HOÀN CẢNH
Muốn nhận định tư tưởng chính trị của Khổng tử, chúng ta đừng quên sáu điều này:
1. Ông thuộc giai cấp quí tộc, nhưng tới đời ông đã suy, nghèo, và thời trẻ ông sống một cuộc đời ở giữa hạng quí tộc và bình dân, chỉ làm một chức lại nhỏ; vì vậy ông có nếp sống, nếp suy tư của giới quí tộc, nhưng cũng dễ gần gũi bình dân, có thiện cảm với bình dân, bênh vực bình dân, giúp cho họ thăng tiến. Về điểm đó, ông chỉ là bạn của bình dân thôi. Khác hẳn Mặc tử sau này, là người ở trong giai cấp bình dân; ông vẫn thiên về quan điểm quí tộc hơn là quan điểm bình dân, còn Mặc tử hoàn toàn đứng về quan điểm bình dân.
2. Thủy tổ của ông là quí tộc của nhà Ân, nhưng tới đời ông đã trên năm trăm năm theo Chu, nên không còn là người Ân nữa. Ông hoàn toàn theo Chu và rất phục Chu công, người có công làm cho Chu thịnh vượng, văn minh hơn Ân.
3. Ông sinh trưởng ở Lỗ mà vua Lỗ là hậu duệ của Chu công (Chu công phong đất Lỗ cho con là Bá Cầm – XVIII.10), do đó giữ được nhiều tục lệ, lễ nghi, thể chế của Chu; có thể nói Lỗ vào thời Khổng tử là trung tâm văn hóa nhà Chu, nên Khổng tử khen Lỗ có những người quân tử (V.2), và bảo nước Lỗ chỉ thay đổi một bực thôi thì đạt được đạo của tiên vương, tức đạo của Văn vương, Võ vương, nhà Chu.
4. Ông bẩm sinh “tín nhi hiếu cổ”, nghĩa là tin và thích kinh điển của cổ nhân, thích cả lễ nghi, tục lệ cổ nhân nữa, cho nên mới có truyền thuyết rằng hồi bé ông hay chơi trò tế lễ. 5. Ông sinh ở gần cuối thời Xuân Thu, thời mà chế độ phong kiến tuy suy nhưng vẫn còn cơ duy trì được. Tề Hoàn công là vị “bá” đầu tiên và có uy thế nhất trong số ngũ bá vẫn muợn danh thiên tử nhà Chu để họp các chư hầu, và về già mới có ý lật vua Chu nhưng chưa kịp thi thành thì chết. Như mọi người khác ở thời ông, có lẽ cả Mặc tử, Mạnh tử sau ông nữa, Khổng tử cho chế độ phong kiến là hợp pháp, hợp lí nữa, vì hoàn cảnh thời đại chưa cho ông quan niệm được một chế độ nào khác để thay chế độ phong kiến. Phải gần tới cuối đời Chiến Quốc, bọn pháp gia mới lần lần quan niệm được một chế độ mới, chế độ quân chủ chuyên chế.
Chúng ta nên nhớ Chu Võ vương và Chu công lập chế độ phong kiến là vì đất đai quá rộng, không thể tự cai trị lấy hết được, phải cắt đất, phong cho người thân và công thần để họ tự trị dưới sự kiểm soát của Chu. Tới thời Khổng tử, đất có phần rộng hơn nữa, mà tình trạng kinh tế, xã hội không thay đổi mấy; canh nông chưa phát triển; (vì còn là thời đại đồ đồng), dân số chưa tăng bao nhiêu, cả Trung Hoa may lắm được 10- 15 triệu người (5000
năm sau tới đầu thế kỉ nguyên Tây lịch mới được 58 triệu); nước lớn nhất như Tề may mắn lắm được vài triệu người, một hai ngàn chiến xa (4000- 8000 quân), như vậy dù có làm bá chủ các chư hầu, tiếm ngôi thiên tử của nhà Chu thì cũng vẫn phải theo chế độ phong kiến của Chu, chứ làm sao có đủ quân để chiếm đóng, đủ quan lại để cai trị cả Trung Quốc mà lập chế độ quân chủ chuyên chế được.
