Các lễ hội, phong tục tập quán

Một phần của tài liệu Truyện ngắn Đỗ Bích Thúy nhìn từ góc độ văn hóa (Trang 46)

6. Cấu trúc luận văn

2.1.2Các lễ hội, phong tục tập quán

Bản thân nét đặc trưng văn hóa của mỗi vùng miền đã là một đề tài hấp dẫn, riêng vấn đề phong tục, nếp sống, tín ngưỡng và đời sống tinh thần của người dân tộc là những cội nguồn phong phú cho biết bao trang văn của Đỗ Bích Thúy. Với chị, việc khai thác nét đặc trưng văn hóa cả các dân tộc miền núi, mà đặc biệt là của người Mông ở nơi địa đầu Tổ quốc đem lại hiệu ứng rất lớn trong tác phẩm của chị. Dưới ngòi bút tinh tế của Đỗ Bích Thúy, những lễ hội, phong tục tập quán vốn đã từng được biết đến như lễ hội lồng tồng (xuống đồng), hội mùa xuân ném còn, tục làm ma tươi, ma khô của người dân tộc cũng như những phong tục lần đầu tiên người đọc được biết đến cũng đều được nhà văn miêu tả rất sinh động, khéo léo, khiến những điều đã biết đã biết càng trở nên thân thuộc và những điều chưa biết thì tạo ngay được sức hút làm mê đắm người đọc. Tất cả những tập tục, lễ hội, cảnh sống sinh hoạt của người dân nơi đây đã tạo nên một phần không gian văn hóa của riêng vùng Tây Bắc.

2.1.2.1 Các lễ hội

Thấp thoáng trong truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy là những lễ hội gắn liền với đời sống văn hóa của người dân tộc. Đặc biệt là vào mùa xuân, mùa cây cối đâm chồi nảy lộc, mùa của trai gái hò hẹn tự tình. “Sau Tết nguyên đán, bản mở hội Lồng tồng. Ngày mời bốn tháng giêng hội ở Tả Choóng, mười sáu hội ở Tả Lung, mười tám hội Tả Chải… cứ thế hết cả tháng Giêng. Trời vẫn còn rét, chưa ai phải lo lên nương, xuống đồng. Thế nên hội nào cũng đông. Người ta cứ đi hết hội này sang hội kia, đi mãi mà không thấy chán.” [33; 196] (Mặt trời lên quả còn rơi xuống). Mùa xuân là mùa lễ hội lớn của Tây Bắc, hết bản này đến bản khác mở hội, vì thế mà bầu không khí vùng cao trở nên sôi động hơn, tràn ngập sức sống con người. Đây là dịp để tất cả mọi người vui chơi sau nhiều ngày lao động vất vả với nương rẫy và những vụ mùa. Những chàng trai thì “thổi sáo, ném còn hay đánh những con quay bằng gỗ lim to tướng như quả bưởi” [33; 197]. Một trong số những trò chơi quen thuộc nhất của đồng bào vùng cao để con trai thể hiện tài năng của mình là trò ném còn với “cây nêu đã dựng lên rồi, cái vòng tròn bằng cái mâm bọc giấy đỏ cao chót vót trông như ông mặt trời. Còn bay vun vút. Đông lắm, dễ có đến mấy chục thằng con trai tay lăm lăm quả còn, chọn chỗ đứng, ngắm ngắm, thử thử, rồi vung tay ném. Ai cũng muốn nói rằng mình giỏi giang, khéo léo. Vậy mà cái vòng tròn đỏ trên cao vẫn cứ lắc lư lắc lư…” [33; 198]. Những chàng trai dân tộc chơi ném còn không chỉ vì thú vui mà còn vì muốn khoe tài năng, sự khéo léo của mình. Lý do của việc này thì Đỗ Bích Thúy đã khéo léo nói đến, là vì “con gái đi hội đông lắm… Ngày xuân, má đứa nào cũng như hoa đào, miệng đứa nào cũng mọng như quả hồng chín, đứa nào cũng mặc những bộ váy đẹp cả năm đi nương không được mặc (…) Ngày hội, lúc sáng thấy con gái đứng với con gái, mặt trời lên thấy con trai rời chảo thắng cố, đến trưa là không thấy đứa con gái nào đứng một mình, mà đứng riêng một góc, sau cái ô, với một thằng con trai.” [33; 197]. Ngày hội là ngày để trai gái gặp gỡ, hẹn hò, biết bao cuộc hôn nhân đã được hình thành sau những ngày hội ấy.

