Thiên nhiên

Một phần của tài liệu Truyện ngắn Đỗ Bích Thúy nhìn từ góc độ văn hóa (Trang 32)

6. Cấu trúc luận văn

2.1.1 Thiên nhiên

Quan hệ văn hóa với con người và xã hội là một phần của quan hệ bộ ba "con người - văn hóa - tự nhiên". Trong quan hệ giữa văn hóa và tự nhiên, tự nhiên là cái có trước, tự nhiên quy định văn hóa. Văn hóa thường được định nghĩa như một "tự nhiên thứ hai". Không có tự nhiên sẽ chẳng có văn hóa. Điều này đúng vì hai lẽ.

Thứ nhất, tự nhiên tạo nên con người rồi con người, đến lượt mình, lao động không ngừng để tạo nên văn hóa; như vậy, văn hóa là sản phẩm trực tiếp của con người và sản phẩm gián tiếp của tự nhiên. Văn hóa là cái tự nhiên được biến đổi bởi con người.

Thứ hai, trong quá trình sáng tạo văn hóa, con người vẫn phải sử dụng các tài nguyên phong phú của tự nhiên và năng lực tự nhiên tiềm tàng của chính mình. Các giá trị văn hóa không thể tồn tại được nếu không có tự nhiên làm môi trường và chất liệu cho nó: mọi sản phẩm vật chất đều chế tạo từ các vật liệu tự nhiên hoặc có nguồn gốc từ tự nhiên, và mọi sản phẩm tinh thần đều không thể tồn tại ngoài bộ não là cái vật chất tự nhiên sinh ra chúng.

Trải dài trong những trang văn của Đỗ Bích Thúy là thiên nhiên miền núi phía Bắc kỳ vĩ, nguyên sơ và bí hiểm nhưng cũng không kém phần thơ mộng, huyền ảo và trữ tình. Đây là không gian quen thuộc lặp đi lặp lại trong hầu hết các sáng tác của chị và nó ám ảnh người đọc. Đọc truyện ngắn Đỗ Bích Thúy, độc giả như thấy mình khi đang trên một sườn dốc mờ sương không rõ mặt người, chỉ có cảm giác lạnh cắt da cắt thịt là rõ rệt, khi lại như đang đi giữa những nương ngô tưởng chừng trải dài đến vô tận, khi trông thấy ánh mặt trời đỏ rực lách mây vươn dậy, khi nhìn ánh hoàng hôn lặn dần sau đỉnh núi xa xa… Tất cả tạo nên một không gian “đặc sệt” miền núi.

Khi đọc truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy, người đọc được sống trong môi trường đậm chất miền núi, bởi bao quanh là thế giới sinh động những tên đất, tên

bản, tên núi, tên sông… làm “chất nền” cho những câu chuyện kể của nhà văn. Đó là không gian với “đầy rẫy” những địa danh, những cái tên dân tộc để gợi đến những vùng đất hoang sơ, vừa xa xôi, vừa bí ẩn: Xà Tùng Chứ, Chín Chải, Tây Côn Lĩnh, Cao Bành, Thượng Sơn, Lũng Pục, Cao Mã Pờ, Pải Lủng, Vần Chải, Lao Chải, Mã Pí Lèng, Xán Díu… và đặc biệt, dòng sông Nho Quế xuất hiện trong nhiều truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy. Thiên nhiên trong truyện ngắn Đỗ Bích Thúy không chỉ có tác dụng làm “nền” cho hành động mà trở thành một sinh thể độc lập với những nét đẹp tự nhiên có đường nét, hình khối cụ thể, rõ ràng… Thiên nhiên vừa hiện thực, sinh động, thơ mộng, êm đềm nhưng cũng rất hoang sơ, huyền bí. Không gian được tác giả miêu tả từ ngày sang đêm, đông sang hạ, từ cái nhìn khách quan bên ngoài đến cảm nhận bên trong của nhà văn. Từ những khoảnh khắc đáng nhớ của thiên nhiên ấy cộng với ngòi bút tài hoa của nhà văn Đỗ Bích Thúy đã tạo nên những bức tranh thiên nhiên có hồn, tựa hồ như mở sách ra là được bước chân đi trên sườn dốc, trên con đường dẫn vào những bản làng…