Vào khoảng cuối đời Khổng tử, Trung Hoa mới bắt đầu có sắt, bước qua thời đại đồ sắt; một trăm năm sau, thời Mạnh tử, có cày sắt, búa, rìu sắt, rừng rú mới được khai phá, canh nông mới phát triển mạnh, dân số tăng lên mau; rồi khoảng 50 -100 năm sau nữa, mới có những võ khí bằng sắt, có cuộc cách mạng về chiến thuật: ít dùng chiến xa mà dùng bộ binh và kị binh (bắt chước rợ Hồ), có những công cuộc thủy lợi (đào kinh, đắp đê) lớn lao; và tới thế kỷ thứ ba trước kỉ nguyên tây lịch mới có vài ba nước như Tề, Sở, Tần đủ cường thịnh để nghĩ tới việc thống nhất Trung Quốc.
Tần tuy kém văn minh nhất nhưng đất đai rộng, phì nhiêu (cánh đồng Thành Đô ở Tứ Xuyên), địa thế hiểm yếu, (cửa ải Hàm Cốc) không bị các nước chung quanh quấy phá; lại nhờ các tể tướng Thương Ưởng, Lí Tư, mà có một tổ chức hành chánh (chia nước làm quận huyện, bắt năm gia đình phải tố cáo lẫn nhau, bắt người dân nào cũng phải có chứng minh thư, dùng những hình pháp cực nghiêm để nắm hết dân…), võ bị (người dân nào cũng phải đi lính, lính thời bình thì làm ruộng, giữ trật tự trong miền…), rồi lại dùng những thuật của pháp gia (do thám, hối lộ, ám sát) để lục lạc đại thần, tướng quân bên địch, do đó mà lần lần thôn tính được lục quốc năm -221, thống nhất Trung Quốc, bỏ chế độ phong kiến, chia sáu nước đó thành 36 quận. Khổng tử mất năm – 479 làm sao có thể nghĩ đến một sự thống nhất như vậy được? Trách ông thủ cựu; giữ chế độ phong kiến là không đặt ông vào thời đại của ông.
6. Khổng tử không thể quan niệm được một chế độ mới, mà cũng không thể trở lại chế độ truyền hiền thời Nghiêu, Thuấn mặc dầu thời đó là thời lí tưởng theo ông, là hoàng kim thời đại của Trung Quốc như tất cả các triết gia Tiên Tần đều tin. Thời Nghiêu Thuấn trước nhà Chu, trên ngàn năm, dân còn thưa thớt, mỗi bộ lạc được vài ngàn, vài vạn người là cùng, viên tù trưởng được các bộ lạc bầu lên – sự truyền hiền có lẽ chỉ là như vậy; đến thời Khổng tử, mỗi nước chư hầu lớn như tề có thể có một hai triệu dân, không thể bầu vua được mà sự truyền tử (quân chủ) là một giai đoạn cần thiết, trước khi nhân loại có đủ điều kiện để thành lập chế độ dân chủ đại nghị ngày nay.
Sự biến chuyển từ một bộ lạc lên thành một quốc gia, kéo theo sự biến chuyển từ chế độ bầu người thủ lãnh nối ngôi (tức truyền hiền) lên chế độ truyền tử. Ở Trung Quốc sự biến chuyển đó xảy ra trễ nhất từ thời Thương, sớm nhất từ thời Hạ. Khổng tử làm sao có thể trở
ngược lại cả ngàn rưỡi năm được? Ông phải tôn quân, chấp nhận sự truyền tử, mà chỉ tìm cách cải thiện nó thôi. Ở thời ông không ai có thể làm khác được.
