a. Dân số
Năm 2010, toàn tỉnh có 737.768 người [3]. Mật độ dân số vào loại thưa, bình quân toàn tỉnh hiện nay là 93 người/km2. Đặc điểm đáng chú ý là dân số của tỉnh phân bố không đồng đều, vùng đông dân cư như thành phố Hà Giang là 364 người/km2 nhưng vùng núi cao như Quản Bạ thì mật độ dân số là 85 người/km2, thậm chí có huyện như Bắc Mê chỉ có 57 người/km2 [3]. Như vậy, vùng đông dân cư có mật độ cao gấp 6 - 7 lần vùng ít dân cư. Đây là một trở ngại cho việc đồng đều hoá mức sống giữa các khu vực.
b. Lao động
Năm 2010, toàn tỉnh có 354.772 lao động, lao động khối nông lâm nghiệp là chủ yếu, chiếm 75,24% lao động toàn tỉnh, lao động công nghiệp chiếm 2,79%. Hiện nay, Hà Giang còn 4 - 5 vạn lao động chưa có việc làm. Như vậy, tỉnh phải tạo việc làm cho khoảng 15 vạn lao động trong những năm tới, đây là sức ép lớn trong công cuộc xây dựng kinh tế của tỉnh [3].
c. Thu nhập và đời sống
Thu nhập và đời sống của đồng bào các dân tộc trong tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Tỉnh có 10 hu yện thì có tới 4 huyện thuộc các huyện đặc biệt khó khăn. Năm
2010, bình quân thu nhập đầu người đạt 6,3 triệu/người/năm (tăng 2,34 triệu triệu/người/năm so với năm 2007), tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 20,64% (năm 2007 là 35,49%). Tăng trưởng GDP đạt tốc độ tăng trưởng cao, giai đoạn 2004 - 2008 đạt bình quân 11,43%, đến năm 2010 đạt 13,78%. Hệ thống điện - đường - trường - trạm được tập trung đầu tư đáp ứng nhu cầu của người dân.
d. Cơ sở hạ tầng
Mạng lưới đô thị của tỉnh Hà Giang hiện nay phân bố theo dạng chuỗi trên hai trục không gian chính là trục Bắc - Nam và trục Đông - Tây. Trục không gian đô thị Bắc - Nam nằm dọc theo quốc lộ 2 bao gồm các đô thị như thị trấn Vĩnh Tuy, Việt Quang (Bắc Quang), Việt Lâm, Vị Xuyên và thị xã Hà Giang. Thị trấn Mèo Vạc (Mèo Vạc), Phó Bảng (Đồng Văn), Tam Sơn (Quản Bạ) và thị trấn Yên Minh (Yên Minh) là các thị trấn miền núi phân bố trên trục không gian đô thị Đông - Tây dọc theo quốc lộ 4C thuộc vùng cao núi đá của tỉnh. Các đô thị phát triển mạnh trong tỉnh tập trung theo chuỗi bám dọc theo trục Quốc lộ 2 từ Bắc Quang lên cửa khẩu Thanh Thuỷ.
Tỷ lệ đô thị hoá của Hà Giang hiện nay là 11,03% thấp hơn so với bình quân toàn quốc (25%) do tốc độ đô thị hoá diễn biến chậm. Hà Giang có 1 đô thị cấp tỉnh là thị xã Hà Giang có quy mô dân số khu vực nội thị 28.960 người, tổng diện tích tự nhiên 17.123 ha, trong đó quy mô đất xây dựng đô thị khoảng 450 ha; là đô thị loại IV và là trung tâm tỉnh lỵ của Hà Giang [6].
Các đô thị cấp huyện phân bố cơ bản dọc theo 3 trục chính. Trục trung tâm từ phía Nam lên phía Bắc tỉnh dọc theo Quốc lộ 2 bao gồm các thị trấn Vĩnh Tuy, Việt Quang, Việt Lâm, Vị Xuyên; trong đó thị trấn Việt Quang đang được đầu tư xây dựng quy hoạch đạt tiêu chuẩn thị xã trong thời gian tới. Khu vực phía Đông của tỉnh gồm thị trấn Tam Sơn, Yên Minh, Phó Bảng, Mèo Vạc bám dọc theo Quốc lộ 4C. Khu vực phía Tây tỉnh gồm Yên Bình nằm trên quốc lộ 279 và thị trấn Vinh Quang trên tỉnh lộ 177.