BẢO THỦ NHƯNG CẢI THIỆN

Một phần của tài liệu Khổng Tử Nguyễn Hiến Lê (Trang 113)

Không một nhà tư tưởng nào chỉ bảo thủ, hoàn toàn bảo thủ thôi, mà lưu danh lại đời sau được, vì như vậy không cống hiến được gì mới cho đời.

Khổng tử bảo thủ, hiếu cổ vì ông hiểu rằng dân tộc nào muốn mạnh, xã hội muốn vững cũng cần phải giữ một số truyền thống không thể cắt đứt hẳn với dĩ vãng được.

Truyền thống là một thứ keo để gắn các phần tử trong xã hội.

Nhưng muốn bảo thủ thì phải sửa đổi, cải cách ít nhiều cho hợp thời, nếu không thì xã hội không tiến được, mà sẽ phải chịu một luật đào thải. Chẳng hạn thời xưa, khi tơ chưa sản xuất được nhiều, người ta dùng mũ gai, nhưng tới thời Khổng tử, tơ đã sản xuất nhiều, mũ tơ rẻ hơn, đỡ tốn công hơn, thì ông dùng mũ tơ. (IX.3).

Khi Nhan Uyên hỏi phép trị nước, ông đáp: “Theo lịch nhà Hạ, ngồi xe nhà Ân, đội mũ miện nhà Chu, nhạc thì theo nhạc và vũ thiều…” (XV.10). Theo lịch nhà Hạ vì lịch nhà Hạ lấy tháng đầu làm tháng giêng (như Âm lịch của chúng ta ngày nay) tiện cho việc nông hơn là lấy tháng tí, tức tháng 11 làm tháng giêng như nhà Chu, hoặc lấy tháng sửu, tức tháng chạp làm tháng giêng như nhà Ân; dùng xe nhà Ân kiên cố, không hoa mĩ như xe nhà Chu; đội mũ miện nhà Chu vì kiểu mũ đó đẹp hơn cả.

Như vậy ta thấy ông không theo hẳn nhà Chu, không hoàn toàn tòng Chu: ông chê Chu không thực tế khi làm lịch, và xa xỉ, quá trọng văn khi dùng xe.

Trong một đoạn sau, khi xét về lễ, ông khuyên các việc lễ nên tiết kiệm, đừng trọng hình thức; đừng dùng nhiều hình phạt, đừng ham giết người… là ông cũng muốn sửa đổi phong tục, luật pháp của Chu, vì Chu quả có tật xa xỉ và đa sát, như mọi triều đại nào muốn cho xã hội có trật tự sau một cuộc chiến tranh diệt triều đại trước.

Cải cách như vậy là biến quyền biến (bài IX.29, ông khuyên phải đứng vững trong chính đạo, nhưng cũng phải quyền biến, tùy thời), biết tránh cực đoan, mà vừa phải, đừng thái quá, đừng bất cập, giữ đức trung dung, mà ông khen là rất đẹp: (Trung dung chi vi đức dã, Kì chí chi hô! VI.27).

Một phần của tài liệu Khổng Tử Nguyễn Hiến Lê (Trang 113)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(194 trang)