5. Cấu trúc
2.1.3. Những làng quê “đang trải qua khoảnh khắc cuối của đêm dài trước bình
bình minh”:
Mọi sự phát triển đều bắt nguồn bằng sự đối kháng của những mâu thuẫn. Xã hội nông thôn Việt Nam đang chuyển mình để bước sang một giai đoạn mới với những định hướng hết sức tốt đẹp. Song trong quá trình vận động ấy, sự song song tồn tại của hai luồng tư tưởng cũ và mới đã dẫn đến những rối ren, phức tạp. Các nhà văn thời kì đổi mới đã hoàn thành sứ mệnh của thế hệ mình khi họ dũng cảm viết về nông thôn trong những biến cố đã qua của lịch sử: cải cách ruộng đất, công cuộc sửa sai, thời kì bao cấp, đưa nông dân vào hợp tác xã, khoán 10 trong sản xuất... Đó là những vấn đề bức thiết, trung tâm trong tiểu thuyết thời kì đổi mới về nông thôn.
Đọc Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, Bến không chồng của Dương Hướng và Dòng sông mía của Đào Thắng, người đọc đều cảm nhận về một không khí ngột ngạt, bức bối, rối loạn thời kì cải cách ruộng đất ở mảnh đất làng quê xưa. Nhịp điệu gấp gáp của tiếng trống, của những lời đấu tố đưa người đọc trở về với nông thôn Việt Nam trước năm 1945 những kì thu tô, thuế. Địa chủ, quan lại trong làng xã thúc giục, truy bức, bòn rút, tra tấn... bằng mọi hình thức để đạt được mục đích: thu đủ, thu nhiều thóc gạo, tiền bạc của người dân. Gia đình
chị Dậu (Tắt đèn- Ngô Tất Tố) là nạn nhân khốn khổ và đáng thương của nạn truy
thu tô thuế đó. Và giai cấp địa chủ phong kiến trong văn học hiện thực trước 1945 hiện ra với đầy đủ sự tàn nhẫn, độc đoán. Chúng khinh rẻ, miệt thị những người lao động nghèo; lấy sự giàu có, quyền thế để ức hiếp, để bóc lột sức lao động và nhân phẩm của người nông dân. Tiểu thuyết thời kì đổi mới cũng đề cập đến vấn đề địa chủ- người nghèo song lại được nhìn từ một góc độ khác, với một tình thế khác, ở giai đoạn lịch sử khác. Trong công cuộc đấu tố địa chủ để thay đổi ngôi vị cho người lao động nghèo theo kiểu “bao giờ dân nổi can qua, con vua thất thế lại ra
quét chùa”, các nhà văn thời kì đổi mới đều nhận ra và tái hiện lại có sự bất cập do việc qui sai địa chủ và đối xử tàn nhẫn với những người thuộc bị xếp vào tầng lớp địa chủ. Việc qui các gia đình vào tầng lớp địa chủ rất cứng nhắc và máy móc, chỉ căn cứ vào tài sản mà gia đình ấy hiện có, mà không tính đến năng lực làm ăn của họ. Ngược lại, những người được đưa vào vị trí nòng cốt của công cuộc cải cách thì một phần chưa đủ năng lực nhận thức và phẩm chất. “Ngày hội” của bần cố nông làng Đông, cũng là ngày tận thế của gia đình địa chủ Hào được Dương Hướng ghi lại bằng những trang viết đầy cám cảnh. Người ta rộn rã chia nhau chiếc cối đá thủng, cối xay lúa, vựa ngô khoai, vại dưa muối, rồi “cày bừa, cuốc xẻng, gạo thóc, nồi niêu, bát đĩa, mâm đồng”... Họ kê danh sách tài sản, tìm và chia cho kì hết. Nhà văn kể lại chi tiết, tỉ mỉ diễn biến cuộc đấu tố, không bình luận. Song chỉ với một câu tưởng chừng rất khách quan: “Thằng Công con của lão Hào đã cắn lưỡi tự tử, không hiểu nó tiếc của hay do uất ức quá”, người đọc đã nhận thấy thái độ băn khoăn từ người viết. Bức tranh hiện thực ngày đấu tố địa chủ ở làng Đông càng ám ảnh hơn khi nhà văn đưa vào một chi tiết dở khóc dở cười: “Nhà chú Dĩ ba đời đi hót cứ trâu được chia trục đá kéo lúa. Chắc nhà Dĩ tiếc buổi đi hót phân trâu nên sai hai thằng con đi nhận. Thằng anh cầm càng đi trước, thằng em chổng mông chổng tỹ đẩy phía sau, trẻ con khoái chí xúm vào đẩy. Chúng vừa đẩy vừa reo hò. Chiếc trụ đá lăn cồng cộc lao phăng phăng trên đường làng. Thằng anh cầm càng, tới khúc quanh mất đà, cả người lẫn trục lao ùm xuống ao, bị trục đá tương vào đầu phọt óc chết tươi” [10, tr. 35]. Thật khốn khổ cho số kiếp con người! Còn đâu hàng xóm “tối lửa tắt đèn có nhau”, còn đâu không gian bình yên “trâu già gốc bụi phì hơi nắng” ngày qua. Chỉ còn tiếng trống, tiếng người la hét, nhiếc móc, tranh cướp, chửi rủa nhau ồn ã, bấn loạn.
