Những thành công đạt được

Một phần của tài liệu Giải pháp phát triển hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai (Trang 83)

- Ý kiến đề xuất đổi mới để phát triển bền vững hợp tác xã nông nghiệp

3.3.1.Những thành công đạt được

Thứ nhất, các HTXNN đã phần nào đáp ứng được nhu cầu của các thành viên về giải quyết việc làm, tạo thu nhập cũng như có những hỗ trợ nhất định đối với các thành viên trong việc phát triển kinh tế.

Trong những năm qua, thông qua việc tổ chức các hoạt động SXKD dựa trên nguồn vốn góp của các xã viên và nguồn vốn huy động khác, các HTX đã tạo được số lượng việc làm trực tiếp và khoản thu nhập nhất định cho các xã viên của mình, qua đó góp phần giúp họ cải thiện đời sống cũng như nâng cao vị thế xã hội.

Đặc biệt, với việc cung ứng một số dịch vụ hỗ trợ SXKD cho kinh tế hộ xã viên (đặc biệt là hộ xã viên nông dân sản xuất hàng hóa) như hỗ trợ chuyển giao tiến bộ KHCN vào sản xuất; cung ứng vật tư, giống cây trồng, vật nuôi; cho vay vốn; dịch vụ bảo vệ thực vật; chế biến nông sản... và làm cầu nối, liên kết giữa kinh tế hộ xã viên với các ngân hàng, công ty giống cây trồng, doanh nghiệp cung ứng vật tư, chế biến và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa..., các HTX đã bước đầu phát huy được vai trò hỗ trợ cho kinh tế hộ phát triển.

Thứ hai, khu vực HTXNN ở Đồng Nai đã có những chuyển biến tích cực bước đầu trên các mặt: Thành phần thành viên tham gia, vốn góp, lĩnh vực hoạt động, kết quả SXKD, tạo việc làm...

Thành phần thành viên tham gia HTX đa dạng hơn. Số lượng xã viên và vốn góp mà các HTX đã thu hút được cũng tăng dần qua các năm.

Một số HTXNN trên địa bàn tỉnh đã bước đầu thích ứng với cơ chế thị trường, xác định được hướng hoạt động của mình. Nhiều HTXNN đang từng bước đi vào hoạt động ổn định, tạo ra hàng hóa và dịch vụ với số lượng và chất lượng, doanh thu và lợi nhuận tăng dần qua các năm. Đặc biệt, một số HTXNN có vốn lớn, có đội ngũ cán bộ quản lý năng động, am hiểu kinh tế thị trường đã

mạnh dạn chuyển hướng sang hoạt động SXKD tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, mở rộng quy mô và địa bàn hoạt động, có doanh thu và lợi nhuận tương đối cao.

Hàng hóa và dịch vụ mà các HTX tạo ra đã góp phần đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của xã viên và người dân.

Số lượng lao động làm việc thường xuyên trong các HTXNN có những chuyển biến tích cực theo chiều hướng tăng dần. Mặc dù số lượng này chưa lớn, song điều đó có ý nghĩa xã hội đặc biệt quan trọng. Bởi lẽ, các lao động được HTX giải quyết việc làm chủ yếu là những người lao động ở khu vực nông thôn, tầng lớp dân cư nghèo.

Thứ ba, các HTXNN đã có những đóng góp tích cực nhất định vào phát

triển kinh tế của tỉnh. Mặc dù vị thế kinh tế còn yếu, song các HTXNN đã có

những đóng góp tích cực nhất định, cả trực tiếp và gián tiếp, vào phát triển kinh tế. Sự đóng góp này thể hiện trên các phương diện sau đây:

- Thúc đẩy kinh tế hộ xã viên, đặc biệt là kinh tế hộ xã viên nông dân phát triển thông qua việc cung ứng các dịch vụ hỗ trợ SXKD. Mặc dù chưa làm được nhiều và chất lượng chưa cao, song hoạt động dịch vụ của các HTX cho kinh tế hộ xã viên đã và đang có tác dụng tích cực nhất định trong việc hỗ trợ kinh tế hộ phát triển, qua đó góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ cũng như góp phần thúc đẩy quá trình tăng trưởng và phát triển chung của tỉnh về kinh tế.

- Góp phần đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất, đổi mới phương thức SXKD... cũng như đáp ứng yêu cầu phát triển lực lượng sản xuất, củng cố quan hệ sản xuất.

- Góp phần khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng về nguồn nguyên liệu, lao động, thị trường, huy động vốn nhàn rỗi trong nhân dân... vào quá trình phát triển kinh tế.

- Đóng góp trực tiếp vào GDP thông qua việc tạo ra hàng hóa và dịch vụ đáp ứng nhu cầu đời sống và sinh hoạt hàng ngày của nhân dân.

Thứ tư, các HTXNN góp phần tích cực nhất định trong việc giải quyết các vấn đề văn hóa, xã hội trên địa bàn, đặc biệt là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Những đóng góp của HTXNN trong lĩnh vực này thể hiện trên các mặt sau: - Nhiều HTXNN đã phát huy được tinh thần tương than tương ái trong việc giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, góp phần giải quyết vấn đề vừa mang tính kinh tế, vừa mang tính xã hội, chính trị sâu sắc.

- Góp phần xây dựng và nâng cấp kết cấu hạ tầng nông thôn như điện, đường, trạm, nước sinh hoạt và các công trình phúc lợi khác.

- Tham gia thực hiện các chương trình xóa đối, giảm nghèo. - Đóng góp cho công tác từ thiện, nhân đạo…

Thứ năm, góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội trên địa bàn. Những

đóng góp nói trên của các HTX vào phát triển kinh tế, giải quyết việc làm và các vấn đề văn hóa, xã hội khác đã góp phần tích cực trong việc giữ vững ổn định chính trị, xã hội trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Tóm lại, tuy mới chỉ là bước đầu nhưng những mặt tích cực nói trên của HTXNN ở Đồng Nai đã khẳng định vai trò, vị trí và xu hướng tất yếu của nó trong cơ cấu kinh tế nhiều thành phần cũng như trong quá trình phát triển của tỉnh, đặc biệt là khu vực nông thôn, cả về kinh tế, xã hội, văn hóa và chính trị.

Một phần của tài liệu Giải pháp phát triển hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai (Trang 83)