Lễ hội Gầu tào là một lễ hội quen thuộc của người đồng bào dân tộc H'Mông. Nội dung chính cho lễ hội là Cầu phúc hoặc cầu mệnh. “Bà Ba đẻ được một đứa con trai. Ra giêng, lý trưởng cho làm lễ Gầu tào (…) Bãi đất trống thường ngày bọn con trai mới lớn tập cưỡi ngựa giờ đông nghịt người, quần áo đẹp, ngựa cưỡi cũng đẹp. Ba ngày hội, lý trưởng cho đám người ở không phải làm việc nặng, được ăn thịt, uống rượu. Từ nhà trên xuống nhà dưới đâu đâu cũng thấy ăn ăn uống uống, người qua người lại vui hơn cả Tết… Từ bé tới giờ, chưa bao giờ Chía thấy lễ Gầu tào nào được làm to đến thế” [33; 100] (Cột đá treo người). Lễ hội ấy được tổ chức sau Tết, bất chấp tiết trời giá rét, mọi người đều tập trung rất đông và nhộn nhịp. Và trong lễ hội không bao giờ thiếu đi tiếng hát của người dân tộc: “Người kéo đến mỗi lúc một đông, tiếng người ta hát gầu plềnh chui qua khe vách nứt, chui vào tai Chía, trốn không được. Gầu mông nói đrâu Mông. Hai ta chung nhịp thở. Nếu buộc phải chết đi. Nên chôn cùng một mộ. Hai chúng mình chung một hơi. Nếu buộc phải chết thôi. Nên chung một quan tài…” [33; 103]. Lời ca tiếng hát làm sinh động hơn lễ hội, đó cũng là nét văn hóa đã ngấm vào máu thịt của người dân nơi đây.

Trong truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy, phiên chợ vùng cao xuất hiện nhiều lần trong các sáng tác của chị và trở thành một nét đặc trưng văn hóa tiêu biểu. Chợ phiên đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong đời sống của người dân vùng cao. Những phiên chợ đối với người miền núi có ý nghĩa như những ngày hội. Do đặc điểm địa lý của khu vực phía Bắc là các vùng dân cư ở cách khá xa nhau, đường xá đi lại đều không thuận tiện nên nhu cầu mua bán, trao đổi, giao lưu văn hóa của nhân dân chủ yếu tập trung ở các phiên chợ này. Ai đã một lần ghé thăm chợ phiên ở các huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Quản Bạ, Hoàng Su Phì, Xín Mần… của Hà Giang – nơi quê hương của Đỗ Bích Thúy chính là không gian trở đi trở lại trong các tập truyện ngắn của chị - hẳn không thể nào quên những nét đặc sắc của các phiên chợ nơi đây.

Ở Hà Giang thường có những phiên chợ lùi được tổ chức chủ yếu ở các xã. Nếu tuần này chợ họp vào chủ nhật thì tuần sau sẽ họp vào thứ 7, tuần tiếp theo sẽ họp vào thứ 6, tuần sau nữa sẽ họp vào thứ 5... Còn các phiên chợ huyện thường

họp vào chủ nhật hàng tuần. Đến hẹn lại lên, từ sáng sớm, những người Mông, Dao, Giáy, Nùng, Lô Lô… lại tụ họp về phiên chợ. Các cô gái trong những bộ váy truyền thống nhiều màu sắc, tay cầm ô, lưng gùi quẩy tấu, các chàng trai thì mang gà, cắp lợn, dắt bò xuống chợ. Mặc dù phải đi bộ một quãng đường dài nhưng khuôn mặt ai cũng lộ vẻ hân hoan, háo hức. Bà con dân tộc vùng cao đi chợ không chỉ để mua bán hàng hóa mà còn để gặp gỡ, giao lưu, trò chuyện tâm tình, uống với nhau một vài chén rượu ngô hay quây quần xung quanh chảo thắng cố nóng hổi.

