Một nông thôn “đất lề quê thói”

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết viết về nông thôn thời kì đổi mới (qua một số tác phẩm đoạt giải (Trang 27)

5. Cấu trúc

2.1.2. Một nông thôn “đất lề quê thói”

Làng quê nghèo gắn với hủ tục ngàn đời. Những dấu vết của xã hội phong kiến tưởng như đã bị xóa bỏ cùng sự sụp đổ của thể chế phong kiến song vẫn tồn tại, bám rễ trong lòng xã hội nông thôn, không những chưa mai một đi mà ngày càng trở nên phức tạp, rối ren hơn. Nông thôn- đó không đơn giản là nơi sinh ra mọi dòng họ, mọi chi nhánh, nhân tố tạo nên gia đình Việt Nam hiện đại, mà làng quê Việt Nam là nơi bám gốc rễ lâu đời đến trở thành thâm căn cố đế những quan niệm, phong tục xưa cũ. Tại sao những quan niệm, phong tục ấy lại có sức bám rễ lâu đời đến vậy? Bởi lẽ, nó đã trở thành “lề thói” của làng quê rồi.

Lê Lựu viết Thời xa vắng quả thật làm sống lại một qúa vãng của làng quê.

Chuyện ngày hôm qua chưa xa nhưng những lề thói ở đó khiến quê hương của Giang Minh Sài như thuộc về một “thời xa vắng” thực. Tục tảo hôn ở nông thôn khiến bao đứa trẻ vừa lớn dậy đã phải gánh những trọng trách thiêng liêng và quan trọng quá khả năng của chúng. Sài không thể ý thức được là nó đã có vợ nên khi vợ vô tình giã trẹo vào tay thì ông chồng con đã “thụi vào mặt vợ nó” rồi giở giọng đầy hống hách của một đứa trẻ “Bố mày đến đây cũng đếch sợ, ông huých chó nó cắn

lồi mắt bố mày ra”. Người chồng trẻ con ấy đã đối xử với “vợ” với tất cả những bực dọc, ấm ức biến thành lời nói, hành động rất trẻ con mà đầy thô bạo. Sài chỉ biết rằng nó không thích, nó ghét, nó khó chịu. Người ấy là người mà bố mẹ ép phải “cưới”, nhưng nó không hề thấy nảy sinh trong lòng một tia tình cảm nào kể cả là lòng thương. Đó là một cuộc hôn nhân không xuất phát từ tình yêu mà là sự hẹn ước của hai gia đình; và sau bao năm chung sống người vợ vẫn là người con gái trong trắng. Đáng sợ nhất là vì danh dự gia đình, dòng họ mà Sài phải tỏ ra “yêu thương vợ” trước mặt mọi người. Gia đình ông đồ Khang xưa nay vẫn được người dân người làng kính nể. “Dăm bẩy tháng nay hòa bình được lập lại có ai khinh rẻ những người cổ hủ phong kiến thì vẫn phải nể ông”. Sài là con trai trong gia đình, và chàng trai ấy từ nhỏ đến lớn phải giữ gìn sự đẹp đẽ cao cả cho gia phong của gia đình tổ tiên. Lúc nhỏ thì giữ gìn trong đoàn thể ở xã, huyện; lớn lên đi công tác nó buộc phải “yêu vợ mới được vào Đảng”. Cuộc hôn nhân như một trò đùa của con trẻ (mặc dù được sự tác hợp đầy nghiêm túc của hai gia đình) đã bám riết lấy số phận hai con người, hủy diệt hạnh phúc và tương lai của họ. Lê Lựu bằng bi kịch của cuộc đời Sài đã chỉ ra một “lề thói” ở làng quê xưa: Hôn nhân của con cái phụ thuộc vào sự sắp đặt của cha mẹ. Họ không tính đến nhu cầu về tình cảm và mong muốn thực sự của các con. “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” là câu tục ngữ đúc kết hủ tục ấy. Không phải ông bà đồ Khang không thương con, chú Hiền, anh Hà cũng vậy- luôn rất mực lo cho sự thành bại về sự nghiệp danh dự của Sài nhưng do sự cứng nhắc lạc hậu trong nhận thức, do sự chi phối của tư tưởng gia trưởng phong kiến mà vô tình họ đã làm khổ Sài suốt cuộc đời.

