Thế giới nhân vật phong phú, đa dạng, có mối quan hệ nhiều chiều

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết viết về nông thôn thời kì đổi mới (qua một số tác phẩm đoạt giải (Trang 38)

5. Cấu trúc

2.2.1. Thế giới nhân vật phong phú, đa dạng, có mối quan hệ nhiều chiều

Tương ứng với hiện thực đời sống nông thôn được miêu tả, năm tiểu thuyết làm hiện lên một thế giới nhân vật với đủ lứa tuổi. Đó là những đứa trẻ với những trò chơi dân gian bên bờ sông Châu Giang như Lẹp, như cô Bé, như anh em Khuê, Vân, Các, như cậu bé Nghĩa, cô bé Hạnh say mê những câu chuyện cụ Nghiên kể về làng Đông, về cái “Bến không chồng”; đó là những chàng trai cô gái thôn quê khỏe mạnh về khí chất và tinh thần như Đào, Tùng, Minh, như Hạnh, Nghĩa, hai anh em thằng Hà...; có cả những người đã qua trải nghiệm, tuổi đời và kinh nghiệm đã thành thứ vốn để dành như ông Quĩ Nhất, ông Nghĩa, ông Trạc...; những người già cả xuất hiện cùng quãng đời cuối của kiếp người như ông đồ Khang, cụ Nghiên. Họ làm nên diện mạo nông thôn với bao tâm tư, tính cách do đặc điểm riêng của từng lứa tuổi. Thế giới nhân vật ấy còn có đủ mọi tầng lớp trong xã hội: những người cùng đinh khốn khổ như mẹ con bà mụ Mến, gia đình ông Nghệ sống trên dòng Châu Giang, như Lão Quyềnh, Thó...- họ thuộc lớp người dưới đáy chịu bao đày đọa về thể xác và tâm hồn. Với sự hèn mạt của thân phận, họ dần trở nên dị thường. Có một bộ phận nhân vật lại là những người tháo vát, có tài tính toán làm ăn như ông Quĩ Nhất, ông Hàm... hoặc những chức sắc địa phương như Thủ, như bí thư huyện Trần Sinh, ông Điền bí thư đảng uỷ xã, như chủ nhiệm hợp tác xã Cơ.... Mỗi nhân vật rất gần với cuộc đời thực từ niềm vui nỗi buồn, đến mọi trạng thái cảm xúc: hạnh phúc, sung sướng trong tình yêu của đôi trẻ Hạnh Nghĩa, Thắm Đạt; khổ đau vì tan vỡ tình yêu, hạnh phúc khi quá nhiều áp lực như Vy; đó còn là những người phẫn uất mà trở thành điên loạn khi quá bất mãn với cuộc đời như chị Cả Thuần; và không trừ cả những người sống trong mơ mộng, ảo tưởng về những điều chưa có thật. Tính cách nhân vật rất thực, có khi là một trong những thái cực hoặc tốt- xấu, thật thà- xảo trá, hiền lành- tàn ác... Có thể nhìn thấy rất rõ đó là một thế giới nhân vật phong phú, đa dạng và khá phức tạp. Trong quá khứ, tiểu thuyết hiện thực về đề tài nông thôn giai đoạn 1930- 1945 lại thường xây dựng nhân vật thành hai tuyến

đối lập: người tốt- kẻ xấu, nhân vật chính diện- phản diện. Xuất phát từ quan điểm hiện thực, các nhà văn đã phản ánh qua tác phẩm những mâu thuẫn nổi bật mang tính thời đại: mâu thuẫn kẻ giàu- người nghèo, cao hơn là mâu thuẫn mang tính giai