Những mặt hàng được bán ở chợ phiên khá phong phú nhưng chủ yếu là các sản vật của núi rừng hay những mặt hàng do chính người dân nơi đây làm ra như: mật ong, nấm hương, mộc nhĩ, thóc, ngô, đậu tương, các loại rau, thổ cẩm… Vào dịp cuối năm, ngoài những mặt hàng thiết yếu phục vụ cuộc sống, phiên chợ còn có các mặt hàng đặc biệt để phục vụ ngày Tết như: gạo nếp, giấy trúc (hay còn gọi là giấy bản), tiền vàng, tranh ảnh… Tất cả những sản phẩm địa phương được bày bán ở chợ là kết tinh của lao động, thể hiện sự cần cù, khéo léo của người dân vùng cao; đồng thời phản ánh nét văn hóa đặc trưng của mỗi dân tộc. Ở nhiều chợ phiên Hà Giang, người dân không dùng tiền để trao đổi mà dùng hiện vật. Họ thường mang xuống chợ con gà hay chục trứng để đổi lấy cái cuốc hay đôi thùng gánh nước…

Ở vùng cao, mỗi phiên chợ đều tạo nên một niềm vui, chờ đợi thấp thỏm của tất cả mọi người. Các bà, các mẹ, các chị tất bật chuẩn bị hàng hóa. Các chàng trai dạo thử một điệu khèn, mộng mơ trong tiếng sáo, réo rắt trong tiếng đàn môi gọi bạn tình. Các cô gái trẻ thì đắm mình trong các câu hát tình tứ, trong các vũ điệu của núi rừng, còn lũ trẻ thì mong đợi phiên chợ để được vui chơi thỏa thích.. Mọi người ai cũng diện những bộ quần áo đẹp nhất để đi dự phiên chợ vui như những ngày hội. Trong truyện Tiếng đàn môi sau bờ rào đá, Đỗ Bích Thúy miêu tả tâm trạng của cô gái mới lớn đến tuổi yêu đương, thấp thỏm đợi chờ trời sáng để đến chợ phiên như sau: “Cả đêm May không sao ngủ được. Đã cố tình đi ngủ muộn mà đến lúc vào giường nằm mãi vẫn chưa thấy tiếng gà gáy (…) Trời mờ sáng May đã dắt ngựa ra. May run quá, chỉ sợ gặp người quen trong bản, người ta kể lại với bố mẹ thì thế nào cũng bị mắng vì tội nói dối”. Và, tác giả không quên giải thích lý do

thấp thỏm trong đêm ấy của cô gái với độc giả: “Không ngờ ở chợ May gặp đến 3,4 đứa bạn gái cùng bản, đứa nào cũng đi với một anh con trai lạ. Nhìn thấy nhau, không đứa nào nói gì, cứ làm như không quen, quay mặt đi mới tủm tỉm cười. Đêm xuống, có một thanh niên đốt đống lửa to ở giữa bãi còn, ai có cái gì mang theo thì bỏ ra ăn chung. May và bạn May cũng buộc ngựa một góc rồi ra đấy ngồi cùng. Xung quanh đống lửa càng lúc càng đông người, toàn con trai con gái trẻ. Giờ thì không thấy ai xấu hổ nữa. Má đám con gái đỏ rực nhưng là vì ánh lửa. Ai cũng như mình thì việc gì phải xấu hổ. Sáng hôm sau, đúng ngày 27 tháng 3, mặt trời mãi mới nhô lên sau cánh rừng đỏ rực. Chử kéo tay May ra phía người ta ngồi thành hàng dài, rượu đựng trong can to để trước mặt. Nhưng ngồi uống rượu lâu cả buổi thì chỉ có người già thôi, bọn thanh niên ghé qua một tí rồi tìm chỗ khác, ít bị người ta nhìn thấy mà ngồi…” [33; 78].

