Ngôn ngữ mang tính đa thanh

Một phần của tài liệu Truyện ngắn Đỗ Bích Thúy nhìn từ góc độ văn hóa (Trang 105)

6. Cấu trúc luận văn

3.2.3 Ngôn ngữ mang tính đa thanh

Về mặt lý thuyết, ngôn ngữ trần thuật được cấu thành bởi ngôn ngữ của người kể chuyện và ngôn ngữ của nhân vật. Trong đó ngôn ngữ của người kể chuyện là lời trần thuật gián tiếp về đối tượng được nhắc tới trong câu chuyện (nhân vật) còn ngôn ngữ nhân vật là lời trần thuật trực tiếp thông qua đối thoại hay độc thoại của bản thân họ. Bàn về đặc điểm tự sự này, M. Bakhtin trong cuốn Những vấn đề thi pháp Dostoievski đã khái quát: “Nhìn chung, văn kể chuyện xê dịch giữa hai thái cực: giữa lời văn thông báo khô khan, có tính chất biên bản không hề có tính miêu tả và lời nói của nhân vật. Nhưng ở nơi nào mà văn trần thuật dịch về phía lời của nhân vật thì nó cung cấp một thứ lời của nhân vật với một giọng điệu đã chuyển dịch hay đã thay đổi và chỉ trong một vài trường hợp hiếm hoi nó mới hòa hợp làm một với giọng của lời nhân vật” [6; 254]. Nói như Bakhtin thì ngôn gữ trong truyện kể chủ yếu là lời tràn thuật trực tiếp và gián tiếp. Và ranh giới phân biệt giữa lời kể và lời đối thoại hay độc thoại khá rõ ràng. Tuy nhiên, cho đến ngày nay, xu hướng trần thuật của các truyện kể đương địa trên thế giới và Việt Nam ngày càng nghiêng về “trường hợp hiếm hoi” mà Bakhtin đã từng nhắc đến. Đó là sự “hòa hợp làm một” giữa ngôn ngữ người kể chuyện với lời nhân vật. Theo định nghĩa của nhóm tác giả Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi trong cuốn Từ điển thuật ngữ văn học thì đây là “Biện pháp diễn đạt lời văn khi lời của nhân vật có bề ngoài thuộc về tác giả(về mặt chấm câu, ngữ pháp) nhưng về nội dung và phong cách lại thuộc về nhân vật” [11;160]. Chính điều này đã tạo nên tính đa thanh cho những tác phẩm tự sự hiện đại.

Tính đa thanh của ngôn ngữ trong các truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy được làm nên bởi sự hòa kết tự nhiên giữa ngôn ngữ người trần thuật và ngôn ngữ nhân vật. Trong truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy, kiểu lời dẫn hòa hợp này xuất hiện khá

nhiều: “Giọng nói của ông có gì khang khác, bà cảm thấy thế. Rượu nhà mình tự nấu, để bao lâu cũng được, càng để lâu uống càng ngon. Mà từ giờ đến Tết năm sau còn có bao nhiêu dịp cần đến rượu, sao ông lại giục bà di bán? Bà nhìn mãi sang ông nhưng ông vẫn cắm cúi làm, như không để ý, như chỉ vô tình nói ra chuyện đi chợ bán rượu” (Tiếng đàn môi sau bờ rào đá). Ở đoạn này, người kể chuyện đã kể lại trạng thái ngờ ngợ trong lòng bà Mao trước thái độ, cách cư xử khác thường của chồng. Câu hỏi duy nhất trong đoạn là lời của bà Mao. Có lẽ cái cảm giác băn khoăn trước sự “khang khác” trong lời nói, trong hành động “cắm cúi làm, như không để ý, như chỉ vô tình nói ra chuyện đi chợ bán rượu” của ông Chúng ngày một rõ khiến bà phải thốt thành lời – một lời thắc mắc mà ngay lúc đó bà chưa lý giải được. Và về sau, người đọc mới hiểu lý do, ông Chúng muốn bà đi chợ 27 tháng 3 để gặp lại “người cũ”, đó như một sự đền đáp lại những bất hạnh mà bà Mao phải chịu đựng, phải hi sinh khi ở bên ông. Kiểu trần thuật này vừa đảm bảo tính khách quan của người kể vừa bộc lộ rất thật những cảm xúc của nhân vật.

