Ngôn ngữ là phương tiện đặc trưng kiến tạo nên văn bản nghệ thuật. Nó không chỉ là chất liệu để sáng tạo ra thế giới nghệ thuật mà nó còn là một trong các yếu tố thể hiện rõ nét cá tính sáng tạo của nhà văn. Trần thuật là phần lời của tác giả, của người trần thuật. Ngôn ngữ trần thuật do vậy là nơi bộc lộ ý thức sử dụng ngôn ngữ có chủ ý của nhà văn, thể hiện quan điểm của tác giả hay quan điểm của người kể chuyện đối với cuộc sống được miêu tả. Ngôn ngữ trần thuật có những nguyên tắc thống nhất trong việc lựa chọn các phương tiện tạo hình và biểu hiện ngôn ngữ để thể hiện cảm xúc, quan điểm của tác giả. Ngôn ngữ trần thuật là yếu tố cơ bản thể hiện phong cách nhà văn, truyền đạt cái nhìn, giọng điệu, cá tính của tác giả. Mỗi
câu, mỗi chữ trong tác phẩm có thể chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa, nhiều cách giải thích. Ngôn ngữ trần thuật còn là ngôn ngữ đa thanh vì đặc trưng của ngôn ngữ văn xuôi là sự tác động qua lại rất phức tạp giữa tiếng nói tác giả, người kể chuyện và nhân vật, giữa ngôn ngữ miêu tả và ngôn ngữ được miêu tả.
Trong tiểu thuyết của Tô Hoài, lời dẫn của người kể chuyện thường chiếm ưu thế hơn lời thoại của nhân vật. Vì vậy, đề cập đến vấn đề ngôn ngữ trong tiểu thuyết của ông chúng tôi thiên về phân tích ngôn ngữ của người kể chuyện. Người kể chuyện trong tác phẩm ít nhiều đều mang bóng hình của tác giả, do đó ngôn ngữ của người kể chuyện là sự sáng tạo của tác giả. Tô Hoài là người luôn “lượm lặt” những sự việc trong đời sống thường ngày và đưa chúng vào tác phẩm một cách có nghệ thuật do đó ngôn ngữ trong tác phẩm của ông là thứ ngôn ngữ không một chút dụng công, không trau chuốt, cầu kì, kiểu cách mà giản dị như chính cuộc sống đời thường. Tìm hiểu ngôn ngữ trần thuật trong tiểu thuyết của Tô Hoài chúng tôi thiên về tìm hiểu thứ ngôn ngữ “quần chúng” ấy.