7. Kết cấu của luận văn
3.3.3. Giải pháp về giáo dục, đào tạo
Giải pháp về giáo dục
Trong thời đại bùng nổ thông tin, truyền thông cá nhân ngày càng phát triển và lan rộng trong xã hội cùng với cả những tác động tích cực và tiêu cực của nó. Làm thế nào để khai thác tối ưu mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu cực của nó là một vấn đề không nhỏ. Trong kỷ nguyên của công nghệ số, việc ngăn chặn và cấm đoán những trang thông tin điện tử cá nhân là không thể, việc xử lý vi phạm lại càng trở nên khó khăn hơn. Bất cứ ở đâu khi nào chỉ cần một máy tính xách tay, E-book hay điện thoại di động công nghệ cao được kết nối mạng Internet, mọi cá nhân đều có thể truy cập các website cá nhân, tạo lập các trang web cá nhân, blog hay mạng xã hội một cách dễ dàng. Vì vậy, giải pháp về giáo dục nhằm nâng cao trình độ tri thức và văn hóa, nâng cao trình độ lý luận, chính trị cho người dân để họ tự đề kháng, miễn dịch trước những cái xấu là cần thiết.
Với sức mạnh của thông tin, việc nhân rộng những tấm gương điển hình, những trang thông tin điện tử cá nhân có giá trị, có ích cho xã hội đòi hỏi mỗi cá nhân phải có một nền tảng tri thức nhất định, có trình độ văn hóa, trình độ chính trị để phân biệt đúng sai, phát huy được những mặt tích cực mà truyền thông cá nhân mang lại cũng như hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của chúng. Để làm được việc này đòi hỏi xã hội phải minh bạch, các cá nhân cần được cung cấp đầy đủ thông tin, giáo dục về trực quan văn hóa: thế nào là tiêu cực, thế nào khiêu dâm, bạo lực, phản Nhà nước… để họ tránh và tự đề kháng trước những mặt trái đó, cùng với đó, họ cũng cần được giáo dục
để nhận thức được những mặt tích cực được khuyến khích và phát huy. Điều đó cần sự kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội với nhiều phương thức khác nhau từ việc tuyên truyền về pháp luật, giáo dục về nhận thức cho các cá nhân từ trong gia đình, nhà trường đến các phương tiện truyền thông đại chúng, hay thậm chí ngay trên các trang thông tin điện tử cá nhân để các cá nhân, cư dân mạng nhận thức, ý thức được những mặt tốt được khuyến khích, đồng thời tránh những việc xấu không được làm.
Khi truyền thông cá nhân ngày càng trở nên phổ biến trong xã hội, nhất là khi ngày càng có nhiều người lấy đó là một kênh thông tin lề trái để đo nhận thức, ý thức của người dân thì việc giáo dục người dân để họ cho ra đời những bài viết giá trị, tạo ra những web cá nhân, những blog hay mạng xã hội mang nhiều thông tin bổ ích cho xã hội thì việc giáo dục nhằm nâng cao trình độ dân trí, trình độ lý luận, chính trị cho họ càng cần thiết để xã hội “ảo” đồng thuận với chúng ta và có ích cho Đảng và Nhà nước ta.
Giải pháp về đào tạo
Với tư cách như một công cụ truyền thông kiểu mới, với nguồn truyền tin - nhận tin rõ ràng, cùng quá trình xử lý, lan truyền và nhất là định hướng thông tin, truyền thông cá nhân, trong đó điển hình là blog và mạng xã hội ngày một đi sâu hơn nữa vào nhận thức của công chúng. Xuất phát từ thực tiễn trên, một vấn đề mới được đặt ra, đó là có nên đưa những vấn đề lý thuyết và thực tiễn từ việc xuất hiện và phát triển của các phương tiện truyền thông cá nhân mới ở Việt Nam vào dạy và học ở các cơ sở đào tạo sinh viên báo chí hay không? Bởi khi nắm rõ được cơ chế lan truyền thông tin, cách thức giao tiếp và trao đổi thông tin của công chúng, đặc biệt là của cộng đồng người sử dụng Internet ở Việt Nam, thì sẽ là một lợi thế rất lớn cho các nhà báo trẻ, những người luôn trăn trở tìm tòi những đề tài mới, và rất cần
bám sát, theo dõi nhu cầu của công chúng. Bên cạnh đó, các phương tiện truyền thông cá nhân này phần nào phản ánh hình thức của báo chí công dân - một vấn đề mà các nhà báo hiện đại rất cần biết. Do đó, các phương tiện thông tin điện tử cá nhân thực sự nên được đưa vào giảng dạy đối với sinh viên ngành báo chí.
