Aristotle đã đưa ra hai nguyên tắc quan trọng nhất để bảo vệ chế độ nhà nước lý tưởng, Một là : “Chỉ có một nguyên tắc giữ cho chế độ được ổn định là bình đẳng dựa theo tỷ lệ và tài năng, và người nào cũng được hưởng theo công sức và tài năng của họ”[1,286].
Quan niệm này của Aristotle khá tiến bộ, ta thấy gần giống với quan niệm của chủ nghĩa Mác về việc giữ vững chế độ. Theo nguyên tắc này, vấn đề bình đẳng được xem là quan trọng nhất. Nhưng bình đẳng không giống
95
như sự cào bằng, sự bình quân giữa tất cả mọi người, mà bình đẳng theo hướng tất cả mọi người làm theo tỷ lệ đóng ghóp và tài năng của mỗi một cá nhân, hưởng theo công sức lao động và tài năng của cá nhân đó. Nguyên tắc này không phải là cào bằng như nhau cho mọi người, nó không để cho cá nhân lười biếng, ỉ lại hay bất bình đẳng, mà tất cả mọi người đều phải lao động, việc phân chia tài sản hay quyền lợi cũng dựa vào công sức của họ bỏ ra trong lao động. Nguyên tắc này rất tiến bộ, Aristotle đưa ra nguyên tắc rất công bằng, mà sau này chủ nghĩa Mác cũng vận dụng điều đó khi đưa ra nguyên tắc phân phối trong chế độ Chủ nghĩa xã hội, giai đoạn đầu của chế độ Cộng sản chủ nghĩa. Ở giai đoạn này, chủ nghĩa Mác cho rằng, nguyên tắc phân phối sản phẩm sẽ là “Làm theo năng lực hưởng theo lao động” việc phân chia sản phẩm làm ra sẽ theo sức lao động và năng lực của cá nhân. Còn đến giai đoạn cộng sản chủ nghĩa, chủ nghĩa Mác cho rằng, phân phối sản phẩm theo nguyên tắc “Làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu” [9,36], đó là khi sản phẩm làm ra rất đầy đủ, có thể phân chia đều cho tất cả nhu cầu của mọi người. Cả hai quan niệm này ta thấy có nét tương đồng với nhau, như vậy quan niệm của Aristotle từ thời cổ đại đã rất tiến bộ, nhìn thấy được xu hướng của lịch sử, của thời đại, và đó là nguyên tắc rất khoa học và chính xác. Ngay cả ngày nay trên thế giới con người cũng đang hướng đến nguyên tắc nhân văn mà từ thời Aristotle đã nêu ra. Cho nên, quan niệm này của Aristotle được xem là rất tiến bộ so với thời đại của ông và của cả lịch sử thế giới.
Hai là, “tất cả mọi nước nên được cai trị và điều hành bởi luật pháp để quan chức không thể lợi dụng được quyền hành mà kiếm tiền” [1,292]. Pháp luật là tối thượng trong đời sống xã hội, phải được xem là thượng tôn trong đời sống và tất cả công dân cũng như quan chức đều phải lấy pháp luật lên làm yếu tố quan trọng hàng đầu. Đây là biện pháp cũng như nguyên tắc quan trọng hàng đầu trong các chế độ, đặc biệt là chế độ Hiến định.
96
Từ những nguyên tắc chung đó, Aristotle nêu lên hệ thống các biện pháp bảo vệ chế độ lý tưởng. Ông nêu lên hàng loạt các biện pháp tích cực như:
(1),Trước hết, người cầm quyền phải có quan hệ tốt với mọi người dân (kể cả những người có quyền bầu cử và người không có quyền bầu cử), họ phải đối xử tử tế với mọi người, không xúc phạm đến danh dự của những người cả ở hai chế độ mà phải đối xử mọi giai cấp theo tinh thần bình đẳng. [1,289]
(2). Thứ hai, nhiệm kỳ cầm quyền sẽ ngắn ngủi, ngăn cản sự độc quyền của một nhóm công dân, hay gia đình trị. Việc thời hạn ngắn khi cầm quyền sẽ khiến cho bất cứ ai cũng khó lòng gây nên sự thiệt hại lớn lao, trong khi đó nhiệm kỳ lâu dài sẽ tạo nên những kẻ độc tài trong cả giới giàu có lẫn người nghèo.
