Biểu tượng lửa/bếp lửa

Một phần của tài liệu Truyện ngắn Đỗ Bích Thúy nhìn từ góc độ văn hóa (Trang 78)

6. Cấu trúc luận văn

3.1.2Biểu tượng lửa/bếp lửa

Cấp độ đầu tiên của biểu tượng là cổ mẫu. Trong văn xuôi của các nhà văn nữ, mẫu gốc được sử dụng như những mã thẩm mĩ. Theo triết gia người Pháp Bachelard (người đi tiên phong cho cái mà sau này người ta gọi là Phê bình mới ở Pháp) cho rằng bốn yếu tố vật chất cơ bản khơi gợi trí tưởng tượng của con người là Nước, Lửa, Đất và Trời. Trong bốn mẫu gốc đó, Bachelard đã lấy lửa ra làm đối tượng hàng đầu để phân tâm. Lửa là mã thẩm mĩ đầu tiên xuất hiện trong nền văn hóa chung của nhân loại. Lửa là biểu tượng có tính nhị nguyên, lửa thiêu đốt và lửa cũng là sự tái sinh. Trong Mưa ở kiếp sau (Đoàn Minh Phượng), những ngọn lửa từ bản năng trả thù bố đã thiêu đốt Mai, thiêu đốt cả một thời con gái. Không có đám cháy - giàn thiêu tội lỗi ở cái chốn ăn chơi Muôn Hoa, Mai và bố sẽ phạm tội loạn luân do sự sai khiến của bản năng hận thù. Mai muốn trả thù cha, trả thù tàn độc

bằng chính thân thể trinh nguyên của đứa con gái 16 tuổi. Nhưng lửa cũng là sự cứu chuộc, bởi chỉ trong sự đổ vỡ, ông mới nguyên lành trở lại.

Trong truyện ngắn nữ, nhiều hình ảnh của cuộc sống đời thường được tri nhận như những biểu tượng văn hoá. Trong truyện Lúa hát (Võ Thị Xuân Hà), hình ảnh chiếc bật lửa khúc xạ qua độ tinh tế của tâm hồn thăng hoa thành biểu tượng. Dẫu cuộc gặp gỡ giữa người phụ nữ và người đàn ông chỉ thoáng qua như một trò đùa nghiệt ngã của số phận, “nhưng… sớm trưa chiều tối, ngọn lửa từ sợi bấc nhỏ xíu sẽ hiện diện trong nếp nhà hai vợ chồng trẻ cùng đứa con trai của họ”. Trong Cánh đồng bất tận (Nguyễn Ngọc Tư), khi người đàn ông đốt hết những gì liên quan đến người vợ phản bội, ngọn lửa hận thù đã thiêu cháy tâm hồn ông: “Cha nhìn ngọn lửa, mặt đanh lại, rồi mắt bỗng rực lên, ngây ngất vì một ý nghĩ mới lạ”. Đến Gió lẻ, Nguyễn Ngọc Tư đã thành công khi sử dụng biểu tượng lửa có tính chất nhị nguyên để soi chiếu và lí giải hành vi nhân vật. Trong truyện, ngọn lửa tuổi thơ đã rút cạn niềm tin, rút cạn một phần sự sống của Em. Em trở thành “con nhỏ câm” từ đó. Nhưng cũng từ lửa, lửa đã trả lại tiếng nói cho Em.

