Môn sinh của Khổng tử tương truyền tới ba ngàn. Trong Luận ngữ chúng ta chỉ thấy ghi tên độ ba chục người (coi Bảng môn sinh ở cuối Luận ngữ - bản này thiếu vài tên không quan trọng), chỉ trừ hai người là ở trong giới quí tộc: Nam Dung (Nam Cung Quát) và Tư Mã Canh; còn thì đều ở trong giới bình dân.
Có gia đình đời cha học ông, đời con cũng học, như Nhan Lộ và con là Nhan Hồi, Tăng Tích và con là Tăng Sâm. Cha chỉ kém ông 5-10 tuổi, con thì kém ông trên dưới 40 tuổi, như Nhan Hồi kém ông 39 tuổi, (có sách bảo kém 30 tuổi, có lẽ sai), Tăng Sâm kém ông 46 tuổi.
Chỉ có khoảng mươi, mười hai môn sinh được ông mến, thường nhắc tới, vì có đức hoặc có tài, trong bài XI.2, ông đã kể tên mười người:
Đức hạnh: Nhan Uyên, Mẫn Tử Khiên, Nhiễm Bá Ngưu, Trọng Cung; Tài ăn nói: Tể Ngã, Tử Cống;
Giỏi về chính trị: Nhiễm Hữu, Tử Lộ; Giỏi về văn học: Tử Du, Tử Hạ.
Một số ra làm quan ngay khi ông còn sống, có người phục vụ với ông nữa. Tôi nhận thấy những người đó đa số thuộc về lớp hơi lớn tuổi (lớp thực lớn tuổi chỉ có hai người Nhan Lộ và Tăng Tích: Nhan thì tư cách kém, Tăng thì ưa nhàn), kém ông độ hai ba chục tuổi như Nhiễm Ung làm quan với Quí Thị ở Lỗ, sanh năm 523; Nhiễm Cầu cũng làm quan với Quí Thị ở Lỗ, cũng sanh năm 523; Tử Cống có tài biện bác, có khiếu chính trị và buôn bán, tham chính ở Lỗ, sanh năm 521; Tử Lộ làm quan ở Lỗ, Vệ, chỉ kém ông 9 -10 tuổi.
Một số khác không thích làm quan, sau dạy học. Những người này đều thuộc lớp trẻ, như Tử Hạ sanh năm 508, Tăng Sâm sanh năm 506, Tử Trương sanh năm 504[9], (Hữu Nhược sanh năm nào, chưa rõ) đều kém ông trên 40 tuổi và kém lớp làm quan từ 15 đến 20 tuổi.
Nhận xét đó có thể cho tôi đoán rằng lớp người đầu tiên xin học ông có ý học để làm quan, cho nên họ theo Khổng tử tới già, cả trong những năm Khổng tử bôn ba ở các nước.
Họ cần được thầy giới thiệu với các vua chư hầu và cần hỏi ý kiến thầy trong khi họ tham chính. Và các nhà cầm quyền thỉnh thoảng cũng hỏi ông về tài năng của các môn sinh ông, như Mạnh Võ Bá hỏi về Tử Lộ, Nhiễm Cầu, Công Tôn Hoa (V.7); Quí Tử Nhiên hỏi về Trọng Do, Nhiễm Cầu (XI.23), Quí Khang tử hỏi về Trọng Do, Nhiễm Cầu (VI.6), ông đáp họ đều có thể tòng chính được cả. Trái lại lớp sau cũng gồm nhiều người thông minh nhưng theo học ông để hiểu đạo, sửa mình, không thích làm chính trị mà về dạy học. Có thể do họ thấy tài giỏi như thầy mình mà còn không làm được gì nên họ chán; cũng có thể họ sống sau Khổng tử ba, bốn năm mươi năm, càng thấy xã hội loạn hơn nên càng chán nữa.