Nhiều đoạn văn trong truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy không có sự phân định giữa lời người kể chuyện và lời của nhân vật. Ngôn ngữ người kể chuyện và ngôn ngữ độc thoại của nhân vật như hòa làm một. Nhà văn đã tạo ra sự quyện hòa đó một cách khéo léo và tinh tế khiến cho lời văn vẫn trôi chảy, không có gì trúc trắc. Đoạn trần thuật sau là một ví dụ: “Thế mà không để ý đên nỗi sợ hãi vô ngần của Kía, đứa bé cứ lớn dần lên trong bụng. Phải bỏ nó đi thôi, không thể để nó được ra đời, không thể để nó ra đời rồi mang họ Thào được” [33; 40] (Gió không ngừng thổi). Về mặt hình thức, đoạn văn trên không có dấu hiệu (dấu ngoặc kép hay phần phụ chú) để có thể coi là phát ngôn trực tiếp của nhân vật Kía. Đây chỉ là những lời kể của người kể chuyện nhằm sáng tỏ tâm trạng của nhân vật. Tuy nhiên, nội dung câu chữ, cụ thể là nội dung của câu thứ 2 và thứ 3, ngôn ngữ tự sự lúc này khiến độc giả nghi ngờ liệu đây có còn là lời của người kể chuyện? Bởi sự xuất hiện của những câu phức với sắc điệu cầu khiến cùng những phò từ phủ định “không thể… không được…” khiến cho độc giả cảm thấy đây chỉ có thể là những suy nghĩ của Kía khi song hành với sự phát triền của cái bào thai oan nghiệt là nỗi tủi nhục, sự sợ

hãi ngày một lớn lên trong cô. Trong lời dẫn này, người đọc cảm nhận được cả sự hoang mang của nhân vật. Tâm trạng thấp thỏm với ý nghĩ một ngày kia đứa bé ra đời, sự thật về nguồn gốc của nó bị phát lộ, Kía sẽ mất tất cả: hạnh phúc gia đình với người chồng và đứa con gái luôn tin tưởng, yêu thương mình khiến cô phút chốc mù quáng muốn phá bỏ đứa con. Sự nhường lời củ người kể chuyện cho nhân vật ở đây không chỉ dừng lại tính chất kể đơn thuần mà đi xa hơn khi gợi dẫn một thế giới nội tâm dồn nén căng thẳng những lo âu, sợ hãi, day dứt và yêu thương của một người đà bà cả đời âm thầm gánh chịu nỗi đau oan ức. Và với lời dẫn này, người kể chuyện trở nên vô hình để có thể len lỏi vào mọi ngóc ngách tâm hồn nhân vật, khám phá, thúc đẩy họ tự hiện diện với những ẩn ức sâu kín trong lòng mình.