2.1.1.1 Thiên nhiên kỳ vĩ, hoang sơ và bí hiểm

Đến với thế giới nghệ thuật của Đỗ Bích Thúy, người đọc được tiếp xúc với không gian núi rừng kỳ vĩ, hoang sơ và bí hiểm. Chúng ta có thể thấy những nét đẹp này của thiên nhiên trong các tác phẩm: Cạnh bếp có cái muôi gỗ, Hẻm núi, Cột đá treo người, Mần tang mọc trong thung lũng, Ngải đắng ở trên núi… Bằng những miêu tả gợi hình khối và đường nét của thiên nhiên nơi vùng cao Tây Bắc cho thấy đôi tay tài hoa của nhà văn đã khắc họa lại những nét vẽ khỏe khoắn, phóng khoáng về thiên nhiên nơi vùng cao khiến độc giả choáng ngợp khi bước vào không gian núi rừng của chị. Đó đều là những tạo vật đẹp nhất của trời đất. Thiên nhiên gây ấn tượng với độc giả ngay từ cái nhìn đầu tiên về những ngọn núi của miền sơn cước. Trong Cạnh bếp có cái muôi gỗ, tác giả viết: “Khắp vùng cực Bắc này, nhìn phía nào cũng chỉ thấy núi. Núi đã cao ngang mây trời, nhiều như sao trên dòng sông ngân hà, ngửa mặt đếm mỏi miệng, mỏi cổ không xuể.” [33; 73]. Bầu trời nơi đây cũng trở nên cao và xanh hơn, những ngọn núi cao nhấp nhô nối tiếp điểm tô thêm vẻ đẹp của bầu trời: “Bầu trời cao lên vời vợi giữ bốn bề vách núi sừng sững…”

[33; 173]. Những dãy núi trùng trùng điệp điệp bao quanh những bản làng bé nhỏ: “Tả Gia có ba mặt núi, một mặt sông. Mặt trời lên ở dãy núi bên trái… núi chồng lên núi, nhấp nhô như răng cưa.” [33; 177]. Hình ảnh núi chồng lên núi thành dải dài tưởng chừng như bất tận với những dáng vẻ khác nhau khiến người đọc choáng ngợp trước sự kỳ vĩ của thiên nhiên nơi đây. Những ngọn núi đứng sừng sững và khô khốc cắt hình rõ rệt giữa mây trời Tây Bắc và “Năm, sáu thập kỷ đã qua, trên cái mỏm núi ngày xưa là nơi dựng cây cột đá treo người vẫn không một loài cây cỏ nào mọc được. Năm này qua năm khác, trên cao ấy chỉ có tiếng gió quất lên những rìa đá nhọn và sắc, mây đen tụ thành đám che khuất mặt trời…” [33; 93] (Cột đá treo người).

Nằm ẩn trong những dãy núi nhấp nhô, hùng vĩ là những con đường rừng quanh co, ngoằn ngoèo nằm chênh vênh giữa núi cao và vực sâu thăm thẳm là cho những du khách từng một lần đến đây không khỏi rùng mình, ớn lạnh khi đi trên những con đường này. “Hết đường nhựa, vào đường đất ngoằn ngoèo bám trên triền dốc là thấy ngay cái lạnh ùa tới. Gió dưới vực sâu hun hút thốc lên”, “phải đi mười một khúc đường vòng như trước mặt mới về tới. Vừa đi vừa đếm ngược, đến vòng cua cuối cùng mới thấy nhà trưởng bản nằm chon von trên cao.” [33; 73] (Cạnh bếp có cái muôi gỗ). Sự chon von, nguy hiểm còn nằm ở những khúc đường cua, những đoạn đường gấp khúc luôn bị che phủ bởi sương mù: “Con đường mòn này rất nhỏ và nhỏ nhất ở đoạn cua gãy khúc chỉ chừng năm mươi phân bề rộng là cùng. Cho nên, nếu hai con ngựa ngược chiều gặp nhau ở đây, thì một con sẽ phải lùi lại. Mà ngựa thì rất khó lùi, do đó, cách đoạn cua chừng vài chục mét người bên này đã phải lên tiếng để nếu có ai đang đến bên kia thì dừng lại, chờ đã. Bên phải tôi là vực sâu hun hút, bên trái là vách đá lởm chởm, cả trước mặt và sau lưng đều chỉ có mây mù giăng kín.” [33; 156-157] (Hẻm núi). Với cách sử dụng các từ láy như: ngoằn ngoèo, hun hút, chon von, mờ mờ, xam xám, lởm chởm để miêu tả con đường rừng với những triền dốc nhỏ, quanh co vừa miêu tả được đọ sâu hun hút, lại mô tả được cả sự mờ ảo của làn sương đậm đặc che khuất tầm nhìn cùng với cảm giác lạnh giá bất giác thổi lên. Với việc sử dụng các câu văn trần thuật miêu tả ngắn gọn và súc