(3) Thứ ba, người lãnh đạo chế độ phải nỗ lực kiềm chế những cuộc tranh chấp giữa các giai cấp, và ngăn chặn ngay từ đầu những mâu thuẫn để dẫn đến những cuộc đấu tranh đó. Việc ngăn chặn những cuộc đấu tranh này sẽ giảm đảm bảo pháp luật giữ vững tính nghiêm trang và thượng tôn trong đời sống xã hội.
(4). Chế độ Hiến định cũng dựa trên sự trung dung giữa hai giai cấp, cho nên số lượng tài sản của người lãnh đạo cũng là vấn đề cần đáng quan tâm. Theo Aristotle, “ta nên so sánh tổng sản lượng năm nay với năm trước theo định kỳ mỗi năm, nếu dân số được kiểm tra hàng năm, nên từ 3 hoặc 5 năm. Nếu tổng số lượng có tăng hơn hay thấp hơn gấp bội so với năm trước, thì luật pháp nên có những điều chỉnh tiêu chuẩn tài sản cho thích hợp. Nguyên tắc này rất cần thiết cho chế độ hiến định, vì quá giàu tầng lớp lãnh đạo sẽ chuyển thành chế độ quả đầu, hoặc quá nghèo sẽ chuyển sang chế độ dân chủ. Nguyên tắc này cũng đúng với các chế độ khác như chế độ quả đầu sẽ chuyển thành chế độ gia đình trị, hoặc dân chủ.
97
(5). Nguyên tắc mà có thể được dùng cho mọi chế độ, Aristotle nêu lên đó là “không để cho bất cứ một công dân nào có sự gia tăng bất cân xứng với những người khác; nghĩa là nên có những tưởng thưởng vừa phải cho một cá nhân trong một thời gian dài hơn là trao tặng những phần thưởng lớn lao và danh vọng tột bậc trong một thời gian ngắn”[1,291]. Đi kèm với nguyên tắc này là việc, theo Aristotle, “nên có những điều luật ngăn ngừa bất cứ ai có quá nhiều quyền lực, nếu có những người như vậy, thì kẻ đó phải bị tống xuất ra khỏi nước” [1,291]. Cho nên, quyền lực nên giao cho phần tử trung lưu, nên gia tăng tầng lớp này, một chính sách như vậy sẽ chấm dứt được sự phân hóa do bất bình đẳng gây ra.
Như vậy, những biện pháp để bảo vệ chế độ nhà nước nói chung và nhà nước hiến định nói riêng là những biện pháp rất tiến bộ, thích hợp với mọi chế độ. Ở mọi giai đoạn lịch sử khác nhau đều có thể vận dụng những biện pháp đó ứng dụng vào trong đời sống của nhà nước. Nhìn chung, những biện pháp mà Aristotle nêu lên có thể khái quát chung bằng những nguyên tắc như: công bằng, bình đẳng và đặc biệt là phải coi trọng pháp luật, đề cao pháp luật trong đời sống xã hội. Như Aristotle đã khẳng định“Một cách tổng quát, ta có thể cho rằng một hiến pháp được bảo tồn là nhờ sự tôn trọng tất cả mọi luật lệ của người dân, và nguyên tắc quan trọng nhất đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần là số người trung thành với hiến pháp phải mạnh và đông hơn số người bất trung” [1,295] Quan niệm này của Aristotle rất giống với quan niệm của các triết gia phương Đông như Nho giáo, đặc biệt là Pháp gia. Những trường phái này rất đề cao vai trò thượng tôn của pháp luật, lấy đó là biện pháp quan trọng hàng đầu để xây dựng nhà nước, theo họ, “phương pháp lấy người trị người trước kia trở nên ít hiệu quả hơn, luật pháp bắt đầu được sử dụng như công cụ cai quản xã hội chủ yếu. Pháp gia đã luận chứng cho xu hướng này về mặt lý luận” [15,21].
98
Sau khi đã tìm hiểu khá chi tiết nguyên nhân cũng như biện pháp bảo vệ chế độ nhà nước lý tưởng, cuối cùng bản luận văn này sẽ đi tìm hiểu những điều kiện để xây dựng nhà nước lý tưởng. Chúng ta đã tìm hiểu hầu hết các vấn đề của nhà nước được Aristotle nêu lên trong tác phẩm “Chính trị luận” và sẽ hoàn thiện hơn khi tác giả miêu tả những điều kiện để xây dựng nhà nước lý tưởng ở trong Quyển VII của tác phẩm.