Cái ngưỡng cửa cao

Một phần của tài liệu Truyện ngắn Đỗ Bích Thúy nhìn từ góc độ văn hóa (Trang 88)

6. Cấu trúc luận văn

3.1.4Cái ngưỡng cửa cao

Trong kiến trúc nhà truyền thống của người Mông ở địa đầu cực Bắc, những ngôi nhà luôn tựa lưng vào núi, quay mặt ra thung lũng hoặc khe suối, xung quanh là hàng rào đá cao ngang ngực người. Cửa nhà luôn mở vào trong, then cài cũng bằng gỗ, vót cong như sừng trâu. Bên dưới có ngưỡng cửa cao, ngang một cái nhấc chân, hai bên lề có hai phiến gỗ như hai chiếc ghế ngồi nho nhỏ. Cùng với cái ngưỡng cửa cao là chín bậc cầu thang. Đó là hình ảnh mà Đỗ Bích Thúy nhớ nhất khi nghĩ về vùng cao nguyên đá – nơi quê hương yêu dấu của chị: “Ngôi nhà nằm chênh vênh trên cao kia. Già nua cũ kỹ và nhỏ nhoi. Khi nào nhớ về mẹ, tôi cũng hình dung thấy ngôi nhà với chín bậc cầu thang, nơi chân tôi run rẩy, chập chững đi ra cuộc đời và từ cuộc đời đầy dông bão trở về” [33; 209] (Ngải đắng ở trên núi). Đỗ Bích Thúy đã đặt nỗi nhớ ấy vào những nhân vật của mình. Và biểu tượng chín bậc cầu thang và cái ngưỡng cửa cao cứ trở đi trở lại trong truyện ngắn của chị.

Cái ngưỡng cửa cao tưởng chừng chỉ nhấc chân lên là có thể qua được như nó mang thật nhiều ý nghĩa. “Cái ngưỡng cửa cao” – thấp với con gái người Mông nhưng dường như cao với cô giáo người Kinh lên cắm bản ở mảnh đất địa đầu Tổ quốc. Sương – cô giáo miền xuôi lên tuy đã bước qua cái ngưỡng cửa ấy để về làm dâu miền núi khi mới hai mươi ba tuổi. Nhưng cuộc sống ở đây không níu giữ được chân cô. Cô lấy Sính không phải vì tình yêu, chỉ là lòng thương và có lẽ là vì cả sự vội vàng muốn chạy trốn, muốn quên đi chàng trai dưới xuôi. “Từ khi có Sương lên dạy học ở bản, Sinh chỉ dừng ánh mắt ở ô cửa lớp học vừa thấp vừa bé. Cô giáo Sương hơn Sính hai tuổi. Mặc kệ, hơn hai chứ hơn mười tuổi cũng thế thôi. Sau này nhiều lần Sương định nói với Sính, tại vì Sính đã lấp chỗ trống của hai đứa học trò trong lớp mà Sương đồng ý cho Sính lấp cả chỗ trống trong lòng mình.” [33; 64]. Sương không biết cuộc sống vợ chồng của cô ở nơi này là thực hay là mơ, cảm giác chẳng có gì rõ ràng: “Thực ra thì mình chờ đợi gì ở Sính chính Sương cũng không biết. Mọi thứ trở nên mù mờ kể từ khi cô bước chân vào căn nhà rộng thênh, tối tăm toàn mùi khói quanh năm này.” [33; 65] (Cái ngưỡng cửa cao). Sương đã tưởng rằng cô sẽ có thể chung sống lâu dài với Sính nhưng “nhìn núi cao ngất trời như

một sự bủa vây, như một sự cầm tù, mọi thứ hoang dại hẳn đi trong mắt cô. Ngay cả luống cải xanh ngắt, cao ngồng mọc trên những luống đất rắc đen sẫm tro bếp cô cũng cảm thấy nó không phải là thứ rau xanh dành cho cô”[33; 66]. Có lẽ, không phải chỉ mỗi thứ rau xanh ấy không dành cho cô mà tất cả những thứ thuộc về nơi này đều không dành cho cô, kể cả Sính. Vì thế mà cô ra đi, đi khỏi nơi núi rừng có người đàn ông đã đeo vào tay cô chiếc vòng bạc, người đã cố gắng làm tất cả để hai người gần nhau hơn. Khi kết thúc truyện Cái ngưỡng cửa cao, Đỗ Bích Thúy đã đặt lời giải thích đầy tính hình tượng lý do mà Sương ra đi vào lời của Vi – một người con gái bản Thượng Phùng từng bỏ bản làng mà đi theo đoàn văn công: “Em biết chuyện vợ chồng anh Sính rồi. Vợ chồng như thế thà đừng lấy nhau thì hơn. Vì nói thật nhé, để con chó đi săn thì nó là con chó, bắt nó đi cày không được bò cũng mất cả chó. Cái ngưỡng của nhà anh với con gái Thượng Phùng thì thấp nhưng với nó thì cao, cao hơn cả mặt, nó bỏ đi là phải…” [33; 69]. Đúng là cái ngưỡng cửa ấy quá cao so với cô giáo người Kinh và chính điều đó làm nên bi kịch trong tình yêu của hai người Sính và Sương.

