Tô Hoài đặc biệt giỏi trong nghệ thuật tạo không khí. Đặc sắc của nhà văn, một phần phụ thuộc vào cách tạo các lớp không khí cho tác phẩm. Có nhiều lớp không khí khác nhau: không khí của thời đại, không khí như một môi cảnh giao tiếp, không khí để độc thoại và đối thoại, không khí để tái dựng các chân dung, không khí để thực hiện các xen ngoại đề, bình luận... Viết về người hay vật, viết về cổ hay kim, Tô Hoài đều biết cách đặt chúng trong không khí nào. Màu sắc đời sống, không khí lịch sử trong truyện của Tô Hoài ám rất sâu vào tâm trí người đọc vì đó là thứ không khí toát lên từ tình thế, từ các chi tiết rất gần gũi đời thường. Biệt tài dựng không khí truyện của Tô Hoài trước hết và rõ rệt nhất được thể hiện trong việc làm sống lại không khí lịch sử của thời kì đã qua.
Ở Ba người khác, Tô Hoài đã sử dụng một hệ thống ngôn ngữ để làm sống lại không khí của thời kì cải cách ruộng đất đã lùi xa gần nửa thế kỉ. Trước hết ta nhận thấy không khí ấy qua cách tác giả đặt tên các địa danh : Hải Dương, Kiến An, Nông Cống, Quỳnh Côi, vùng “200 ngày”. Đó là các địa danh đã từng diễn ra cuộc cải cách ruộng đất. Những danh từ chỉ giai cấp, tầng lớp xuất hiện lặp đi lặp lại trong tác phẩm. Đó là bần cố nông, cố nông, trung nông, địa phú, “anh đội”, “rễ”, “chuỗi”. Và việc làm trong đợt cải cách được tác giả kể lại qua một hệ thống các từ ngữ hiện nay trong đời sống của chúng ta không còn dùng: bắt rễ, xâu chuỗi, công tác ba cùng, cụng đầu tố khổ, đấu địa chủ, hủ hóa, cắm thẻ nhận ruộng, chia quả thực, mít tinh xóa bỏ giai cấp địa chủ, kết nạp đảng viên cho rễ chuỗi. Ta thấy các
khẩu hiệu, các diễn ngôn như thế này: “vì nông dân quyết chiến thắng”, “giải phóng nông dân lao động khỏi ách địa chủ, phong kiến”, “Cải cách ruộng đất thắng lợi, sửa sai và tiến lên”, “mít tinh tuyên bố xoá bỏ giai cấp địa chủ toàn xã”, “Hoan hô giai cấp nông dân! Kiên quyết tử hình Việt gian”(Ba người khác) chỉ có thể diễn ra thời cách mạng và đặc biệt là trong thời kì cải cách trên miền Bắc. Không khí sôi sục của thời kì cải cách đã được tái hiện qua các từ ngữ này. Chính lớp ngôn ngữ ấy, cùng với tính cách của các nhân vật, và hệ thống các sự kiện, chi tiết đã dựng lại một cách chân xác bức tranh đời sống của con người, của thời đại khi nước ta thực hiện cuộc cải cách.
Ta không thể quên được cảnh phiên chợ Phiềng Sa với những cảnh đời tủi nhục đau khổ của những người dân vùng cao. Bộ mặt của xã hội cũ được miêu tả bằng thứ ngôn ngữ chân thực, giản dị nhưng gợi cho đọc những xúc cảm, những cảm thông chia sẻ với số phận buồn tủi, nhếch nhác của người dân tộc, và sự căm phẫn với bọn thống lý, bọn chủ buôn khi chúng bóc lột, chè chén no nê trên nỗi khổ của người khác: “Những cô gái nghèo chẳng có váy áo mới để thay thì vẫn đi thẳng (…). Người hút thuốc phiện nằm ngổn ngang trong các lều giữa bãi, rì rầm những chuyện bán súng và bán lậu bạc trắng (…). Tiếng súng bắn thử, tiếng chửi, tiếng cười, tiếng kêu khóc của những người đằng kia chen nhau vào mua muối, tiếng khèn rờn rợn nhảy tập tòe suốt ngày ” (Miền Tây). Chỉ có ở miền núi, cũng chỉ có ở thời kì trước khi cách mạng về thì mới có những cảnh hỗn loạn, nhố nhăng, buồn tủi như vậy xảy ra. Và Tô Hoài đã gợi được lại được không khí thời kì đau khổ trước Cách mạng của người dân qua những trang miêu tả với ngôn từ rất đỗi gần gũi, không một chút mài dũa.
