TTĐC tác động đến sự thay đổi nhận thức của công chúng

Một phần của tài liệu Kênh VTV4, báo trực tuyến trong nước và công chúng người Việt Nam ở nước ngoài (Nghiên cứu thực nghiệm tại Hàn Quốc, Nga và Mỹ năm 2010 (Trang 84)

7. Kết cấu luận văn

3.1.1. TTĐC tác động đến sự thay đổi nhận thức của công chúng

Công cuộc Đổi mới thành công tại Việt Nam 25 năm qua đã có tác động sâu sắc tới cộng đồng người Việt Nam trên thế giới. Đặc biệt, từ sau khi Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác NVNONN được triển khai và đi vào cuộc sống đã tạo ra một bước đột phá trong nhận thức của nhiều người về những vấn đề vốn được coi là “nhạy cảm” và có nhiều e dè giữa trong và ngoài nước này. Hàng ngày, hàng giờ, qua các PTTTĐC, công chúng được cập nhật về tình hình trong nước. Những bài báo viết về NVNONN cũng ngày càng xuất hiện nhiều trên các trang báo trực tuyến trong nước, trên Kênh Truyền hình Đối ngoại, hình thành một kênh giao lưu hai chiều giữa trong và ngoài nước. Nhiều NVNONN đã về nước làm việc cho ngành truyền thông trong nước. Ví dụ tại VTV4, từng có những biên tập viên, MC là người gốc Việt Nam đang sống ở nước ngoài (trường hợp BTB Lousia Huỳnh Thuận, quốc tịch Mỹ). Điều đó đã có tác động lớn tới suy nghĩ của nhiều tầng lớp NVNONN.

Nhiều trang báo trực tuyến đã tỏ ra khá nhanh nhạy khi có thêm chuyên mục, bài viết về cộng đồng người Việt 5 châu để thu hút sự quan tâm của đối tượng công chúng này. Ví dụ như báo Đất Việt, theo ông Lê Phương, Thư ký tòa soạn cho biết: “Đất Việt đề ra tôn chỉ mục đích là hướng tới giới trí thức và bà con kiều bào trong và ngoài nước, từ đó góp phần vào nỗ lực chung của Đảng, Nhà nước thu hút chất xám của đội ngũ trí thức kiều bào về xây dựng quê hương. Vì thế,kiều bào là một đối tượng bạn đọc thường xuyên liên tục của Đất Việt. Trong bối cảnh Đất Việt đang

cải tiến về hình thức nội dung và ngày càng lớn mạnh, thì bạn đọc kiều bào ngày càng quan tâm hơn tới bản báo” (Phụ lục 3, trường hợp 2).

Không chỉ riêng Đất Việt, các trang báo lớn như Vietnamnet, VNexpress, Dân trí, Tuổi trẻ, Thanh niên, Tiền phong đều có các mục như: Kiều bào, Cộng đồng Việt, Hồn việt, Người Việt xa quê... Các chuyên mục này thường xuyên được cập nhật tin tức và nhận được sự quan tâm tích cực từ cả công chúng trong và ngoài nước. Điều đó có ảnh hưởng tích cực đến nhiều tầng lớp NVNONN, làm thay đổi một bộ phận lớn những người Việt Nam trước kia có những cái nhìn tiêu cực, thiếu thiện chí về trong nước nay đã có những cái nhìn tích cực hơn. Điều họ đọc được trên báo mạng, thì cũng có thể xem thêm trên kênh VTV4, được thấy những hình ảnh thân thương về quê nhà, nghe tiếng Việt từ nơi miệt vườn sông nước Cửu Long tới tiếng “người Hà Nội”. Đó là điều hạnh phúc không gì bằng mà VTV4 và báo mạng trực tuyến trong nước đã đem lại cho họ.

3.1.2 Công chúng tiếp cận tin trong nước ngay sau khi tin tức được phát đi Báo trực tuyến đã mở ra điều kiện tiếp cận thông tin mới nhanh chóng hơn cho cộng đồng. Trước kia, kênh thông tin chủ yếu của NVNONN là qua các Đại sứ quán, các tổ chức đoàn hội, các kênh thông tin đại chúng của nước sở tại. Do đó, hiệu quả của thông tin bị giảm đi do sự chi phối của các yếu tố tác động bên ngoài ( các yếu tố cách trở về địa lý, rào cản ngôn ngữ v.v). Trong trường hợp này, thông tin đến với NVNONN thường bị chậm hơn so với cộng đồng trong nước, hoặc vì không tiếp cận được với thông tin ( từ nguồn chính thống) mà bà con bị dao động, nghe theo các tin thất thiệt do các phần tử thù địch với trong nước tung ra. Một thời gian dài, cộng đồng dường như bị cô lập với trong nước, do không có thông tin mà có không ít người bị ảnh hưởng bởi sự xuyên tạc của các đối tượng thù địch.

