THỜI KỲ THAM CHÍNH TẠI LỖ

Một phần của tài liệu Khổng Tử Nguyễn Hiến Lê (Trang 42)

(502 – 546)

Năm 502, Khổng tử đúng năm mươi tuổi, “tri thiên mệnh” – (Định công năm thứ tám). Công sơn Phất Nhiễu (Sử kí gọi là Phất Nữu) – một gia thần của Quí Hoàn tử, có chuyện bất bình với Hoàn tử, theo Dương Hổ. Cả hai nổi loạn, chống Hoàn tử, bắt giam Hoàn tử, Hoàn tử lập mưu trốn thoát, và năm sau, đánh lại Hổ, Hổ thua, trốn sang Tề. Còn Công sơn Phất Nhiễu thì vẫn giữ thành Phí, chống lại Hoàn tử, cho người mời Khổng tử lại giúp mình. Khổng tử muốn đi. Tử Lộ không bằng lòng, xẵng giọng cản: “Không có nơi nào để hành đạo thì thôi, hà tất phải đến với họ Công Sơn?”. Khổng tử đáp: “Người ta vời ta, hẳn là có ý dùng ta. Nếu dùng ta thì ta sẽ phục hưng đạo nhà Chu ở phương Đông” (tức ở Lỗ) (XII.5). Lương Khải Siêu không tin việc đó, vì chỉ có Sử kí chép mà Tả truyện không chép. Có lẽ một phần cũng do thái độ của Khổng tử trong truyện đó có chỗ khó hiểu: ông đã cương quyết không hợp tác với Dương Hổ mà sao bây giờ lại muốn giúp Phất Nhiễu, cũng thuộc hạng loạn thần như Hổ? Có thể rằng tư cách Phất Nhiễu hơn Hổ chăng? Mà Phất Nhiễu chống Hoàn tử một loạn thần, chứ chưa chắc đã không tôn vua Lỗ. Ông cứ lại dò ý hắn xem; nếu quả như ông đoán thì ông có thể thuyết hắn lập lại uy quyền của Định công mà khiến cho Lỗ theo đạo nhà Chu. Năm chục tuổi rồi mà chưa có cơ hội nào tham chính đế thực hành đạo của mình, “tuế bất ngã dữ” thì làm sao ông không nóng nảy! Nhưng rồi ông biết nghe lời can của Tử Lộ mà không đi.

Thực may cho ông mà không đi, vì ít lâu sau Định công mời ông làm Trung Đô tế, coi ấp Trung Đô, kinh đô của Lỗ, cũng như chức phủ doãn đời sau, chức đô trưởng gần đây. Được một năm, Trung Đô rất có trật tự, kỉ luật từ trên xuống dưới, thành một thị trấn kiểu mẫu. Năm sau ông được cất nhắc lên chức Tư không, tức như Thượng thư bộ Công, rồi lãnh chức Đại Tư Khấu tức như Thượng thư bộ Hình. Đồng thời ba môn sinh của ông là Tử Lộ, Nhiễm Hữu và Tử Du cũng ra làm quan với họ Quí. Có thể Tử Hoa cũng được Định công dùng về ngoại giao.

Năm 500, Tề Cảnh công mời vua Lỗ họp ở Giáp Cốc (có sách chép là Hiệp Cốc), trên biên giới hai nước để kết nên hòa hảo. Lỗ Định công tính chi dắt theo một mình Khổng tử trên xe thôi. Khổng tử bảo hễ đi dự những cuộc hội họp thân ái thì nên đem võ sĩ, mà đi dự những cuộc hội họp võ bị thì nên dắt theo mưu sĩ. Thời xưa, mỗi khi vua ra khỏi cương thổ đều có võ quan hộ tống, và ông khuyên Định công dắt theo hai viên tả, hữu Tư mã.

Định công nghe lời, bảo Thân Câu Tu (hữu Tư mã) và Nhạc Kì (tả Tư mã) điểm một số binh xa để cùng đi với mình tới hội nghị, lại điểm một số quân nữa đóng một nơi cách hội nghị mười dặm.

Hội nghị họp ở trên một cái đàn, phía Tề có Án Anh theo hầu, phía Lỗ có Khổng tử. Đúng như Khổng tử đoán, Cảnh công bày ra trò múa hát, vũ công ăn mặc kì cục, đeo gươm, cầm giáo mác, cơ hồ muốn ám hại hoặc uy hiếp Định công. Khổng tử vội leo lên đàn khoát tay, yêu cầu Cảnh công đuổi bọn đó đi, vì điệu vũ không hợp với một hội nghị hòa hảo. Lát sau một đội con hát tiến lên hát những khúc thô tục. Khổng tử cũng buộc Cảnh công phải dẹp. Và chặt chân tay bọn con hát đó! Vậy là vua Tề không uy hiếp cũng không làm nhục được vua Lỗ, trở về trách những kẻ bày mưu cho mình, ân hận đã có lỗi với vua Lỗ, mà việc kết thân thất bại. Một viên quan không biết gì về những âm mưu của kẻ bày trò múa hát đó, khuyên Cảnh công: “Người quân tử khi đã biết lỗi thì thành thực tạ lỗi bằng hành động, kẻ tiểu nhân chỉ tạ lỗi bằng lời nói suông”. Vua Tề nghe lời trả lại Định công đất Tam Điền thuộc về phần của Hoàn tử. Sự thực thì có lẽ Tề phải trả đất vì người Lỗ đã chuẩn bị chiến tranh để đòi lại những đất đó. Tôi ngờ cả vụ hội nghị ở Giáp Cốc đó có chút màu sắc tiểu thuyết.

