Xây dựng chính sách bổ sung

Một phần của tài liệu Tổ chức và hoạt động thông tin thư viện tại trường Trung học cơ sở Phương Liệt Quận Thanh Xuân - Hà Nội (Trang 63)

Để phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của thư viện trường THCS Phương Liệt cần thực hiện nhiều giải pháp khác nhau, trong đó xây dựng và phát triển nguồn lực thông tin là một trong những giải pháp cần phải được ưu tiên nhằm làm phong phú hơn nữa nội dung những tài liệu có trong thư viện.

Chính sách bổ sung của thư viện trường THCS Phương Liệt cần phải hoàn thiện về diện bổ sung. Diện bổ sung liên quan mật thiết đến nhiệm vụ của thư viện để xác định các loại tài liệu phù hợp với vốn sách báo của mình và nhu cầu của bạn đọc.

Những căn cứ pháp lý và khoa học để xây dựng diện bổ sung của thư viện trường THCS Phương Liệt là:

- Các nguyên tắc bổ sung;

- Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14/6/2005;

- Nghiên cứu nhu cầu tin của người dùng tin tại trường trong thời điểm hiện tại và những người dùng tin tiềm năng trong tương lai, căn cứ vào chiến lược phát triển của Nhà trường thông qua các cuộc điều tra, khảo sát để xác định thành phần người dùng tin hiện tại cũng như người dùng tin tiềm năng cùng với nhu cầu tin của họ, qua đó có thể đề ra được hướng ưu tiên trong chính sách bổ sung của thư viện trường cần xây dựng.

- Nghiên cứu thực trạng công tác xây dựng vốn tài liệu để có thể rút ra được những mặt ưu, nhược điểm của các khâu trong quá trình bổ sung và xác định vốn tài liệu trong kho có mặt mạnh, mặt yếu gì để rút kinh nghiệm để quyết định những chủ đề trọng tâm trong chính sách tương lai.

Trong quá trình xây dựng chính sách bổ sung việc chỉ ra các điều kiện ràng buộc, hạn chế của thư viện như khó khăn về tài chính, hạn chế về không gian, kho tàng, giá kệ để quyết định dạng tài liệu bổ sung như tài liệu điện tử trực tuyến, trên đĩa quang,… hơn là tài liệu in trên giấy.

- Phối hợp với các trường học cùng cấp trong công tác bổ sung và chia sẻ nguồn lực thông tin, để xây dựng vốn tài liệu làm phong phú bộ sưu tập của thư viện mình.

Mục tiêu cơ bản của việc xây dựng diện bổ sung tài liệu là nhằm xây dựng một kho tài liệu đầy đủ, có hệ thống và hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu của các đối tượng người dùng tin trong nhà trường.

+ Các tài liệu ưu tiên bổ sung: Các loại sách giáo khoa của học sinh, sách tham khảo, các sách nghiệp vụ của giáo viên phục vụ quá trình giảng dạy và học tập của giáo viên và học sinh, theo thứ tự ưu tiên như sau:

1. Bổ sung sách giáo khoa, sách nghiệp vụ và tài liệu phục vụ gần nhất những hoạt động học tập, giảng dạy của giáo viên và học sinh trong nhà trường.

2. Bổ sung tài liệu tra cứu: Bách khoa toàn thư, các loại từ điển… 3. Bổ sung tài liệu phổ cập kiến thức.

+ Về loại hình tài liệu:

Ngoài tài liệu truyền thống, thư viện cần bổ sung thêm các tài liệu điện tử như: CD-ROM, băng từ, tài liệu trên mạng internet....Việc bổ sung các loại tài liệu này nhằm thu hút sự quan tâm, chú ý của cả giáo viên và học sinh trong nhà trường.

Căn cứ vào nhu cầu của người dùng tin thông qua việc khảo sát mà thư viện thực hiện kết hợp với nghiên cứu của tác giả, dự kiến phân chia kinh phí theo loại hình tài liệu của thư viện như sau:

- Sách giáo khoa: 20% - Sách tham khảo: 50% - Các loại tài liệu khác: 30%

Trong thời gian tới, để tăng cường nguồn lực thông tin, thư viện nhà trường cần được đầu tư kinh phí hơn nữa. Mặt khác, để sử dụng hiệu quả hơn nữa nguồn kinh phí dành cho bổ sung, thư viện trường cần xây dựng được chính sách bổ sung phù hợp giữa các loại hình tài liệu trong thư viện. Chính sách này phải có tính cụ thể và khả thi, nêu được quy trình bổ sung hoàn chỉnh và đề xuất cách giải quyết vấn đề trong bổ sung nguồn lực thông tin như: số lần bổ sung trong mỗi năm học, thời điểm bổ sung, các tiêu chí để lựa chọn tài liệu, các thiết bị dạy học, số lượng tài liệu bao nhiêu là phù hợp, dự tính số lượt quay vòng và khả năng bị hư hỏng hay mất mát tài liệu để tiến hành phục chế hoặc thay thế tài liệu…

Đối với nguồn tài liệu, đồ dùng giảng dạy phục vụ giáo viên, cần thường xuyên được bổ sung về thư viện và giới thiệu đến giáo viên trong và ngoài trường, trên cơ sở có điều tra, nắm bắt nhu cầu của đối tượng người dùng này về tài liệu, đồ dùng họ cần và cân đối nguồn kinh phí. Việc điều tra nhu cầu tin có thể được tiến hành theo nhiều cách khác nhau: Lập bảng hỏi, phỏng vấn trực tiếp tại thư viện, thống kê các yêu cầu tin của giáo viên chưa được đáp ứng vì lý do không có sách, hay sách đã quá cũ hoặc bị hư hỏng nặng; cung cấp danh mục tài liệu và thiết bị để giáo viên lựa chọn…

Đối với học sinh, yêu cầu tin của các em thường dễ biến động và điều quan trọng là, trong những năm đầu tiên sử dụng thư viện trường mà các em cảm thấy hứng thú, yêu thích thì sự hứng thú ấy có thể kéo dài đến các năm

sau và dần dần sẽ hình thành nơi các em thói quen sử dụng thư viện, tạo lập thói quen tự học, tự nghiên cứu về sau. Chính vì lẽ đó, cần đặc biệt chú trọng việc điều tra nhu cầu tài liệu của các em và kịp thời điều chỉnh các nhu cầu chưa phù hợp (như nhu cầu về truyện tranh bạo lực, truyện tranh không phù hợp với lứa tuổi…), lựa chọn kỹ càng các tài liệu về cả mặt nội dung và hình thức trước khi quyết định bổ sung về thư viện, phối hợp với gia đình các em để cùng giúp các em có cách đọc hiệu quả… Trong khi xây dựng nguồn lực thông tin, cần phải đặt vấn đề chất lượng nguồn tin lên hàng đầu và có kế hoạch phục vụ nguồn tin đó cho các em học sinh, để làm gia tăng giá trị của thông tin có trong thư viện, kích thích nhu cầu tin phát triển ở mức cao hơn.

Một phần của tài liệu Tổ chức và hoạt động thông tin thư viện tại trường Trung học cơ sở Phương Liệt Quận Thanh Xuân - Hà Nội (Trang 63)