tích, một bức tranh tĩnh đã hiện lên với đầy đủ những nét vẽ đặc trưng nhất cho thiên nhiên núi non hùng vĩ nơi địa đầu Tổ quốc. Nét hùng vĩ của núi non vùng cao còn được tô điểm bởi dòng sông Nho Quế “như sợi chỉ dưới chân Mã Pí Lèng”.

Thiên nhiên nơi vùng cao đều là những tạo vật đẹp mà tạo hóa ban cho con người nơi đây với những hang động nhũ đá lung linh, huyền ảo nhưng cũng ẩn chứa những nguy hiểm rình rập, những nguy hiểm không thể định danh hết, bởi ngay trong hình thù, trong cấu tạo của hang sâu hun hút cùng với những cảnh vật tự nhiên đã mang lại cảm giác lo lắng mơ hồ: “Trên núi Phia Giạ có một cái hang, nhìn từ xa không thấy được miệng vì miệng hang chỉ như vết nứt ngang, rễ cây mọc xòa xuống che kín. Muốn vào trong hang phải bò qua một quãng chừng ba người nối lại. Lòng hang rộng và bằng phẳng như một cái nhà lớn. Trong hang, dơi to như gà con nuôi một tháng, nhập nhoạng tối lại bay ra cả đàn. Người ta bảo dơi này thích ăn mắt người. Sợ dơi móc mắt, người lớn trẻ con chẳng bao giờ dám mò lên hang. Hơn thế, Phia Giạ là đỉnh núi cao nhất Đồng Văn, cái hang lại ở mãi trên đỉnh núi, chưa bao giờ có lối mòn dẫn lên đấy. Càng ngày núi càng cao, đá tai mèo càng nhọn sắc.” [33; 103] (Cột đá treo người)

Thiên nhiên trong truyện ngắn Đỗ Bích Thúy hiện lên hùng vĩ hơn, hoang sơ và bí ẩn hơn nhờ sự hỗ trợ của những âm thanh “lạ” của núi rừng. Đó là những âm thanh vang vọng lại nơi vách đá hoành tráng, lạ tai mà không kém phần rùng rợn. Những âm thanh dội lại từ vách núi âm vang, thảm thiết như nỗi lòng đau đớn của Chía trong Cột đá treo người khi không thể tìm lại được người bạn, người thương của mình: “Bao nhiêu ý nghĩ cứ chồng lên nhau, buộc thật chặt cái khăn đau cả đầu mà vẫn nghĩ được. Có một mình Chía với cái đầu Chía thôi. Chỗ này có vết chân to của Váng, nhưng không còn tiếng nói của Váng, cũng như không có tiếng nói của Chía. Lâu quá không nói chuyện với ai. Miệng Chía sắp cứng như miệng ngựa rồi, chỉ mở ra lúc ăn. Tự dưng Chía thấy sợ, sợ mình không còn là người nữa. Chía nhìn xung quanh, ngửa mặt lên, miệng há ra: “Ơi…ời..i…ơi…ời…i…ơi…ời…i…” Những tiếng gọi của Chía đập vào vách núi, dội lại tai Chía. Những cánh chim dài giật mình bay lên cao…” [33; 107]. Tuy nhiên, truyện ngắn Đỗ Bích Thúy còn xuất

hiện những âm thanh quen thuộc của người dân vùng núi, là sự hòa trộn đồng điệu, điểm tô thêm cho cuộc sống bình dị, mộc mạc của người dân bản địa. Trong truyện

