B. NỘI DUNG
1.2.1. Những tiền đề lý luận cho quan điểm của J.Rawls về công lý
Lý thuyết về khế ước xã hội của chủ nghĩa tự do truyền thống
Quan điểm của J.Rawls về công lý thừa hưởng những giá trị của chủ nghĩa tự do truyền thống. Trong những nghiên cứu về triết học chính trị của Mỹ hiện nay, người ta xem J.Rawls như là đại biểu tiêu biểu của chủ nghĩa tự do mới thế kỷ XX. Ở trong tác phẩm nổi tiếng của mình J.Rawls cũng xem
33
quyền tự do như là đặc điểm cố hữu của một xã hội công bằng. Ông viết: “Trong một xã hội công bằng thì sự bình đẳng về các quyền của công dân và các quyền tự do cho mỗi người là bất di bất dịch” [41, 3]. Và sau này khi diễn giải ý tưởng của mình về công lý J.Rawls xem tự do là một trong các điều kiện quan trọng bậc nhất để chúng ta bàn tới các nguyên tắc về công lý cũng như phẩm chất của các công dân – người sẽ gia nhập vào cuộc thảo luận về một thỏa ước chung. Chủ nghĩa tự do truyền thống bắt đầu từ thời kỳ Khai Sáng, thể hiện rõ nét những ưu thế trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế và đạo đức. Thông qua những khuynh hướng nghiên cứu khác nhau của chủ nghĩa tự do mà các vấn đề như quyền lợi của con người cá nhân, sự bảo vệ của luật pháp đối với con người cá nhân, lý tưởng của xã hội, niềm tin... đã được đề cập sâu sắc. Một trong số đó là tư tưởng về khế ước xã hội. Nội hàm chính của lý thuyết khế ước xã hội là sự mô tả về quá trình những bản giao ước chung được hình thành như thế nào. Trước khi có sự ra đời của Nhà nước thì đã tồn tại một tình trạng vô chính phủ hoàn toàn và cuộc sống của con người là một cuộc chiến tranh của tất cả chống lại tất cả, hoặc đó là một trạng thái tự nhiên khi mà con người cá nhân sống với cái quyền tự do và bình đẳng nguyên thủy của mình. Nhưng rồi sau đó người ta tự giác quyết định nhượng một phần của quyền tự do ấy cho một Nhà Nước để đảm bảo an ninh cho chính mình, đảm bảo quyền tư hữu và những quyền cá nhân khác. Lý thuyết về khế ước xã hội thời kỳ mới ra đời là một câu trả lời có tính khả thi nhất về sự hình thành các thể chế chính trị, về sự hình thành và vai trò rộng lớn của luật pháp, về cơ sở của những chính sách ..., song nó đã không thể trả lời được câu hỏi là tại sao con người cá nhân tự nguyện đem quyền tự do của mình trao cho một nhóm khác mà những cuộc đấu tranh lật đổ chính quyền đòi tự do vẫn diễn ra, những quyền cơ bản của con người không được đảm bảo, thậm chí còn bị xâm phạm. Hay, thực chất là, con người cá nhân có hoàn
34
toàn có ý thức về quyền tự chủ của mình hay không, hay là họ bị buộc phải tham gia vào thỏa ước ấy.