cấp giữa địa chủ và nông dân. Ở đó, địa chủ, cường hào như Nghị Lại (Bước đường

cùng- Nguyễn Công Hoan), Nghị Quế (Tắt đèn- Ngô Tất Tố) ... là những kẻ đồi bại

về nhân phẩm, tàn ác trong đối nhân xử thế, hà hiếp, áp bức, bóc lột đến xuơng tuỷ người nông dân. Những người như anh Pha, chị Dậu cùng bao người nông dân khác dù thân phận thấp hèn, nghèo khổ song luôn là những người lương thiện, sáng ngời về nhân cách. Trong Tắt đèn hình tượng nhân vật Chị Dậu trở nên sáng đẹp lạ thường bởi sự nhẫn nại, sức lo toan, ở đức tính chung thuỷ, hết lòng yêu chồng thương con. Hơn thế, ở anh Pha và Chị Dậu còn tiềm tàng ý thức đấu tranh, phản kháng lại giai cấp bóc lột để hướng đến cuộc sống tốt đẹp và tự do. Nếu như các nhà tiểu thuyết hiện thực truớc 1945 xây dựng nhân vật theo xu hướng điển hình hoá, với những tính cách và phẩm chất khá ổn định cho một tầng lớp, giai cấp nào đó trong xã hội thì nhân vật trong tiểu thuyết thời kì đổi mới đa chiều, không nguyên phiến. Cũng thường khi họ là những nhân vật phức hợp như bản thân con người trong đời sống.

Nổi bật trong thế giới nhân vật của tiểu thuyết thời kì đổi mới về nông thôn Việt Nam là những một nhóm nhân vật chiếm số lượng khá đông: những người đàn

ông đã đứng tuổi như ông Hàm, Thủ, Phúc trong Mảnh đất lắm người nhiều ma,

như Lẹp, Bếp Rỗ trong Dòng sông mía, như Cản trong Thuỷ hoả đạo tặc...; những

người đàn bà cuộc đời nhiều vất vả và bất hạnh như bà Son (Mảnh đất lắm người

nhiều ma), chị Nhân (Bến không chồng), Luyến (Thuỷ hoả đạo tặc), bà Mến, chị Cả Thuần (Dòng sông mía)... Họ không tiêu biểu cho một giai cấp nào đó như trong tiểu thuyết trước 1945 mà có sự gặp gỡ của những nét tính cách đặc trưng. Nếu những người đàn ông như đã kể trên được đặc tả với bộ mặt tráo trở, với tâm địa thủ đoạn thì những nhân vật người phụ nữ lại quá đa đoan. Có người là vợ mà âm thầm chấp nhận làm phận tôi tớ cho chồng như bà Son, có người phải sớm nhận quá nhiều nỗi đau khi chồng và hai con trai lần lượt không trở về như chị Nhân, có

người vì quá thuỷ chung với người yêu mà thành lỡ dở như Luyến, có người vì cuộc đời quá nhiều ngang trái mà uất ức đến tự vẫn như bà Son, bà mụ Mến, chị Cả Thuần... Nhà văn đã chỉ ra những nỗi bất hạnh về tinh thần của những con người ấy. Không phải là những khó khăn thiếu thốn về vật chất, mà chính những ràng buộc tinh thần đã đày đoạ cuộc đời họ. Trong năm tiểu thuyết có biết bao nhân vật được khắc họa sinh động và chân thực, họ đều là những con người của làng quê nông thôn. Họ cơ bản sống gắn bó với làng quê- nơi họ sinh ra, gọi là quê cha đất Tổ ấy. Trong mỗi con người đều có một người nhà quê trú ngụ, với những nếp nghĩ của nông thôn nghìn đời đã ăn sâu vào họ trở thành thâm căn cố đế.