Mở rộng hơn nữa, không chỉ có trong mạng xã hội, mà hiện nay trên Internet cũng có rất nhiều những cách thức truyền tin, nhiều kênh thông tin mới mẻ và vô cùng hấp dẫn với công chúng. Nhà báo trong thế kỷ XXI rất cần sự hiểu biết về các phương tiện truyền thông, các công nghệ truyền thông mới, cũng như nắm được kỹ thuật công nghệ thông tin để hiểu biết và ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực của truyền thông cá nhân. Bởi bên cạnh sự sắc sảo, khả năng phân tích cũng như tổ chức bài viết tốt, một nhà báo trong thời đại mới cần phải nắm rõ cách thức truyền tải thông tin một cách hiệu quả nhất, tới được đông đảo công chúng nhất. Muốn làm được điều đó, phải biết được công chúng cần gì, và muốn gì.
Lợi dụng và khai thác được yếu tố thông tin trên các phương tiện truyền thông cá nhân, cùng quá trình đo đếm phản ứng của công chúng, hẳn nhiên mỗi nhà báo sẽ có cho mình một cách tiếp cận mới với thông tin. Để làm sao sử dụng và khai thác được tối đa những tính năng của loại công cụ này. Tất cả nhằm hướng đến một mục đích cuối cùng, đó là mang đến công chúng những thông tin mới nhất, hay nhất, bằng một cách thức thật hiệu quả và tích cực. Thông qua đó, chúng ta có thể cung cấp những thông tin cần thiết, và định hướng họ theo một hướng nhất định. Tất cả nhằm tiến đến một nền báo chí hiện đại, tiên tiến và không ngừng phát triển.
TIỂU KẾT CHƯƠNG 3:
Không ai phủ nhận những tiện ích mà truyền thông cá nhân mang lại, nhưng việc sử dụng các phương tiện truyền thông này cũng giống như con dao hai lưỡi, hoàn toàn phụ thuộc vào người sử dụng và truyền thông cá nhân đang bộc lộ những mặt trái, mặt tiêu cực. Nhưng cũng không vì thế mà coi các trang thông tin cá nhân này như một nguy cơ tiềm ẩn cần phải được ngăn chặn bằng mọi giá, bằng tường lửa, bằng công an mạng. Không có bức tường lửa nào có hiệu quả hơn bức tường lửa từ trong lòng người, trong ý thức của người sử dụng. Đã đến lúc các nhà chức trách và những người có liên quan không thể thờ ơ với hiện tượng này, không thể coi nó là một trò chơi “sớm nở tối tàn của lớp trẻ”, mà cần phải có cái nhìn sâu sắc và tỉnh táo về hiện tượng để đưa ra những giải pháp thúc đẩy những tác động tích cực của những phương tiện truyền thông mới này, nhưng cũng đồng thời hạn chế đi những mặt trái của chúng.
Các phương tiện truyền thông cá nhân là những kênh truyền thông mới mẻ và vô cùng hấp dẫn công chúng. Nhà báo trong thể kỷ XXI rất cần sự hiểu biết về các phương tiện truyền thông cũng như các công nghệ truyền thông mới. Bởi bên cạnh sự sắc sảo, khả năng phân tích cũng như tổ chức bài viết tốt, một nhà báo trong thời đại mới cần phải nắm rõ cách thức truyền tải thông tin một cách hiệu quả nhất, tới được đông đảo công chúng nhất. Muốn làm được điều đó, phải biết được công chúng cần gì, và muốn gì.