Sự khẳng định sức mạnh, uy quyền của dòng họ và xung đột giữa các dòng họ là vấn đề thường thấy ở các làng quê Việt Nam. Giống như vai trò của cá nhân anh hùng trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, mỗi cá nhân trong một gia đình nhỏ, thuộc một dòng họ lớn có trách nhiệm và phải chấp nhận hi sinh lợi ích của cá nhân mình để giữ gìn gia thế và vị trí của họ tộc. Sau những lũy tre làng, cuộc sống chẳng phải chỉ có cày cuốc, vun trồng, chuyện trò sớm tối mà còn có cả mối thâm thù giữa các dòng họ. Mọi sự âu cũng vì chữ “danh, lợi”. Người ta thù hằn nhau vì

quyền lực, hôn nhân và đất đai: “Hôn nhân, điền thổ, vạn cố chi thù!”- dân gian vẫn

có câu như thế! Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường làm sống

lại một nông thôn thật rùng rợn. Những thù hằn cá nhân cùng với mối thù dòng họ khiến xóm Giếng Chùa ấy như có “ma”, thậm chí rất nhiều. Một lũ người sống mà khác gì “ma”, quỉ khi “Miệng nói tay làm, Hàm vớ ngay lấy cuốc đẩy chiếc khung nhà táng xuống, giận dữ như đẩy nhào một đối thủ bằng xương bằng thịt. Rồi Hàm bổ nhát cuốc xuống đỉnh mộ như hạ một lời tuyên chiến... Đêm càng đen kịt. Đen như chính lòng người!” [34, tr. 95]. Mối thù giữa hai dòng họ Vũ Đình và Trịnh Bá đã thôi thúc ông Hàm làm một việc thật đáng sợ và thất đức: đào mộ người mới chết, bố của Vũ Đình Phúc. Hai dòng họ “gây thù chuốc oán” với nhau từ đời cha đời ông: “Đời cụ Cố là chuyện đất, chuyện chức, chuyện chức lí trưởng dù nhỏ, nhưng đấy là chuyện danh dự, là chuyện được thua giữa hai dòng họ, là phần đầu gà má lợn, là chỗ ngồi chiếu nhất giữa đình làng. Đôi bên đã giành nhau kịch liệt. Đến đời ông Phúc thì lại là chuyện tình. Thật oái oăm, hai dòng họ này cứ vờn nhau, cứ lừa miếng nhau không biết mệt” [34, tr. 23]. Lời trăn trối của ông bố Trịnh Hàm trước khi qua đời cùng với hiềm khích trong việc tranh giành vị trí lãnh đạo xã đã hình thành trong tâm địa Hàm một ý định thật khủng khiếp. Mối thù hằn dòng họ tiếp truyền từ đời trước qua đời sau, hành hạ nhau lúc sống chưa đủ họ còn phá hoại sự tĩnh lặng của người chết nơi mồ mả. Đưa vào tiểu thuyết của mình chi tiết này, nhà văn dường như muốn nhấn mạnh về sự phức tạp và khá “quái đản” của một bộ phận người sống nơi làng quê. Họ có thể làm tất cả, kể cả đó là điều xấu, điều ác chỉ để thỏa mãn sự hiếu thắng, để chứng minh sức mạnh của dòng họ mình. Là thế hệ con cháu của hai dòng họ, Đào và Tùng lại yêu nhau tha thiết. Tình yêu của họ không được sự ủng hộ từ tất cả họ tộc bởi như thế là đi ngược lời nguyền của ông cha. Rõ ràng nhà văn hiểu rất sâu sắc mảnh đất nông thôn của mình để từ đó sáng tạo nên một cốt truyện “tỉnh táo và kín kẽ” (Trung Trung Đỉnh). Nhà văn đã làm hiện lên không khí oi nồng xưa cũ mà người ta sẵn sàng đào mả người đã chết vì mối thù truyền kiếp u mê.

Mô típ đôi lứa yêu nhau bị phản đối, ngăn cấm, chia lìa vì xung đột dòng họ

cũng được sử dụng trong cốt truyện tiểu thuyết Bến không chồng của Dương Hướng.