Như bao con người tồn tại ở các vùng miền khác nhau trên trái đất này, con người Việt Nam cũng được hưởng nhiều ân huệ từ lửa. Người ta sống nhờ lửa (lửa làm chín thức ăn, lửa xua đi cái giá lạnh, lửa bảo vệ con người trước thú dữ …). Người ta yêu bằng lửa - lửa tình, tình yêu quê hương đất nước, tình yêu trai gái. Và khi chết, con người ta cũng không thể thiếu lửa. Nhiều người Việt Nam sống cả đời chỉ chăm chút sao cho sau này chết đi có người hương khói. Trong phong tục tổ chức lễ tang của người Việt chúng ta thấy không thể không có lửa (lửa của nhang khói, lửa của đèn nến). Sự hiện diện của người thân yêu đã khuất trong mỗi mái ấm gia đình là bàn thờ. Những người còn sống thể hiện sự tưởng nhớ người đã khuất bằng việc thắp hương, không để “hương tàn khói lạnh”…Như thế, còn lửa là còn sự sống, còn tình yêu, khi đã “tắt lửa lòng” cũng là khi người ta đã tuyệt tình cạn nghĩa. Người ta thắp lửa là muốn thắp lên sự sống, và tất nhiên người thắp lửa bao giờ cũng rất được trân trọng. Theo GS. Trần Ngọc Thêm: truyền thống tinh thần Việt Nam coi trọng ngôi nhà, coi trọng cái bếp và dẫn đến coi trọng phụ nữ. Sự coi

trọng này không phải không liên quan đến vai trò “nổi lửa”, “thắp lửa” của người phụ nữ. Ngày nay, người ta vẫn nói đến vai trò “giữ lửa” của người phụ nữ trong gia đình như một vai trò quan trọng nhất.

Phát triển từ ý nghĩa của mẫu gốc lửa – mang đến hơi ấm, mang đến sự hồi sinh, biểu tượng lửa trong truyện ngắn Đỗ Bích Thúy là sự sống, thắp lên lửa là thắp lên sự sống. Với người dân miền núi, bếp là nơi quan trọng nhất, nơi giữ lửa, giữ ấm cho mọi người trong gia đình. Khí hậu miền núi cao lạnh nhiều hơn nóng nên bếp lửa là nơi họ quây quần để giữ nhiệt cho cơ thể. Ở mỗi dân tộc, bếp lửa được đặt ở vị trí khác nhau trong nhà, nhưng ở vị trí nào thì nó cũng là một phần không thể thiếu của ngôi nhà. “Trong gia đình người Tày, lửa không bao giờ được tắt. Khi nào bếp không có lửa ắt là điềm gở. Người già chọn con dâu, chỉ cần nhìn cách chụm lửa, cách đun bếp là đủ biết có khéo, có đảm hay không.” [33; 124] (Đêm cá nổi). Lửa mang đến hơi ấm không chỉ cho cơ thể mà cho cả gia đình, luôn luôn, trên miền núi cao người người quây quanh bếp lửa, nhà nhà đốt bếp sưởi ấm. “Người lớn vây quanh bếp lửa, chất đầy củi, đun nước pha chè bồm, luộc một nồi sắn thơm lừng… Đàn ông rít thuốc lào, đàn bà mang cum thóc nếp ra vò, tính xem vụ hè thu này có cần bán lợn mua phân vi sinh không.” [33; 127]. Ngọn lửa là biểu tượng của sự sống con người, báo hiệu cho cuộc sống gia đình. “Thường thì người ở trên nương cứ thấy khói bếp dưới bản bay lên là bảo nhau về (…) nhiều hôm về đến nhà thì trẻ con đã ngồi chờ cơm gà gật bên bếp.” [33; 331] Ngọn lửa ấm áp chính là sự mời gọi con người về với gia đình, về bên tổ ấm của mình, cùng sum vầy và đoàn tụ.

“Bếp tượng trưng cho sự sống chung, cho mái nhà, cho sự liên kết giữa người đàn ông và người đàn bà, cho tình yêu, cho tập hợp và sự giữ gìn lửa. Như là mặt trời, bếp làm cho mọi người gần nhau bởi sức nóng và ánh sáng của nó - đó cũng là nơi đun nấu thức ăn. Vì vậy, bếp là trung tâm của cuộc sống, cuộc sống được ban cho, duy trì và sinh sôi.” – Trong Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới đã định nghĩa như vậy về bếp lửa. Trong ngôi nhà của trưởng bản bao giờ cũng có một bếp lửa lớn, nơi đây sẽ là nơi tập hợp mọi người trong những công việc chung. Khi

người thầy giáo miền xuôi đến với Tả Khâu dạy học, đến nhà trưởng bản mong ông khuyên nhủ những đứa trẻ tiếp tục đi học đã được chứng kiến một buổi tập hợp chung quanh bếp lửa: “Đàn ông ra ngồi cạnh bếp hút thuốc lào, đàn bà con gái thì chọn chỗ tối ngồi túm tụm lại.” [33; 158].

