LẠI LANG THANG

Một phần của tài liệu Khổng Tử Nguyễn Hiến Lê (Trang 63)

(488 - 484)

Mùa hè năm 493, trong khi Khổng tử ở Trần thì Vệ Linh công chết. Bây giờ (488) ông trở về Vệ thì cháu nội Linh công, là Xuất công Triếp đã lên ngôi. Đáng lẽ ngôi vua về Khoái Quí là cha của Triếp, nhưng Khoái Quí chống mẹ là Nam Tử, có lần muốn sai người ám sát mẹ dâm loạn, việc không thành, phải trốn qua Tề. Vì vậy Nam tử cho Triếp lên ngôi để cự lại cha. Triều đình Vệ cực đồi bại.

Khi tới Vệ, Tử Lộ hỏi Khổng tử:

- Nếu vua Vệ giữ thầy lại mà nhờ thầy coi chính sự thì thầy làm việc gì trước? Khổng tử đáp: “Tất phải chính danh trước hết chăng?”.

Tử Lộ nói: “Vậy ư? Lời thầy vu khoát rồi. Sao lại phải chính danh?”

Khổng tử nói: “Do, anh thật là thô thiển. Người quân tử có điều gì không biết thì không nói bậy. Nếu danh (hiệu) không chính (xác) thì lời nói không thuận lý (vì danh hiệu không hợp với thực tế); lời nói không thuận thì sự việc không thành; sự việc không thành thì lễ nhạc,chế độ không kiến lập được; lễ nhạc, chế độ phong kiến lập được thì hình phạt không trúng; hình phạt không trúng thì dân không biết đặt tay chân vào đâu (không biết làm thế nào cho phải). Cho nên người quân tử đã dùng cái danh thì tất phải nói ra được (tất phải thuận lý); đã nói điều gì tất phải làm được. Đối với lời nói, người quân tử không thể cẩu thả được” (XIII.3).

Triều đình Vệ loạn vì cha không ra cha, con không ra con, vua không ra vua, tôi không ra tôi, danh không chính là thế. Cho nên theo Khổng tử, việc đầu tiên là phải lập một công tử khác làm vua Vệ cho danh chính ngôn thuận đã rồi nước mới yên được. Có tác giả lập dị lại bảo sự chính danh Khổng tử muốn thực hành đó chỉ là việc sửa lại chính tả thời đó cho đúng!

Việc dưới đây chắc cũng xảy ra hồi đó:

Nhiễm Hữu hỏi: “Thầy chúng ta có thiên vị với vua Vệ không?” Tử Cống đáp: “Ừ, tôi cũng có ý hỏi thầy về việc đó.”

Rồi vô hỏi Khổng tử: “Thưa thầy, Bá Di, Thúc Tề là người thế nào?” Khổng tử đáp: “Là người hiền thời xưa.”

Lại hỏi: “Hai ông ấy có ân hận gì không?”

Đáp: “Cầu nhân mà được nhân thì còn ân hận gì nữa?”

Tử Cống trở ra bảo Nhiễm Hữu: “Thầy không thiên vị với vua Vệ đâu.” (VII.14).

Bài này hàm súc: Tử Cống không đem thẳng việc vua Vệ là Xuất Công Triếp ra hỏi Khổng tử, vì nghĩ Khổng tử lúc đó đương ở Vệ không tiện trả lời, nên mượn truyện Bá Di, Thúc Tề mà hỏi. Bá Di, Thúc Tề là hai anh em ruột con vua Cô Trúc cuối đời Ân, đầu đời Chu. Bá Di là anh cả, Thúc Tề là em út. Vua Cô Trúc yêu Thúc Tề, lập di mệnh cho Thúc Tề nối ngôi. Quốc dân theo di mệnh, lập Thúc Tề, Thúc Tề không chịu, nhường lại Bá Di cho phải lẽ. Bá Di cũng không chịu, bảo cứ theo di mệnh của cha. Không ai chịu nhận rồi cả hai trốn vào núi, quốc dân phải lập người con giữa.

Hai ông ấy coi nghĩa trọng hơn ngôi vua, trái hẳn với Xuất công Triếp. Khổng tử khen họ, tức là chê vua Vệ rồi, cho nên Tử Cống biết Khổng tử không thiên vị với vua Vệ.

Vậy là Khổng tử không tham chính ở Vệ. Ông có cảm tình với nước đó, một phần vì Vệ là nước anh em của Lỗ, một phần vì có bạn thân của ông là Cừ Bá Ngọc, nhưng trước sau năm lần tới Vệ rồi lại bỏ đi, mặc dầu có một số môn sinh giúp Vệ.

Trong ba bốn năm sau không thấy nói gì về ông cả - Hình như bà Khổng mất năm 485. Năm sau, 484, Nhiễm Cầu tham chính ở Lỗ đã được sáu bảy năm, cầm quân đánh Tề, khải hoàn. Quí Khang tử khen và hỏi học ai mà giỏi về chiến trận vậy. Nhiễm Cầu đáp là học Khổng tử.

Quí Khang tử lại hỏi Khổng tử là người ra sao? Nhiễm Cầu bảo: “Đạo của thầy tôi là làm lợi cho dân, lập lại thể chế, lễ nghi, xã hội sẽ có trật tự. Dù giao cho thầy tôi trị một nước (25.000 nhà) thầy tôi cũng không mưu lợi cho mình.

Quí Khang tử hỏi:

- Ta có thể gọi ông ấy tới triều được không?

Đối thoại đó không thấy chép trong Luận ngữ.

Quí Khang tử bèn sai người mang lễ vật đi mời Khổng tử về Lỗ. Ông về, sau mười ba năm (496 – 484) bôn ba trong khu lưu vực sông Hoàng Hà, sông Hoài, gần tới sông Dương Tử, năm lần ở Vệ, mấy lần ở Trần, Thái, một lần ở Trịnh, Tống, Tào, Sở. Mười ba năm biết bao vất vả mà không được việc gì.

Một phần của tài liệu Khổng Tử Nguyễn Hiến Lê (Trang 63)