Hẳn người đọc không thể quên những trang miêu tả hương hồi của đất Lạng Sơn. Trong chương đầu đó, tác giả đã tạo dựng được không khí đau thương, mất mát của dân tộc trong thời kì tiền khởi nghĩa nhưng trong đó vẫn ẩn khuất niềm hy vọng, tin tưởng vào ngày mai tốt đẹp. Các từ ngữ chỉ sự đen tối, màu xám xịt xuất hiện liên tục “nửa đêm kia”, “trong bóng tối”, “từ nửa đêm”, “bóng tối chập choạng”, “Đêm càng xuống, bóng tối trong các hang núi đá bò ra đen sẫm” “đen
bóng những mồ hôi”, “mờ vào bóng tối”, kết hợp với âm thanh của tiếng ngựa “nhong nhong tiếng ngựa”, “tiếng nhạc xoang xoảng”, “tiếng nhạc ngựa đằng xa lanh canh”, “cái xe ngựa lại lọc cọc”, “vừa thở vừa hí vang” và âm thanh hỗn loạn của “tiếng quát chửi ầm ĩ”, “tiếng trống mở đố chữ đánh thùng thùng”. Những âm thanh ấy ẩn hiện, vang lên trong bóng đêm như tiếng kêu than đau khổ của đồng bào, của nhân dân trước sự kìm kẹp, đô hộ của thực dân, của phong kiến. Tuy vậy, trong không khí buồn thương ấy vẫn le lói tia hy vọng qua sự hòa quyện của tiếng gió và mùi hồi đưa lại “mùi ấm và thơm lạ lùng”, “mùi thơm nồng nàn đến tận óc”, “cơn gió sớm đẫm mùi hồi”, “gió càng thơm ngát”, “mùi thơm trong vắt lượn quanh”, “mùi hồi chín chảy qua mặt”, “gió hồi miên man về”, “mùi hồi càng quẩn nặng như khói bếp trên các làng xóm” (Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ).
Câu chuyện cổ tích Quả dưa hấu đã in sâu vào tâm trí của mỗi chúng ta và giờ đây nó được Tô Hoài làm sống dậy qua tiểu thuyết Đảo hoang. Tác giả đã dựng lại cả một thời huyền sử xa xưa mang lại cho người đọc âm hưởng vừa hào hùng, vừa lãng mạn như bản ca đi mở đất của vua Hùng. Ta như được sống trong thời kì của huyền thoại, của những anh hùng. Trước hết không khí ấy được tác giả dựng lên qua một lớp từ ngữ cổ: “chàng”, “nàng”, “vua cha”, “mưu sĩ”, “”quan lạc tướng”, “quan quân”, “anh lính dõng”, “mười lăm bộ”, “kinh đô” “quan văn quan võ”, “kiệu”, “trảy kinh xem hội” “tâu”, “chủ tướng”, “lính tuần”. Và sau đó là âm thanh của tiếng chiêng đấu vật “Bi... ly... bi... ly... Tiếng chiêng âm vào núi, dội lại” ; tiếng trống từ mặt nước vang lên “Bùng... bi... bi... bùng...” – “tiếng trống uy nghiêm gióng lên, âm vang đi, lại tưởng trăm nghìn vạn cỗ xe trâu sầm sập đổ xuống, không lúc nào ngớt”; tiếng ốc tù rúc lên lúc thâu canh” tù và... tu... tu...”. Đó là âm thanh của những vật mà đến giờ nó chỉ còn được trưng bày trong bảo tàng. Tác giả đã đưa tiếng của những loại nhạc cụ này vào tác phẩm, nó đại diện cho tiếng của ngàn xưa, tiếng của âm vang lịch sử. Qua những âm thanh đó, người ta như cảm được cái không khí hào hùng, vang dội của lịch sử cha ông, của những triều vua Hùng oanh liệt. Đó là một cách để thu hút độc giả dần dần chìm vào câu chuyện của thời huyền sử xa xưa. Cùng với tiếng chiêng, tiếng trống là âm thanh