Đặc biệt hơn, thế giới nhân vật “người nhà quê” trong năm tiểu thuyết không chỉ đông đúc với đủ mọi thành phần mà còn có những mối quan hệ hết sức phức tạp. Thông qua việc thiết lập những mối quan hệ ấy, nhà văn để nhân vật của mình được bộc lộ một cách tự nhiên và chân thực nhất tính cách và bản chất. Đồng thời, với những mối quan hệ khác nhau nhân vật lại thể hiện những mặt tính cách và tâm trạng khác nhau. Đó là cơ sở quan trọng để xây dựng hình tượng con người không nguyên phiến, nhiều chiều trong văn học hiện đại. Trong đó có cả những mối quan hệ tốt đẹp, có cả những mối quan hệ đầy bất trắc. Với một thế giới nhân vật thuộc đủ mọi lứa tuổi, mọi giới tính, năm nhà văn trong năm tiểu thuyết cũng xây dựng được những cặp “xứng đôi vừa lứa” thực sự gắn bó với nhau vì tình yêu tha thiết. Đó là Sài- Hương trong Thời xa vắng, là Đào- Tùng trong Mảnh đất lắm người nhiều ma, là Hạnh- Nghĩa trong Bến không chồng, là Thắm- Đạt, Thanh- Vy trong

Thủy hỏa đạo tặc, là Khuê- Mận trong Dòng sông mía. Họ đến với nhau, có người nên vợ nên chồng, có người rồi vì những nhầm nhỡ, áp lực mà xa cách nhưng trước hết gắn kết họ là sự đồng cảm, thấu hiểu và say mê thực sự. Nhà văn đã xây dựng nên một nhân vật Sài khi ở bên cạnh Hương, khi nghĩ về Hương hoàn toàn khác khi sống bên cạnh Tuyết- người vợ chính thức của mình. Trong gian nhà xây lợp cỏ tranh và lá mía lùn tịt cũng dành riêng gian bên trái làm “buồng vợ chồng Sài”, song cái sự ấm ức và khó chịu lớn đến nỗi Sài “chưa một lần nào quay mặt nhìn vào phía cửa buồng ấy”. Vậy mà lần đầu tiên khi ở bên Hương- cô bé vừa xinh xắn vừa học

giỏi, không còn thấy một Sài khô khan, cục cằn như trước nữa. “Anh, cũng như người nông dân đang lúc giáp bát được mùa bội thu thì suốt cả đời chỉ có đứng trên thửa ruộng vừa thu hoạch của mình mà thoả mãn, dù sự thèm muốn có đốt cháy cả người mình cũng không dám mơ tới một vùng đất lạ hết sức màu mỡ tốt tươi” [18, tr. 57]. Nếu như ai, cũng như những người dân làng Hạ Vị thời ấy phê phán họ là “giăng gió”, là trăng hoa ngoài vợ ngoài chồng thì thật là không phải. Bởi đó mới thật sự là tình yêu, và trong mối quan hệ ngọt ngào ấy Sài mới thực sự được là mình. Nhà văn Lê Lựu đã đặt nhân vật trung tâm của tiểu thuyết vào hai mối quan hệ tình cảm để người đọc tự cảm nhận và so sánh. Và chúng ta thấy rõ, sự ép buộc và áp đặt quá ngặt nghèo, đặc biệt về mặt tình cảm sẽ dẫn tới bi kịch cho con người. Nếu Sài được những người trong gia đình ủng hộ, nếu Sài dám vứt bỏ danh vọng để níu giữ tình yêu ấy thì có lẽ cuộc đời Sài đã không đi hết mệt mỏi này sang đau khổ khác như thế. Nhưng gia đình của ông đồ Khang, và xã hội ấy không thể làm được điều đó. Và Sài cả cuộc đời phải sống trong bi kịch tinh thần!

