Tiếng sáo, tiếng khèn, tiếng đàn môi

Một phần của tài liệu Truyện ngắn Đỗ Bích Thúy nhìn từ góc độ văn hóa (Trang 84)

6. Cấu trúc luận văn

3.1.3Tiếng sáo, tiếng khèn, tiếng đàn môi

Tràn ngập trong không gian của truyện ngắn Đỗ Bích Thúy là tiếng sáo, tiếng khèn, tiếng đàn môi… đây cũng là những âm thanh đặc trưng cho văn hóa của đồng bào dân tộc miền núi. Mà phần nhiều truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy viết về đồng bào dân tộc Mông tại Hà Giang – nơi quê hương của nhà văn. Dân tộc Mông có một kho tàng văn hoá dân gian phong phú và rất độc đáo, trong đó nhạc cụ truyền thống nổi lên như những viên ngọc lung linh toả sáng. Người Mông say đắm dân ca dân tộc mình đó là Tiếng hát tình yêu (gầu plềnh), Tiếng hát cưới xin (gầu xuống),

Tiếng hát làm dâu (gầu na nhéng), Tiếng hát mồ côi (gầu tú gua), Tiếng hát cúng ma (gầu tuờ)… Đặc điểm chung của những bài hát dân ca này không chỉ hát bằng lời mà còn có thể giãi bày thông qua những nhạc cụ dân tộc (sáo, khèn, kèn lá, kèn môi…) trong những dịp lễ hội, đặc biệt là hội Gầu tào (đón năm mới) với những sinh hoạt trò chơi dân gian, dân nhạc, dân ca, dân vũ thì vai trò của nhạc cụ dân tộc được coi là linh hồn của người Mông gửi gắm và thể hiện tiếng lòng của mình với bạn tình, với cộng đồng và với thiên nhiên núi rừng hùng vĩ. Từ những sinh hoạt văn hoá dân gian sống động như vậy mà hầu hết nam nữ thanh niên biết dùng kèn môi, thổi kèn lá, thanh niên biết thổi khèn, múa khèn, thổi sáo, hát ống. Đặc biệt, trong những ngày hội không thể thiếu tiếng khèn, tiếng sáo của các chàng trai, đó là những thanh âm giúp các chàng trai trổ tài: “Đám con trai chưa vợ thằng nào cũng cắp sáo vào nách, mặt đỏ bừng bừng từ sáng sớm đến tối khuya, lân la chỗ này chỗ kia bắt quen con gái người ta” [33; 196] (Mặt trời lên quả còn rơi xuống)

Khèn là nhạc cụ lâu đời của dân tộc Mông và giữ một vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống văn hoá cũng như đời sống tâm linh của họ. Tiếng khèn không chỉ là sợi dây nối giữa thế giới thần linh với con người, người đang sống với tổ tiên dòng họ, chỉ đường cho người chết tìm về với tổ tiên, mà còn là tiếng lòng của người sống với người chết, là khúc tâm tình của các chàng trai, cô gái gửi tới người thương; tiếng khèn giúp họ kết đôi, xây dựng nên một gia đình hạnh phúc. Cây khèn cũng luôn là người bạn đường chung thuỷ của các chàng trai Mông trên đường xuống chợ hay đi rừng, đi nương. Trong các nghi lễ, tín ngưỡng hay trong các lễ hội của dân tộc, khèn là vật dụng linh thiêng không thể thiếu của đồng bào dân tộc Mông. Vì vậy tiếng khèn đã được lưu truyền qua bao đời và đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Cây khèn được ví như linh hồn của người Mông, là báu vật truyền lại cho các thế hệ và trở thành một phần văn hóa không thể thiếu và tiếng khèn đã ngấm sâu vào từng thớ thịt của người Mông, thân quen như mèn mén và nồng đượm như bát rượu ngô. Con trai người Mông, ai cũng đều có chiếc khèn trên vai mỗi khi lên nương hay xuống chợ; mỗi âm thanh khi vút lên như đỉnh núi cao, lúc lại trầm thấp êm ả như dòng sông Nho Quế, vừa như hờn trách, vừa như mời gọi và cũng

mạnh mẽ như chính hơi thở cuộc sống của họ vậy. Tiếng khèn như mang trong mình một ma lực quyến rũ, vang vọng và nồng nàn giữa núi rừng đầy huyền bí nhưng cũng rất gần gũi với con người.

