Thư viện nhà trường là nơi lưu trữ, luân chuyển sách, báo góp phần nâng cao chất lượng dạy học, tuyên truyền các chính sách của Đảng và Nhà nước, xây dựng văn hoá đọc sách, nếp sống văn minh cho học sinh. Là một bộ phận của trường học nên thư viện nhà trường hoạt động theo nếp sinh hoạt giáo dục của nhà trường. Thư viện mở cửa cả ngày theo giờ hành chính. Từ đó học sinh và giáo viên có thể lên thư viện vào giờ ra chơi, khi trống tiết để giải trí, thư giãn hoặc nghiên cứu tài liệu.
Tuyên truyền giới thiệu sách là một hoạt động gắn liền với các thư viện trường học bởi các em học sinh thường có rất ít thời gian để đến với thư viện, thường chỉ là những giờ trống tiết hay những lúc giải lao giữa các tiết học. Vì vậy, tuyên truyền giới thiệu sách là để các em biết về nội dung tài liệu có trong thư viện, giới thiệu những tài liệu hay, những sách mới để từ đó định hướng cho các em ngay từ lúc chưa bước chân lên thư viện.
Đây là việc làm cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, đảm bảo tính khoa học và phù hợp với đối tượng người dùng tin, nhằm giới thiệu những tài liệu có nội dung phục vụ thiết thực cho việc dạy và học, nhất là trong quá trình thực hiện đổi mới, cải cách giáo dục. Tuyên truyền, giới thiệu sách trong nhà trường nhằm mục đích làm cho thầy trò nắm được nội dung tài liệu có trong thư viện để có kế hoạch và phương hướng cụ thể sử dụng tốt các loại tài liệu đó, phục vụ yêu cầu: “Dạy tốt, học tốt”.
Bên cạnh các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu sách nhân các ngày lễ lớn của ngành và của dân tộc nhằm giáo dục cho học sinh về tư tưởng và truyền thống cách mạng của dân tộc, lòng yêu nước, thái độ sống tích cực có văn hoá, thư viện còn phục vụ việc tự học, tự nghiên cứu và tự bồi dưỡng, trau dồi kiến thức cho giáo viên và học sinh. Đến với thư viện nhà trường, học sinh còn được bồi dưỡng hứng thú, thói quen và phương pháp đọc sách, cách lựa chọn tài liệu phù hợp, hướng dẫn cách sử dụng mục lục thư viện…
Với các em học sinh cấp 2, việc tuyên truyền giới thiệu sách báo góp phần khơi dậy và duy trì trong các em lòng yêu thích đọc sách báo, đồng thời định hướng hoạt động đọc của các em và hướng dẫn để các em có phương pháp tiếp thu kiến thức đúng đắn, sao cho việc đọc sách tại thư viện trường ngày càng đạt hiệu quả cao hơn, có tính thiết thực và có lợi cho việc hình thành những thói quen tốt sau này của trẻ.
Các phương pháp tuyên truyền, giới thiệu sách trong thư viện nhà trường đang được cán bộ thư viện áp dụng là phương pháp tuyên truyền trực quan bao gồm các hoạt động như: điểm sách, kể chuyện theo sách, đố vui, giới thiệu sách… và phương pháp tuyên truyền miệng, bao gồm các hoạt động: triển lãm, trưng bày tài liệu, sưu tầm các bài báo theo chủ đề…
Hình thức tuyên truyền, giới thiệu đơn giản và hiệu quả mà hiện nay thư viện nhà trường đang áp dụng đó là cán bộ thư viện kết hợp với cán bộ phụ trách Đoàn, Đội giới thiệu sách, định hướng cho các em trong việc tìm chọn tài liệu đọc, cũng có thể kết hợp với những buổi sinh hoạt ngoại khoá của nhà trường để giới thiệu sách.
Điểm sách cũng là một hình thức giới thiệu tới bạn đọc những tài liệu mới, tài liệu có giá trị thông tin cao. Chủ đề của điểm sách thường rất phong phú và đa dạng, đôi khi là điểm các sách có nội dung bổ trợ cho một môn học, điểm sách về các danh nhân, các vị lãnh tụ vĩ đại, có khi là những tác phẩm
văn học được các em yêu thích vì có giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật đáng chú ý, những khám phá khoa học… Những tài liệu được đưa vào điểm sách được cán bộ thư viện lựa chọn rất kỹ dựa trên việc nắm bắt nhu cầu tin của người dùng tin trong trường, kết hợp với tính đặc biệt của thời điểm diễn ra hoạt động điểm sách. Qua các buổi điểm sách ở thư viện trường, giáo viên và học sinh nhanh chóng tiếp nhận được nội dung của sách, dần dần hình thành thói quen và khả năng đọc sách theo chủ đề, chủ điểm, phục vụ mục đích giảng dạy và học tập của bản thân.