Đào và Tùng- thế hệ những chàng trai cô gái trẻ tuổi trong tiểu thuyết của Nguyễn Khắc Trường- những tâm hồn khát khao yêu đương và yêu nhau đến cháy bỏng. Tình yêu lớn ấy đã vượt qua rào cản xung đột, thù hằn giữa hai dòng họ, biến thành sức mạnh để mỗi khi được màn đêm “che chở và khuyến khích” Đào lại lần theo con đường dẫn ra cánh đồng Tròn, để được gặp Tùng. Sự say mê đến cuồng nhiệt của đôi trẻ ấy tưởng chừng chẳng bao giờ, chẳng điều gì có thể tách rời! Sự trong sáng và những nhiệt thành trong tâm hồn của đôi trẻ ấy đi ngược lại những âm mưu trả thù đầy hằn học của những bậc làm cha, làm chú. Vậy mà cuối cùng những việc làm vô nhân đạo giữa hai gia đình đã phá vỡ tình yêu đẹp. Sự hiểu lầm đã thiêu rụi ngọn lửa yêu đương đang rừng rực trong tim Đào, biến thành nỗi ấm ức, sự tức giận vô cùng. Hậu quả của sự thù hằn vô bờ bến là sự tan vỡ một tình yêu đẹp, dập tắt ý thức phản kháng lại những tư tưởng cũ để xây dựng những quan hệ mới tốt đẹp hơn. Hạnh và Nghĩa, hai nhân vật lí tưởng của nhà văn Dương Hướng cũng rơi vào hoàn cảnh như thế! Tình yêu ấy bền vững, mạnh mẽ, chiến thắng sự ngăn cấm của dòng họ để dựng xây nên hai chữ vợ chồng. Đã kiên cường vượt qua bao sóng

gió, vậy mà con thuyền hạnh phúc của họ vẫn không đi được đến bến cuối cùng. Vẫn là vì dư luận, vì áp lực... Những mối quan hệ riêng tư ấy được đưa vào cấu trúc tác phẩm, đem lại cho người đọc cảm nhận về một dòng nước ngọt ngào vẫn len lách chảy trong mạch ngầm của đời sống đang khô cằn. Những con người ấy, với những mối quan hệ ấy là những nhân tố cần có cho một xã hội trong giai đoạn đổi mới! Chúng ta cần tin tưởng hơn vào những tình cảm, những mối quan hệ tốt đẹp của con người.

Nếu thế hệ trẻ trong năm tiểu thuyết được xây dựng trong sự gắn kết của những mối quan hệ đạo lí, tình cảm hết sức tốt đẹp thì có một bộ phận những người tưởng chừng đã “chín” về tư tưởng, về nhân cách lại nuôi trong mình những suy

nghĩ, âm mưu đầy hằn học. Không khí nông thôn Việt Nam trong tiểu thuyết Mảnh

đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, trong Bến không chồng của Dương Hướng ngột ngạt, bức bối bởi sự đối kháng, thù hằn giữa các dòng họ. Nhà văn đã đặt các nhân vật của mình trong xu thế đối kháng, mâu thuẫn, trở thành những mối quan hệ thâm thù không thể hòa giải được. Tiêu biểu như Vũ Đình Phúc

và Trịnh Bá Hàm- hai nhân vật trung tâm trong Mảnh đất lắm người nhiều ma. Đặt

nhân vật vào mối quan hệ thâm thù ấy, nhà văn làm hiện lên minh bạch những toan tính, thủ đoạn đáng sợ của họ. Câu chuyện vì thế không nhạt nhẽo mà trở nên vô cùng gay cấn, thú vị; đồng thời đặt ra được những vấn đề nhân sinh hết sức cấp thiết trong xã hội nông thôn Việt Nam.

Tương đương với những vấn đề của hiện thực, các nhà tiểu thuyết cũng đặt nhân vật vào những mối quan hệ của người làm chủ và kẻ làm thuê; người lãnh đạo và kẻ phục tùng. Đó là những mối quan hệ khá đặc biệt và thú vị như quan hệ giữa

ông Quĩ Nhất và bà mụ Mến thời kì trước Cách mạng trong Dòng sông mía, như

ông Hàm với chị Bé- người đàn bà làm thuê trong Mảnh đất lắm người nhiều ma.

