5. Cấu trúc
3.3.1. Không gian nghệ thuật
Tiểu thuyết về đề tài nông thôn viết từ sau đổi mới 1986 đã khai thác triệt để, sinh động một không gian chung, rộng lớn: không gian làng quê. Đó là sân khấu chính để các nhân vật diễn vai, nhân vật hành động, suy ngẫm và bộc lộ tâm tư tình cảm của mình. Với nhu cầu “nhận thức lại thực tại xã hội”, năm tiểu thuyết đã tái hiện đầy đủ các dạng thức không gian khác nhau, thể hiện một hiện thực chân thật nhất, gần gũi nhất với đời sống. Đó là không gian bối cảnh xã hội, nơi sinh hoạt cộng đồng như bến sông (Bến Tình), đình làng (Hạ Vị), cánh đồng (Thanh Khê), dòng sông (Châu Giang), trụ sở ủy ban…; không gian sinh tồn của mỗi người như: ngôi nhà, Từ đường… Đó là môi trường sống và hoạt động của nhân vật trong tác phẩm. Các nhà văn thời kì đổi mới không đặt nhân vật của mình vào không gian rộng lớn, mà dồn nén nhân vật vào những khoảng không gian chật hẹp. Những mảnh không gian tưởng chừng rất đỗi quen thuộc và bình yên vốn có ấy lại là nơi chứa đựng đầy những mâu thuẫn, xung đột về hành động, về tư tưởng giữa các nhân vật. Những cuộc họp toàn xã chỉ đạo thay đổi chủ trương làm ăn, sinh hoạt; những cuộc bình bầu đạo đức đảng viên; những ngày đấu tố địa chủ rầm rộ… đều diễn ra trong những không gian hẹp ấy. Nếu như các nhà văn hiện thực giai đoạn 1930- 1945 đặt nhân vật của mình vào những không gian chật hẹp, tù túng như những căn nhà lụp xụp, những căn phòng chật chội, cáu bẩn như ngôi nhà của chị Dậu trong
về một thế giới tù đọng, bức bối, khốn khổ không lối thoát của con người thì các nhà văn thời kì đổi mới xây dựng hiện thực nông thôn và thế giới con người giai đoạn từ sau năm 1945 đã phần nào thoát ra khỏi sự cùng quẫn không lối thoát đó, song lại rơi vào sự rối ren đầy phức tạp. Bằng việc lựa chọn và xây dựng những mảnh không gian ấy, các nhà văn muốn nhấn mạnh về một thời kì hiện thực nông thôn đầy mâu thuẫn- mâu thuẫn tất yếu của xã hội khi đang bước vào thời kì quá độ.
Bên cạnh những không gian bối cảnh xã hội ấy, các nhà văn thời kì đổi mới cũng chú trọng tới không gian thiên nhiên. Đó là không gian thực có, vốn có, mang hồn cốt của làng quê Việt Nam. Đọc năm tiểu thuyết, bên cạnh những trang viết về hiện thực đầy biến động mang tính chất đối kháng quyết liệt là những trang viết về thiên nhiên sinh động, tươi mới. Nếu như không gian xã hội là bối cảnh chính để nhân vật sống, hoạt động, bộc lộ tính cách và số phận của mình thì không gian thiên nhiên đóng vai trò là nền cảnh. Không gian thiên nhiên với đất trời cao rộng là nơi bao bọc, che chở, bênh vực cho những mầm sống tình yêu. Tình yêu của Sài và
Hương (Thời xa vắng)- một tình yêu cháy bỏng cũng được nhen lên cùng trời nước
mênh mông đó. Hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ Hạnh và Nghĩa (Bến không chồng)
cũng gắn liền với bờ sông, với bầu trời cao vời vợi... Không gian thiên nhiên ấy đối lập hoàn toàn với không gian xã hội, đối lập ở sự chật hẹp với cái rộng lớn, đối lập ở sự ngột ngạt với cái mênh mang, thoáng đãng và bình yên. Thiên nhiên trong
Mảnh đất lắm người nhiều ma, Thủy hỏa đạo tặc, Dòng sông mía là thiên nhiên đầy khắc nghiệt, trắc trở; thiên nhiên thử thách con người. Cái sự nghiệt ngã của đói nghèo không chỉ nhìn thấy trong đời sống của người dân mà còn bao trùm lên cả thiên nhiên cảnh vật. Đồng thời chính sự khắc nghiệt và thất thường của thời tiết cũng góp phần gây nên sự khốn khó trong đời sống vật chất của người dân nông
thôn Việt Nam. Nhà văn Lê Lựu mở đầu tiểu thuyết Thời xa vắng bằng những hình
ảnh về thiên nhiên cằn cỗi: “Làng bập bềnh như trôi trong đêm sương muối. Những cây cau thẳng đuột cao vóng chỉ chực lao thẳng tận trời chìm ngập giữa âm thầm giá lạnh. Đã năm đêm sương làm táp đen những luống khoai lang và những cây đòn tay bằng tre ngâm nổ toang toác” [18, tr. 5]. Chính nỗi lo về thời tiết thất thường ấy đã
hình thành thói quen và nếp nghĩ về cách duy trì cuộc sống bằng cày thuê cuốc
mướn của người dân làng Hạ Vị. Trong Thủy hỏa đạo tặc, cơn mưa dông bất ngờ và
dữ dội ập xuống làng Thanh Khê đã phá tan bao định hướng tốt đẹp của chủ nhiệm hợp tác xã Cơ. Bao hi vọng đang nhen lên vụt tắt, thay vào đó là những khó khăn, những vấp váp, những sai lầm của những người trong bộ máy lãnh đạo xã và hợp tác xã. Thiên nhiên ấy đã góp phần phơi bày những vất vả, cực nhọc trong đời sống con người. Hiện thực làng quê nông thôn nghèo khó hiện lên sinh động và chân thực từ những không gian thiên nhiên như thế.
