Khắc hoạ nội tâm nhân vật

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết viết về nông thôn thời kì đổi mới (qua một số tác phẩm đoạt giải (Trang 55)

5. Cấu trúc

3.1.2.Khắc hoạ nội tâm nhân vật

Nghệ thuật khắc họa tâm lí nhân vật là yếu tố quan trọng đánh dấu sự đổi mới hiện đại của tiểu thuyết. Nhân vật được coi là thành công cần có một thế giới tinh thần chân thực, biểu hiện được cảm xúc phong phú sinh động như con người của đời thực. Phép biện chứng tâm hồn là một phương diện thành công trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của nhà văn. Thế giới nội tâm bao gồm tâm trạng, suy nghĩ, cảm xúc, cảm giác và những phản ứng tâm lí của nhân vật trước những cảnh ngộ, tình huống mà nhân vật trải nghiệm hoặc chứng kiến.

Nội tâm nhân vật có thể được thể hiện trực tiếp qua ngôn ngữ của người kể chuyện, hay khi nhân vật tự bộc bạch tâm trạng, tấm lòng mình. Có thể tìm thấy

trong bất cứ trang truyện nào một trạng thái nào đó thuộc về nội tâm nhân vật. Dòng

sông mía của Đào Thắng đưa ta đến làng Thanh Khê với những số phận đau khổ, oan trái tưởng không thể gặp ở đâu. Bà mụ Mến là lịch sử thu nhỏ của dòng Châu Giang. Suốt cả một đời bà chịu đau khổ, thua thiệt. Chỉ những lúc đi làm công việc của một bà đỡ, bà mới thấy mình có uy “chuyển từ cái chân của kẻ làm thuê sang sự oai quyền của một bà mụ đỡ đẻ cho cả vùng…”. Ông Chép- chồng bà vì bị cá thần quở phạt mà chết thê thảm. Đón xác chồng chỉ còn thoi thóp, tím ngắt, bà mụ Mến “mệt mỏi rã rời và lòng nặng trĩu mối hờn tủi đau đớn”. Lòng người đàn bà ấy vừa xót thương cho ông chồng bạc mệnh, vừa xót xa thân mình: “Tôi sẽ là gái già cô độc. Tôi làm người ở góa. Người đời sẽ sợ tội, người ta sẽ bảo những hài nhi tôi đỡ không sống được sẽ oán tôi…”. Người mẹ ấy đau khổ vì chưa có kịp có được một mụn con, khát khao chính đáng mà tội nghiệp bởi sự nhận thức về cảnh ngộ tuyệt vọng của mình. Tương lai nhìn thấy trước của người nâng giấc sự sống nơi dòng sông Châu này dằng dặc buồn thương. Tâm trạng của bất cứ người đàn bà thường tình nào đã được nhận diện ở nhân vật bà mụ Mến một cách đầy cảm thông. Đó cũng là cơ sở của tình thương dạt dào, sự độ lượng chở che mà người mẹ dành cho thằng Lẹp quái thú. Nội tâm nhân vật bà mụ Mến có khi trải dài trên hàng mấy trang giấy. Một nhân vật có chiều sâu tâm lí vừa là người mẹ của đời thường vừa thánh thiện như mẹ Maria lòng lành: “Nét mặt bà đầy tư lự, hình như bà một cách không

chủ định, đang điểm lại những ca đỡ đẻ, một cuộc tổng kiểm kê đời mình chăng…”. Ca đỡ cuối cùng của đời bà lại phải chứng kiến quả báo của thằng Lẹp. Tâm hồn người mẹ ấy quanh quẩn đầy bức bối. Câu chữ xô đẩy, câu văn trường biểu đạt một cách tài tình mỗi lòng của người mẹ khổ đau. Bà đã trẫm mình xuống dòng Châu Giang bởi sự bế tắc, tuyệt vọng. Nhưng bà Mến thấy cái chết đón bà như một sự giải thoát của Chúa lòng lành. Người đã cứu bà ra khỏi cõi đời mà cái ác đang hiện hình ngay từ thằng con bà, đang xây những đài cao mà ngự trị. Xử lí diễn biến nội tâm nhân vật bà Mến lúc cuối đời, Đào Thắng đã hoàn thành việc tạo cho nhân vật một số phận riêng, một tính cách riêng chân thực thống nhất.