của con người. Để diễn tả thành công cuộc sống ngoài đảo của gia đình An Tiêm, tác giả dùng tiếng hú : “hú….hú…hú…”. Đó là tiếng của An Tiêm và Mon gọi tìm nhau trong thất lạc, cũng là thứ ngôn ngữ đặc trưng của người rừng, của những bộ tộc sống lâu trong hang hốc, rừng núi. Để gợi ra không khí của một thời kì mà việc mở đất là hệ trọng, tức là bốn cõi sóng nước, biển khơi, rừng núi đang còn hoang vu, tác giả đã đệm cùng tiếng chiêng, tiếng trống là âm thanh của thiên nhiên. Đó là tiếng sóng biển, tiếng nước sông, tiếng suối, tiếng ve núi, tiếng hươu nai… “Tiếng ve! Tiếng ve kêu! Nghe thấy chưa? Tiếng ve! Mọi người lắng tai, nghe lẫn trong tiếng suối róc rách, nếu không để ý kỹ không biết được, từ nguồn nước xa đưa lại tiếng con ve núi giọng kim kêu lanh lảnh. Tiếng ve núi giọng kim trong vắt, thường núi nào cũng có ve kêu lúc xẩm tối dưới gốc cây, ve kêu nửa đêm trên lưng cây”. Đó còn là cách tác giả miêu tả hành động và trang phục của gia đình An Tiêm trên đảo “An Tiêm đi trước, lưng giắt con dao. Mon theo bên bố. Gái bước cạnh Mon và Nàng Hoa, vắt cái tay nải nhẹ nhàng trên vai… “lớp sợi tơ ra như sợi bông, bết thành nạm trắng xám, càng phơi, nạm tơ sui càng kết lại(...) Thừa bao nhiêu, buộc từng mảnh, thế là mỗi người còn được cái chăn đắp. Váy áo vỏ sui trắng bệch, trắng xám, ai trông cũng lúi húi, lọm khọm như nhà gấu trắng ở núi (…). An Tiêm đeo cái ống nước dài như chiếc đòn ống, lưng giắt dao, hai tay xách hai cái lao trúc. Nàng Hoa theo sau, vác những buộc dây thịt khô, những bọc măng khô. Cái Gái đeo thêm cái mo nang bọc xống áo. Đi suốt mấy ngày, đêm ngủ lại đâu thì đốt lên đống lửa to”. Đặc biệt Tô Hoài đã sử dụng một hệ thống các từ ngữ, câu chỉ thời gian mà tính bằng ngày, tháng, mùa…Nó thực sự có tác dụng gợi lên cái không khí của thời kì xa xưa khi cha ông ta dựng nước. Không phải tính bằng giây, phút, giờ như con người hiện đại bây giờ. Ta thấy để diễn tả thời điểm các buổi trong ngày tác giả dùng những cụm từ: “Trời đã sáng hẳn... đã quá nửa đêm… chiều xuống”. Để thể hiện sự trôi chảy của thời gian mà người xưa không dùng đồng hồ, họ chỉ có thể dùng mùa, theo dõi mặt trăng, mặt trời để biết sự trôi chảy của thời gian: “Chẳng biết nằm như thế đã mấy ngày mấy đêm hay hàng tháng rồi”; “Rồi hôm sau”, “Mấy mùa nắng rồi”, “Mùa nắng đã lại đến”, “Mùa gió bấc đưa thuyền bè và những đàn