Thực tế, thì công việc của Rawls khi ông nghiên cứu về công lý là một sự tiếp tục của thuyết khế ước xã hội. Ngay trong Lời nói đầu của “Một lý thuyết về công lý”, Rawls khẳng định rằng: “điều tôi cố gắng làm ở đây là khái quát hóa và đem lại một mức độ trừu tượng hóa cao hơn học thuyết truyền thống và khế ước xã hội đã được Locke, Rousseau và Kant trình bày. Theo đó, tôi hy vọng rằng lý thuyết này có thể được phát triển để cho nó không bị dùng để phản bác lại chính nó nữa. Hơn nữa, như lý thuyết này dường như sẽ đưa ra một cách lựa chọn tính toán có hệ thống về công bằng khá hơn so với chủ nghĩa vị lợi truyền thống đang chiếm ưu thế” [41, XVIII]. Ở trong nghiên cứu của mình Rawls muốn làm rõ những căn cứ đã khiến cho cá nhân tham gia vào các quá trình xã hội bằng những thỏa ước. Nhưng ông cố gắng không lặp lại những bế tắc của các lý thuyết trước về khế ước xã hội, bởi những cái được gọi là thỏa ước về lợi ích chung của xã hội vẫn không làm dịu đi những mâu thuẫn vốn có giữa cá nhân với cá nhân, giữa công dân với nhà nước. Rawls phát hiện ra rằng cần phải có một hệ thống các nguyên tắc chung đảm bảo cho sự thỏa ước của con người trước khi quyết định tham gia vào khế ước xã hội. Theo ông, cái chung hơn để coi như một chuẩn mực giá trị, mà theo đó, con người hay các tác nhân tham gia vào quá trình hợp tác xã hội có thể điều chỉnh hay phán xét hành vi của mình. Và từ đó Rawls đưa ra quan điểm xem “Công lý như là công bằng” với mong muốn đó sẽ trở thành một giải pháp thay thế cho những quan điểm truyền thống từ lâu trong lịch sử triết học.
35
Tư tưởng về tính tự trị của ý chí và mệnh lệnh tuyệt đối trong đạo đức học của I.Kant
Đạo đức học là một bộ phận quan trọng trong hệ thống triết học của I.Kant. Nằm ở phân khúc thứ hai trong hệ thống, câu hỏi “tôi có phải làm gì?” là mục đích chính cho toàn bộ những nghiên cứu đạo đức học của ông. Có một sự chuyển dịch trong tư tưởng của Kant khi ông nói “tôi xóa bỏ tri thức để nhường chỗ cho lòng tin”. Đó cũng đồng thời là sự chuyển dịch của những suy niệm triết học từ chủ nghĩa duy lý sang một trạng thái khác – từ việc tin tưởng không điều kiện vào lý tính thuần túy sang việc ứng dụng nó trong vào các mệnh lệnh cũng như phán xét đạo đức của con người.
Kant cho rằng, những nguyên tắc sống của một cá nhân hay suy rộng ra là nguyên tắc vận hành một xã hội biểu hiện rõ nét nhất khả năng tự trị của ý chí.Và mục đích tối cao của lý tính cuối cùng là để đạt được sự tự trị ngay trong chính mình. Kant cho rằng, ý chí thực sự đạt đến trạng thái tự trị khi những nguyên tắc của chúng ta mong mỏi có khả năng trở thành những luật phổ quát, từ đó làm nảy sinh những mệnh lệnh tuyệt đối hay những bổn phận có sự ràng buộc con người một cách vô điều kiện nhằm hướng tới một mục tiêu nào đó. Và chính vì có trạng thái tự trị của ý chí mà con người có được phẩm hạnh. Và từ đó Kant bàn về tính tất yếu của sự hình thành nhà nước trên cơ sở của khế ước xã hội. Ông cho rằng nhà nước chính là sự liên kết của các cá nhân trong khuôn khổ luật pháp nhằm giám sát và đảm bảo bình đẳng cho mọi công dân. Nhà nước ra đời là một nhu cầu nội tại trong sự vận động của xã hội và sự hoàn thiện nhà nước là hoàn thiện theo chiều hướng vì lợi ích của con người. Nhà nước có thể được xem như là sản phẩm có tính vật chất của sự tự trị của lý tính thực hành.