Hình ảnh bếp lửa trở đi trở lại nhiều lần trong các sáng tác của Đỗ Bích Thúy. Lửa như người bạn với các nhân vật, chia sẻ cả niềm vui và nỗi buồn của nhân vật. Tâm trạng của họ được lửa san sẻ phần nào. Cái đêm ông Chúng trong truyện Tiếng đàn môi sau bờ rào đá mang một người đàn bà khác về nhà, bà Mao lặng lẽ chuyển đồ đạc của mình sang buồng của mẹ chồng trước kia. Ngọn lửa đã là nhân vật chứng kiến tâm trạng của hai người. “Mao nhìn vào mắt Chúng, nhìn thẳng. Chúng không chịu được ánh mắt Mao phải quay mặt bước ra. Đêm hôm ấy, Chúng ngồi gọt chuôi dao bên bếp lò, muộn lắm mà không đi ngủ. Mao dọn dẹp nhà cửa xong cũng không đi ngủ mà mang bó mùng trắng ra thái. Hai người không ai nói gì, chỉ nghe tiếng dao thái vào thân mùng phầm phập. Mao đứng dậy, đổ dọc mùng vào chảo cám, cúi xuống đẩy mấy gộc củi vào sâu trong bếp, lúc ấy, Chúng mới kéo áo Mao, bảo Mao ngồi xuống cạnh mình. Nhưng hai người ngồi cạnh nhau rồi mà Chúng vẫn cứ gọt mãi, gọt mãi cái chuôi dao, gọt cả vào ngón tay, máu ứa ra. Đưa ngòn tay bị đứt lên miệng. Chúng không biết bắt đầu thế nào. Mao vẫn nhìn chằm chằm vào bếp lửa, ánh lửa hắt lên mặt Mao đỏ hồng, tự dưng Chúng thấy sờ sợ Mao, thà Mao cứ nói gì thật to với Chúng còn hơn.” [33; 23]. Trong cả đoạn văn, hai người không nói với nhau một lời nào, cả hai chỉ lặng lẽ bên nhau và đuổi theo những ý nghĩ của riêng mình. Ông Chúng đang day dứt vì việc mang người đàn bà khác về nhà phá vỡ hạnh phúc của gia đình. Trong sự ghen tuông của bà Mao có cả sự cam chịu và nhẫn nhịn của một người đàn bà làm vợ nhưng không có may mắn được làm mẹ. Cái ánh nhìn vào ngọn lửa “chằm chằm” của bà khiến cho ông Chúng cảm thấy sợ, sợ cái đau đớn cứ ấp ủ mãi trong lòng bà không bung tỏa ra được. Bà càng nhẫn nhịn bao nhiêu, ông càng thấy day dứt và thương bà bấy nhiêu. Ở giữa hai người, chỉ có ngọn lửa là nhìn thấy tất cả.