Mần tang mọc trong thung lũng, nhân vật Liêu cảm nhận thật rõ ràng âm thanh quen thuộc của núi rừng trong ngày trở về: “Có tiếng gì đạp cánh lạch xạch sau những bụi nhân trần cao ngang ngực người. Rồi tiếng bíp…bìm…bịp cất lên từ rất xa đến gần. Tiếng kêu hối hả, loạn xạ, nối từ bụi cây này sang bụi cây khác. Tiếng kêu đập vào vách núi, vọng trở lại như có hàng trăm con cùng kêu một lúc.” [33; 173]. “Bao giờ nó lao ra khỏi nhà, cất tiếng bíp…bìm…bịp là cả bầy bìm bịp ngoài kia cũng kêu loạn xạ lên.” [33; 174].

Thêm vào đó, tiết trời lạnh giá cũng góp phần tạo nên đặc trưng của thiên nhiên miền núi và khắc sâu sự hoang sơ của núi rừng. “Ở vùng núi, bao giờ mùa đông cũng đến sớm. Khi những chiếc lá đào, lá mận đầu tiên rụng xuống thì dòng suối bắt đầu cạn, nước chảy dưới phần ngầm của lớp đá cuội trắng trơ. Gió từ trong khe núi ùa ra, mang theo hơi lạnh đến ghê người của đá và lá cây úa, thân ngải đắng bắt đầu khô lại, rễ bám chặt lấy lớp đất chai cứng và ngả sang màu nâu đen vì sương muối. Nhiều ngày, nhiều tuần, có khi cả tháng trời không có nắng.” [33; 219]. Và cái lạnh ở miền núi luôn kéo dài hơn hẳn ở đồng bằng, “ càng về đêm càng lạnh. Thời tiết ở đây vốn thế, ban ngày nắng đến mấy, có khô rang cả mái nhà dày hàng gang tay thì đêm vẫn lạnh. Quanh năm không khi nào phải cất chăn.” [33; 219] (Ngải đắng ở trên núi). Cái lạnh ấy có thể khiến cho “sáng dậy sợi nước đông lại thành dây dưới mái tranh” [33; 102] (Cột đá treo người). Tiết trời lạnh giá ấy đã tạo thành nét riêng biệt của vùng cao mà bất kỳ ai đã từng trải qua đều không thể quên được.

Lại nữa, Đỗ Bích Thúy thường biểu đạt không gian núi rừng bằng tất cả những gì mà các giác quan thu nhận được. Có khi là hương thơm, mùi vị của tạo vật và con người: mùi của một loài hoa, mùi của lá mục trong rừng, mùi của chuồng bò, mùi của tấm chăn lâu ngày không giặt, mùi của mái tóc người yêu, kể cả mùi mồ hôi người mình yêu dấu... Mùi được nhận biết bằng khứu giác của con người, trước hết được hiểu như một thực tại. Nhưng nhiều khi mùi còn là một ám ảnh của tiềm

thức, là hiện hình của vô thức. Ngải đắng trong tâm tưởng nhân vật “tôi” hiện lên như một ký ức không thể tẩy xóa: “Chính cái thứ hương cay cay, ngòn ngọt, nhằng nhặng đắng đã theo riết tôi, đã níu tôi với cả quãng đời thơ ấu bình yên. Có vậy mà từ lúc nào bước chân về bản tôi nghĩ mãi không ra mình thấy thiếu thứ gì mà cứ chông chênh, trống trải” (Ngải đắng ở trên núi). Ở chỗ khác, ngòi bút này lại chú tâm miêu tả những tiếng động đầy ám ảnh: tiếng cá quẫy vào kỳ đẻ trứng, tiếng bước chân của con bò, tiếng dao bập “phầm phập” xuống thớt, tiếng lịch kịch từ căn buồng vọng lại, tiếng mở then cửa trong đêm, tiếng của chân ngựa đang rời xa…Đó là những hương vị và âm thanh rất đặc trưng của đời sống tạo vật và con người vùng cao. Tất cả chúng góp phần tạo dựng nên một bầu sinh quyển vùng cao ám vào từng con chữ trong văn của Đỗ Bích Thúy.