36
Thừa nhận tính tự trị của ý chí là phẩm chất hàng đầu của con người có đạo đức, Rawls đã dựa vào lý luận này của Kant để đưa ra quan niệm về sự tự quyết trong lý thuyết về công lý của mình. Ông cho rằng con người đầu tiên phải là những công dân có quyền tự quyết. Đó là điều kiện tiên quyết để đạt tới những thỏa thuận hoặc một sự thống nhất nào đó, trong đó có sự đồng thuận về các nguyên tắc của công lý. Trong “Một lý thuyết về công lý”, Rawls cho rằng một người hành động theo ý chí tự do khi các nguyên tắc chi phối hành động của anh ta thì chính anh ta là người lựa chọn. Một cá nhân hoàn toàn có quyền tự lựa chọn những nguyên tắc mà anh ta dựa vào để hành động. Hành động dựa trên những nguyên tắc này là hành động một cách độc lập và tự chủ. Hay nói một cách khác, trạng thái tự trị của ý chí theo cách dùng từ của Kant, thì nay nó trở thành quyền tự lựa chọn những nguyên tắc dùng để tham gia vào một thỏa thuận chung của cá nhân. Trong “Một lý thuyết về công lý” J.Rawls chỉ rõ: “các nguyên tắc của công lý cũng tương tự như mệnh lệnh tuyệt đối. Bởi vì, một mệnh lệnh tuyệt đối được Kant hiểu là gắn liền với bản chất con người, nó đem lại cho họ thuộc tính tự do và có lý trí bình đẳng” [41,222]. Cả mệnh lệnh tuyệt đối của Kant và quan niệm về vị trí khởi thủy – trạng thái giả định mà Rawls hình dung ra để dẫn tới những nguyên tắc của công lý - đều mang tính giả định. Tuy nhiên, trong quan điểm của Rawls thì các bên tham gia vào quá trình hợp tác xã hội luôn bị ràng buộc bởi điều kiện sống của mình. Do đó, sự tự do lựa chọn của con người là không thuần túy, mà có giới hạn nhất định. Và suy rộng ra, mọi sự lựa chọn đều như vậy. Còn sự lựa chọn của con người cá nhân trong quan điểm của Rawls là không chịu sự tác động của hoàn cảnh, mà nó tuân thủ theo một mệnh lệnh có tính tiên nghiệm – cái thuần túy giống nhau ở mỗi con người với tư cách đó là một cá thể thuộc loài. [xem thêm 26, tr.46-47].
37
Phê phán lý thuyết của chủ nghĩa vị lợi
Quan điểm của Rawls về công lý có lẽ là một sự phủ định đối với lý thuyết của chú nghĩa vị lợi. Sự phê phán lý thuyết của chủ nghĩa vị lợi là một trong những nguồn gốc dẫn tới sự ra đời quan điểm của Rawls về công lý
Chủ nghĩa vị lợi (utilitarianism) là một học thuyết triết học đạo đức ra đời ở Anh vào cuối thế kỷ XVII. Sau này, sức ảnh hưởng của nó được lan tỏa khắp phương Tây và được đặc biệt ưa chuộng ở Mỹ. Tư tưởng chính của chủ nghĩa vị lợi khiến cho nó ngay từ khi ra đời đã nhận được sự hưởng ứng đó là nó cho rằng việc thỏa mãn những nhu cầu hay lợi ích của con người là điều duy nhất đúng đắn nên làm. Theo đó, tất cả cái gì được xem là đúng hoặc tốt thì nó phải thỏa mãn được tổng số nhu cầu của toàn xã hội. Chủ nghĩa vị lợi lấy hạnh phúc của con người làm tiêu chuẩn đánh giá đạo đức cũng như những điều đúng đắn. Trong giai đoạn sau, chủ nghĩa vị lợi hiện đại cho rằng sự đúng sai trong hành vi, hành động của cá nhân và nói chung cả toàn xã hội được đo đạc từ tỷ lệ giữa sự sung sướng và đau khổ được tạo ra sau đó là bao nhiêu.