Sau vụ đó, Khổng tử được làm tướng quốc thứ nhì (á tướng). Tướng quốc thứ nhất là Quí Hoàn tử, người trong dòng họ vua. Năm 497, Khổng tử khuyên Định công dẹp ba nhà quyền thần đi, không để cho họ có thành quách, quân lực riêng. Định công nghe lời, giao việc phá thành của ba nhà cho Tử Lộ. Tử Lộ và Nhiễm Hữu lúc đó ở dưới quyền họ Quí. Họ Thúc chịu để cho phá thành Hậu trước hết. Khi phá thành Phí của họ Quí – thành đó bị Công sơn Phất Nhiễu chiếm từ trước thì dân chúng do Phất Nhiễu xúi, nổi loạn, chống lại; Khổng tử sai đem quân lại dẹp, Phất Nhiễu thua, trốn qua Tề, và thành Phí bị san phẳng. Thành thứ ba của họ Mạnh ở gần biên giới Tề Lỗ tại ấp Thành. Họ Mạnh không chịu phá, lấy cớ rằng nếu phá thì khi quân Tề xâm lăng, không có gì cản chúng được. Định công đem quân lại vây nhưng không chiếm nổi. Vậy là ba thành chỉ phá được hai.

Cũng năm đó (?), Khổng tử giết Thiếu Chính Mão, một đại phu gian xảo làm loạn chính sự.

Vụ đó, một số học giả ngờ là không có. Họ đưa ra ba lý do:

1 – Khổng tử chủ trương trị nước, không nên giết người. Luận ngữ, bài XII.19, chép: “Quí Khang tử hỏi Khổng tử về phép trị dân: “Giết kẻ vô đạo (độc ác) để cho người khác thành hữu đạo (lương thiện) nên chẳng”?

Khổng tử đáp: “Ông trị dân, cần gì phải dùng biện pháp giết người? Ông muốn thiện thì dân sẽ hóa thiện. Đức hạnh của người quân tử (người trị dân) như gió, mà đức hạnh của tiểu nhân (dân) như cỏ. Gió thổi thì cỏ tất rạp xuống”.

Không lẽ Khổng tử chủ trương không giết người mà mới được Định công tin dùng, đã giết một đại phu của Lỗ.

2 – Thời đó giết một đại phu là một việc rất quan trọng. Khổng tử không phải là người hoàng tộc, chỉ là một á tướng, một đại phu, đâu dám giết một đại phu. Tử Sản, tướng quốc Trịnh, được vua Trịnh tin dùng bao nhiêu năm mà còn không dám giết Công Tôn Hắc thay! 3 – Một vụ quan trọng như vậy mà sao sử Lỗ không chép, Luận ngữ cũng không nhắc tới, chỉ chép trong Sử kí (Khổng tử thế gia) và trong Khổng tử gia ngữ, mà có lẽ Tư Mã Thiên cũng chỉ theo Khổng tử gia ngữ khi viết Khổng tử thế gia.

Lẽ thứ nhất không vững lắm. Khổng tử không muốn giết dân; nhưng loạn thần thì chắc ông cương quyết trị, như việc phá thành của ba họ Quí, Thúc, Mạnh kể trên. Lẽ thứ nhì cũng không đủ vững. Nói Khổng tử giết Thiếu Chính Mão, có thể hiểu là đề nghị giết với Định công và được Định công chấp thuận. Lẽ thứ ba chấp nhận được.

Từ đó uy tín của Khổng càng lên mà nước Lỗ hóa ra thịnh trị. Ba tháng sau, những người bán thịt ở chợ không nói thách nữa; trên đường đàn ông đi một bên, đàn bà đi một bên; của rơi ngoài đường, không ai nhặt, dân các nước chung quanh lại Lỗ làm ăn mỗi ngày một nhiều. Nếu quả thật như vậy thì lời Khổng tử trong bài XIII.10: “Có ai dùng ta (cầm quốc chính) thì một năm cương kỉ đã khá, ba năm sẽ thành công”, không phải là một lời nói quá. Vua Tề thấy Lỗ thịnh trị đâm lo ngại; sợ Lỗ thành nước mạnh nhất ở phía Đông, sẽ làm bá chủ, mà Tế ở sát nách, bị uy hiếp trước cả. Lúc này Án Anh đã mất. Một đại phu bày mưu với vua Tề, lựa tám chục thiếu nữ đẹp, cho bận gấm vóc, dạy cho múa hát, đưa qua tặng vua Lỗ với một trăm hai mươi lăm con ngựa tốt. Đoàn nữ nhạc với bầy ngựa đó biểu diễn ở cửa Nam kinh đô Lỗ. Quí Hoàn tử cải trang lại xem ba lần, và xúi Định công lẻn tới xem nữa. Họ mê mẩn tâm thần, bỏ cả triều chính. Tử Lộ nói với Khổng tử: “Thầy trò mình nên sớm rời đi thôi”.

Khổng tử bảo: “Gần đến ngày tế Giao (tế trời) rồi; nếu nhà vua làm lễ xong, còn nhớ phân phát thịt cúng cho các quan thì chúng ta còn ở lại được”.

Nhưng Quí Hoàn tử nhận đoàn nữ nhạc của Tề rồi ba ngày không vào triều, sau lễ Giao, cũng quên việc chia thịt. Khổng tử biết rằng đạo mình không còn thi hành được nữa, và mấy thầy trò rời khỏi Lỗ. Dương Hổ và Phất Nhiễu đã trốn qua nước ngoài. Lỗ hết loạn rồi,

Định công và Hoàn tử còn dùng gì họ nữa?

Có lẽ lúc đó nhiều vị quan Lỗ cũng bỏ đi trong số đó có tám nhạc sư Chí, Can, Liêu, Khuyết v.v… chép trong bài XVIIII.9.

Một phần của tài liệu Khổng Tử Nguyễn Hiến Lê (Trang 42)