2.1.1.2 Thiên nhiên thơ mộng, hữu tình

Truyện ngắn Đỗ Bích Thúy phần nhiều được viết bằng những ký ức gắn bó máu thịt với mảnh đất quê hương nên trong cái khắc nghiệt của núi rừng hiểm trở, tác giả vẫn luôn nhớ về những cảnh sắc đẹp đẽ nhất. Từ những giây phút thăng hoa trong cảm xúc, Đỗ Bích Thúy đã diễn tả thành công những đoạn miêu tả thiên nhiên thấm đẫm chất thơ với vẻ đẹp đầy thơ mộng của cảnh vật nơi đây. Đó là vạn vật của non ngàn với sức sống mãnh liệt và màu sắc rực rỡ khi xuân sang, với những sắc màu đặc trưng nhất của mùa xuân miền sơn cước. “Ngoài trời, dưới chân núi, chặn chân nương tam giác mạch, hoa lê đang bật bông trắng muốt. Hoa lê càng trắng thì trời càng lạnh (…) Mây trên cao tràn xuống, tam giác mạch chỉ còn thấy mờ mờ, hoa lẫn trong sương. Núi cũng không còn rõ nữa…” [33; 79-80]. “Ngọn núi nhọn, từ chân lên đến đỉnh mọc kín tam giác mạch. Mây giăng lưng chừng, hoa tam giác mạch nở rộ, cuối mùa hoa ngả sang màu hồng sẫm, lẫn vào mây mờ.” [33; 77] (Cạnh bếp có cái muôi gỗ). Hoa lê và hoa tam giác mạch dường như là hai loài hoa đặc trưng nhất của xứ lạnh mù sương này. Trong nhiều truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy, hai loài hoa này đều được miêu tả với sự mềm mại, nhẹ nhàng nhất. Chúng như được sinh ra để là mềm lại những cạnh sắc nhọn của núi đá và làm tan băng giá của cái lạnh miền núi cao. Trong một truyện ngắn khác, những loài hoa này cũng

được ưu ái miêu tả: “Trời càng rét thì săc biếc hồng càng rực rỡ. Cả dải núi, nương nhà này nối với nương nhà kia cứ bừng lên một màu tam giác mạch ngợp trời (…) Cỏ không mọc nổi nhưng tam giác mạch thì nảy mầm lên xanh mướt.” [33; 220] (Mặt trời lên quả còn rơi xuống). Không chỉ có sắc hồng của hoa tam giác mạch, sắc trắng của hoa lê, màu xanh của ngải đắng cũng trải dài trước mắt độc giả tạo nên cảnh sắc thiên nhiên quyến rũ, đầy sức sống: “Và kìa, òa ra trước mắt tôi, xanh rợp, tím ngắt, bàng bạc trắng, dập dềnh như những cơn sóng là cả triền núi mơn mởn ngải đắng vừa thức dậy từ sương mờ.” [33; 225] (Ngải đắng ở trên núi). Sức sống mãnh liệt của cây cối, hoa lá nơi đây khiến tâm hồn con người mềm lại và yêu mảnh đất này hơn.

Vẻ đẹp của thiên nhiên vùng cao còn được tô điểm bởi những nét chấm phá từ dòng sông, con suối. Những con suối trong vắt có thể nhìn thấy đáy với những viên đá cuội bị dòng nước của thời gian bào mòn trở nên nhẵn nhụi, đẹp đẽ hết sức đặc trưng miền sơn cước. Đá nơi đây cũng có màu sắc đặc trưng, độc và lạ: “Nước

Một phần của tài liệu Truyện ngắn Đỗ Bích Thúy nhìn từ góc độ văn hóa (Trang 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)