Ngày nay, điều kiện này đã thay đổi. Cộng đồng trong và ngoài nước đều được tiếp cận với thông tin ngay khi nó được phát lên mạng và sóng truyền hình. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, NVNONN còn biết tin sớm hơn người ở trong nước. Ví dụ, nếu bản tin được phát đêm khuya, thì ở Mỹ đang là ban ngày, và nhiều người đã đọc tin đó trước cả người trong nước. “Du học sinh Việt Nam ở những quốc gia mạnh về Internet bây giờ nắm tin nhà rành rõi như thể đang ở quê. Không ít lần, ngồi ở Sydney, Washington, Paris… mà nhận tin Sài Gòn trước khi bạn bè hay người thân gửi e-mail sang báo... Một nữ sinh trung học ở Matxcơva ví VnExpress như “cơm của người Việt và bánh mỳ của người Nga”. Một độc giả khác: “Dạy đại học ở Mỹ tôi rất bận. Hằng ngày tôi in VnExpress đem về nhà đọc sau bữa tối, khi trái tim tôi cần một ăngten để hướng về gia đình, về Việt Nam. Đôi khi tôi khóc khi đọc một dòng tin tưởng như rất bình thường… Bây giờ tôi phải về nhà nấu cơm, đã 9 giờ tối rồi. Trong túi tôi là một tập VnExpress”. [1]

Một thay đổi nữa có thể kể đến là, công chúng sẽ có nhu cầu tìm đến các nguồn tin đa phương tiện hơn là chỉ đọc thông tin (bằng chữ viết) hoặc xem TV. Do đó, báo trực tuyến với khả năng tích hợp các công nghệ truyền thông đa phương tiện (bao gồm chữ viết, âm thanh, hình ảnh) sẽ chiếm được ưu thế cạnh tranh hơn trong tương lai. Với NVNONN thì đây chắc chắn sẽ là phương tiện được lựa chọn hàng đầu. Bởi vì, với những người con xa quê, thì việc biết thông tin qua ngôn ngữ chữ viết dường như vẫn chưa đủ, họ có nhu cầu được nghe, được nhìn. Lựa chọn xem TV qua mạng sẽ là ưu tiên do những tính năng thuận tiện mà nó mang lại. Trong cuộc khảo sát vừa qua, tỷ lệ công chúng chọn xem VTV4 qua máy tính nối mạng là 53,50%, chỉ số này chắc chắn sẽ gia tăng hơn trong thời gian các năm tới do những phát triển của khoa học kỹ thuật và truyền thông mạng ngày càng trở nên thuận tiện và nhanh chóng hơn các PTTT ĐC khác.

Khi kênh thông tin từ trong nước phát triển, cũng là lúc NVNONN có điều kiện tiếp xúc được với nguồn tin từ cả hai phía, do đó họ có cơ hội để so sánh, kiểm chứng và “người đọc trí thức sẽ tự suy xét” như nhận xét của một bác sĩ người Việt tại Mỹ. Điều này giúp cho công chúng có cái nhìn chính xác hơn, trung thực hơn và cũng nhờ đó mà họ tin tưởng hơn vào sự phát triển của đất nước. Cách đưa tin một chiều, duy lý cũng không còn phù hợp trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay. Công chúng có thể chấp nhận nhiều nguồn tin khác nhau, và sự tiếp nhận của họ với các thông tin này cũng khác nhau. Bác sĩ T.D nhận xét về VTV4: “So với các chương trình TV bằng tiếng Việt ở thành phố nơi tôi sống hiện nay,VTV4 có đông khán giả hơn. VTV4 biết rõ mục đích họ làm: họ không làm theo lối tuyên truyền một chiều, vì họ biết là nếu vậy sẽ không có ai xem. Do đó, họ đạt được thành công bằng cách hướng về những điểm không “nhạy cảm” (Xem Phụ lục 3, trường hợp 3).

Bức tranh này cho chúng ta thấy một viễn cảnh hoàn toàn khác với một thời gian dài khi Việt Nam chưa hòa mạng Internet, dòng thông tin luôn nghiêng về một phía, mà đa phần là những cái nhìn thiếu thiện cảm của phương Tây và các thế lực thù địch. Nhận thấy sự phát triển và chính sách cởi mở trong nước thông qua các PTTTĐC, nhiều NVNONN đã quyết định về thăm quê hương đất nước. Có người đã bật khóc sau những năm sống xa quê khi đặt chân xuống sân bay trong nước, cũng có người sau đó quyết định hồi hương, an hưởng tuổi già trên chính mảnh đất chôn rau cắt rốn của mình. Dưới góc độ kinh tế cũng nói lên điều này. Các năm qua, lượng kiều hối gửi về nước tăng trung bình 10 – 15% năm: năm 1991 mới chỉ là 35 triệu USD thì đến năm 2003 là 2,7 tỷ USD. Trong vài năm gần đây con số này khoảng gần 6 tỷ đến 7 tỷ USD: năm 2008 đạt khoảng 7,2 tỷ USD; năm 2009 đạt khoảng 6,37 tỷ USD do ảnh hưởng của cuộc khủng khoảng kinh tế toàn cầu; năm 2010 tăng trở lại gần 8 tỷ USD. Con số này

rất có ý nghĩa nếu so với lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và vốn ODA mà quốc tế cam kết cho ta vay hằng năm.

Một phần của tài liệu Kênh VTV4, báo trực tuyến trong nước và công chúng người Việt Nam ở nước ngoài (Nghiên cứu thực nghiệm tại Hàn Quốc, Nga và Mỹ năm 2010 (Trang 84)