Thực trạng phát triển một số ngành kinh tế

Một phần của tài liệu đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước tỉnh hà giang và đề xuất giải pháp ứng phó (Trang 31)

a. Khu kinh tế nông – lâm – ngư nghiệp

Ngành sản xuất nông nghiệp

Năm 2010, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 2.680,2 tỷ đồng [3]. Cơ cấu trong nội bộ ngành nông nghiệp cũng có bước chuyển biến tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa.

- Trồng trọt

Diện tích trồng cây hàng năm 2010 tăng 3% so với năm 2009 [3]. Diện tích trồng ngô năng suất thấp giảm, diện tích thâm canh tăng, mở rộng diện tích và đưa vào gieo trồng một số cây có hiệu quả kinh tế cao như: Gieo trồng lúa chất lượng cao;

trồng hoa, rau ở Đồng Văn, Quản Bạ; tăng diện tích trồng đậu tương, lạc, tiếp tục trồng cỏ ở các huyện vùng cao…

Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm 2010 đạt 190.327,5 ha, tăng 5.700,9 ha so với năm 2009, trong đó diện tích cây lương thực có hạt là 84.401,65 ha [3].

Diện tích lúa cả năm 36.509,4 ha, cây lương thực khác cả năm 330.685,7 ha. Tỷ lệ diện tích lúa thâm canh đạt 88,1% (so với nghị quyết là 88%), ngô thâm canh đạt 75,9% (so với nghị quết là 75%). Đặc biệt, do thực hiện tốt chỉ đạo của tỉnh về thâm canh cây lương thực (toàn tỉnh đã xây dựng được 202 cánh đồng mẫu) nên năng suất lúa ruộng bình quân đạt 54,27 tạ/ha (tăng 2,98 tạ/ha), ngô 28,7 tạ/ha (tăng 2,5 tạ/ha) [3].

Trong năm 2010 đã trồng mới được 14.695,3 ha chè (tăng 5,1% so với năm 2009); 7.839,7 ha cây ăn quả. Đối với cam quýt, năm 2010 trồng được 2.574,3 ha, giảm 388 ha so với năm 2009 [3].

Chương trình trồng cỏ chăn nuôi đã đạt được kết quả đáng kể và đem lại hiệu quả thiết thực, được nhân dân đồng tình ủng hộ và tham gia tích cực, góp phần phát triển đàn gia súc, nâng cao đời sống của đồng bào ở các huyện vùng cao.

- Chăn nuôi

Đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định. Chủ trương và chính sách hỗ trợ nhân dân phát triển chăn nuôi trâu bò, hỗ trợ hộ nghèo nuôi dê. Công tác phòng chống rét, phòng chống dịch bệnh cho gia súc được thực hiện tốt.

Bảng 2. Tổng đàn gia súc, gia cầm qua các năm 2006 - 2010

ĐVT: con Loại gia súc 2006 2007 2008 2009 2010 Đàn trâu 141.051 147.016 146.378 152.758 158.277 Đàn bò 80.167 84.298 90.117 95.858 101.683 Đàn dê 141.730 150.547 153.171 155.034 155.580 Gia cầm 2.478.312 2.595.135 2.755.583 2.930.975 3.100

Ngành lâm nghiệp

Phong trào trồng rừng kinh tế tiếp tục phát triển. Năm 2010 đã trồng được 13.699,7 ha rừng kinh tế, mới đạt 90% Nghị quyết (do các doanh nghiệp thiếu vốn nên triển khai chậm). Các chỉ tiêu bảo vệ, khoanh nuôi, phục hồi rừng đều được thực hiện tốt, đúng quy trình kỹ thuật và đạt 100% kế hoạch giao. Dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng 04 huyện vùng cao triển khai đảm bảo tiến độ. Công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng được quan tâm chỉ đạo thường xuyên. Tuy nhiên, do khô hanh, năm 2010 đã xảy ra nhiều vụ cháy rừng làm thiệt hại 815,4 ha rừng và trảng cỏ [6].

Ngành thuỷ sản

Hà Giang có mạng lưới sông ngòi phong phú, có 03 con sông lớn, đó là sông Lô với chiều dài là 97 km, sông Gâm dài 43 km, sông Chảy chiều dài là 44 km, chảy qua địa phận Hà Giang. Bên cạnh đó, còn có hàng trăm con sông, suối nhỏ là tiềm năng tự nhiên để phát triển nuôi trồng thuỷ sản.

Những năm gần đây, sản lượng nuôi trồng thuỷ sản của Hà Giang giá trị ước đạt hàng chục tỷ đồng. Hiện nay, nhiều hợp tác xã, trang trại nuôi trồng thuỷ sản được thành lập và đi vào hoạt động theo hướng sản xuất hàng hoá đã và đang đem lại hiệu quả rõ rệt. Nhận thức của người dân về phát triển kinh tế theo hướng nuôi trồng thuỷ sản đã có hướng đi đúng từ bán thâm canh sang thâm canh, chuyên canh với các loại giống quý hiếm, chất lượng cao, theo hướng sản xuất hàng hoá như cá Bống, Chép Lai, Chầy Đất, Dầm Xanh.