Sáu điều kể trên giúp ta hiểu được tại sao Khổng tử một mặt có tư tưởng bảo thủ, giữ xã hội cũ, dùng tiêu chuẩn của xã hội cũ, điều chỉnh quyền lợi, nghĩa vụ vua tôi; mặt khác có tư tưởng tiến bộ, cách mạng nữa, đào tạo một giai cấp mới; kẻ sĩ để giúp giai cấp quí tộc trị nước, thay thế hạng quí tộc thiếu tài, thiếu đức. Giai cấp mới, kẻ sẽ đó đại đa số ở trong giới bình dân, con địa chủ mới và thương nhân, vì cuối thời Xuân Thu, nông nghiệp đã phát triển nhờ phương pháp canh tác và nông khí đã được cải thiện, mà thương nghiệp cũng đã bắt đầu thịnh, nhất là ở nước Tề.
Trong chương này tôi sẽ xét ba điểm căn bản trong tư tưởng chính trị của Khổng tử:
- Tòng Chu tức duy trì chế độ phong kiến.
- Chính danh để điều chỉnh chế độ đó, lập lại trật tự cho nó vững lại, khỏi băng hoại.
- Đức trị là qui kết của sự chính danh.
TÒNG CHU
Thiên Bát dật, bài 14, Khổng tử nói:
“Nhà Chu châm chước lễ chế của hai triều đại trước (Hạ, Ân) nên văn vẻ rực rỡ biết bao! Ta theo Chu” (Ngô tòng Chu).
Theo Chu tức là theo chế độ, chính trị, xã hội, pháp điển, lễ nhạc, giáo dục… của nhà Chu, do Chu công chế định sau khi châm chước, sửa đổi lễ chế của Hạ, Ân.
Suốt đời Khổng tử chỉ mong nối được sự nghiệp của Chu công, cho nên khi bị vây ở Khuông, ông nói:
“Vua Văn vương mất rồi, lễ nhạc, chế độ của ông chẳng truyền lại cho ta sao! Trời mà muốn hủy diệt văn hóa đó thì người sau đâu có được thừa hưởng nó; Trời mà chưa muốn hủy diệt văn hóa đó thì người Khuông làm gì được ta?” (IX.5).
Và như tôi đã nói, ông ao ước điều đó lắm, tới nỗi nó ám ảnh ông, khiến ông thường nằm mộng thấy Chu công; khi nào lâu mà không nằm mộng thấy Chu công thì ông buồn, tự cho là mình suy rồi (VII.5).
Ông tòng Chu (duy trì văn hóa của Chu) chứ không tôn Chu, tôi muốn nói: Không tôn thời thiên tử đương thời của nhà Chu. Trong bộ Xuân Thu ông vẫn không quên nhà Chu, vẫn chép việc vua Chu trước việc của Lỗ, và các chư hầu khác, coi như “việc trong Xuân Thu là việc của thiên tử”; nhưng suốt bộ Luận ngữ chúng ta không thấy một bài nào nhắc đến vua nhà Chu thời ông cả.
Việc ông qua Chu để khảo về lễ, như trong Chương II tôi đã nói, chưa chắc đã có thật, mà nếu có thật thì cũng không thấy ông nhắc đến vua Chu. Và khi thôi làm quan ở Lỗ, ông bôn ba các nước chư hầu, năm lần ở Vệ, hai lần qua Trần, một lần qua Tống, một lần qua Sở, một lần tính qua Tấn… mà không có lần nào ông có ý qua Chu cả. (Sau này Mạnh Tử cũng vậy, mặc dầu chủ trương thống nhất thiên hạ mà qua Tề, Lương, Đằng… chứ không qua Chu).
Điều đó quả khó hiểu, Khổng tử cho rằng Chu đã yếu, nhỏ quá rồi, không thể giúp Chu phục hưng lên được chăng? Trong Xuân Thu, ông chép truyện thiên tử nhà Chu bị chư hầu gọi tới họp hội nghị ở Tiễn Thổ, mà thiên tử không dám từ chối, phải đi, và ông phải giấu việc đó, bảo “thiên vương đi tuần ở Hà Dương”. Chu bị lấn hiếp như vậy, chắc Khổng tử
(và sau, Mạnh tử nữa) chán ngán, cho rằng vận của nhà Chu không thể cứu được.
Chúng tôi chỉ đoán như vậy chứ trong Luận ngữ không có chỗ nào hé cho ta thấy thâm ý của Khổng tử về điểm đó cả.