Với qui mô và khả năng phản ánh hiện thực rộng lớn, không gian trong năm tiểu thuyết được tổ chức theo sự luân chuyển hết sức linh hoạt, kết nối nhiều mảng không gian khác nhau. Không gian ấy thay đổi theo sự dịch chuyển của nhân vật, sự biến chuyển của những sự kiện trong cuộc đời và số phận nhân vật trong những khoảng thời gian khác nhau. Cuộc đời Giang Minh Sài thuở nhỏ gắn liền với không gian quê hương làng xóm (ở đó có không gian sinh hoạt gia đình: ngôi nhà, căn phòng), không gian sinh hoạt cộng đồng trong những ngày lụt lội; khi trưởng thành, chàng trai ấy trở thành chiến sĩ, và không gian sống là chiến trường với hầm, rừng núi; rồi sống và làm việc ở thành phố. Cuối cùng sau bao bất trắc và áp lực của đời sống, Giang Minh Sài lại trở về với quê hương với mong muốn dựng xây kinh tế cho làng xã và trút bỏ những mệt mỏi, bi kịch của đời mình. Sự luân chuyển không
gian trong Thời xa vắng có sự gặp gỡ với cách chuyển đổi không gian trong sáng
tác của Nam Cao. Các nhà văn để cho nhân vật ra đi, mở rộng không gian sống và hoạt động, song cuối cùng lại trở về gần gụi với nơi bắt đầu ngày xưa ấy.
Trong tiểu thuyết của nhà văn Đào Thắng, làng quê trồng mía để bán và nấu đường hiện lên sinh động từ thời Tây thực dân, qua cách mạng, kháng chiến, hoà bình, cải cách ruộng đất, chống Mỹ, hòa bình và cuối cùng đến chiến tranh biên giới với Trung Quốc. Bằng bấy nhiêu thời gian, không gian trong tiểu thuyết đã được mở rộng theo sự kéo dài ấy của thời gian. Vẫn là không gian của làng mía Thanh Khê vốn yên bình, chất phác, được vun đắp màu mỡ phù sa của dòng Châu Giang song ở mỗi giai đoạn với những biến cố lịch sử ấy, không gian ấy lại đổi khác. Khi
thì bình yên gần gũi bao bọc con người, khi thì dữ dằn, tàn nhẫn. Dòng sông Châu bao đời vun đắp phù sa cho ruộng đồng, nuôi trong lòng cá tôm cứu sống bao mạng người là thế! Vậy mà khi công cuộc cải cách ruộng đất mang cái “sự ác trùm lên khắp gầm trời này” thì trời này cũng nổi cơn cuồng nộ. Ngày con Bê Lớn- vợ thằng Lẹp trở dạ: “trời bắt đầu nổi gió trái, gió lật lá cây trên vòm cây gạo lâu năm, tiếng gió hút trên vòm cây cao lớn ù ù đe dọa, có rong cơn ào ạo mấy hạt lại tắt. Điềm trời có bão, có bão thật… cơn cuồng nộ của Trời- Đất. Phía bến Phà và vực Diễm những khối mây đen lừng lững, bay vần vũ… mặt vụng giống một chiếc chảo khổng lồ cuộn sóng trắng, sóng có mào” [25, tr.267]. Không gian thiên nhiên cũng trở nên dữ tợn, bất bình trước sự ra đời của một con người, là máu thịt của một kẻ dị thường cả linh hồn và thể xác là Lẹp. Nhà văn đã hết sức tinh tế, và hoàn toàn chủ ý khi xây dựng những không gian thiên nhiên như thế.
Dù không gian có biến đổi theo bước chân của nhân vật, kết nối những không gian khác nhau; dù không gian có được mở rộng theo sự kéo dài của thời gian sân khấu chính để nhân vật diễn vai vẫn là không gian làng quê. Thông qua những mảnh không gian cùng cách tổ chức không gian, các nhà văn đã thể hiện ngòi bút phân tích và khám phá hiện thực xã hội khá sâu sắc.