sếu, đàn bồ nông về phía nam”, “Chẳng bao lâu, lại sắp bắt đầu những ngày mát trời”, “Ngày lại năm, lại đến mùa mát trời”, “Ngày tháng qua”, “Lại có đến mấy năm nữa qua”, “Bấy giờ lại đương còn những ngày thanh thả đầu năm”, “Năm sau, đến mùa gió bấc thổi”. Cứ mỗi chương, mỗi một sự kiện lớn tác giả lại dùng những cụm từ đếm thời gian như trên. Lớp từ đó như minh chứng cho thời kì ở ngoài đảo của An Tiêm là không kể ngày, kể tháng, kể năm, không thể đong đếm chính xác. Chẳng biết nó từ bao lâu, nhưng qua đó tác giả muốn thể hiện tinh thần, ý chí, nghị lực của con người mới là điều quan trọng, dù có bao mùa qua đi, gia đình An Tiêm vẫn sống, vẫn khỏe mạnh và tràn đầy hy vọng. Qua lớp ngôn ngữ biểu hiện thời gian bằng những con số ước lượng ấy, tác giả muốn thể hiện tinh thần sức mạnh lớn lao của dân tộc, truyền thống chiến đấu chống thiên nhiên, chống ngoại xâm, giành quyền sống và phát triển qua tất cả các đời. Đó là bản hùng ca sôi nổi từ nghìn năm dựng nước tới nay trên bờ biển.
Tô Hoài đã xác lập được một nhãn quan ngôn ngữ tự sự cho chính bản thân ông. Cũng giống như chàng thợ sơn guốc Kim Lân, thuở nhỏ, Tô Hoài không có điều kiện học hành. Đó là một thiệt thòi lớn. Nhưng ông đã biết cách bù lại bằng khả năng tự học mà nếu không bền chí, hẳn ông đã rất khác so với một Tô Hoài vạm vỡ hôm nay. Với ông: “Học chữ và tiếng nói là cần thiết. Trong ba cửa: tiếng nói quần chúng, tiếng nói trong vốn cũ và trong vốn nước ngoài, học tiếng nói quần chúng là quan trọng hơn cả”. Nhờ ý thức bám lấy ngôn từ của đời sống và dám tạo nên những cách nói mới mà văn Tô Hoài có khả năng gây ám ảnh. Ai kia viết văn có thể tùy hứng, Tô Hoài thì không. Ông có ý thức nghệ thuật riêng.. Có thể, cái kinh nghiệm này của Tô Hoài chưa chắc đã ứng hoàn toàn với các nhà văn khác. Nhưng với ông, đó là một quan niệm, và quan niệm ấy hiệu quả với con đường viết văn của chính ông.
KẾT LUẬN
Nói đến Tô Hoài, người đọc nhớ ngay đến Tô Hoài của những sáng tác về Hà Nội, Tô Hoài với miền núi Tây Bắc, Việt Bắc, Tô Hoài của Dế Mèn phiêu lưu ký
và những sáng tác cho thiếu nhi, Tô Hoài của hồi ký tự truyện. Trong cái thế giới nghệ thuật hết sức đa dạng ấy, về mặt thể loại, không thể không nói đến tiểu thuyết. Bởi thể loại này là sự tích tụ không chỉ tâm huyết một đời của nhà văn, mà còn là sự tích lũy về mọi mặt của nghệ thuật có từ các thể loại khác, đặc biệt là truyện ngắn. Cũng ở tiểu thuyết, ta bắt gặp hầu hết các đề tài quen thuộc mà Tô Hoài thường khai thác. Qua khảo sát, phân tích bốn phương diện của nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết của Tô Hoài (nghệ thuật tổ chức cốt truyện, nghệ thuật xây dựng nhân vật, người kể chuyện và ngôn ngữ trần thuật), chúng tôi nhận ra sự phát triển có tính chất tiếp nối, kế thừa, thống nhất về nghệ thuật trần thuật trong tiểu thuyết Tô Hoài.
