lý dạy nghề thực hiện kiểm tra thường xuyên.
Tuy số lượng các cuộc thanh tra chưa nhiều, số cơ sở dạy nghề được thanh tra, kiểm tra mới chiếm một tỷ lệ rất nhỏ, nhưng từ các cuộc thanh tra đã góp phần phòng ngừa, ngăn chặn các sai phạm trong hoạt động dạy nghề, qua thanh tra đã góp phần bổ sung, sửa đổi hoàn thiện chính sách, pháp luật.
2.3.2. Mặt yếu
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, trong hoạt động thanh tra dạy nghề còn nhiều tồn tại, bất cập:
- Số lượng các cuộc thanh tra còn rất ít so với yêu cầu, số địa phương, cơ sở được thanh tra còn quá ít so với tổng số cơ sở dạy nghề hiện có. Trung bình mỗi năm, Thanh tra Tổng cục Dạy nghề trực tiếp tổ chức thanh tra được 15 đến 20 tỉnh, thành phố với khoảng 50 đến 60 cơ sở dạy nghề mỗi năm.
- Ở các tỉnh, do lực lượng thanh tra Lao động- Thương binh và Xã hội của các Sở rất ít (bình quân 5 thanh tra viên/1 Sở), lĩnh vực quản lý nhà nước của Sở rộng (gần 10 lĩnh vực cần phải thanh tra), do đó, lĩnh vực thanh tra dạy nghề chưa được quan tâm đúng mức hoặc có quan tâm nhưng cũng “lực bất tồng tâm”. Mặc dù Tổng cục dạy nghề yêu cầu hàng năm mỗi Sở thanh tra ít nhất 30% số cơ sở dạy nghề trên địa bàn, nhưng theo thống kê những năm gần đây, hàng năm chỉ có khoảng 30% số Sở có triển khai về công tác thanh tra hoạt động dạy nghề.
Như vậy, với tiến độ như hiện nay thì sau 5 năm Thanh tra Tổng cục Dạy nghề mới thanh tra hết lượt các tỉnh và sau hơn 10 năm thì mới đi được 1 lần các cơ sở dạy nghề. Như vậy sẽ không đáp ứng được yêu cầu ”Thanh tra là chức năng của quản lý”, ”thanh tra phục vụ công tác quản lý”.