4. Nội dung nghiên cứu
3.7.3.1. Hoàn thiện phân cấp quản lý NSNN của các cấp trên địa bàn XLộc
a. Đối với chi thường xuyên:
Một là, phân định quyền hạn, trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý:
Phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan đơn vị có liên quan trong việc quản lý, điều hành và sử dụng NSNN theo luật NSNN là hết sức quan trọng. Cơ quan tài chính phải thực hiện nghiêm túc trách nhiệm xây dựng dự toán, thẩm tra việc phân bổ dự toán ngân sách cho các đơn vị sử dụng ngân sách, kiểm tra, giám sát việc chi tiêu và sử dụng ngân sách ở các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân
sách; cơ quan quản lý cấp trên có trách nhiệm phân bổ dự toán cho các đơn vị trực thuộc kịp thời, chính xác. Khi đó, KBNN Xuân Lộc mới thực hiện kiểm soát và thanh toán kịp thời cho các đơn vị sử dụng ngân sách đảm bảo đúng các điều kiện chi theo quy định; đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện chi tiêu NSNN theo đúng định mức, chế độ, tiêu chuẩn và trong phạm vi dự toán được giao, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.
Hai là, quy định về trách nhiệm pháp lý và vật chất:
Có quy định rõ ràng về trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm vật chất đối với các cơ quan và người đứng đầu các cơ quan trong việc quản lý và sử dụng ngân sách. Chẳng hạn, có chế tài xử lý cụ thể về việc chậm giao dự toán so với thời gian quy định của Luật NSNN để buộc các cơ quan có thẩm quyền phải giao dự toán cho các đơn vị sử dụng ngân sách ngay từ đầu năm. Hoặc khi phát hiện khoản chi sai chế độ thì thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách cần phải bị xử lý chứ không chỉ đơn thuần là KBNN Xuân Lộc từ chối thanh toán...
Ba là, tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan quản lý và đơn vị sử dụng
Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị sử dụng ngân sách, cơ quan chủ quản, với cơ quan tài chính và KBNN Xuân Lộc trên địa bàn huyện trong quá trình quản lý và điều hành NSNN. Đồng thời, tăng cường tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của đơn vị trong việc chi tiêu, gắn liền với tăng cường kiểm tra, kiểm soát của KBNN Xuân Lộc, thanh tra tài chính, kiểm toán nhà nước...
b. Đối với thanh toán vốn đầu tư:
Một là, xây dựng văn bản hướng dẫn phải rõ ràng:
Khi ban hành văn bản điều chỉnh hoặc bổ sung, các cấp quản lý phải xây dựng văn bản sao cho thật dễ hiểu, chỉ có một cách hiểu duy nhất để giúp cho người thực thi chính sách chế độ không thể hiểu theo nhiều cách khác nhau. Có như vậy chính sách ban hành mới đi vào cuộc sống dễ dàng và có hiệu quả.
Hai là, tăng cường quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan liên quan đến quản lý đầu tư và xây dựng trên địa bàn:
Phải có quy định rõ trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm vật chất của người ra quyết định đầu tư, chủ đầu tư và nhà thầu đối với việc đảm bảo hiệu quả, chất lượng công trình đầu tư. Nghiên cứu ban hành và thực hiện cơ chế bảo hành những sản phẩm do các đơn vị tư vấn thực hiện, trong đó cần phải gắn chất lượng sản phẩm tư vấn với chất lượng công trình đầu tư.
Ba là, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan tài chính:
Nâng cao hơn nữa trách nhiệm quản lý nhà nước của cơ quan tài chính trên địa bàn huyện về quản lý tài chính đầu tư xây dựng cơ bản trong việc xác định chủ trương đầu tư và bố trí kế hoạch vốn đầu tư hàng năm.
Đồng thời, cơ quan tài chính phải nâng cao chất lượng trong việc trực tiếp quá trình thẩm định các nguyên nhân làm tăng tổng mức đầu tư của dự án, nhất là các dự án nhóm C (hiện nay cơ quan tài chính chưa phát huy), góp phần kiểm soát chặt chẽ ngay từ ban đầu những chi phí phát sinh ngoài gói thầu và giúp cho cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chính xác.