Tâm lí nhân vật trong năm tiểu thuyết viết về nông thôn thời kì đổi mới đã

chứng tỏ sự nhập thân của người viết vào bề sâu tâm hồn nhân vật. Thủy hỏa đạo

tặc của Hoàng Minh Tường là một phát hiện về kiểu nhân vật có tài, năng động mà

bất lực với thời cuộc. Trong số nhiều nhân vật được nhà văn dụng công xây dựng, chủ nhiệm Cơ là một nhân vật điển hình. Đó là một chủ nhiệm luôn tích cực, tháo vát với công việc chung, song cũng có đôi khi suy nghĩ về danh lợi, cơ hội. Anh là người có tinh thần tập thể, luôn phấn đấu vì lợi ích chung của tập thể. Nhưng những tính toán chứng tỏ trong anh có những ý đồ cá nhân, có khát khao địa vị, danh tiếng.

Nội tâm nhân vật có khi hiện lên qua cảm nghĩ của nhân vật khác. Người chị

của bà Son (Mảnh đất lắm người nhiều ma) đã cảm thấy sự bất an trong lòng người

em gái. “Chị Cả! Em khổ quá!... Gọi như thế là dì ấy đang cần một sự che chở bảo vệ. Ở vùng này người con gái mang tên tục của mình ngắn lắm. Ngay từ hôm bước chân về nhà chồng người ta đã quên mất tên cô rồi… Nhưng khi những người máu mủ ruột rà kêu lên bằng tên tục thì ngay những người đàn bà đù nhất cũng hiểu đấy không phải là tiếng gọi vui! Một cái gì nghiêm trọng lắm!... Người em gái của bà thì xinh đẹp từ thuở lọt lòng. Đến bây giờ đã ngoài 50 mà vẫn nở nang gọn gàng, vẫn tươi roi rói. Những rõ là ông trời so đo cò kè, cho dì ấy tí sắc tí duyên mà cứ như người kiệt cho vay lấy lãi. Cho đơn đòi kép. Cái vui của dì ấy không cõng nổi cái buồn. Đời dì ấy như bát cơm của kẻ khó, lổn nhổn ít gạo nhiều khoai!”. Qua cảm nhận của nhân vật người chị, nội tâm của nhân vật ấy cũng số phận, tính cách, tâm

trạng của đối tượng được nhân vật cảm nhận đều hiện lên sáng rõ. Đau khổ chồng chất trong đời bà Son đã đẩy bà đến chỗ Vai Cày bờ sông để giải thoát đời mình.

Thế giới tinh thần của nhân vật có khi được thể hiện thông qua cảm nhận của

nhân vật ấy trước thiên nhiên, cuộc đời. Trong Thủy hỏa đạo tặc của Hoàng Minh

Tường, Thanh là nhân vật được nhà văn chú ý khắc họa thông qua yếu tố tâm lí nhiều nhất. Cuộc đời Thanh có quá nhiều điều phải suy nghĩ, dằn vặt. Đó là nỗi đau khi người vợ mà anh hết lòng yêu thương thú nhận không “còn xứng đáng” với anh… Đó là sự căm thù đến tột độ kẻ đã phá hoại hạnh phúc gia đình anh. Đó là khi anh phải bỏ làng ra đi trong câm lặng. Đó là khi Thanh trở về làng quê, với đầy chiến công và vết thương trong lòng đã dần lành lặn thì lại đối mặt với sự nhọc nhằn để duy trì sự sống. Hiện thực cuộc sống nông thôn quê hương khiến anh phải suy nghĩ: “Có một cái gì xót xa, nhức nhối trong lòng Thanh. Bức tranh buồn thảm kia, ngày ở chiến trường có bao giờ anh nghĩ tới? Có bao giờ anh nghĩ rằng, ông cậu hiền lành và suốt đời yêu mảnh ruộng như chính bản thân mình kia lại có buổi chiều nhàn tản như chiều nay, ngồi lặng lẽ vuốt ve con bò riêng của ông với ánh mắt dịu dàng âu yếm đến thế. Đừng. Chớ vội bi quan mà phủ nhận tất cả. Con đường mương rợp bóng phi lao này, cánh đồng vuông vức từng ô thửa như bàn cờ kia, những mái ngói san sát còn chưa kịp phủ lên lớp rêu mốc của làng anh kia nữa… Sẽ chẳng có như bây giờ, nếu không có một quan hệ sản xuất tập thể”. Đã có lúc, Thanh như ông Trạc – đã buồn bã chán nản với lối làm ăn của địa phương. Song cũng chính anh không thể phủ nhận sạch trơn thành quả của nó, và thực tế vẫn còn hiện diện rõ ràng ở đó. Tâm trạng có phần lạc quan tin tưởng ấy đã khiến bức tranh đồng ruộng xóm làng trở nên đẹp và hữu tình hơn.

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết viết về nông thôn thời kì đổi mới (qua một số tác phẩm đoạt giải (Trang 55)