Khái niệm về biểu tượng văn hóa

Một phần của tài liệu Truyện ngắn Đỗ Bích Thúy nhìn từ góc độ văn hóa (Trang 75)

6. Cấu trúc luận văn

3.1.1 Khái niệm về biểu tượng văn hóa

Nhiều nhà nhân học cho rằng đơn vị cơ bản của văn hóa chính là biểu tượng – vật hàm chứa thông tin và là hạt nhân di truyền xã hội đầu tiên của loài người. Văn hóa được coi như một tập hợp các hệ thống biểu tượng.

Ngày nay, vai trò to lớn của biểu tượng trong hoạt động của đời sống con người đã được quan tâm và nghiên cứu một cách sâu sắc với tinh thần hết sức khoa học, vai trò của trí tưởng tượng không còn bị xem nhẹ, thậm chí không còn bị đánh giá thấp như trước đây. Nó đã được xác định lại vị trí và được xem là mặt thứ hai của lý trí, chính nó là nhân tố cốt lõi giúp cho con người có những phát hiện tìm ra cái mới. Biểu tượng luôn ở vị trí trung tâm và được coi như "tế bào" của đời sốngvăn hoá.

Trong đời sống xã hội, dù biết hay chưa biết, chúng ta đều nhận thức và hành động theo biểu tượng. Nó có tầm ảnh hưởng rộng khắp trong mọi mặt của đời sống con người, từ lĩnh vực khoa học cho đến lĩnh vực nghệ thuật, từ đời sống tâm linh cho đến quan hệ ứng xử và giao tiếp. Người ta ngày càng tìm cách "giải mã" ngôn ngữ biểu tượng, vừa để mở rộng trường nhận thức, khám phá ra những giá trị văn hoá truyền thống còn chìm khuất trong lòng đời sống cộng đồng - xã hội, vừa nhằm làm chủ một "năng lượng tinh thần" của một loại hình ngôn ngữ đặc biệt mà ta vừa mới bắt đầu khẳng định về sức mạnh của nó.

Vậy, biểu tượng (symbol) là gì?

Thuật ngữ symbol bắt nguồn từ Hy Lạp. Symbolon có nghĩa là ký hiệu (Sign), dấu hiệu, lời nói, tín hiệu, triệu chứng, hợp đồng v.v...

Cũng có thuyết cho rằng chữ symbol bắt nguồn từ động từ Hy Lạp "Symballo" có nghĩa là "ném vào một vị trí", "liên kết", "suy nghĩ về", "thoả thuận", "ước hẹn" v.v...

Biểu tượng trong tiếng Hán: Biểu có nghĩa là: "bày ra", "trình bày", "dấu hiệu", để người ta dễ nhận biết một điều gì đó. Tượng có nghĩa là "hình tượng". Biểu tượng là một hình tượng nào đó được phô bày ra trở thành một dấu hiệu, ký hiệu tượng trưng, nhằm để diễn đạt về một ý nghĩa mang tính trừu tượng.

Khởi nguyên, biểu tượng bắt nguồn từ một tập quán Hy Lạp cổ đại, nói về một phiến đá bị đập vỡ ra thành nhiều mảnh và chia đều cho mỗi thành viên trong một bộ tộc nào đó, trước sự phân tán của họ, sau này khi được triệu tập trở lại thì những mảnh đá vỡ đó được ghép lại (Sumballein) nhằm xác nhận sự hiện diện trở lại của toàn nhóm.

Bản chất khó xác định và sống động của biểu tượng chính là sự chia ra và kết lại với nhau, nó hàm chứa hai ý tưởng phân ly và tái hợp. Mọi biểu tượng đều chứa đựng dấu hiệu bị đập vỡ, ý nghĩa của biểu tượng luôn biến ảo, nó bộc lộ ra trong cái vừa gãy vỡ vừa là nối kết, vừa xuất hiện lại vừa mất đi, khiến cho tư duy luôn phải truy tìm, liên tưởng và muốn nắm bắt lấy vô vàn những ý nghĩa đang còn tiềm ẩn ngay trong lòng của nó.

Theo quan niệm của Freud: "Biểu tượng diễn đạt một cách gián tiếp, bóng gió và ít nhiều khó nhận ra niềm ham muốn hay các xung đột. Biểu tượng là mối liên kết thống nhất nội dung rõ rệt của một hành vi, một tư tưởng, mọi lời nói với ý nghĩa tiềm ẩn của chúng" [43 ; 24]

Nói như vậy, bản chất của biểu tượng là khó xác định, sự hiểu biết về nó đương nhiên còn tuỳ thuộc vào sự từng trải và kinh nghiệm vốn có của mỗi cá nhân cũng như trình độ nhận thức của từng người. Không những thế, việc "giải mã" tìm ra ý nghĩa của biểu tượng cũng phải tính đến thói quen, phong tục, tập quán của các nền văn hoá trong từng cộng đồng dân tộc khác nhau. Điều bí ẩn vẫn luôn còn nguyên vẹn và mơ hồ về mặt ý nghĩa nếu như biểu tượng chưa được "giải mã". Một biểu tượng thường có nhiều nghĩa và ngược lại một ý nghĩa lại có nhiều biểu tượng cùng biểu thị.

