Tư tưởng về vai trò của triết học chính trị

Một phần của tài liệu Vấn đề công lý trong tư tưởng triết học của John Rawls tt (Trang 52)

B. NỘI DUNG

2.1.1. Tư tưởng về vai trò của triết học chính trị

Trong suốt tác phẩm của mình, Rawls xem quan niệm về công lý là một quan niệm chính trị - một quan niệm chính trị đặc thù cho các mục tiêu của các thiết chế xã hội, cũng như là nguyên tắc vận hành của các định chế ấy, khi đặt trong một bối cảnh văn hóa chính trị nhất định. Chính vì thế, trong cuốn “Công lý như là công bằng – Sự tái trình bày”, ông bắt đầu bằng việc chỉ ra bốn vai trò căn bản của triết học chính trị - như là tư tưởng nền tảng đầu tiên cho quan niệm “công lý như là công bằng” - “justice as fairness”. Rawls cho rằng, một cách hiển nhiên chúng ta nhận ra vai trò của triết học chính trị trong bối cảnh văn hóa chính trị cộng đồng của xã hội.

50

Vai trò đầu tiên của triết học chính trị là hóa giải mâu thuẫn về tư tưởng nhằm thiết lập một trật tự trên con đường đi đến một sự đồng thuận về chính trị trong cộng đồng xã hội. Rawls nói: “Và vai trò đầu tiên mang tính thực dụng của nó - triết học chính trị-TG) xuất phát chính từ những mâu thuẫn trong phân chia quyền lực chính trị và nhu cầu cần làm lắng dịu những vấn đề của hệ thống” [48, 1]. Ở đây, những mâu thuẫn trong phân chia quyền lực được xem là những mâu thuẫn về tư tưởng khi Rawls đưa ra ví dụ dẫn chứng từ chính trong lịch sử tư tưởng triết học. Theo ông, chính những mâu thuẫn của siêu hình học trên cơ sở tôn giáo trong lịch sử Tây Âu vốn đã đặt ra những vấn nạn lớn cho triết học chính trị. Ông viết: “Có những giai đoạn kéo dài trong lịch sử của bất kỳ xã hội nào đã cho thấy, tồn tại những vấn đề thực sự cơ bản của xã hội đã dẫn đến những mâu thuẫn sâu sắc, và nó được xem như là những khó khăn thực sự nếu không tìm ra một nền tảng chung đúng đắn nào đó cho những thỏa thuận mang tính chính trị” [48, 1]. Có rất nhiều những mâu thuẫn trong mối quan hệ của con người với xã hội, nhưng đặc trưng hơn cả đó là những mâu thuẫn tư tưởng liên quan đến tự do và công bằng. Và chính sự khác biệt căn bản giữa hai ý niệm chính trị này đã hình thành nên những mâu thuẫn của các định chế xã hội và những xung đột, hay những cuộc chiến tranh kéo dài trong lịch sử. Vì thế, trong bối cảnh văn hóa chính trị của một xã hội nhất định, tại một thời điểm cụ thể của lịch sử, triết học chính trị luôn luôn phải thực hiện nhiệm vụ hóa giải các mâu thuẫn trong tư tưởng của các thành viên về các ý niệm chính trị, để từ đó đi tới sự đồng thuận chính trị chung. Cũng xuất phát từ vai trò này của triết học chính trị, Rawls cho rằng “ở đây, chúng ta tập trung vào nguồn gốc thực sự của mâu thuẫn: những học thuyết triết học và đạo đức liên quan như thế nào đến những tuyên bố đã hoàn tất về tự do và công bằng cần phải được hiểu, làm thế nào chúng được thu xếp (thỏa thuận) và được cân bằng giữa các thành viên, và

51

bằng bất kỳ cách thức đặc biệt nào trong sự thỏa thuận của chúng lại được xem là công lý.” [48, 2]. Như thế, ông xem việc thống nhất hay sự đồng thuận trong quan niệm của các thành viên về tự do và công lý là giải pháp căn bản cho những mâu thuẫn chính trị của cộng đồng chính trị ấy.