“Cụ Tổ dòng họ Nguyễn đã khắc ghi một lời nguyền độc, rằng: Nước sông Đình ngàn năm không cạn

Cầu Đá Bạc vạn kiếp trơ trơ Bến Tình còn đẹp như mơ

Mối thù họ Vũ bao giờ mới nguôi” [10, tr. 14]

Sự thù hằn đã ăn sâu vào trong nếp nghĩ của mỗi con người trong dòng họ, buộc mỗi người luôn phải ý thức về sự đối đầu với những người thuộc “phe đối lập”. Thế nhưng tình yêu của tuổi trẻ không giới hạn. Những tâm hồn trẻ đầy khao khát tình yêu và tự do không thể chấp nhận rào cản tai ương ấy. Hạnh và Nghĩa, từ thuở còn là những đứa trẻ thơ chưa nhận thức được về thù hận của bậc cha ông chúng đã thích chơi với nhau, biết thương nhau mà để giành cho nhau từng quả chuối, củ khoai. Và tình yêu đã hình thành từ những ngày thơ ngây đó. Thứ tình cảm trong sáng và thiêng liêng ấy đã trở thành nỗi bàng hoàng cho cả hai dòng họ. Chú Vạn, người đã từng yêu thương Hạnh như con gái mình (mặc dù đó là đứa con gái của dòng họ Vũ) đã nổi giận khi nghe Hạnh và Nghĩa thú nhận về tình cảm chúng dành cho nhau. Vạn sau phút giận dữ lại nhẫn nại khuyên răn: “Chú van các cháu hãy tĩnh trí lại. Các cháu không thấy đã có bao nhiêu chuyện rắc rối xảy ra” và thừa nhận “Chú đây cũng có thời yêu mẹ cháu. Nếu như chú mà không vững tâm thì bây giờ đã mất hết cả” [10, tr. 67]. Nhưng người đọc thấy rất rõ Vạn đã mất đi người mình yêu thương, mà lẽ ra nếu mạnh mẽ Vạn đã cùng chị Nhân có một mái nhà êm ấm. Hạnh và Nghĩa là những thanh niên của thời đại mới, mang tư tưởng tiến bộ mới. Chúng đã chấp nhận “mất” những điều như Vạn nói, để giành lại điều quan trọng là tình yêu và hạnh phúc. Song hai con người nhỏ bé ấy vẫn không thể chống chọi được với cả một dòng họ uy nghiêm, để đến nỗi khi đã nhờ đoàn thanh niên tổ chức đám cưới xong, chúng vẫn chẳng có chung một mái nhà để ở. Cha của Nghĩa nhất định không để cho Hạnh bước chân về sống trong nhà như một người con dâu thực sự, vì làm như thế là phá hoại lời nguyền của cha ông. Đôi trẻ đầy bản lĩnh ấy

thật đáng trọng, và thật đáng thương khi mơ ước rất bình dị, bình thường mà khó thành: “Anh mơ ước một điều thật giản đơn là được sống hạnh phúc với em trong căn buồng bố mẹ đã dành cho anh trên nền từ đường họ. Chuyện này mà thực hiện được có ý nghĩa rất lớn lao cho cuộc đời anh. Anh sẽ trị vì dòng họ Nguyễn. Anh sẽ xóa bỏ lời nguyền của cụ Tổ. Hai dòng họ sẽ không còn hận thù. Trai gái họ sẽ được tự do yêu nhau.” [10, tr.71]. Với suy nghĩ ấy, Nghĩa thực sự thuộc về một xã hội mới, là mẫu người cần có khi đất nước bước vào cuộc đổi đời.

Tiểu thuyết viết về nông thôn Việt Nam thời kì đổi mới được sáng tác trong xu hướng “nhận thức lại thực tại”, tái hiện hiện thực nơi những làng quê còn nặng nề định kiến- những định kiến vô hình nhưng là gông cùm mà mỗi người nông dân lại tự nguyện chịu sự trói buộc. Đó là quan niệm về đạo đức con người gắn với gia thế dòng tộc, con người ta chỉ được coi là tốt khi biết chấp nhận và sống theo qui tắc của dòng họ. Vì sự ép mình đó mà không ít người đã phải sống cuộc đời đầy bi kịch đầy những ấm ức, khổ đau. Nhân vật Giang Minh Sài của nhà văn Lê Lựu đã luôn vì danh dự dòng họ gia đình mà chấp nhận cuộc hôn nhân cười ra nước mắt, bởi gia đình nề nếp ấy không bao giờ chấp nhận việc Sài ruồng rẫy vợ. Anh mất đi tuổi thơ bởi những lo âu và hậm hực. Anh đánh rơi tình yêu, hạnh phúc với Hương, đi nhập ngũ như một sự trốn chạy vì tai tiếng “trăng hoa” với người khác khi đã có vợ.