Dù là thể loại truyện ngắn, bút kí, tự truyện hay tiểu thuyết, dù là đề tài miền núi, thời huyền sử hay cải cách ta đều nhận thấy một điểm thống nhất trong nghệ thuật tổ chức cốt truyện của Tô Hoài. Đó là một dạng cốt truyện không có sự phức tạp, ít những sự kiện, biến cố quan trọng và do đó ít những tình huống kịch tính, gấp gáp, căng thẳng. Tô Hoài không hấp dẫn độc giả bằng các thủ pháp mới lạ trong cách viết, trong nghệ thuật kết cấu tác phẩm. Nhà văn cứ để dòng đời trên trang sách trôi chảy tự nhiên, nhiều khi khá lặng lẽ, với nhiều quãng dừng, mạch rẽ ở những chỗ miêu tả sinh hoạt, phong tục thiên nhiên. Mạch truyện vì vậy thường chậm, ít có những chỗ được đẩy tới căng thẳng, những cao trào. Cốt truyện mà Tô Hoài hướng đến chính là cốt truyện của “đời sống hàng ngày”. Cuộc sống dung dị tự nhiên như nó vốn thế: có mọi thứ của sinh hoạt đời thường, vặt vãnh, cái tốt đẹp và cái tầm thường, có đời sống xã hội, vận động của lịch sử và đời sống thế sự, sinh hoạt phong tục. Tất cả được trải đều trên trang sách từ đầu tới cuối. Dạng cốt truyện ấy cũng thường vận động theo một chu trình đi từ tối ra sáng, từ khổ đau đến hạnh phúc, từ thất bại đến thành công. Trong mạch thống nhất, tiếp nối ấy, nhà văn đã thể hiện sự lĩnh hội cái mới, phát triển nó trên nền cái cũ. Từ cốt truyện nghiêng hẳn về hành động, sự kiện (Đảo hoang, Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ), đến cốt truyện có sự
kết hợp đan xen sự kiện, hành động với tâm lý (Miền Tây, Ba người khác). Từ cốt truyện được trần thuật theo dòng thời gian tuyến tính(Đảo hoang, Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ) đến cốt truyện có sự đảo ngược thời gian (Miền Tây) và thời gian bị xáo lộn theo dòng hồi tưởng của nhân vật (Ba người khác). Mạch vận động của cốt truyện cũng có sự kế thừa phát triển qua các tiểu thuyết. Ở ba tiểu thuyết viết trước thời kì đổi mới (Đảo hoang, Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ, Miền Tây) ta thấy mạch truyện vận động từ ra đi đến trở về; từ gian khổ, khó khăn, đến thành công, trưởng thành; từ đau khổ, tủi nhục đến vui tươi, yên bình. Nhưng sang đến Ba người khác
mạch vận động không còn tuân theo quy luật ấy nữa mà đã biến đổi gần với hiện thực cuộc sống, đầy góc cạnh, gân guốc với những sự việc bắt đầu đã đen tối, và kết thúc cũng mịt mờ, không ánh sáng. Như vậy, cốt truyện không dừng ở những sự vận động là luôn luôn hướng bắt đầu từ cái xấu, cái khổ đến cái tốt, cái hạnh phúc mà nó đã có sự phát triển tuân theo quy luật của cuộc sống hiện thực. Điều đó càng làm cho tiểu thuyết của Tô Hoài gần với tạng tiểu thuyết hiện đại hơn.
Ở nghệ thuật xây dựng nhân vật, ta nhận thấy có điểm chung ở các tiểu thuyết của Tô Hoài đó là các nhân vật được chú trọng miêu tả về ngoại hình và hành động. Thông qua đặc điểm về ngoại hình, hành động người đọc nhận ra bản chất của nhân