Cùng với hoạt động điểm sách, cán bộ thư viện còn thường xuyên giới thiệu sách đến người dùng tin. Đây là công việc được tiến hành rất linh hoạt và mang lại hiệu quả. Mục đích của việc giới thiệu sách là cung cấp cho người nghe một cách hiểu đầy đủ, sâu sắc về một tác phẩm văn học, tác phẩm khoa học đồng thời có tác dụng thu hút đông đảo người nghe. Hoạt động giới thiệu sách có thể hướng đến một nhóm đối tượng người dùng tin (khi thư viện tập hợp họ) hoặc giới thiệu riêng lẻ cho từng người dùng tin. Tuy ít có điều kiện giới thiệu sách tới một lượng lớn người dùng tin tại cùng một thời điểm nhưng hoạt động giới thiệu sách vẫn được tiến hành thường xuyên, nhờ có sự kết hợp với hoạt động hướng dẫn đọc. Vì vậy, người dùng tin, đặc biệt là các em học sinh cảm thấy rất thích thú khi tìm đến một cuốn sách sau khi được nghe cán bộ thư viện giới thiệu về cuốn sách đó.
Việc tuyên truyền, giới thiệu sách nếu được kết hợp với việc sử dụng máy vi tính, máy chiếu sẽ giúp tăng hiệu quả giới thiệu sách, điểm sách. Đồng thời khi một buổi tuyên truyền sách được tổ chức với thời lượng tương đối đảm bảo, cán bộ thư viện thường kết hợp với các giáo viên, cán bộ làm công tác Đoàn, Đội tổ chức thêm các tiết mục văn nghệ có thể làm tăng độ hấp dẫn, sinh động và đạt hiệu quả hơn. Tuy nhiên đây là việc làm tương đối khó, vì hiện tại thư viện chưa có máy chiếu, việc sử dụng máy chiếu thường phải tổ
chức ở các lớp được trang bị các thiết bị này nên đôi khi khó khăn cho buổi tuyên truyền sách.
Ngoài các hình thức trên, thư viện nhà trường cũng đã tiến hành tuyên truyền sách bằng các hoạt động như: thi vui đọc sách, kể chuyện theo sách, thảo luận sách, thông báo sách mới… Các cuộc thi này cũng có lúc được chính giáo viên tổ chức tại lớp của mình trong các giờ sinh hoạt lớp hoặc trong các giờ ngoại khoá. Các em học sinh cũng rất hào hứng trong các cuộc thi như vậy. Nhờ đó các buổi tuyên truyền sách không bị gò bó, khô cứng và nhám chán đối với các em học sinh và giáo viên, mang lại hiệu quả cao hơn.
Song song với phương pháp tuyên truyền miệng, cán bộ thư viện cũng đã tổ chức các buổi tuyên truyền tài liệu bằng các hình thức tuyên truyền trực quan. Cụ thể hơn, các tài liệu được giới thiệu tại các buổi triển lãm, trưng bày và được giới thiệu trên các bảng giới thiệu tài liệu của thư viện. Các tài liệu được giới thiệu theo hình thức trực quan thường là nguồn tài liệu mới được nhập về thư viện, hoặc là các tài liệu theo các chủ đề của đợt tuyên truyền, để các giáo viên và học sinh biết tới nguồn tài liệu này và sử dụng chúng.
Một số chủ đề của tài liệu được cán bộ thư viện nhà trường lựa chọn đưa vào triển lãm thường hướng về các ngày lễ lớn, các danh nhân lịch sử hay các hoạt động khoa học, chẳng hạn như:
- Chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 - Mừng ngày thành lập Đoàn 26/3
- Mừng ngày giải phóng miền Nam 30/4 - Mừng ngày sinh nhật Bác
- Truyện danh nhân lịch sử - Khám phá thế giới quanh ta
Đây là những chủ đề tạo được nhiều hứng thú cho người dùng tin ở cả hai nhóm đối tượng là giáo viên và học sinh, làm tăng tần suất sử dụng thư viện và tăng lượt luân chuyển tài liệu trong phạm vi nhà trường.
Đôi khi chúng được tổ chức độc lập hoặc lồng ghép với các hoạt động ngoại khoá nhằm giúp cho công tác tuyên truyền, giới thiệu sách trở nên nhẹ nhàng và thu hút được nhiều đối tượng bạn đọc hơn.
Trên thực tế hiện nay, có một số lượng rất lớn các đối tượng người dùng tin bên ngoài nhà trường, đó là các phụ huynh học sinh, những người sinh sống gần trường tiểu học, những phụ huynh học sinh của các trường khác… Thư viện nên chú trọng tới việc đẩy mạnh hoạt động phục vụ đối tượng người dùng tin này, bởi vì nếu như hoạt động phục vụ người dùng tin bên ngoài nhà trường được chú trọng và đạt hiệu quả cao thì thư viện nhà trường sẽ trở thành một trung tâm văn hoá, giáo dục của một khu vực dân cư chứ không chỉ bó hẹp trong phạm vi nhà trường.