Trong Bến không chồng của Dương Dướng, anh bộ đội Vạn trở về quê hương với

ngực áo đầy huy chương. Đó là niềm tự hào của cả làng xóm, cả họ tộc và của chính bản thân anh. Cũng chính bởi niềm tự hào ấy, cũng bởi hai chữ “danh gia” cho họ tộc mà anh phải nén mình trước “mái tóc dài” của chị Nhân. Vạn thừa nhận tình cảm của mình có thật, song anh không dám vượt qua lời nguyền của dòng họ. Anh chấp nhận cuộc đời cô đơn. Bao kiếp người bấy nhiêu thân phận bị định kiến ràng buộc không dám và không thể sống là chính mình. Những kiếp người như cô Bé, bà

Mến, cô Bê lớn trong Dòng sông mía của nhà văn Đào Thắng chẳng phải là những

ám ảnh về kiếp người đó sao? Họ sống thuần phác và khao khát hạnh phúc như bất cứ ai, nhưng định kiến về danh tiết đã đày ải họ. Buộc phải chấp nhận có một đứa con, một người yêu, một người chồng như Lẹp, họ là những người bất hạnh nhất thế

gian. Cô Bê lớn không thể tố cáo, trừng trị người chồng bất nhân mà đổ bệnh thành phế nhân. Có nỗi khổ nào hơn khi phải bất đắc dĩ sống bên một người chồng đã từng giết em trai mình và hãm hiếp mình ngay trên chiếc thuyền đưa tiễn! Họ an phận để được sống với thiên chức “trời định” ấy dù thằng Lẹp ngày càng không giống người. Bởi Bê lớn không thể trở thành người đàn bà không chồng mà chửa, tội lỗi ấy sợ không sống được trên đời! Khi nông thôn đã đằm hẳn mình vào không khí đổi mới, những định kiến hẹp hòi đó vẫn ràng buộc con người. Đó cũng là thân

phận cô Luyến trong Thủy hỏa đạo tặc của Hoàng Minh Tường: một phụ nữ chỉn

chu, hết lòng vì công việc mà lỡ làng duyên phận. Khát khao làm mẹ đã đẩy Luyến vào bi kịch. Khát khao ấy có lúc đã cháy bỏng khiến Luyến cảm thấy mình có thể vứt bỏ tất cả để có thể có được một đứa con, thật sự là máu thịt của mình, chứ không phải xin vay của bất cứ ai. Nhưng khi mơ ước ấy đã trở thành sự thật, khi có một mầm sống bắt đầu lớn dậy trong cơ thể thì cô lại dằn vặt, đau khổ. Bởi vì “Luyến là một đảng viên. Luyến không thể bôi nhọ danh dự của cả một tổ chức”. Ý thức về trách nhiệm luôn thôi thúc mạnh mẽ trong lòng người phụ nữ tội nghiệp ấy. Cô không buông thả mình như Thị Mầu, sự buông mình ấy chỉ vì một lí do... như mong muốn của bất cứ một người phụ nữ nào khác sống trong cuộc đời này: được làm mẹ. Đã bao ngày cô sống trong sự dằn vặt, phấp phỏng, đau buồn. Và Luyến, dù với tất cả sự dằn vặt và thành thật vẫn không thể khiến những người trong đảng ủy xã (trừ ông Điền) có thể thông cảm. Họ truy bức, căn vặn, và họ khai trừ cô ra khỏi Đảng. Luyến đã chấp nhận mất tất cả để được giữ thiên chức thiêng liêng của người phụ nữ.

Qua các trang tiểu thuyết ấy, chúng ta có thể hình dung ra một nông thôn ngột ngạt bức bối không chỉ vì khó khăn, nghèo đói mà còn vì những hủ tục lạc hậu, định kiến cứng nhắc, hẹp hòi. Đó là những mầm mống của chế độ phong kiến xưa vẫn tồn tại vững bền trong mảnh đất nông thôn dù đất nước đã bước vào thời đại mới. Con người vì sợ, vì yếu đuối không thể vượt qua áp lực của cả một tập thể lớn. Và nếu dám đương đầu, chắc chắn họ sẽ phải chịu những thương đau. Các nhà văn bằng những trang viết hết sức sinh động, hấp dẫn đã đưa người đọc nhìn lại sự phức

tạp ấy của con người khi sống nơi làng quê. Đó là nét riêng có, vốn có làm nên đặc trưng cho làng quê Việt Nam- một dân tộc đã thấm nhuần tư tưởng của Nho giáo bao thế kỉ trước.

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết viết về nông thôn thời kì đổi mới (qua một số tác phẩm đoạt giải (Trang 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(81 trang)