Vấn đề công bằng trong phân phối

Một phần của tài liệu Vấn đề công lý trong tư tưởng triết học của John Rawls tt (Trang 78 - 81)

B. NỘI DUNG

2.3.1.Vấn đề công bằng trong phân phối

Rawls chỉ rõ khả năng ứng dụng khái niệm “công lý như là công bằng” vào việc giải quyết vấn đề phân phối hiệu quả thu được từ hợp tác xã hội – một trong những chủ đề chính yếu nhất trong những nghiên cứu về công lý hiện nay.

Công bằng trong phân phối là một trong những ứng dụng quan trọng của khái niệm “công lý như là công bằng”. Đồng thời nó cũng là đối tượng của công lý mà Rawls đề cập tới ngay ở đầu tác phẩm.

Xung quanh vấn đề phân phối nổi lên các câu hỏi như sau: làm thế nào để phân phối mọi thứ trong xã hội được công bằng? Và dựa vào đâu? Trước đó, các lý thuyết đề cập tới hai căn cứ một là theo năng lực và hai là theo nhu cầu. Cũng từ đây hình thành nên hai khuynh hướng trong những nghiên cứu về phân phối. Một là khuynh hướng bình quân chủ nghĩa chỉ dựa vào nhu cầu. Và hai là khuynh hướng phân biệt chủ nghĩa khi dựa vào năng lực. Cả hai khuynhh hướng này đều dẫn đến sự bất công và phân hóa giàu nghèo sâu sắc. Với cách quan niệm của mình về công lý như là công bằng, Rawls chỉ ra rằng, việc phân phối của cải sản xuất phải dựa trên cơ sở coi “công lý như là công bằng”. Đó là sự phân phối các kết quả của mọi sự hợp tác xã hội trên cơ sở tự nguyện của cá nhân vốn đã thừa nhận hai nguyên tắc của công lý đã đề cập ở trên.

76

Ở nguyên tắc thứ hai, Rawls đề cập đến việc phân phối lại của cải và phúc lợi xã hội. Trong khi nguyên tắc thứ nhất đảm bảo quyền tự do bình đẳng tuyệt đối về mặt các quyền cơ bản cho các cá nhân, có thể hiểu là trong lần phân phối đầu thì những đóng góp trực tiếp phải được tính đến đầy đủ, nhưng trong việc phân phối lại thì mới tính đến sự khác biệt về chức vụ, khả năng và tài năng thiên phú.... Ông cho rằng, vấn đề chính của công bằng trong phân phối là việc lựa chọn một hệ thống xã hội. Các nguyên tắc của công lý áp dụng cho việc phân chia quyền lợi và bổn phận, quy định cách kết hợp các thể chế chính của nó như thế nào trong một cơ chế. Ý tưởng của khái niệm “công lý như là công bằng” là đúng quan niệm thuần túy về công lý – cái đã được lựa chọn ở vị thế khởi thủy – để giải quyết các yếu tố có tính ngẫu nhiên dẫn tới sự chênh lệnh và bất bình đẳng trong xã hội. Chúng ta chấp nhận rằng sẽ có bất công bằng ở giai đoạn đầu tiên, nhưng chúng ta không chấp nhận sự bất công bằng trong phân phối kết quả. Điều này nghe có vẻ không hợp lý và khó chấp nhận. Nhưng khi nó được các thể chế chính chị và đưa vào luật pháp – khi nhận được sự thống nhất của các thành viên trong xã hội, thì việc chúng ta phân phối phúc lợi xã hội sẽ đảm bảo được công bằng. Và nhóm người ít được may mắn nhất của xã hội sẽ vẫn có điều kiện sống tốt nhất có thể nhờ vào sự chia sẻ của cộng đồng.

Rawls cho rằng vấn đề chính của công bằng trong phân phối đó chính là tìm ra cách thức đề phân phối sao cho công bằng nhất – hay là tìm ra cấu trúc nền tảng nào là tốt nhất cho thể chế. Trong mục 43, chương 5 [xem 26, 137-140], Rawls miêu tả ngắn gọn nhưng thể chế hỗ trợ theo cách chúng có thể tồn tại trong một nhà nước dân chủ được tổ chức hợp lý, trong đó cho phép sở hữu tư nhân về vốn và các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Cách thức phân phối nguồn vốn và tài nguyên này được điều hành bởi một hiến pháp công bằng, và cơ bản là tuân thủ theo hai nguyên tắc của công lý. Rawls giả

77

định rằng, chính phủ sẽ đảm bảo mọi sự ngang nhau về cơ hội ở các hạng mục như giáo dục và văn hóa cho các cá nhân có cùng khả năng và cùng động cơ bằng cách trợ cấp hoặc tài trợ.