Có thể nói, công tác tuyên truyền giới thiệu sách đang được triển khai tại thư viện là một hoạt động rất tích cực và hiệu quả, góp phần tạo nên sự quan tâm, hứng thú của người dùng tin đối với tài liệu thư viện. Điều đó chứng tỏ vai trò không thể thiếu của hoạt động này trong công tác thư viện cũng như chứng tỏ vai trò của thư viện trong hoạt động giáo dục của nhà trường trong giai đoạn hiện nay.
Tuy vậy hoạt động này tại thư viện trường THCS Phương Liệt chưa thật sự đạt được hiệu quả như mong muốn. Nguyên nhân là do cơ sở vật chất của nhà trường còn thiếu thốn, trường đang trong quá trình xây dựng lại nên không có không gian cho các em hoạt động tập thể, các buổi ngoại khoá cũng bị hạn chế tới mức tối đa, hầu như là không còn. Vì vậy, hoạt động tuyên truyền giới thiệu sách thường bị giới hạn về nội dung và hình thức tuyên truyền, giới thiệu, không gian nhỏ hẹp (tại các lớp học) chưa tạo được sự sinh
động, uyển chuyển cũng như có sự kết hợp giữa các tổ chức khác trong nhà trường để tạo nên các buổi tuyên truyền thật sự hấp dẫn. Sự bó hẹp về không gian dẫn tới không có sự thay đổi về các hình thức khác, khiến cho những buổi tuyên truyền, giới thiệu sách trở thành đơn điệu, khô cứng và nhàm chán, không thu hút được sự quan tâm chú ý của các em học sinh cũng như các giáo viên trong nhà trường.
Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng của hoạt động này, góp phần vào sự phát triển chung của thư viện cũng như có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp giáo dục của nhà trường, thư viện cần được đầu tư nhiều hơn về mọi mặt, cán bộ thư viện cần chuyên tâm hơn nữa với nghề, tự học hỏi và tham quan các thư viện ở các trường học khác để mang đến cho hoạt động tuyên truyền, giới thiệu sách của thư viện mình một diện mạo mới, đạt được nhiều thành công hơn nữa, xứng đáng là nơi mà các em thường xuyên nghĩ tới trong những giờ phút nghỉ ngơi hiếm hoi sau những tiết học căng thẳng tại trường.
Ngoài công tác bổ sung, xử lý kỹ thuật, phục vụ bạn đọc, thư viện nhà trường còn tổ chức nhiều hoạt động phù hợp với giáo dục toàn diện, với công việc của giáo viên và tâm lý của lứa tuổi học sinh như: phục vụ tốt các hoạt động ngoại khoá của nhà trường, hoạt động thông báo sách mới, phong trào thi kể chuyện theo sách… Những hoạt động này đã thu hút được đông đảo các em học sinh hưởng ứng tham gia, tạo không khí sôi nổi trong nhà trường và góp phần tạo nên phong trào đọc sách, kéo các em trở về với văn hoá đọc.
Như đã nói ở trên, các em học sinh ở trường THCS Phương Liệt đa số là gia đình có điều kiện hoàn cảnh không quá khó khăn, các em không có nhu cầu cao về việc thuê hay mượn sách giáo khoa, song thư viện vẫn triển khai hoạt động này. Bởi lẽ, đây là một hoạt động vừa mang tính chất xã hội: tạo điều kiện cho các em học sinh diện chính sách, con thương binh, liệt sĩ, học
sinh nghèo vượt khó học giỏi, học sinh có hoàn cảnh khó khăn… vừa mang tính kinh tế: tạo thêm nguồn kinh phí chính đáng cho hoạt động của thư viện. Nhờ các hoạt động này, thư viện đã khai thác được triệt để vốn tài liệu có trong thư viện, giảm gánh nặng cho các em học sinh không đủ điều kiện để mua sách giáo khoa, các loại sách tham khảo khác. Đồng thời thư viện cũng có thêm một phần kinh phí cho việc bổ sung tài liệu và hỗ trợ các hoạt động của khác của thư viện. Tuy nhiên, do nhu cầu không cao nên hoạt động này diễn ra khá đơn điệu và chưa đạt được hiệu quả.
Một hoạt động rất cần nhưng chưa được quan tâm tại thư viện trường THCS Phương Liệt, đó là hoạt động phối hợp với các thư viện trường học cùng cấp khác và thư viện công cộng trên cùng địa bàn.
Việc phối hợp hoạt động với các thư viện trường học cùng cấp trên cùng địa bàn trong khâu tổ chức thư viện, chuyên môn nghiệp vụ, phổ biến những kinh nghiệm lẫn nhau, giúp cho công việc của cán bộ thư viện trở nên nhẹ nhàng và đạt hiệu quả cao hơn, làm cho thư viện trường học ngày càng phát triển. Không chỉ có vậy, việc phối hợp này còn giúp cho các thư viện hỗ trợ lẫn nhau để trao đổi, luân chuyển các loại tài liệu có trong mỗi thư viện, làm phong phú thêm vốn tài liệu vốn nhỏ hẹp của thư viện trường học.