Nói đến sự đa thanh của ngôn ngữ trong truyện ngắn Đỗ Bích Thúy, các câu hỏi tu từ xuất hiện trong truyện của chị cũng góp phần làm rõ hơn đặc trưng này. Với tần số hiện diện khá cao, các câu hỏi tu từ có một vai trò rất quan trọng. Nhà văn dùng những câu hỏi tu từ như một thủ pháp xóa nhòa ranh giới giữa người kể chuyện với lời nhân vật nhằm tạo ra một không gian rộng mở cho nhân vật giãi bày suy tư của mình. Nhân vật Vi trong truyện ngắn Giống như cái cối nước không thể hiểu nổi vì sao mình bất hạnh trong tình yêu. Sự bỏ đi vội vã không một lời giải thích của Sinh đã khiến Vi bất ngờ, hụt hẫng. Cô tự dằn vặt mình với hàng loạt câu hỏi khó có lời giải thích xác đáng: “Sinh sắp bỏ rơi Vi như những người trai trước đây sao? Nhưng tại sao mới được chứ?... Ở đây, chính chỗ này, Sinh đã nói với Vi rất nhiều, vậy sao hôm nay bỗng dưng Sinh lại lạnh nhạt với Vi thế?... Vi chỉ muốn hỏi cho ra nhẽ thôi, chỉ muốn Sinh nói cho Vi biết, có chuyện gì đã xảy ra, có phải Sinh muốn bỏ Vi như bỏ một con dao cùn đến tận cán không? Nhưng… nếu bố mẹ Sinh ở nhà, hỏi tại sao đến tận nhà tìm con trai họ thì Vi nói thế nào? Chuyện này lan ra Tả Chải, qua sông sang Vần Chải… thì bố mẹ Vi biết nói gì với người làng…” [33; 144]. Đây là những lời độc thoại nội tâm của Vi hay đây là lời của người kể chuyện, thật không dễ để phân định rõ ràng được. Việc khắc họa tâm lý bằng hình thức này đã khiến nhân vật của Đỗ Bích Thúy hiện lên sống động hơn ở

nhiều góc độ khác nhau. Điều này cũng đem lại cảm giác gần gũi, chân thực cho độc giả khi tiếp xúc với thế giới nhân vật của chị.

Tính đa thanh của ngôn ngữ trong truyện ngắn Đỗ Bích Thúy như đã trình bày ở trên được làm nên bởi sự hòa phối ăn ý nhưng rất tự nhiên của những tiếng nói khác nhau trong tác phẩm. Sự đan xen này khiến cho người đọc như được đi sâu, hiểu sâu hơn về thế giới nội tâm của các nhân vật trong truyện ngắn của chị. Họ là những con người miền núi mộc mạc, giản dị và luôn khát khao được hạnh phúc. Tâm hồn họ là một phần của văn hóa núi rừng. Ngôn ngữ của Đỗ Bích Thúy đã biến hóa linh hoạt và tinh tế tạo cho người đọc ấn tượng về sự “hiện diện” của ý thức nhân vật. Những nhân vật của chị như đang sống dậy trên từng trang văn.

KẾT LUẬN

Bước đầu khảo sát đặc điểm truyện ngắn của nhà văn Đỗ Bích Thúy dưới góc độ văn hóa, chúng tôi đưa ra những kết luận sơ bộ sau:

1. Truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy như những đoạn phim ngắn hài hòa về hình ảnh, màu sắc, âm thanh làm nên những phông nền đẹp cho con người xuất hiện. Thiên nhiên trong sáng tác của chị là thiên nhiên đặc trưng của miền sơn cước với những nét riêng biệt độc đáo. Thiên nhiên đó tạo thành một phần văn hóa nơi đây. Thiên nhiên đó không chỉ kỳ vĩ, hoang sơ và bí hiểm mà còn đầy vẻ lãng mạn, thơ mộng, giàu sức sống. Thiếu thiên nhiên, truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy sẽ mất đi phần sinh động, nhân vật của chị sẽ thiếu đi sức sống và sẽ trở nên khô cứng. Thiên nhiên chính là chất xúc tác làm mềm mại bức tranh tổng hòa về cuộc sống của con người miền núi phía Bắc mà Đỗ Bích Thúy muốn mang đến cho độc giả của mình. Từ những khảo sát về thiên nhiên trong truyện ngắn Đỗ Bích Thúy có thể đưa ra nhận xét chung: Thiên nhiên vừa là môi trường sinh thái, là cơ sở thiết yếu nhất để con người tồn tại, vừa là bầu bạn của con người. Hầu như bất cứ tác phẩm nào cũng ít nhiều thể hiện mối quan hệ hữu cơ này, nó như là một thuộc tính của văn xuôi miền núi.

