Tư tưởng về con người công lý [xem48, 18-24]

Một phần của tài liệu Vấn đề công lý trong tư tưởng triết học của John Rawls tt (Trang 61)

B. NỘI DUNG

2.1.3.Tư tưởng về con người công lý [xem48, 18-24]

Rawls cho rằng, mỗi công dân trước hết họ là cá nhân có tự do và bình đẳng (free and equal person). Ý nghĩa quan trọng của khẳng định này không nhằm để xây dựng một học thuyết đạo đức hoàn thiện (comprehensive moral doctrine), mà nhằm thiết kế cho phù hợp với cấu trúc xã hội nêu trên, khi mà quan điểm “công lý như là công bằng” được xem là một quan điểm chính trị. Ý tưởng về con người ở đây là thuộc về một quan niệm chính trị, chứ không mang mầu sắc của quan niệm siêu hình, quan niệm của triết học về tinh thần,

59

hoặc tâm lý. Với ý nghĩa như vậy, con người cá nhân sẽ mang hai đặc trưng mà Rawls gọi là hai năng lực đạo đức (the two moral powers).

Thứ nhất, đó là năng lực cảm nhận được công lý (capacity for a sense of justice), nghĩa là khả năng thông hiểu, áp dụng và hành động dựa trên những nguyên tắc của công lý chính trị vốn chỉ định cái gọi là công bằng trong hợp tác xã hội.

Thứ hai, đó là năng lực quan niệm về điều thiện (capacity for a conception of the good), là năng lực sở hữu, cải tiến và theo đuổi mục đích thiện một cách hợp lý, bao gồm những chủ đích, những mục tiêu về giá trị của cuộc sống.

Ý nghĩa chính của việc coi công dân là những cá nhân bình đẳng với nhau là chỉ rõ quyền hạn đạo đức cần thiết khi cá nhân tham gia vào hợp tác xã hội – cơ sở bình đẳng trong quan hệ giữa người với người, mặt khác đó cũng là cơ sở bình đẳng của những thủ tục trước khi đi đến một hợp tác xã hội. Sự bình đẳng giữa cá nhân là cái dùng để phân biệt giữa một xã hội chính trị gồm những thiết chế tương ứng với một xã hội ở dạng đầy đủ của nó bao gồm tôn giáo, đạo đức, và truyền thống văn hóa. Sự bình đẳng giữa các cá nhân cũng là đặc điểm của xã hội dân chủ đa nguyên, cho dù nó có thiện chí đối với tất cả các thiết chế trong nó, song nó không bao hàm sự dung hòa với trạng thái phân biệt chủng tộc, hay chế độ nô lệ. Còn ở ý nghĩa chính của việc coi những công dân trong xã hội là cá nhân tự do được giải thích ở hai điểm. Trước hết, họ được tự do trong nhận thức về bản thân mình và người khác, tương tự như năng lực thứ 2 nêu ở trên – năng lực quan niệm về điều thiện. Họ tự do thay đổi quan niệm của mình nếu như họ cảm thấy hợp lý và dựa trên một cơ sở phù hợp, mà không phụ thuộc vào bất kỳ một quan điểm đặc biệt nào về cái thiện, một cơ chế nào. Và quan trọng là, họ được thừa nhận

60

như là những nguồn gốc tự thân xác nhận về những đòi hỏi chính đáng của chính họ, nghĩa là họ như là một dạng tồn tại có quyền tạo ra những đòi hỏi đối với thiết chế, tương tự như việc họ đề xuất quan điểm về cái thiện.

Như vậy, khi con người tự xem mình là cá thể có sự tự do và bình đẳng như những cá thể khác trong cộng đồng, và đồng thời được cộng đồng công nhận là một con người tự do và bình đẳng, thì trong điều kiện công bằng của hợp tác xã hội, họ sẽ sẵn sàng hành động dù điều đó có thể gây bất lợi cho chính bản thân họ. Chính nhờ vào tính công bằng của hợp đồng xã hội mà cá nhân cảm thấy món nợ bổn phận và trách nhiệm của bản thân mình đối với xã hội. Do đó, bên cạnh việc sẵn sàng hành động vượt lên trên lợi ích, thì họ sẵn sàng chịu những phán xét của cộng đồng nếu như vi phạm một trong điều đã được thỏa thuận. Và lúc này, họ không còn là những con người lý tính mà là những con người hợp lý – con người công lý và công bằng. Bởi họ tôn trọng những thỏa thuận, biết điều gì là hợp lý và biết chấp nhận vì lợi ích chung, hơn là vì lợi ích của riêng bản thân. Họ khác với con người lý tính có thể lợi dụng cơ chế chưa hoàn hảo của xã hội để làm lợi tối đa cho bản thân mình. Lợi ích – vốn được xem là vấn đề quan tâm hàng đầu trong mối quan hệ của cá nhân với tha nhân, thì nay được đặt xuống hàng dưới so với cảm nhận về bổn phận và nghĩa vụ của cá nhân đối với xã hội mà anh ta sinh sống.

Tư tưởng của Rawls về con người công lý là một tư tưởng quan trọng để xây dựng các ý tưởng của Rawls về công lý. Chỉ khi hiểu được tư tưởng này, chúng ta mới dễ dàng nắm bắt được những khái niệm trong Một lý thuyết về công lý như khái niệm “vị trí khởi thủy”, khái niệm “bức màn vô mình”...vốn là những khái niệm rất riêng trong quan điểm của Rawls.

61

Một phần của tài liệu Vấn đề công lý trong tư tưởng triết học của John Rawls tt (Trang 61)