Trong một truyện ngắn khác, lửa cũng là người bạn sẻ chia tâm trạng rối bời của một chàng trai đã có vợ nhưng lại “say nắng” một người con gái khác. Dân trong truyện ngắn Mặt trời lên quả còn rơi xuống đã cưới được một người con gái xinh đẹp và hiền thảo nhưng khi gặp lại người bạn cũ là Thinh nay đang là một cán bộ đoàn năng nổ thì lại bị hấp dẫn bởi những nét mới mẻ, lạ lẫm.Và anh có những ý nghĩ “ngoài chồng ngoài vợ”. Ngọn lửa đã trở thành người chứng kiến tâm sự bối rối của Dân trong đêm khuya. “Dân vờ ngủ, kệ cho Duân trằn trọc mãi. Lúc lâu sau thấy vợ thở đều đều. Dân khẽ khàng ngồi dậy, đi ra bếp cời lửa. Nhét thuốc vào điếu cày, châm lửa định hút lại thôi, sợ mọi người thức giấc. Ngọn lửa ngun ngút liếm lên gộc củi. Dân lại thấy thấp thoáng đôi mắt đen, dài, rất dài và ướt như có mấy giọt rượu đầu. Đôi mắt nhìn như muốn đốt cháy Dân. Dân rùng mình, nhìn quanh ngôi nhà rộng thênh thang, quen thuộc từng lỗ tò vò trên mấy chục cái cột vuông đen bóng” [33; 201] . Trong đêm khuya, Dân dang nghĩ về người con gái với sức hấp dẫn mới đó, ánh lửa khiến anh nhớ mắt cô. Nhưng chính điều đó cũng làm cho Dân sợ, anh hoang mang vì sự dao động trong trái tim của mình. Sự dao động đó là một điều tội lỗi với vợ anh và cả con anh nữa. Chỉ có ánh lửa nhìn ra tâm sự của anh, nhìn ra đôi mắt “người đó” cuốn hút anh như thế nào.

Nhà văn không chỉ nhắc nhiều đến bếp lửa mà cả mùi khói bếp quen thuộc cũng được nhắc lại nhiều lần trong tác phẩm: Tiếng đàn môi sau bờ rào đá (10 lần),

Gió không ngừng thổi (6 lần), Ngựa ngã núi (6 lần), Cột đá treo người (5 lần)… Dường như mọi vật dụng trong nhà đều có mùi khói bếp, một thứ mùi đặc trưng của căn nhà nơi miền ngược: “Liêu kéo tấm chăn vừa dày vừa nặng, vừa nồng nồng mùi khói bếp lên sát cằm. Bây giờ Liêu mới nhận ra mọi thứ trong nhà đều có mùi khói. Chén nước khúc khắc, bát cơm nương cũng thoang thoảng mùi khói…” [33; 175]. Thậm chí, mùi khói nồng quen thuộc còn được sử dụng trong việc miêu tả nội tâm nhân vật khi vui lẫn khi buồn hay khi hỗn độn với những cung bậc tình cảm khác nhau. Dân trong truyện Mặt trời lên quả còn rơi xuống thoáng có chút khó chịu với mùi đặc trưng của khói, của mùi mồ hôi lúc nằm cạnh vợ khi đang xao lòng nghĩ về người con gái khác: “Từ mái tóc dài sổ tung loáng thoáng có mùi khói bếp, mùi mồ

hôi bay ra…” [33; 201]. Khói bếp quấn quyện với sương mù, với mây trời Tây Bắc đã tạo thành một không gian đặc trưng cho vùng đất này: “Chiều chậm chạp đổ xuống từng vạt núi vàng sậm, cả cánh rừng sồi, rừng dẻ mướt óng phía xa. Gió trườn trên những triền núi; từng cơn, từng cơn, cuốn theo mùi khói bếp từ những căn nhà bàng bạc, thấp thoáng phía bản người Phù Lá” [33; 212] (Ngải đắng ở trên núi). Sự giao thoa của ngày vào đêm dưới ánh hoàng hôn được nhà văn đặc tả thời gian trôi đi chậm chạp, buổi chiều xuống, hoàng hôn về, mùi khói bếp xen lẫn mùi sương bảng lảng quấn quyện khiến khung cảnh trở nên buồn, trầm mặc và có phần ảm đạm.