Không gian văn hóa miền núi phía Bắc được tái hiện rõ nét qua truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy không chỉ bởi có thiên nhiên đặc trưng mà còn bởi những phong tục tập quán và các lễ hội nơi đây. Dưới ngòi bút tinh tế của Đỗ Bích Thúy, những lễ hội, phong tục tập quán vốn đã từng được biết đến như lễ hội lồng tồng (xuống đồng), hội mùa xuân ném còn, tục làm ma tươi, ma khô của người dân tộc cũng như những phong tục lần đầu tiên người đọc được biết đến cũng đều được nhà văn miêu tả rất sinh động, khéo léo, khiến những điều đã biết đã biết càng trở nên thân thuộc và những điều chưa biết thì tạo ngay được sức hút làm mê đắm người đọc.

2. Trong những truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy, người đọc nhận ra con người là những chủ thể của văn hóa. Con người đã tạo ra văn hóa và đồng thời con người cũng là một phần của văn hóa, chịu sự ràng buộc của văn hóa. Các sáng tác của Đỗ Bích Thúy đều viết về con người là những chủ thể của văn hóa với những mối quan

hệ con người với con người, con người với vật chất, con người với quá khứ… Mối quan hệ giữa con người với con người trong truyện ngắn Đỗ Bích Thúy như một bức tranh nhiều mảng màu tối, sáng nhưng tất cả đều sắc nét và nổi bật. Con người miền núi trong truyện của chị là những con người lao động chân chất, mộc mạc, họ bám trụ với vùng cao nguyên đá, tự tạo ra của cải vật chất để phục vụ đời sống của mình. Hơn nữa, từ những câu chuyện “trở về” của nhân vật, Đỗ Bích Thúy đã tạo điều kiện cho người đọc thâm nhập vào thế giới nội tâm muôn màu muôn vẻ của người dân miền núi để thấy được những khát khao mà họ hằng đeo đuổi, những bất hạnh mà họ phải gánh chịu. Con người với quá khứ như một lời giải đáp cho lý do vì sao Đỗ Bích Thúy có thể viết về miền núi hay đến thế. Đó là vì chị cũng viết bằng quá khứ, đó là nơi lưu giữ những nét văn hóa cùng tình người. Và đọc truyện của chị, người đọc được đắm mình trong không gian văn hóa đó.

3. Mặc dù mới chỉ ở chặng đường đầu của con đường văn chương nhưng những tác phẩm của Đỗ Bích Thúy mang rất nhiều ý nghĩa sâu sắc. Hệ thống biểu tượng trong văn chương của chị mang đậm màu sắc núi rừng, nó gắn bó mật thiết với đời sống của người dân miền núi phía Bắc. Trong phạm vi của luận văn, chúng tôi đã đi vào tìm hiểu những biểu tượng nổi bật nhất trong truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy là biểu tượng lửa (bếp lửa); tiếng đàn môi/tiếng sáo/tiếng khèn và cái ngưỡng cửa cao. Đây đều là những biểu tượng quen thuộc với người dân vùng cao. Lửa là biểu tượng của sự sống, sự đầm ấm của hạnh phúc gia đình, sự tái sinh và thần thánh bảo vệ con người. Tiếng khèn/ tiếng sáo/ tiếng đàn môi là tiếng lòng thổn thức, tiếng mời gọi tình yêu của những chàng trai cô gái vùng cao. Và cái ngưỡng cửa cao là ranh giới ngăn giữa những cái mới và cái cũ, giữa những hủ tục lạc hậu và nếp sống mới văn minh hơn. Những con người vùng cao đang cố vươn mình bước qua ngưỡng cửa đó để có cuộc sống tốt đẹp hơn.