KẾT LUẬN
Các kênh truyền thông cá nhân trên Internet, trong đó điển hình là các web site cá nhân, blog và mạng xã hội, đã mở ra một kênh thông tin mới, thông tin của công dân, mà có người gọi đó là nền báo chí công dân, kênh truyền thông cá nhân. Đan xen giữa thông tin và tài liệu, pha trộn sự kiện có thật và tin đồn, truyền thông cá nhân trở thành một dạng đàm luận trực tuyến, thu hút thông tin và trí tuệ của nhiều người về nhiều lĩnh vực chuyên biệt... Sức thu hút của truyền thông cá nhân còn thể hiện ở tính năng động, biên độ tương tác rộng và sự phát triển chủ đề có khả năng lôi cuốn nhu cầu thông tin và được thông tin của nhiều người. Có những trang thông tin điện tử cá nhân thu hút đến trên dưới 100.000 lượt truy cập độc giả mỗi ngày. Lớn hơn lượng độc giả của nhiều tờ báo in trong nước. Nhiều nhà báo khai thác những trang này để hình thành nên nội dung bài báo của mình.
Rõ ràng, sự ra đời và phát triển của những phương tiện truyền thông mới này đã tạo nên nhiều sức ép cho báo chí. Truyền thông cá nhân được đánh giá là một hình thức truyền thông quan trọng của nền truyền thông tương lai. Truyền thông cá nhân đang cùng truyền thông đại chúng chia sẻ quyền lực và sức mạnh thông tin trong một thế giới mà nhu cầu và khả năng chia sẻ và đón nhận thông tin ngày càng trở nên bình đẳng. Những phương tiện truyền thông mới này, cả blog và mạng xã hội, không phá hủy mà chỉ góp thêm một tiếng nói cùng các phương tiện truyền thông truyền thống.
Truyền thông cá nhân có được sức mạnh đó không thể không kể đến sự phát triển của Internet và những tiện ích của công nghệ thông tin. Đó là nền tảng công nghệ web 2.0 với rất nhiều các ứng dụng và tiện ích, cho phép con người có thể chia sẻ thông tin cá nhân cũng như mọi vấn đề mà mình
yêu thích và quan tâm thông qua Internet. Người sử dụng có thể tạo dựng các mối quan hệ mới trong xã hội ảo bằng cách tìm ra những đặc điểm chung, những người có cùng sở thích, cùng các mối quan trên các mạng xã hội mà mình tham gia.
Khi Internet phát triển, các mối quan hệ xã hội cũng được phát triển mạnh mẽ và mở rộng nhờ sự liên kết dễ dàng của mạng lưới thông tin, từ đó hình thành nên các mạng xã hội. Các trang web mạng xã hội này cho phép người sử dụng Internet được thể hiện bản thân mình một cách rõ ràng và tự do, đồng thời kết nối được với những người có cùng đặc điểm chung. Chính điều đó đã tạo nên sức mạnh của cộng đồng, sức mạnh của thông tin cá nhân. Trước đây, trong mô hình truyền thông truyền thống, con người tiếp nhận thông tin một cách thụ động, một chiều. Tuy nhiên, với sự ra đời và bùng nổ của các hình thức trao đổi thông tin trực tuyến, đặc biệt là sự hình thành của các cộng đồng mạng xã hội, cộng đồng blogger hay gọi chung là truyền thông cá nhân, đã dẫn đến sự thay đổi mô thức truyền thông từ đơn nguồn - đa tiếp nhận sang thành đa nguồn - đa tiếp nhận.
Trong 5 năm trở lại đây, vai trò của blog và các phương tiện thông tin truyền thông phi chính thống đang đóng vai trò ngày một quan trọng trong đời sống nhân loại. Nó bổ sung cho dòng thông tin chính thống, giúp kết nối mọi người tốt hơn, thu hút lượng người tham gia cao, có tính linh động và khả năng tương tác vượt trội. Điều đó gợi cho những người làm truyền thông về một thế hệ thông tin mới, dân chủ và bình đẳng. Đồng thời cũng đặt ra những thách thức cho truyền thông chính thống về thông tin, tổ chức và phát triển sao cho phù hợp với những xu hướng phát triển mới.