Từ tư tưởng này của chủ nghĩa vị lợi, Rawls đặt ra một vấn đế: “mỗi cá nhân khi biết rõ lợi ích của mình thì chắc chắn họ sẽ biết cách tự cân nhắc những cái được và cái mất của mình. Người ta có thể sẵn sàng chịu thiệt thòi tại một thời điểm nào đó để thu được nhiều lợi ích hơn về sau. Con người có quyền mưu cầu những điều tốt đẹp nhất cho mình; có thể mưu cầu lợi ích cho mình đến một chừng mực nào đó, miễn là điều đó không làm ảnh hưởng đến người khác. Vậy thì tại sao một xã hội lại không vận hành theo những nguyên tắc này và công nhận rằng, cái gì là hợp lý với một cá nhân thì cũng đúng với một cộng đồng” [trích theo 26, 50]. Rawls chỉ ra điểu nổi bật của chủ nghĩa vị lợi đó là nó nhắc tới sự phân chia tổng số các thỏa mãn của các cá nhân trong
38
một xã hội. Sự phân chia đạt đến độ đúng đắn khi mà nó đem lại hiệu quả tối đa cho các bên tham gia. Tuy nhiên trên thực tế thì không có sự phân chia nào là đạt đến hiệu quả tối đa cả. Nhất là khi các bên tham gia bị ràng buộc một cách tự nhiên bởi chính nền văn hóa và những điều kiện kinh tế riêng có của bản thân minh. Hơn nữa, Rawls đặc biệt phê phán nguyên tắc tối đa hóa lợi ích trong quan điểm của chủ nghĩa vị lợi. Bởi ông cho rằng, không có bất cứ một lý do gì khiến cho việc lấy lợi ích của đa số người trong xã hội làm tiêu chuẩn cho công lý, cho những điều đúng đắn mà cả xã hội nên làm theo. Không thể lấy sự hạnh phúc của số đông người, mà quên đi những đau khổ của thiếu số trong xã hội. Về cơ bản, Rawls chỉ ra hai điểm cần phải xem xét trong tư tưởng của chủ nghĩa vị lợi như sau:
Thứ nhất, chủ nghĩa vị lợi mới chỉ bàn tới vấn đề lợi ích và việc theo đuổi hạnh phúc của con người, mà chưa bàn tới việc con người cần có những nghĩa vụ gì khi anh ta nhận được hạnh phúc chung ấy của xã hội. Suy rộng ra lại là vấn đề phân phối. Chủ nghĩa vị lợi chưa bàn tới sự phân phối làm sao cho công bằng giữa hạnh phúc và nghĩa vụ đối với cá nhân.
Thứ hai, việc theo đuổi hạnh phúc và lợi ích là đúng với bản chất của con người. Ai làm việc gì đó cũng đều cân nhắc đến lợi ích của mình trước tiên. Song giữa các cá nhân luôn luôn có sự khác biệt về động cơ và hoàn cảnh. Làm sao có thể biết được rằng lợi ích của một nhóm đạt được, không gây ra hệ quả nghiêm trọng nào đối với xã hội. Chính vì không tính đến những khác biệt của các bên tham gia, chủ nghĩa vị lợi sẽ rơi vào bế tắc, không thể lý giải nổi một thực tế là các cuộc chiến tranh vẫn diễn ra, và với mỗi bên tham gia cuộc chiến thì đó đều là cuộc chiến chính nghĩa, nhằm đảm bảo tối đa lợi ích của mình.
39
Quan điểm về công lý của Rawls tiếp tục truyền thống của các lý thuyết về khế ước xã hội đã từng có trong lịch sử, khơi gợi cảm hứng từ triết học đạo đức của Kant và phê phán một cách sâu sắc đối với tư tưởng đương thời của chủ nghĩa vị lợi. Đó cũng đồng thời được xem như là sự lọc bỏ và kế thừa những tiền đề lý luận để đưa quan điểm về công lý lên một dạng thức phủ định cao hơn.