Năm 2010, diện tích mặt nước nuôi trồng thuỷ sản trên toàn tỉnh đạt 1.563,6 ha, giá trị sản xuất ngành thủy sản đạt 57.152,0 triệu đồng (giá hiện hành năm 2010) [3].

b. Khu kinh tế công nghiệp – xây dựng – thương mại

Ngành công nghiệp

Do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế thế giới, thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, nên đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất công nghiệp.

Năm 2010, tổng giá trị sản xuất công nghiệp theo giá hiện hành (2010) đạt 1.001.095 triệu đồng tăng 22,36% so với năm 2009. Trong đó giá trị sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp khai thác đạt 196.424 triệu đồng; Giá trị công nghiệp chế biến

đạt 639.298 triệu đồng; Giá trị công nghiệp sản xuất và phân phối điện nước đạt 165.373 triệu đồng [3].

Xây dựng

Tính đến hết năm 2010, cả vốn Trung Ương giao và các nguồn vốn bổ sung trong năm là 3.290.674 triệu đồng, trong đó vốn nhà nước phân trong năm 2010 là 3.268.318 triệu đồng và nguồn vốn ngoài quốc doanh là 776.968 triệu đồng [6].

Đến nay, đã có nhiều công trình hoàn thành đưa vào sử dụng như: Trạm kiểm soát liên ngành cửa khẩu Thanh Thủy; trung tâm hội chợ triển lãm của tỉnh, bệnh viện Lao và Phổi; bệnh viện đa khoa huyện Quang Bình; trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội; tổng số các công trình hồ chứa nước sinh hoạt đã, đang và chuẩn bị đầu tư xây dựng từ năm 2007 đến nay tại 4 huyện vùng cao núi đá gồm Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc là 91 hồ. Tổng mức đầu tư của 91 công trình là 989,2 tỷ đồng, tổng dung tích chứa nước 516.497 m3, số người được hưởng lợi 55.627 người (tương đương 10.114 hộ); các công trình đường giao thông như đường đến xã Thàng Tín, đường Yên Hà - Bằng Lang, Yên Minh - Mậu Long, Nà Lèn - Giáp Trung, cụm thủy lợi Xuân Giang - Yên Hà, hồ thị trấn Việt Quang; hoàn thành 506 trường học,… [6].

Quy hoạch đô thị và đầu tư cơ sở hạ tầng ở các đô thị tiếp tục được chú trọng. Thành phố Hà Giang thành đô thị loại IV. Thị trấn Việt Quang và thị trấn Vị Xuyên quy hoạch thành thị xã trực thuộc tỉnh. Thị trấn Tân Quang được quy hoạch thành huyện lỵ. Huyện Bắc Quang, các thị trấn Vĩnh Tuy, Phó Bảng tiếp tục được đầu tư theo quy hoạch.

Về xây dựng nhà ở cho người nghèo thực hiện theo quyết định 167/TTg đến nay đã hoàn thành 3.788 nhà; đang thi công 2.498 nhà; 1 nhà chưa thi công được do phải bố trí tái định cư [6].

Thương mại – dịch vụ

Giá cả tăng đột biến, tuy nhiên lương cơ bản tăng, thu nhập của nhân dân tăng lên. Điều này có được là nhờ sự đầu tư hỗ trợ lớn của nhà nước thông qua các chương trình dự án hoặc lao động làm thuê cho các doanh nghiệp xây dựng cơ bản và tổ chức tốt các hội chợ.

Chỉ tiêu giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu của năm 2010 đều tăng so với năm 2009. Tổng giá trị xuất khẩu năm 2010 trên địa bàn đạt 9.526,6

nghìn USD; Giá trị nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh năm 2010 đạt 9.893,2 nghìn USD (tăng 19,5% so với năm 2009) [3]. Riêng chỉ tiêu giá trị hàng hóa trao đổi qua các cửa khẩu phụ, tối thiểu đạt 50 tỷ đồng/cửa khẩu. Hiện nay, cả các ngành của tỉnh cũng như các huyện biên giới đều chưa xác định được, mặc dù hoạt động ở một số cửa khẩu cũng khá sôi động.

Năm 2010, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ thị trường xã hội đạt 2.428.600,8 triệu đồng, trong đó kinh tế nhà nước đạt mức 572.855 triệu đồng chiếm 23,59%; kinh tế hộ cá thể đạt doanh thu 1.480.773,8 triệu đồng đạt 60,97%; kinh tế tư nhân đạt mức 360.768,7 triệu đồng đạt 14,86%, còn lại là loại hình kinh tế tập thể.

Hoạt động dịch vụ ở Hà Giang thời gian qua phát triển khá phong phú và đa dạng, thu hút sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế. Đặc biệt một số ngành như dịch vụ - thương mại, du lịch, tài chính ngân hàng, bảo hiểm… có tốc độ phát triển nhanh.

Một phần của tài liệu đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước tỉnh hà giang và đề xuất giải pháp ứng phó (Trang 31)