Trong xu thế bùng nổ thông tin hiện nay, với sự hỗ trợ của Internet và những ứng dụng công nghệ kỹ thuật ngày càng hiện đại, truyền thông cá
nhân là xu thế phát triển tất yếu của truyền thông hiện đại, càng ngày, việc giao tiếp thông qua các kênh truyền thông cá nhân càng phổ biến. Song cũng bao hàm trong nó cả những giá trị tích cực cùng những mặt xấu tác động tiêu cực đến suy nghĩ, lối sống của công chúng nói chung và cư dân mạng nói riêng. Không thể phủ nhận được rằng, truyền thông cá nhân đã mang đến cho công chúng một kênh truyền thông hữu ích để mỗi cá nhân có thể chia sẻ những suy nghĩ của mình về những việc xảy ra hằng ngày, những thông tin mới mẻ, hấp dẫn của chính những người trong cuộc và cũng như những thông tin phản biện đối với báo chí và cũng là kênh hữu hiệu để đo cảm xúc của công chúng; song nó cũng tiềm ẩn những nguy cơ thông tin sai sự thật, bôi xấu danh dự người khác, thông tin bịa đặt, vu khống, bên cạnh đó cũng xuất hiện những trang web “bẩn” cần phải ngăn chặn. Để ngăn chặn những mặt trái đồng thời phát huy những mặt tích cực của truyền thông cá nhân đòi hỏi việc kết hợp của nhiều giải pháp về chính sách, về truyền thông, về giáo dục và đào tạo... để hướng truyền thông cá nhân mang nhiều giá trị tích cực về thông tin cho xã hội và công chúng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO I. Tài liệu tiếng Việt:
1. Arnold Hoffman (1987), Cách viết một bài báo, Thông tấn xã Việt Nam, Hà Nội.
2. Lê Thanh Bình (2005), Báo chí truyền thông và kinh tế văn hóa - xã hội, Nxb. Văn hóa - Thông tin, Hà Nội.
3. Báo điện tử Dân trí, Facebook tăng cường bảo vệ thông tin người sử dụng, 29/8/2009.
4. Báo điện tử Vietnamnet, Hàng vạn người đòi công bằng cho nạn nhân “xe điên”, 24/9/2010.
5. Bộ Văn hóa - Thông tin (2002), Kỷ yếu tổng kết công tác văn hóa - thông tin năm 2001, Hà Nội.
6. Chỉ thị số 22-CT/TW, ngày 17/10/1997 của Bộ Chính trị về nâng cao chất lượng toàn diện hoạt động xuất bản.
7. Chỉ thị Số 38-CT/TW, ngày 12/8/1998 của Bộ Chính trị về việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII.
8. Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng toàn diện hoạt động xuất bản.
9. Chỉ thị số 52-CT/TW, ngày 22/7/2005 của Ban Bí thư về phát triển và quản lý báo điện tử ở nước ta hiện nay.
10. Chỉ thị số 25-CT/TW, ngày 31/7/2008 của Ban Bí thư về tăng cường công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí.
11. Nguyễn Anh Dũng, Nguyễn Cẩn, Hoàng Phương (1996), Sử dụng Internet mạng máy tính toàn cầu, Nxb. Thống kê, Hà Nội.
12. Bùi Tiến Dũng - Nguyễn Sơn Minh - Đỗ Anh Đức (2003), Tập bài giảng “Lý thuyết và Thực hành báo chí trực tuyến”, Hà Nội.
13. Nguyễn Văn Dững, Đỗ Thị Thu Hằng (2006), Truyền thông - lí thuyết và kĩ năng cơ bản, Nxb. Lí luận chính trị, Hà Nội.
14. Đảng Cộng sản Việt Nam (1996), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
15. Đảng Cộng sản Việt Nam (1998), Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
16. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Tham luận tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
17. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
18. Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
19. Đảng Cộng sản Việt Nam (2007), Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
20. Đỗ Anh Đức (2005), Xu hướng truyền thông trong kỷ nguyên web, Báo chí - Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội.
21. Đỗ Anh Đức (2007), Tập bài giảng “Báo chí trực tuyến”, Hà Nội. 22. Hà Minh Đức - Chủ biên (1997), Báo chí - những vấn đề lý luận