Trong truyện ngắn Đỗ Bích Thúy, lửa còn mang ý nghĩa thần thánh. Cũng như nhiều dân tộc trên thế giới, người Việt Nam có tục thờ thần lửa (biểu hiện của văn hóa sùng bái lửa). Nói cách khác, lửa là thần thánh, là lực lượng siêu nhiên. Rất nhiều các dân tộc ở Việt Nam có tục thờ thần lửa mặc dù cách thức và mức độ thể hiện có khác nhau. Có những dân tộc thờ lửa quanh năm nhưng không có lễ cúng dành riêng cho thần lửa vào dịp tết, trong khi một số dân tộc khác thì lễ tết luôn gắn liền với nghi thức thờ thần lửa. Dân tộc Dao ở Hà Giang mở đầu cho ngày tết âm lịch của mình bằng nghi lễ cúng thần lửa. Người Pà Thẻn ở Tuyên Quang cũng có tục nhảy lửa vào tháng Giêng. Các dân tộc ở Tây Nguyên rất coi trọng vai trò của thần lửa, trước đây đã từng có vùng Hỏa Xá do vua lửa cai trị. Người Ca Dong thờ bếp thiêng ở trong buồng kín, bảo vệ cẩn mật, xem thần lửa như người chăm lo cho sự sống gia đình. Người Ê Đê và Mnông xem lửa là vị thần may mắn luôn bảo vệ con người. Dân tộc Kinh cũng thờ thần lửa. Người Kinh gọi thần lửa là ông Táo. Trong cổ ngữ Việt Mường, tiếng “táo” có nghĩa gốc là “tá”, dùng để chỉ các vị thần thuộc dòng lửa (như Tá Cần, Tá Cài…). Cứ mỗi dịp Tết đến, vào ngày 23 tháng Chạp, các gia đình người Việt lại làm lễ cúng ông Táo một cách thành kính. Phải nói, vua lửa có một vị trí rất quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt. Đối với người Mông ở Hà Giang, “con ma bếp” có ý nghĩa rất lớn trong đời sống tâm linh của họ. “Ngày đầu tiên về nhà chồng, mẹ chồng dẫn Kía xuống bếp. Ở bếp có con ma bếp, ma bếp cai quản việc sinh đẻ của đàn bà và phù hộ cho việc chăn nuôi

gia súc. Vì thế không được dẫm chân lên bếp lò, không được gõ vào thành bếp, lúc nào muốn nhấc chảo cám lợn ra phải cho một hòn đá vào giữa… Tất cả những điều đó bà mẹ chồng dặn kỹ như dặn một đứa con gái sắp đi lấy chồng chứ không phải một đứa con dâu mới về.” [33; 35] (Gió không ngừng thổi). Người phụ nữ được giao trọng trách giữ lửa luôn cháy trong ngôi nhà, trên bếp. Ngọn lửa đó không chỉ dùng để sinh hoạt, nấu nướng, sưởi ấm mà đó còn là ngọn lửa của tình yêu thương, hạnh phúc gia đình. Không chỉ với người dân vùng Tây Bắc, người phụ nữ luôn là người “giữ lửa” trong ngôi nhà của mình, dù ở miền xuôi hay miền ngược, thành thị hay nông thôn. Đó là lý do vì sao ngay khi mới về nhà chồng, người con dâu đã được mẹ chồng dẫn xuống bếp.

Trong quan niệm của người vùng cao, lửa còn mang ý nghĩa xua đuổi thú dữ, đuổi ma quỷ, bảo vệ sự bình yên cho con người: “Lúc ngủ phải nhớ quay mặt vào lửa mới không bị ma dại bắt đi”. “Thật thế à?” “Chứ còn gì? Ma rừng muốn bắt ai thì phải vào mồm người ấy mới xuống bụng lôi ruột đi được. Thế mà lúc ngủ ai cũng mơ được ăn, được uống, thế là há mồm ra. Há mồm thì ma có cửa để vào rồi. Nếu mày quay vào lửa, nhỡ có há mồm ra tì ma dại cũng không dám đi qua lửa để vào mồm mày.” [33; 113] (Đá cuội đỏ). Lửa có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống của người dân nơi đây. Nó chính là biểu tượng của sự sống, sự tái sinh, tình yêu thương và hạnh phúc. Điều này lý giải vì sao trong truyện ngắn Đỗ Bích Thúy hình ảnh ngọn lửa, bếp lửa, khói bếp lại xuất hiện với tần suất dày đặc như thế.

Một phần của tài liệu Truyện ngắn Đỗ Bích Thúy nhìn từ góc độ văn hóa (Trang 78)