Họ vừa giúp nhau, vừa nể trọng nhau, vừa có chung với nhau những bí mật hệ trọng. Sau cải cách qui tố địa chủ, người nông dân như Nguyễn Vạn, khố rách áo ôm như thằng Lẹp được đặt lên vị trí làm chủ xã hội. Vợ con địa chủ cũ, như mẹ con mụ

Hơn lại phải chịu ơn Vạn mới có được cuộc sống yên ổn. Như vậy, ngay trong bản thân mối quan hệ ấy đã có sự chuyển hướng ngược dòng.

Khi đặt nhân vật của mình vào trong những mối quan hệ nhiều chiều, năm nhà văn cũng đã chỉ ra rõ ràng cho người đọc có sự đối lập về tư tưởng giữa thế hệ đi trước- những người đã giàu về tuổi đời và thế hệ sau- những chàng trai cô gái còn trẻ tuổi, song nhạy bén và quyết liệt hơn trước tình hình thời cuộc.

2.2.2. Thế giới nhân vật hiện thân cho những tư tưởng đối lập nhau

Nông thôn trong tiểu thuyết hiện thực trước 1945 được tái hiện trong sự đối kháng giữa kẻ giàu, người nghèo; giữa giai cấp địa chủ và người nông dân, kẻ làm thuê, người ở đợ. Các nhà văn thời kì đổi mới đã nhìn thấy trong bối cảnh thời đại mới (khi đất nước đã đánh đổ địa chủ phong kiến, người lao động đã giành được vị trí làm chủ xã hội, làm chủ cuộc đời mình) những mâu thuẫn mới không kém phần phức tạp và căng thẳng. Ý thức hệ phong kiến cũ vẫn còn dấu vết khá sâu đậm trong thời đại mới với sự xung đột, tranh giành quyền lực giữa các dòng họ trong khuôn khổ nhỏ hẹp của làng xã. Chính xung đột này đã tạo nên mối quan hệ thù hằn giữa những người đại diện cho quyền lợi của mỗi dòng họ (như đã nói ở phần trước). Người đọc còn tìm thấy trong đó sự xung đột giữa các thế hệ về mặt tư tưởng, về cách nhận thức tình hình thực tế và trong quản lí xã hội.

Có thể thấy được rất rõ trong hệ thống nhân vật của Thời xa vắng, của Mảnh

đất lắm người nhiều ma, của Bến không chồng, của Dòng sông mía có sự mâu thuẫn gay gắt giữa hai hệ tư tưởng cũ và mới. Cái cũ là cách để người viết gọi tên cho những biểu hiện của tư tưởng gia trưởng- dấu vết bền chặt của thời kì phong kiến. Nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến cũng đã khẳng định rằng: “Người nhà quê trong tiểu thuyết thời đổi mới tuy đã thoát khỏi sự áp bức của đế quốc- phong kiến song vẫn bị trói buộc trong hệ tư tưởng gia trưởng- một hệ tư tưởng hết sức bùng nhùng và phức tạp, có khi nghiệt ngã đến mức tàn bạo nhưng không phải không có chất thơ ấm áp, có cơ sở đạo đức bền vững đồng thời lại có mặt vô đạo đức: không thừa nhận cá nhân con người” [9, tr.7]. Đó là những người đàn ông đại diện cho sức mạnh, quyền uy của dòng họ. Họ hoặc nhân nghĩa, hoặc bảo thủ, hoặc mưu mô thủ

đoạn... song luôn muốn duy trì một trật tự gia đình- dòng họ theo tư tưởng phong kiến xưa, như: ông đồ Khang (Thời xa vắng), Phúc, Hàm - Thủ (Mảnh đất lắm người nhiều ma), ông Khiên, Nguyễn Vạn (Bến không chồng), ông Quĩ Nhất, ông

Nghĩa (Dòng sông mía). Khi cái đói bao trùm lấy làng Hạ Vị, khi ông đồ Khang “từ

trưa hôm qua đến giờ chưa có hạt gì vào miệng, ông cứ siết mãi sợi dải rút bện bằng

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết viết về nông thôn thời kì đổi mới (qua một số tác phẩm đoạt giải (Trang 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(81 trang)