2.1.2.2 Những phong tục tập quán

Qua các truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy, người đọc dần tiếp thu, thẩm thấu văn hóa, tín ngưỡng của các dân tộc thiểu số. Chẳng hạn như tập tục làm ma khô và ma tươi cho người đã khuất tại vùng cao Hà Giang được Đỗ Bích Thúy đưa vào trong truyện ngắn của mình hiện vẫn còn tồn tại trong nhiều bản làng người Mông. Theo tục lệ người Mông, dù đám ma hay đám cưới đều phải tổ chức linh đình, mổ bò mời dân bản đến ăn. Nếu là đám ma, nhà nào có tiền mở tiệc đãi cả bản sẽ được tổ chức đám ma “tươi”, còn không có thì sẽ gia hạn khoảng 3 tháng sau phải mổ bò khao cả bản coi như trả nợ và đó là đám ma “khô”. Trong tiềm thức người Mông, cái chết chưa hẳn là nỗi buồn, không có địa ngục hay thiên đường. Âm phủ chỉ là một “bến chờ” trên con đường họ tìm đường lên trời đi tìm hồn tổ tiên nguồn cội… Vậy nên, trong một đám ma của người Mông, họ không cần phải tỏ thái độ buồn thương, họ cùng nhau thưởng thức mèn mén, thắng cố… nhâm nhi chén rượu ngô cay nồng và thả hồn cùng những giai điệu khèn du dương, trầm bổng vang vọng khắp núi đồi. Người Mông quan niệm, tiếng khèn sẽ chỉ đường dẫn lối cho người chết về thế giới bên kia suôn sẻ. Người Mông khi làm ma tươi cho người thân chết theo tục lệ sẽ thổi khèn, kèn, tù và, vác nỏ đi vòng quanh nhà, 3 lượt đi, 5 lượt về (với nam giới);

5 lượt đi, 7 lượt về (với nữ giới) để xua đuổi ma đói, ma yếu khỏi về quấy rầy người chết. Trong đám ma “tươi”, cả bản tụ tập cùng nhau ăn uống bên cạnh xác chết trong suốt 3 ngày diễn ra nghi thức đám ma. Và trong lúc ăn, người ta cũng không quên rót rượu hay bón cho người đã khuất những món ăn có trong buổi tiệc, coi đó như bữa cơm vĩnh biệt.

Không chỉ có người Mông có tập tục ma chay rất đặc biệt, người Tày cũng vậy. “Theo phong tục của người Tày, mỗi dòng họ trong bản đều có một khu rừng dành riêng cho người chết, bọn trẻ trâu chúng tôi gọi là rừng mả. Trong đó rậm rạp âm u, toàn những thân cây cổ thụ mấy người ôm, không ai dám bén mảng tới, kể cả lũ tre bạo gan, liều lĩnh nhất. Khi có người chết, trong nhà mồ bao giờ cũng có đủ thứ tối thiểu cần thiết cho sinh hoạt hàng ngày: nồi niêu, gạo, muối… còn thêm cả một con gà trống cho có bạn. Chả hiểu sao con gà cứ mãi ở trong đó, một mình, đêm nào cũng eo óc gáy sớm hơn cả gà nhà.” [33; 130] (Đêm cá nổi). Người miền núi luôn quan niệm người đã khuất cũng cần có một cuộc sống bình thường như người sống tại một thế giới khác. Nơi đó, họ cũng cần những vật dụng thiết yếu hàng ngày và cần cả những người bạn.