4. Trong các mặt đời sống của một dân tộc, của một đất nước thì ngôn ngữ gắn bó mật thiết hơn cả với văn hóa. Ngôn ngữ trong truyện ngắn Đỗ Bích Thúy là ngôn ngữ gần gũi với lời ăn tiếng nói hàng ngày của người dân vùng cao nhưng cũng vô cùng tinh tế. Nhà văn đã khéo léo sử dụng ngôn ngữ để người đọc luôn cảm thấy dễ

hiểu mà vẫn giữ được hồn cốt núi rừng trong đó. Chính sự tiếp thu vào chọn lọc ngôn ngữ một cách khéo léo này khiến văn Đỗ Bích Thúy tỏa ra sự chân thành, bình dị nhưng vô cùng duyên dáng như nó vốn vậy mà không cần phải gia công lại. Và bằng thứ ngôn ngữ trong trẻo, tươi sáng của mình, nhà văn giúp người đọc đến gần hơn với cuộc sống vùng cao để hiểu nhiều hơn về con người nơi đây qua chính những nếp nghĩ, nếp cảm của họ. Bên cạnh đó, Đỗ Bích Thúy cũng bắt kịp với tư duy tự sự của truyện ngắn hiện đại khi làm nhòe đi ranh giới giữa người kể chuyện và đối tượng được kể để tạo tính phức điệu, đa thanh cho ngôn ngữ tác phẩm.

TÀI LIỆU THAM KHẢO Tài liệu tham khảo sách và tạp chí

1. Điệp Anh (2001), Gặp hai nữ thủ khoa truyện ngắn trẻ, Văn nghệ trẻ - số 10. 2. Phạm Tuấn Anh (2005), Hài hước và phồn thực trong văn xuôi Việt Nam sau 1975, Tạp chí Văn học, số 6.

3. Ngọc Ánh: Nhà văn trẻ Đỗ Bích Thúy – đánh thức lòng nhân văn (Dân tộc và miền núi online).

4. Lại Nguyên Ân (2004), 150 thuật ngữ văn học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội. 5. Nguyễn Duy Bắc (2006), Cảm nhận về văn hóa và văn học trong hành trình đổi mới, Nxb Vă hóa Dân tộc.

6. M. Bakhtin (1998), Những vấn đề thi pháp Dostoievski, Lại Nguyên Ân, Vương Trí Nhàn (dịch), Nxb Giáo dục.

7. Phạm Thùy Dương (2001), Cảm hứng cảm thương trong sáng tác của Đỗ Bích Thúy và Nguyễn Ngọc Tư, Văn nghệ quân đội - số 661.

8. Hà Minh Đức (chủ biên) (1993), Lý luận văn học , Nxb Giáo dục.

9. Phong Điệp (2009) Nhà văn Đỗ Bích Thúy “viết trong những mong manh”, Văn nghệ – số 2.

10.Trung Trung Đỉnh (2007), Đọc truyện ngắn Đỗ Bích Thúy, Văn nghệ - số 5. 11.Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên) (2000), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

12.Nguyễn Văn Hạnh (2002), Văn học và văn hóa – Vấn đề và suy nghĩ, Nxb Khoa học xã hội.

13.Nguyễn Thanh Hồng (2009), Tìm hiểu một số cách tân nghệ thuật trong truyện ngắn của một số cây bút nữ thời kỳ 1986 – 2006 (Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy), Luận văn Th.s ĐH KHXH & NV HN.

14. Nguyễn Văn Huy (chủ biên) (1999), Bức tranh văn hóa các dân tộc Việt Nam, Nxb Giáo dục.

15.Hoàng Ngọc Hiến (1999), Văn học và học văn, Nxb Văn học.

Một phần của tài liệu Truyện ngắn Đỗ Bích Thúy nhìn từ góc độ văn hóa (Trang 105)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)