Thực tế, thì quan điểm của Rawls là đi theo khuynh hướng phân phối theo năng lực. Theo đó thì Rawls phải thừa nhận tiền đề của sự phân phối theo khuynh hướng này đó là sở hữu tư nhân. Người sở hữu tài sản tham gia vào quan hệ phân phối tương ứng với quyền sở hữu các yếu tố của sản xuất, nếu anh ta sở hữu sức lao động của mình bao gồm trong đó cả tài năng, cả sự giàu có nhờ vào thừa kế (nếu có)..., thì anh ta hoàn toàn có quyền hưởng thụ phần đóng góp ấy của mình trong việc tạo ra sản phẩm. Để tránh nguy cơ phân hóa giàu nghèo, Rawls thực hiện một số biện pháp có tính ràng buộc đó là: kết quả của việc thu lại phúc lợi ấy cần được chia sẻ cho cộng đồng. Và nhà nước sẽ tham gia vào việc thể chế điều đó thành các điều luật.

Ở đây có một số điểm mà Rawls cần phải tính toán, nếu như muốn đưa khái điểm “công lý như là công bằng” ứng dụng vào trong phân phối. Thứ nhất, đó là vai trò điều tiết của Nhà nước pháp quyền đối với quyền sở hữu các yếu tố đưa vào sản xuất của cá nhân. Và thứ hai, là mức độ tự nguyện chia sẻ nguồn lợi thu được từ những cá nhân này đối với nhóm kém may mắn trong xã hội. Nhà nước phải thống nhất được ý chí của toàn xã hội, thể hiện được vai trò quản lý công cộng trong nền kinh tế thị trường với tư cách là người đại diện cho nhân dân sở hữu tài sản công. Cơ chế sở hữu vẫn được đảm bảo tới từng con người cá nhân, nhưng tổng sản phẩm xã hội phải được phân phối theo nguyên tắc công bằng. Nếu xem công lý như là công bằng là một giá trị và một đức hạnh của một xã hội tiến bộ, và điều này đạt được sự thống nhất cao của tất cả các thành viên trong xã hội, sau đó được thể chế ra thành luật pháp, thì những người sở hữu tài sản, sẽ tự nguyện chia sẻ phúc lợi mà họ đạt được. Và đây chính là điều mà Rawls mong muốn đạt tới.

78

Trong cuốn “Công lý như là công bằng: sự tái trình bày”, Rawls có trình bày lại quy tắc Maximin [xem 48, 97-100]. Nội dung chính của quy tắc Maximin là: chọn con đường nào mà kết quả tồi tệ nhất của nó sẽ là tốt đẹp hơn tất cả các kết quả tồi tệ của các con đường khác, để bãi bỏ một hệ thống cấu trúc cơ bản quá bất công, vô lý và áp chế không còn khả thi cải tổ. Đôi khi chúng ta đồng ý chấp nhận thực thi theo một hiến pháp có tính bất công. Bởi trên thực tế, luật pháp nào cũng đang giới hạn cái tự do của chúng ta trong một khuôn khổ nhất định, cho nên, chúng ta sẽ giới hạn cái tự do của những cá nhân giầu có, để đảm bảo tổng sản phầm được chia đều trong cộng đồng, tức là đảm bảo cho một tự do có mục tiêu phổ quát hơn.

Ở điểm này, một số người theo quan điểm thực chứng đã cho rằng quan điểm của Rawls có tính chất “phiêu lưu” – mấy ai chịu chia tài sản của mình cho người khác!, nhưng điều đó không quan trọng bằng việc, một lý thuyết về công lý, và cụ thể hơn là một lý thuyết về phân phối mới với đầy đủ tính nhân văn đã được ra đời. Chính ở điểm này, khái niệm “công lý như là công bằng” đã gợi ý cho các lý thuyết kinh tế hiện đại trong việc tìm ra động lực phát triển bền vững của xã hội. Nó giải quyết mâu thuẫn giữa sự tăng trưởng hiệu quả kinh tế với việc đảm bảo công bằng xã hội. Nền kinh tế thị trường tự do vẫn phát triển theo đúng quy luật của nó, trong đó lấy quyền sở hữu tư nhân làm nền tảng, và phân phối dựa theo năng lực của chủ thể kinh tế, nhưng phúc lợi xã hội sẽ được phân phối đều cho tất cả các thành viên, dựa trên việc tổng sản phẩm xã hội được chia đều.

Một phần của tài liệu Vấn đề công lý trong tư tưởng triết học của John Rawls tt (Trang 78 - 81)