Đọc truyện ngắn Đỗ Bích Thúy, người đọc được biết thêm nhiều tập tục lâu đời của người dân vùng cao như nhà ai có việc gì hoặc không muốn người lạ vào nhà mình thì treo cành lá ngoài cổng để báo hiệu. Hoặc khi người chồng qua đời nếu trao lại sợi chỉ buộc ở tay cho người vợ thì là có ý muốn trả tự do cho người vợ sau khi mình chết, cho phép người vợ được đi lấy chồng mà không phải ràng buộc với nhà chồng cũ. Truyện ngắn Như một con chim nhỏ (viết lại của truyện Sau những mùa trăng), kể về cuộc đời làm dâu của Nhẻo, khi mới lấy chồng, không may chồng Nhẻo là Cạ bị mắc bẫy thú, trúng độc chết. Khi trúng độc, biết mình không sống được nữa, Cạ đã tháo chỉ tay nhờ Dỉ đưa cho Nhẻo. Tuy nhiên, do Dỉ yêu Nhẻo từ ngày Nhẻo chưa lấy Cạ, nhưng vì nhà nghèo nên không lấy được Nhẻo, giờ quyết tâm lấy Nhẻo bằng được, nên khi Cạ nhờ đưa chỉ buộc tay cho Nhẻo, vì lòng ích kỷ không muốn Nhẻo lấy người khác nên đã giữ lại sợi chỉ ấy. Sau cùng, có nhiều hiểu lầm xảy ra, Dỉ mới đưa ra cho người nhà Cạ sợi chỉ ấy, và

đây là ý nghĩa của việc trả lại sợi chỉ buộc tay trong văn hóa tín ngưỡng của người dân tộc Tày qua đoạn đối thoại của các nhân vật được miêu tả trong truyện:

“Dỉ lấy sợi chỉ buộc tay của Cạ, đưa cho ông Phạ.

- Nó đây, của Cạ gửi cho vợ đấy. Còn thằng Khún, nó chẳng làm gì sai, cháu nghe thấy hết rồi. Nó sợ chị dâu tự tử, đi theo để giữ thôi…

Ông Phạ nhìn mãi sợi chỉ trong tay. Đúng là lúc làm ma thằng Cạ, chẳng ai để ý trên cổ tay nó không còn sợi chỉ nữa. Nó trả vợ nó về cho bố đẻ đây mà. Vậy mà ông không biết, ông giữ nó suốt hai năm trời, buộc như buộc trâu buộc ngựa.”

Khi viết về những phong tục tập quán hay những nét đặc trưng văn hóa còn lạ lẫm với độc giả, Đỗ Bích Thúy thường miêu tả kèm theo những lời giải thích một cách khéo léo khiến cho những phong tục tập quán ấy trở nên dễ hiểu, dễ hình dung với người đọc. Khi viết về hội chợ ngày 27 tháng 3 âm lịch của người H‟Mông, chị viết: “Ai cũng biết mang rượu đi chợ hai bảy để người bán người mua uống cùng nhau. Uống cho say rồi người mua không nhớ trả tiền cũng được mà nhớ nhưng trong túi chỉ còn vài đồng không đủ mua muối mang ra trả cũng được. Chợ từ hai bảy, nhưng từ hai mốt, hai hai đã lác đác có người, có rượu. Cả năm cúi mặt ngoài nương, cúi mặt vì hạt ngô, hạt đậu, về nhà cúi mặt vì con lợn con gà, mãi mới có lúc thảnh thơi. Không bị trẻ con quẩn chân nên ở chợ mọi người tha hồ chơi, tha hồ uống rượu. Đàn ông quên dao, quên nỏ, đàn bà quên chảo cám, quên cái đũa cả, chẳng ai chê cười.” [33; 18] (Tiếng đàn môi sau bờ rào đá). Chính từ những lý giải khéo léo này mà Đỗ Bích Thúy còn giúp người đọc hiểu thêm về vai trò, tính chất

Một phần của tài liệu Truyện ngắn Đỗ Bích Thúy nhìn từ góc độ văn hóa (Trang 46)