Danh từ chính hình rút ở trong bài II.3. Chính là chính lệch, hình là hình pháp. Chính hình chỉ tất cả điển chương pháp lệnh do các vua đầu tiên đời Chu đặt ra để trị dân.
Khổng tử chủ trương đức trị, cho nên không thích dùng chính hình. Bài II.3, ông bảo: “Dùng chính lệnh để dắt dẫn dân, dùng hình phạt để bắt dân vào khuôn phép, dân tránh khỏi tội, nhưng không biết hổ thẹn. Dùng đạo đức để dắt dẫn dân, dùng lễ giáo để đặt dân vào khuôn phép, dân biết hổ thẹn mà theo đường chính”.
Bài XII.13, ông lại nói:
“Xử kiện thì ta cũng như người khác thôi; phải làm sao (dạy dân biết nghĩa vụ, nhường nhịn) cho dân khỏi kiện nhau thì mới hơn chứ?” (tất dã, sử vô tụng hồ?)
Nhưng ông đã bảo có hạng người hạ ngu, không giáo hóa không được, cho nên bất đắc dĩ phải dùng chính hình, không thể bỏ pháp lệnh, thưởng phạt được. Thưởng phạt khéo dùng thì có thể giúp cho sự giáo hóa và giữ cho nước được trị. Vậy pháp trị bổ túc cho nhân trị. Cần lễ giáo nhưng cũng cần cả chính hình.
Đời Chu, hình phạt rất nghiêm khác. Theo Etiemble (sách đã dẫn – tr.22), có tới 200 tội bị xử tử, 300 tội bị thiến, 500 tội bị chặt chân, cả ngàn tội bị cắt mũi. Khổng tử muốn sửa cái thói đa sát đó, cho nên khi Quí Khang tử muốn giết kẻ vô đạo để cho người khác thành hữu đạo, ông bảo trị dân cần gì phải dùng biện pháp giết người, người trên muốn thiện thì dân sẽ hóa thiện. (XII.19).
Tuy nhiên, vì muốn giữ chế độ phong kiến, tôn quyền, muốn mọi quyền phải thuộc về vua, (XVI.2), nên Khổng tử rất ghét kẻ thí quân, phản loạn, tiếm lễ như trên tôi đã nói: ông cương quyết đòi phá ba thành của ba họ Mạnh, Quí, Thúc, và xin Lỗ Ai công xuất binh hỏi tội Trần Hằng, một đại phu của Tề đã giết vua là Giản công, khiến chúng ta ngờ rằng hành động của ông mâu thuẫn với lí thuyết: ông hiếu sát, ghét vũ lực. (VII.20).
Vậy mà khi Phất Nhiễu, một kẻ phản loạn khác ở Sở, Bật Hật mời ông, ông cũng muốn đi. Con người ông thật khó hiểu, có lẽ vì ông chủ trương “vô khả, vô bất khả?” Ông khác xa Mạnh tử.
VÕ BỊ
Như tôi đã có dịp nói, ông không thích chiến tranh, cho nên trọng nhạc Thiều hơn nhạc Võ, cho đức của vua Thuấn cao hơn của Võ vương, vì Võ vương p hải dùng đến võ lực diệt một bạo chúa rồi mới được làm vua thiên hạ.
Và khi Vệ Linh công hỏi ông về chiến trận, ông tự cho là bị xúc phạm, đáp: “Việc tế tự, lễ khí thì tôi đã từng được nghe, còn về việc quân lữ thì tôi chưa học”, rồi hôm sau ông bỏ nước Vệ qua nước Trần.
Tuy nhiên ông cũng nhận rằng võ bị không thể thiếu được, cho nên trong bài XII.7, ông bảo Tử Cống rằng phép trị dân thì phải lo lương thực cho đủ, binh bị cho đủ (túc thực, túc binh).
Có điều đáng để ý là ông cho rằng phải dạy dỗ dân rồi mới bắt dân đánh giặc, nếu không tức là bỏ dân (XIII.30); và theo ông, một nhà cầm quyền tốt phải dạy dân bảy năm rồi mới có thể dùng dân vào việc chiến đấu được (XIII.29).
Dạy dân tới bảy năm rồi mới đưa ra trận, tôi chưa thấy một chính trị gia nào chủ trương như vậy, và khắp cổ kim cũng không có nhà cầm quyền nào theo chính sách đó. Chắc Khổng tử nghĩ rằng chẳng những phải dạy dân về chiến thuật, canh nông (thời đó nước nào cũng ngụ binh ư nông: thời bình, dân vừa học về quân sự, vừa cày ruộng để tự túc) mà còn phải giáo hóa về đạo đức: biết yêu người thân, biết hi sinh cho người trên v.v… rồi họ mới hăng hái chiến đấu chăng? Nhưng nếu vậy thì bất kì thanh niên nào cũng phải dạy trong bảy năm, giáo dục bị cưỡng bách trong bảy năm? Ở thời ông, khó tưởng tượng được điều đó.