Vai trò thứ hai, Rawls gọi đây là vai trò định hướng của triết học chính trị. Và sự định hướng này là định hướng cho từng cá nhân con người khi sinh sống trong một bối cảnh chính trị nhất định. Ông lý giải điều này như sau: “triết học chính trị góp phần giúp cho con người có thể hiểu được thể chế chính trị xã hội của họ như là một thể thống nhất, và những mục tiêu, mục đích cơ bản của họ như là một xã hội cùng với tiến trình lịch sử - một quốc gia, cũng như đối lập với những mục tiêu, mục đích của họ như là những cá nhân, hay những thành viên của gia đình và của những thiết chế. Hơn nữa, những thành viên của bất kỳ xã hội văn minh nào cũng cần một quan niệm cho phép họ hiểu về chính bản thân họ như là những thành viên đang có trạng thái chính trị chắc chắn – trong nền dân chủ, đó chính là quyền công dân mang tính cân bằng – và trạng thái đó ảnh hưởng đến mối quan hệ của họ với thế giới xã hội của họ như thế nào.” [48, 2-3]. Và chỉ có triết học chính trị mới làm được điều đó, bởi vì “tư tưởng là cái thuộc về lý tính và sự phản tư (bao gồm cả lý thuyết và thực hành) nhằm định hướng chúng ta trong không gian, trong lời nói của những giới hạn có thể, của cá nhân và tổ chức, chính trị và xã hội. Triết học chính trị với tư cách là công việc của lý tính thực hiện sứ mạng của mình bằng những nguyên tắc nhằm chỉ rõ định hướng đến những giới hạn có lý trí và hợp lý của các nhóm khác nhau và biểu thị xem làm thế nào các giới hạn ấy lại có thể cố kết với nhau trong phạm vi của một quan niệm khớp nối về một xã hội công bằng và hợp lý.” [48, 3]. Trong quan niệm về vai trò thứ hai của triết học chính trị, Rawls muốn lý giải vai trò quan trọng của lý tính thực tiễn (chữ dùng theo Kant) để thấy rằng, trong đời sống hiện

52

thực sinh động của mình, lý tính đã hướng các công dân vào những mục tiêu chung mang tính hợp lý cho toàn cộng đồng, loại bỏ hoặc đặt sang bên cạnh sự khác biệt về thời điểm lịch sử hay những giá trị khác nhau đang được họ tôn thờ. Tất nhiên, lý tính thực thi công việc của mình một cách tự nhiên như chính tự nhiên vậy!

Vai trò thứ ba của triết học chính trị đó chính là sự hòa giải

(reconciliation) – một ý tưởng bắt nguồn từ trong tác phẩm “Triết học về quyền” (Philosophy of Right) của Hegel. Triết học chính trị cố gắng làm dịu những bực bội và giận dữ của công dân đối với xã hội và lịch sử bằng cách chỉ ra một phương cách nhận thức để giúp cho công dân thấy rằng những định chế xã hội tự chúng là hợp lý và sẽ tiến hóa theo chiều hướng của lý tính. [xem 48, 3]. Nghĩa là, cho dù bối cảnh chính trị còn có nhiều khiếm khuyết, thì chúng ta cũng nên nhìn nhận đó chỉ như là sự vận động có tính khúc khuỷu của bản thân lý tính, và đo đó, nó là hợp lý. Thái độ này được xem là thái độ tích cực, là điều kiện tiên quyết để một xã hội đa nguyên, với những khác biệt về quan điểm có thể đi đến một cái gì đó chung về định chế chính trị và quy tắc. Ở điểm này, Rawls đã nhận nhiều lời “chỉ trích” của phe đối lập, khi bị xem là người có quan điểm hoài cổ. Tuy nhiên, điều đó không quan trọng bằng việc logic trong lập luận của Rawls được đảm bảo khá chặt chẽ. Ông cho rằng, dù xã hội - ở đây hiểu xã hội mà Rawls nhắc tới là một xã hội dân chủ và đa nguyên về chính trị - có nhiều khác biệt và mâu thuẫn, song các thành viên hãy có một thái độ tích cực đối với sự khác biệt ấy, để cùng nhau đi đến một sự thống nhất chung và hoàn hảo cho toàn thể cộng đồng. Đây là ý tưởng quan trọng cho quan niệm có tính trừu tượng rất cao về công lý của Rawls sau này.