Day dứt hơn với không gian nông thôn ngày đấu tố, Nguyễn Khắc Trường đã khắc họa một “mảnh đất” thật sự “lắm người nhiều ma”- ma lớn, ma nhỏ sinh sôi nảy nở. Con người cũng trở thành “ma”, thành “quỷ” khi một người để chứng tỏ sự “giác ngộ đường lối” của mình đã tổ chức thanh niên đi cổ động đến “khản đặc cả tiếng” ngay chính người đã sinh ra mình. Âm vang “Đả đảo tên địa chủ bóc lột Vũ
Đình Đại! Kiên quyết đánh đổ địa chủ Vũ Đình Đại!” đã được đoàn cổ động do Vũ Đình Phúc đứng đầu hô to dõng dọc khắp ngõ xóm làng quê, ngày này qua ngày khác. Hai cái tên ấy đã gọi ra mối liên hệ mật thiết, máu thịt của những người trong gia đình. Con đấu tố cha đã là lạ, là bất bình thường trong truyền thống nhân nghĩa của người phương Đông ta từ xưa đến nay. Đã đành nếu người cha ấy xấu xa, tàn ác, đồi bại là một nhẽ. Còn Vũ Đình Đại trở thành trung tâm của cuộc đấu tố địa chủ xóm Giếng Chùa, đơn giản vì “có 5 mẫu ruộng, 3 trâu cày, ngày mùa ngày vụ dám thuê gần chục nhân công làm cho nhanh...”, xót xa vì “cũng hai bữa cơm đèn, làm quần quật như trâu”.... Người ta chỉ nhìn thấy kết quả mà họ có được mà không nhìn thấy bao nhọc nhằn họ phải trải qua, bao trăn trở để có một vụ mùa thắng lợi. Nhà văn đã hài hước hóa một chi tiết thật đau lòng khi “Phúc bước ra, mở đầu bằng câu hỏi:
- Địa chủ Đại, mày có biết tao là ai không”
- Dạ thưa ông tôi có biết ông, vì tôi đã trót đẻ ra ông!” [34, tr. 22]
Từ “trót” cất lên nghe sao mà cay đắng thế. Đạo lí con người, luân lí cha- con bị chà đạp chỉ trong một từ gọn ghẽ ấy mà thôi!
Việc qui sai địa chủ, đấu tố địa chủ không chỉ mang lại nhiều mất mát, thiệt thòi, bất hạnh cho một bộ phận người mà còn thay đổi vị thế xã hội cho khá nhiều người. Bao kẻ bần cùng đã lên thành “ông, bà cán bộ”. Bộ máy chính quyền để lọt vào tay những kẻ cơ hội, thiếu phẩm chất đạo đức, năng lực kém cỏi như Lẹp, như Thủ, như Đột, Tí Hin... Một số hiện thực không khỏi khiến chúng ta đau xót đến bàng hoàng. Dòng sông mía của Đào Thắng ghi lại đêm đen của nông thôn trước ngày bừng sáng như thế. Kẻ bất nhân như Lẹp lại làm cán bộ, những người lương thiện như chị cả Thuần, ông Nghĩa, ông Quĩ Nhất... hoặc bị bắn chết hoặc sống trong sự đọa đày. Làng Thanh Khê của Lẹp rồi đây sẽ chứng kiến “sự đổi ngôi địa chủ phú nông xuống dưới, bần nông, cố nông cưỡi lên trên”. Bà mụ Mến đã mụ mị đi khi lần đường xuống dòng Châu Giang. Nhưng người mẹ đau khổ vẫn nhận ra rõ thảm cảnh “Nó và đồng bọn trong công cuộc này đã xây đài cao cho cái ác. Hàng
vạn, có thể hàng chục vạn người con ưu tú, trung kiên, một lòng phụng sự đất nước đã chết trong oan khuất” [25, tr. 277].