Một cách chung nhất, theo chúng tôi, có thể hiểu: biểu tượng là khái niệm dùng để chỉ một thực thể bao gồm hai mặt: mặt tồn tại cảm tính trong hiện thực

khách quan hoặc trong sự tưởng tượng của con người (cái biểu trưng) và mặt ý nghĩa có mối quan hệ nội tại, tất yếu với mặt tồn tại cảm tính đó nhưng không bị rút gọn trong những đặc điểm bản thể của sự tồn tại này (cái được biểu đạt). Theo đó,

biểu tượng văn hóa là những thực thể vật chất hoặc tinh thần (sự vật, hành động, ý niệm…) có khả năng biểu hiện những ý nghĩa rộng hơn chính hình thức cảm tính của nó, tồn tại trong một tập hợp hệ thống đặc trưng cho những nền văn hóa nhất định: nghi lễ, hành vi kiêng kị, thần linh, … Biểu tượng văn hóa làsự tồn tại ở bình diện phổ quát các biểu tượng phi trực quan.

Ngôn ngữ, đặc biệt là ngôn ngữ văn học là kho tàng bảo lưu những giá trị văn hóa của một dân tộc. Do đó, nghiên cứu về biểu tượng, không thể không xem xét trong mối quan hệ với ngôn ngữ nghệ thuật, ngôn ngữ thơ ca. Nói cách khác, biểu tượng văn hóa luôn có mối quan hệ mật thiết với biểu tượng ngôn từ.

Biểu tượng ngôn từ là các biểu tượng nghệ thuật (biến thể loại hình của biểu tượng văn hóa) cấu tạo lại thông qua tín hiệu ngôn ngữ trong văn học. [46]

Mối quan hệ giữa biểu tượng văn hóa và biểu tượng ngôn từ là mối quan hệ cấp bậc trong quá trình biểu tượng văn hóa đi sâu vào các lĩnh vực nghệ thuật để ở đó những ý nghĩa biểu tượng tiếp tục được lưu giữ và phát triển trở nên phong phú hơn. Cũng chính bởi điều này mà có hiện tượng gọi là sự biến đổi ý nghĩa của biểu tượng. Nghĩa là, dù có nguồn gốc từ các biểu tượng văn hóa, khi thức hiện chức năng thẩm mĩ trong một tác phẩm văn học, biểu tượng ngôn từ được cấu tạo lại, tổ chức lại trong mối quan hệ với các nhân tố của quá trình giao tiếp đặc biệt như một hoạt động sáng tạo. Các nhà văn, nhà thơ dựa trên những mối quan hệ hoặc bổ sung, hoặc tương phản, hoặc đẳng cấp để tổ chức các tín hiệu thẩm mĩ hướng tới việc khắc hoạ nổi bật hình tượng nghệ thuật, cũng từ đó mà thể hiện một lối tư duy nghệ thuật riêng, một phong cách sáng tạo riêng.

Văn xuôi Đỗ Bích Thuý là những nỗi niềm trăn trở rất đàn bà, về đàn bà. Theo tâm sự của nhà văn, những trang sách của chị “dành cho những người đàn bà – người đã án ngữ trong kí ức của tôi về vùng đất thân yêu bạt ngàn cây rừng, hoang vu gió, tầm tã mưa, sôi sùng sục nước dưới những dòng sông ngoằn ngoèo cuộn

chảy…”. Nhân vật phụ nữ của chị âm thầm, nhẫn nhịn nhưng khát sống, khát yêu. Chị đã sử dụng thành công những biểu tượng mang đặc trưng tư duy người miền núi để giải mã thế giới tâm hồn ngỡ phẳng lặng nhưng không lặng sóng của những người phụ nữ suốt đời không vượt nổi cái ngưỡng cửa cao, suốt đời loay hoay dẫm lại chín vết chân của mình trên chín bậc cầu thang (Ngải đắng ở trên núi); những người phụ nữ có nghĩa vụ giữ lửa luôn cháy trong ngôi nhà sàn nằm giữa màn sương mù dày đặc, lạnh và u tối. Trên từng trang văn của Đỗ Bích Thuý, có biết bao người phụ nữ “tóc bạc, mỏi chân, cũng chỉ có chín bậc cầu thang với cái ngưỡng cửa” (Sau những mùa trăng). Cái bờ rào đá và cái cổng gỗ lim kiên cố từ bao đời đã chặn đứng những cơn khát cháy lòng của người phụ nữ, đóng khép biết bao phận đàn bà. Vậy mà chị dâu vẫn âm thầm bước qua ngưỡng cửa đêm đêm vì một tiếng khèn lá đánh thức một thời hạnh phúc, mẹ già vẫn lần theo tiếng đàn môi chảy tràn qua bờ rào đá mà đẩy cánh cổng gỗ lim… Những hình ảnh đó không chỉ là hiện thực đời sống mà còn là những kí hiệu gợi liên tưởng đến cái “không nhìn thấy được”, do đó đã trở thành những biểu tượng đầy ám ảnh trong truyện ngắn Đỗ Bích Thúy.

Một phần của tài liệu Truyện ngắn Đỗ Bích Thúy nhìn từ góc độ văn hóa (Trang 75)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)