53

Và thứ tư, “triết học chính trị trở thành công cụ để thăm dò giới hạn của những khả năng chính trị thực tế. Triết học chính trị phải miêu tả được những thỏa thuận chính trị có thể thực thi được cái có thể đạt được từ sự đồng thuận của những con người thực. Thậm chí trong những giới hạn của mình, triết học chính trị có thể mang tính chất lý tưởng, nghĩa là, nó có thể mô tả về một trật tự xã hội tốt đẹp nhất mà con người hy vọng tới” [48, 4-5]. Với vai trò này, triết học chính trị giúp con người đặt ra và trả lời những câu hỏi: trong một xã hội dân chủ công lý sẽ như thế nào, dù rằng nó không được hoàn hảo? Những lý tưởng và nguyên tắc nào mà xã hội dân chủ này có thể thực hiện được trong hoàn cảnh con người, truyền thống và lịch sử cho phép? Thực trạng xã hội luôn luôn thay đổi, đôi khi phải đối mặt với chính những khó khăn do chính con người tạo ra, vậy thì những thể chế chính trị đương thời với những quan niệm về kinh tế, luật pháp, giáo dục, đạo đức...được xây dựng trên nguyên tắc của công lý sẽ phải điều chỉnh như thế nào? Những câu hỏi đó, chỉ có triết học chính trị mới cung cấp câu trả lời thỏa đáng. Tuy nhiên, việc triết học chính trị hướng con người đến một viễn cảnh mà ở đó chủ thể được sống trong một bối cảnh chính trị như mong muốn, không loại trừ việc, triết học chính trị đảm bảo một vai trò quan trọng khác nữa – cái phái sinh ra từ vai trò này - đó là nó vạch trần những chế độ chính trị tệ hại, hay những ý thức hệ giáo điều bất công, đảm bảo đặc quyền đặc lợi cho một nhóm nào đó trong cộng đồng. [xem48, 4-5].

Với bốn vai trò trên của triết học chính trị, Rawls đặt ra một vấn đề quan trọng là: cần phải có một quan niệm chung, thống nhất về những giá trị căn bản của xã hội, cụ thể ở đây chính là cần một quan niệm mới mẻ về công lý – cái sẽ mang đầy đủ chức năng trên của triết học chính trị - được xem như là điểm khởi đầu cho bất kỳ những tư tưởng, hay quyết sách chính trị được phái sinh ra sau này. Quan niệm mới mẻ này về công lý sẽ, thứ nhất, hóa giải

54

sự khác biệt trong quan niệm của các công dân về công lý, ít nhất ở việc, đưa ra những nguyên tắc cho công lý, để từ đó đi đến sự đồng thuận trong các chủ đề khác nhau của chính trị; thứ hai, quan niệm này cũng sẽ giúp cho họ hiểu được sự bất công là cần thiết và hợp lý trong trường hợp nó có thể đảm bảo công bằng cho số đông người trong cộng đồng. Ngoài ra, vì nhằm đảm bảo cho một cộng đồng chính trị tốt đẹp, quan niệm này cũng sẽ nhằm tới việc đảm bảo lợi ích cho tầng lớp người ít có cơ hội nhất trong xã hội.

Một phần của tài liệu Vấn đề công lý trong tư tưởng triết học của John Rawls tt (Trang 52)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(90 trang)