Công tác thanh toán diễn ra thường xuyên trong hoạt động tài chính của doanh nghiệp. Để góp phần đẩy nhanh thu hồi nợ từ phía khách hàng, hạn chế phát sinh chi phí thì:
- Doanh nghiệp cần xem xét lại mối quan hệ kinh tế giữa hai bên, tình hình tài chính của đơn vị bạn, nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mình để có những đối sách hợp lý trong từng giai đoạn.
- Khi tham gia đấu thầu, đại diện của Công ty phải luôn quan tâm đến những điều khoản ràng buộc mà đối tác của mình đưa ra. Yêu cầu đặt ra với cán bộ doanh nghiệp làm công tác giao dịch, tham gia đấu thầu là phải tỉnh táo, sáng suốt và linh hoạt khi đồng ý ký vào các văn bản pháp lý. Trong những điều khoản về thanh toán mà hai bên thoả thuận phải ghi rõ ràng: thời hạn trả tiền, phương thức thanh toán, ngoài ra còn phải cam kết nếu bên nào vi phạm hợp đồng thì phải chịu bồi thường theo đúng tỷ lệ vi phạm.
- Với những khách hàng thường xuyên ký kết các hợp đồng lớn và có uy tín trong công tác thanh toán với Công ty thì Công ty nên có chính sách đúng đắn để củng cố mối quan hệ làm ăn kinh tế lâu dài. Nhưng trước khi đưa ra chính sách trên, Công ty phải thận trọng kiểm tra về số dư tài khoản, uy tín của đối tác với các cơ quan khác, hoặc ràng buộc khách hàng bằng những khoản ký quỹ ký cược.
Đối với các khoản phải trả, Công ty nên có những biện pháp cụ thể như sau: - Trước tiên, Công ty nên phân loại mức độ của các khoản nợ từ đó làm cơ sở để lập kế hoạch và phân loại đối tượng được thanh toán.
- Sau đó, Công ty cần phải tìm kiếm và cân đối các nguồn tài trợ cho các khoản nợ đó nhưng doanh nghiệp phải tuân thủ nguyên tắc bất di bất dịch là: Không dùng các khoản nợ dài hạn để thanh toán các khoản nợ ngắn hạn bởi vì như thế không có nghĩa là doanh nghiệp giảm bớt được các khoản nợ mà chỉ là giảm bớt được đối tượng cần phải thanh toán.