Khi nghiên cứu tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, chúng ta thường nhắc đến “tính dung” và “tính dụng” của người Việt. Trong đó “hỗn dung” có thể hiểu là hỗn hợp và dung chấp. Đó là thái độ hài hòa khi tiếp xúc với bất kỳ một tôn giáo, một hệ tư tưởng nào có nguồn gốc ngoại lai. Với họ, bất cứ cái gì hợp thì tiếp nhận. Tuy nhiên đây không đơn thuần là sự tiếp nhận một cách cẩu thả, bừa bãi mà đó là một quá trình. Người Việt tiếp thu những yếu tố bên ngoài cho phù hợp và biến thành cái của riêng mình. Chính điều đó đã làm nên Tam giáo đồng nguyên và ở đây trong tín ngưỡng thờ Mẫu thì sự hỗn dung đó còn là sự hòa quyện đến đồng điệu khi các tôn giáo ngoại lai và tín ngưỡng dân gian cùng chung tồn tại.
So với các tôn giáo ngoại lai khác, có lẽ Phật giáo là tôn giáo gần gũi với đời sống tín ngưỡng dân gian nhiều nhất. Đi vào bằng con đường hòa bình, Phật giáo đã được người Việt tiếp nhận và nhanh chóng trở thành quốc giáo. Trải qua nhiều biến động của lịch sử, Phật giáo vẫn khẳng định được vị trí trong đời sống nhân dân. Hiện nay ở Kiến An Phật giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu luôn có sự giao thoa với nhau. Trong các ngôi chùa vẫn còn phối thờ theo kiểu “tiền Phật, hậu Mẫu” hay trong hệ thống thần linh công đồng thờ
Mẫu thì Phật Bà Quan Âm được thờ ở mức cao nhất. Bên cạnh đó, Nho giáo và Đạo giáo cũng khẳng định được vị trí của mình trong tín ngưỡng thờ Mẫu. Hai loại hình tôn giáo ngoại lai này đã giúp thờ Mẫu “lên khuôn” một cách hệ thống hơn, hoàn chỉnh hơn. Ngoài ra thì tín ngưỡng dân gian với đạo thờ thần, tôn xưng các vị anh hùng trong lịch sử cũng đã cùng nhau cố kết bền chặt hơn trong tín ngưỡng thờ Mẫu.