Cũng là nông thôn trong thời khắc bừng tỉnh, ở Thời xa vắng của Lê Lựu là
lúc Hạ Vị từ giã cung cách làm ăn cũ: “Cuộc họp toàn xã tối nay đã công bố những quyết định gắt gao của ủy ban hành chính xã”. Từ cuộc họp này làng Hạ Vị sẽ thay da đổi thịt từ chính đồng đất và con người nơi đây. Làng quê ấy cần phải có thời khắc lịch sử này, từ khi ông Hà tuyên bố tất cả những việc phải làm từ ngày mai. Sau bao năm dài sống dưới ách thực dân phong kiến, sau hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, nông thôn Việt Nam tất yếu có những chuyển biến lớn lao sâu sắc. Sự thay đổi đó lay động đến cả gốc rễ sâu sa của những quan niệm nề nếp xưa cũ. Có một thời cả làng quê đã bị vây bọc trong một không khí ruỗng nát, bản thân nó đã thoái hóa suy tàn. Trong Mảnh đất lắm người nhiều ma, sự thay đổi đó hiện thân qua một lớp người trẻ tuổi như Đào, Tùng, Minh. Họ là đại diện cho cái mới nhưng còn yếu ớt ngày từ trong ý thức phản kháng. Sự yếu ớt ấy không đủ để tạo nên sức mạnh cần thiết để đạp tung, phá vỡ cái cũ. Nhưng những con người mới ấy là tiền đề để xây dựng một cuộc đời khác trong lành, minh bạch.
Trở lại đề tài nông thôn ở Thủy hỏa đạo tặc, nhà văn Hoàng Minh Tường như muốn nói hết những băn khoăn của cây bút là con đẻ của đồng ruộng. Tác phẩm đã phản ánh trung thực, cắt nghĩa và dự báo trước sự tan rã tất yếu của mô hình hợp tác xã sản xuất nông nghiệp theo lối bao cấp. Ngày nay thực tiễn đã chứng minh tính hiệu quả của cơ chế khoán sản phẩm đến người lao động mới càng thấy hết tính chất cấp bách của vấn đề mà nhà văn đặt ra trong tác phẩm của mình từ hàng chục năm qua. Tác phẩm đã khép lại giai đoạn huy hoàng của mô hình hợp tác xã nông nghiệp. Hợp tác xã Thanh Bình được dốc sức xây dựng, đầu tư về chất xám và vật chất vẫn chỉ là một cơ chế èo uột có nguy cơ đổ vỡ. Nhân tố đầu tiên báo hiệu cho sự đổ vỡ ấy là người nông dân Trạc, cũng là người đã luôn miệt mài say sưa với ruộng đồng. Sự bức bách trong ông lớn dần lên, bùng phá thành cơn giận dữ với cả vợ con: “Bà bảo sống là sống thế nào? Sống để người ta đè đầu cưỡi cổ mình? Cái thời đế quốc phong kiến nó đi một nhẽ. Chứ thời buổi dân chủ này, ức hiếp
nhau như thế, uất không chịu được. Mà tôi có phải người lười biếng hay phá phách phản động gì? ... Hơn sáu mươi mà hàng ngày vẫn theo đít con trâu, quần quật ngoài đồng. Làm mười mà không được ăn một.” [36, tr. 175]. Đội ngũ lãnh đạo hợp tác xã, xã và huyện trừ vài ba kẻ cơ hội, đều là những người rất tận tụy và có tấm lòng muốn xây dựng một quê hương thật giàu đẹp. Nhưng hợp tác xã điển hình trong mơ ước của Bí thư huyện Trần Sinh vẫn không thể được dựng lên, không phải yếu kém về năng lực quản lí mà là do sự bất hợp lí của mô hình kinh tế bao cấp áp đặt vào nông thôn. Những người lãnh đạo như bí thư huyện Trần Sinh, như ông Điền- bí thư đảng ủy xã, như chủ nhiệm hợp tác xã Cơ đã quá lệ thuộc, quá tuân thủ đến cứng nhắc chủ trương chính sách mà không dám đổi mới cho phù hợp với nguyện vọng và tình hình địa phương. Những biểu hiện thay đổi đều bị coi là phản động, phá hoại chủ trương chính sách của nhà nước. Song bản thân những người trong cuộc đã thấy rõ “sản phẩm mồ hôi nước mắt của những người lao động thực chất đã trở thành những thứ vô chủ”. Nhà văn đã dự báo trước nguy cơ bùng nổ nếu như mô hình này còn tồn tại: “Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi phương thức quản lí... chúng ta phải có cách làm ăn mới”. Sự dũng cảm, trung thực của người cầm bút đã khiến cho Thủy hỏa đạo tặc là tác phẩm nhiệt thành viết về thời kì suy vi của mô hình kinh tế bao cấp ở nông thôn. Hoàng Minh Tường thừa nhận: “cái máu nhà quê đã ngấm vào hồn vía... Thôn quê luôn ám ảnh, phủ lên tôi một thứ ánh sáng, một trường lực khiến tôi không thể thoát ra được”, vì thế ông viết như chính mình là người trong cuộc, nhập thân sâu sắc vào các nhân vật và cất lên tiếng nói hết sức mạnh mẽ. Một thứ tiếng nói đấu tranh của những người mang đầy bức xúc.