XÃ HỘI LÍ TƯỞNG CỦA KHỔNG TỬ

Một phần của tài liệu Khổng Tử Nguyễn Hiến Lê (Trang 159)

Thời Xuân Thu và đầu thời Chiến Quốc, không một triết gia nào có ý viết sách để trình bày tư tưởng của mình thành một hệ thống; Khổng tử, Mặc tử, Mạnh tử đều vậy cả (Tăng tử, Tử Tư chỉ quảng diễn một vài tư tưởng Khổng tử trong một tập mỏng, không thành một triết thuyết).

Nhưng những lời họ dạy môn sinh hoặc đối đáp với người ngoài mặc dầu tản mạn, cũng có liên lạc với nhau, nhờ họ có một chủ trương rõ rệt. Ít nhất là về đại cương, và đọc họ ta nhận thấy được một hệ thống trong tư tưởng của họ.

Sau khi phân tích tư tưởng chính trị của Khổng tử, chúng ta có được một ý niệm về xã hội lí tưởng của ông.

Xã hội đó là xã hội phong kiến, theo điển chế của Chu rất có trật tự, tôn ti, từ thiên tử tới các chư hầu lớn nhỏ, quí tộc, bình dân, ai có phận nấy, có quyền lợi và nhiệm vụ sống hòa hảo với nhau, giúp đỡ lẫn nhau, giữ chữ tín với nhau, không xâm phạm nhau, ai cũng phải tu thân nhất là hạng vua chúa vì ngoài bổn phận dưỡng dân – lo cho dân đủ ăn, đủ mặc, lão giả an chi, thiếu giả hoài chi – còn có bổn phận giáo dân nữa bằng cách làm gương cho họ, và bằng lễ, nhạc, văn, đức; bất đắc dĩ mới dùng hình pháp. Xã hội đó lấy gia đình làm cơ sở, trọng hiếu đễ, yêu trẻ, kính già, “thận chung truy viễn” đối với người khuất – không thấy Khổng tử bênh vực phụ nữ, đó là khuyết điểm của chế độ phụ quyền; ai nấy đều trọng tình cả và công bằng, không ai nghèo quá mà cũng không ai giàu quá, cấm ngặt sự tu liễm, người giàu thì khiêm tốn, giữ lễ, người nghèo thì lạc đạo (I.15) được như vậy thì các giai cấp hòa hợp với nhau, trên không hiếp dưới, dưới không oán trên.

Có thể một nhà nho nào ở cuối thời Chiến Quốc đã tả xã hội đó, gọi nó là đời tiểu Khang, rồi thác là lời Khổng tử, cho vào thiên Lễ vận trong Kinh Lễ:[14]

“Ngày nay đại đạo đã bỏ, người ta lấy thiên hạ làm của riêng; ai nấy đều riêng thân cha mẹ mình, đều riêng yêu con mình, cho của cải và sức lực là riêng của mình, vua quan thì cha truyền con nối, quốc gia thì dùng thành quách, hào trì mà giữ vững lấy, lấy lễ nghĩa làm kỉ cương, làm cho chính cái nghĩa vua tôi, hậu cái tình cha con, thuận cái tình anh em, hòa cái đạo vợ chồng, đặt chế độ, lập điển lí, tôn trọng kẻ trí dũng, lập công cho riêng mình. Cho nên sự dùng mưu chước mới sinh ra mà chiến tranh do đó dấy lên. Vua Vũ, vua Thang, vua Văn, vua Võ, Thành vương, Chu công bởi đó mà được chọn là bậc hơn cả. Sáu bậc quân tử ấy đều cẩn thận ở Lễ. Lễ là để làm cho rõ cái nghĩa, thành điều tín, rõ người có lỗi,

lấy nhân làm phép giảng điều tôn nhượng, bảo dân theo phép thường. Ai không theo những điều ấy thì dẫu có quyền thế chức vị, dân chúng cũng cho là họa ác, bắt tội mà truất đi. Đó là đời Tiểu Khang”.

Tác giả bài đó đã nắm được những điểm chính của đạo Khổng.

Trong bộ Đại cương triết học Trung Quốc (Cảo Thơm – 1966) quyển hạ, phần V chương XI, chúng tôi đã viết về quốc gia lí tưởng của Mặc tử, Lão tử và Pháp gia như sau: - “Mặc tử muốn có một quốc gia thống nhất, quyền hành tập trung vào một người tài đức do dân cử lên [15], không có đảng phái, tư tưởng từ trên xuống dưới nhất loạt như nhau, ai cũng lo lợi chung của đồng bào, xã hội; dân đúc mà đủ ăn đủ mặc, cần và kiệm, không có sự xa hoa[16], tóm lại là muốn được “chính bình dân an”; cơ hồ ông còn lờ mờ nghĩ đến một thế giới đại đồng nữa”.

- Lão tử: có phác họa một quốc gia lí tưởng trong chương 80 cuốn Đạo đức Kinh:

“ Nước nhỏ dân ít. Dù có khí cụ gấp chục gấp trăm sức người cũng không dùng đến. Ai nấy đều coi sự chết là hệ trọng nên không đi dâu xa. Có thuyền xe mà không ngồi, có binh khí mà không bày. (Bỏ hết văn tự) bắt dân dùng lại lối thắt dây thời thượng cổ. Thức ăn đạm bạc mà thấy ngon, quần áo tầm thường mà cho là đẹp, nhà ở thô sơ mà thích, phong tục giản phác mà lấy làm vui. (nghĩa là chỉ lo ăn no mặc ấm, ở yên, sống vui, ghé xa xỉ). Các nước gần gũi có thể trong thấy nhau, nước này nghe được tiếng gà tiếng chó của nước kia mà nhân dân các nước ấy đến già chết cũng không qua lại với nhau”[17]

- Còn Pháp gia, Thương Ưởng và Hàn Phi, muốn có một quốc gia thống nhất (như Mặc tử) quyền hành tập trung vào một người là nhà vua (Không do dân cử mà cũng chẳng cần có đức chỉ cần biết thuật trị người); kinh tế phải khuếch trương để cho nước giàu và mạnh mà chiến thắng được những nước khác, không cần văn hóa cho cao, chỉ cần nông phẩm và binh khí cho nhiều; vua chẳng cần thi ân huệ, dạy dân, cứ ngất ngưởng ngồi trên mà điều khiển guồng máy bằng cách áp dụng pháp luật một cách nghiêm khắc và công bằng, không chút tư vị (dù là với người thân, vì vua không thân với ai hết, kể cả cha mẹ, vợ con)[18]. Lí tưởng đó là lí tưởng quốc cường quân tôn.

***

Chỉ so sánh bốn quốc gia lí tưởng đó chúng ta cũng hiểu được tại sao từ đời Hán trở đi, suốt trên hai ngàn năm đạo Khổng được độc tôn, vua chúa đời nào cũng ráng áp dụng nó, mặc dầu không đúng. Nó thực tế hơn đạo Mặc, đạo Lão, nhân bản hơn thuyết của Pháp gia, trọng văn hóa hơn cả ba phái kia, hợp tình hợp lí.

CHƯƠNG 7

Một phần của tài liệu Khổng Tử Nguyễn Hiến Lê (Trang 159)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(194 trang)