Đặc biệt, trong truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy, tiếng sáo, tiếng khèn, tiếng đàn môi xuất hiện nhiều lần như là tiếng gọi của tình yêu đôi lứa. Người ta dùng những âm thanh này để tán tỉnh nhau, nhớ nhung về nhau, thông cảm, chia sẻ và thương xót cho nhau. Những chàng trai vùng cao luôn dùng tiếng sáo, tiếng khèn để tìm bạn tình, những cô gái say mê những thanh âm núi rừng ấy mà ưng thuận làm bạn, làm người yêu và làm vợ: “Hồi còn ở nhà, mùa trăng nào tôi cũng bám theo anh Lân tìm đến nhà nào có con gái đẹp thổi sáo suốt đêm. Anh Lân thổi khèn lá tài lắm, phiên chợ nào cũng có con gái quấn theo mãi, tối không về được” [33; 336] (Sau những mùa trăng). Tiếng khèn của anh Lân – anh trai Lìn đã khiến cho người con gái đẹp của Vần Chải theo về làm chị dâu hiền thảo của Lìn. Sau khi anh trai Lìn mất, người chị dâu góa bụa nhưng vẫn cứ “đẹp mãi, ngày càng đẹp” lại khiến người khác phải thổi khèn , tiếng khèn chan chứa tình yêu và lòng thương: “Và càng rõ hơn tiếng khèn lá từ ngoài suối vọng vào, tiếng khèn lúc gần lúc xa, lúc như tiếng gió dài lê thê, lúc cao vút, rộn rã như tiếng chim buổi sớm… Tiếng khèn như thế nói được nhiều lắm, đủ để cô gái nào đó hiểu rằng chàng trai sẵn sàng làm tất cả vì cô, đổi tất cả những gì mình có để lấy ánh mắt của cô, bán tất cả để mua nụ cười của cô. [33; 338]. Tiếng khèn ấy gọi người chị dâu góa bụa của Lìn: “Tiếng khèn mỗi lúc một réo rắt, đôi tay chị quấn lanh nhanh hơn, cuống quýt mà ánh mắt thẫn thờ” [33; 339]. Tiếng khèn ấy là tiếng lòng thương xót cho người con gái núi rừng xinh đẹp, thảo hiền mà gặp bất hạnh vì phải góa bụa khi tuổi còn quá trẻ và còn quá đẹp. Tiếng khèn ấy cũng là thanh âm mời gọi yêu đương của chàng trai đang “theo” người chị gái góa bụa của Lìn về tận nhà. Để từ đó, tiếng khèn vút bay trong không gian, réo rắt, thiết tha làm “buốt nhói lên phía ngực” Lìn – người em chồng có những tình cảm tốt đẹp với người chị dâu góa bụa.

Tiếng khèn, tiếng sáo, tiếng đàn môi như là tiếng lòng của người dân miền núi. Âm thanh của chúng có thể thay cho lời nói để thổ lộ tâm tư, tình cảm, những niềm

vui vô hạn hay những nỗi buồn không gì nói hêt. Trong truyện ngắn Tiếng đàn môi sau bờ rào đá, âm thanh trầm bổng của tiếng đàn môi là cả một câu chuyện tình buồn yêu nhau mà không đến được với nhau. Ngày cô Mao đẹp người, đẹp nết về làm vợ Chúng, tiếng đàn môi như tiếng lòng đau đớn gọi người yêu: “Trước ngày cưới, cả đêm tiếng chân ngựa bồn chồn ngoài bờ rào đá làm Mao thức trắng. Mờ sáng thì con ngựa ấy bỏ đi, một lúc sau thì tiếng đàn môi cất lên từ sau hẻm núi. Tiếng đàn môi nghe rất xa. Mao ngồi dậy, nhìn qua ô cửa bé bằng hai bàn tay, thấy ngoài trời mù mịt sương ập xuống mảnh sân, vườn, nhìn từ nhà ra bờ rào đá không thấy rõ. Tiếng đàn môi từ rất xa kia lại giống như mũi tên xuyên qua sương dày đặc, lao đến. Tiếng đàn môi buồn rầu, trách móc. Mao lặng lẽ khóc, từ hôm ấy Mao không bao giờ nghe tiếng đàn môi dành cho riêng mình nữa” [33; 21]. Và để rồi sau bao nhiêu năm, khi cả hai đã có gia đình riêng, tiếng đàn môi ấy vẫn cứ đi theo người mình yêu thương, dõi theo cuộc sống của người ấy: “tiếng đàn cứ gọi mãi, gọi mãi, mà tiếng đàn môi đêm nay cũng có gì khang khác, dài hơn, trầm hơn, ngập ngừng hơn, vẫn tràn qua bờ đá vừa dày vừa cao như suối chảy” [33; 31]. Tiếng đàn môi ấy cũng là tiếng gọi bạn tình, tiếng lòng của chàng trai theo đuổi người con gái mình yêu: “sau bờ rào đá, có tiếng đàn môi tự dưng cất lên, gọi mãi, gọi mãi. Tiếng đàn ấy May gặp ở mấy phiên chợ rồi, lần nào cũng đuổi theo sau lưng, May đi nhanh thì theo nhanh, May đi chậm thì theo chậm, bây giờ lại dám theo về tận nhà người ta nữa (…) Tiếng đàn còn quanh quẩn mãi bên ngoài mới chịu đi.” [33; 14- 15] (Tiếng đàn môi sau bờ rào đá). Tiếng đàn môi ấy đã khiến cô gái mới lớn là May cảm thấy bồn chồn, run run và ngượng ngập. Nó như một lời tỏ tình với người con gái yêu thương của chàng trai.

Cứ như thế, tiếng sáo, tiếng đàn môi, tiếng khèn cứ vút bay vào không gian tạo thành âm thanh đặc trưng cho vùng cao nguyên đá. Những âm thanh ấy vừa là biểu tượng phi vật thể của phong tục sinh hoạt vừa là biểu tượng cho tình yêu, là tiếng lòng của người dân nơi đây. Nghe tiếng sáo, tiếng đàn, tiếng khèn là như thấy con người chân chất, mộc mạc. Những nhạc cụ đó có vai trò quan trọng trong đời sống của người dân miền núi và cũng góp phần làm phong phú hơn hệ thống nhạc cụ của dân tộc Việt Nam.

Một phần của tài liệu Truyện ngắn Đỗ Bích Thúy nhìn từ góc độ văn hóa (Trang 84)