Sau cái ngưỡng cửa cao, những người phụ nữ trong truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy phải vật lộn với những hủ tục kìm chân họ từ đời này qua đời khác. Bước qua cái ngưỡng cửa ấy vào thế giới bên trong chỉ thấy tù mù tối và luôn luôn bị ám mùi khói bếp. Mùi khói ám vào tất cả mọi vật trong nhà. Sau ngưỡng cửa ấy là cuộc đời của biết bao người con gái mà nhân vật Din trong Ngải đắng ở trên núi đã bước qua ngưỡng cửa cao để ra đi vì “sợ bị “định giá” như người em dâu…”. Cô sợ sẽ bị “định giá” bằng bạc trắng, rượu ngô, bằng bò, dê hay gà. Nỗi sợ bị “định giá” ấy là nỗi sợ mà đến cuối truyện Giống như cái cối nước, cô gái đẹp người đẹp nết là Vi mới nhận ra. “Lúc nhỏ Vi luôn miệng bảo, sau này con không lấy chồng, con ở với mẹ đến già. Và mỗi lần Vi nói như vậy mẹ lại rơm rớm nước mắt. Sau Vi còn đến mười một đứa em cả trai lẫn gái, lớn lên Vi mới hiểu, khi nào Vi còn ở với bố mẹ thì khi ấy, không đứa em nào đi ra khỏi nhà này được. Ai cũng sợ một bà chị già nếu không ngồi ở bậc cầu thang đầu tiên thì cũng ngồi ở ngưỡng cửa, không ngồi ngưỡng cửa thì ngồi cạnh bếp, ngay dưới chỗ treo cái bao đi rừng” [33; 139]. Tất cả

mười một người em của Vi sẽ không ai có thể bước ra khỏi cái ngưỡng cửa cao ấy được nếu Vi còn chưa bước qua. Cả nhà ai cũng sợ điều đó. Và để xua đuổi nỗi sợ ấy, bố mẹ Vi phải bán đất lấy hai trăm đồng bạc trắng, cả mấy con trâu, cả đàn dê để gả chồng cho Vi. Đó là số của hồi môn mà nhà trai đòi để cưới Vi về làm vợ vì ai cũng sợ lời đồn thổi nhà Vi đã nghèo mấy đời. Họ sợ gặp phải “cái dớp” nghèo ấy mà không dám đến với Vi. Cái ngưỡng cửa cao ấy hay những hủ tục đã giết chết tuổi thanh xuân cùng tình yêu của người con gái nơi đây. Sinh – người mà Vi yêu thương trước khi lấy chồng cũng đã không có đủ can đảm để bước qua cái ngưỡng cửa ấy mà lấy Vi làm vợ. Cái ngưỡng cửa chỉ “ngang một cái nhấc chân” nhưng những khát vọng, tình yêu, lòng thương cũng không thể bước qua nổi nó. Đó là điều làm nên bi kịch cho biết bao người phụ nữ nơi vùng cao.

Cái ngưỡng cửa cao của người miền núi không chỉ đơn giản là cái ngưỡng cửa, đó như là một ranh giới ngăn cách giữa bên trong và bên ngoài, giữa cái cũ và cái mới: “Dân diễn đạt một cách vất cả, thỉnh thoảng lại liếc mẹ, nhưng mẹ không tỏ thái độ gì. Ra em đang mâu thuẫn với mẹ, giữa cái mới và cái cũ. Xã đang đốc thúc các làng, các bản thực hiện quy ước nếp sống văn hóa, phải thay đổi cách ăn ở sinh hoạt, cả một số phong tục bị xem là lạc hậu… nhưng Dân, một trong những người cần gương mẫu thì vấp phải mẹ, như vấp vào ngưỡng cửa nhà mình. Khó xử, nan giải là phải” [33; 215]. Nhân vật Dân trong Ngải đắng ở trên núi vấp phải sự phản đối của những người trong gia đình theo nếp xưa cũ, không muốn hòa nhập cùng với những cái mới cùng xã hội. Và cái ngưỡng cửa cao được sử dụng như biểu tượng cho bức tường ngăn cách giữa những hủ tục lạc hậu và nếp sống văn hóa mới. Người cha của Lìn trong truyện Sau những mùa trăng vì không muốn con mình ở mãi sau bức tường ấy, trong ngôi nhà với cái ngưỡng cửa cao ấy mà đã muốn con đi xa, đi ra ngoài ngưỡng cửa: “Ngày tiễn tôi, cha bùi ngùi: “Mày đi thì tốt cho cái thây mày chứ ở đây mãi cũng như tao, như anh mày thôi, bạc tóc mỏi chân cũng chỉ có chín bậc cầu thang với cái ngưỡng cửa. Cố mà học lấy cái khôn vào đầu nhưng phải nhớ giữ lấy cái lưng cho thẳng, giữ cái đầu không cúi xuống… Lìn à” [33; 332]. Bước qua ngưỡng cửa cao không phải là phá vỡ những truyền thống tốt đẹp

của người dân miền núi mà cha Lìn muốn con học được những cái mới tốt đẹp hơn nữa, tốt cho cuộc sống của Lìn và cho cả những người xung quanh. Và Đỗ Bích Thúy viết về cái ngưỡng cửa ấy với ước muốn không chỉ nhân vật của mình bước được qua ngưỡng cửa đó mà tất cả đồng bào dân tộc thiểu số đều có thể phá vỡ bức tường vô hình đó để có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Một phần của tài liệu Truyện ngắn Đỗ Bích Thúy nhìn từ góc độ văn hóa (Trang 88)